Ngôn ngữ đối thoại giàu tính triết luận

Một phần của tài liệu Yếu tố tính dục trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 83 - 86)

CHƯƠNG 2. TÍNH DỤC VỚI CÁCH XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ

3.2. TÍNH DỤC – TÁC NHÂN HÌNH THÀNH MỘT ĐỘNG HÌNH NGÔN NGỮ ĐỘC SÁNG

3.2.2. Ngôn ngữ đối thoại giàu tính triết luận

Đối thoại là một dạng lời phát ngôn trực tiếp, mang tính cá thể hóa cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp. Trong tiểu thuyết, không phải mọi lời thoại nhân vật đều giữ nguyên như những giao tiếp trong đời sống. Lúc này, lời thoại của nhân vật đã được nhìn nhận dưới cái nhìn chủ quan của người kể chuyện.

Tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú với nhiều lối khai mở đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật ở nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm nên cũng cởi mở trong đối thoại. Tác phẩm của anh có tính đối thoại cao bởi thông qua đối thoại, nhà văn lí giải căn nguyên cảm giác cô đơn của các nhân vật. Cùng với nhiều lối khai mở là nhiều lối thể hiện phù hợp với câu chuyện kể. Viết về sự hoang hoải, những ẩn ức trong cuộc sống của giới trẻ, nhà văn tiềm nhập vào những miền khuất lấp nhất. Ở đó, tâm trạng nhân vật trải dài trong dòng ý thức rối bời, vì vậy ngôn ngữ đối thoại cũng có nhiều biến dạng. Các điểm nhìn đan xen nhau và khi được kể lại, lời nhân vật đã xâm nhập vào lời trần thuật, trở thành lời người kể chuyện. Vì vậy, lời thoại tất yếu cũng chuyển thành lời kể:

“Cháu không gần đàn ông được”, em bảo với ông ấy thế. Nhưng ông ấy lại động viên em, rồi sẽ có tình cảm, rồi sẽ ở được với nhau, con người ta ở đâu cũng thế thôi, cần phải có đôi có lứa cháu ạ. Em bảo, nếu cần có đôi thì cháu chọn người Việt, thiếu gì, đâu cần phải sang làm dâu mãi bên đó? (…). Cháu phải ra đi. Chuyến đi của cháu mới chỉ bắt đầu mà chưa kết thúc. Một sự bắt đầu tàn nhẫn. Bây giờ cháu phải kết thúc chuyến đi đó. Chuyến đi định mệnh của đời cháu. Cháu dừng lại như thế quá lâu rồi. Bác chỉ toàn thấy những điều không hay ở cái nơi mà cháu tạm dừng này thôi [55, 384].

Đối thoại còn ở dạng kể gián tiếp, chủ yếu thông qua hình thức giao tiếp tâm tưởng, hay còn gọi là đối thoại nội tâm. Người kể chuyện cũng tham

gia giao tiếp. Do đó, giữa những lời đối thoại, có khi vẫn có những phát ngôn lạc khỏi giao tiếp – những phát ngôn mang tính độc thoại của người kể chuyện. Vì vậy, đối thoại trong trường hợp này không còn mang chức năng giao tiếp, không phải là ngôn ngữ nhân vật mà chính là lời tự vấn, tự thú, dòng tâm trạng chảy thành ngôn từ của người kể chuyện: “Tóc tai, quần áo, đồ nữ trang, mỹ phẩm giúp con nổi bật trong đám đông. Nhưng con không nghĩ ngợi nhiều về cái vẻ bề ngoài ấy. Đó chỉ là hình thức. Hình thức ấy không cứu nổi một nội tâm thao thức bởi sự chết [55, 15].

Kể lại đoạn đối thoại và thậm chí lược bỏ luôn sự hiện diện các chủ thể tham gia giao tiếp thông qua chỉ dẫn của người kể chuyện cũng là một trường hợp của ngôn ngữ đối thoại trong lời người kể chuyện:

- Nhưng thực chất đó chỉ là sự gặp gỡ chốc lát của loài thú hoang.

Tình yêu là khái niệm không tồn tại trong bọn tớ lúc ấy.

- Nhưng các cậu có thể yêu nhau theo kiểu bản năng?

- Bản năng thì không có định hướng, không có sự chung thủy, cũng không có kết cục nào đang chờ đợi ở phía trước cả [55, 242].

Và:Thế theo cậu thế nào mới là bi kịch?” – Tôi hỏi Đại. “Đói khát.”

“Gì nữa?” “Suốt đời không tìm được cái mà mình cần tìm” [53, 51].

Trường hợp thường gặp nhất là người kể chuyện lược lại lời thoại của nhân vật bằng lời kể:

Có hai loại người đến đây với tôi. Căn cứ vào tiếng rên của họ mà tôi chia ra như vậy. Loại thứ nhất rên nhẹ, ư ử suốt cuộc hành lạc. Loại này vốn sinh ra đã lựa chọn xu hướng tình dục này rồi. Và đến đây họ được thỏa mãn (…). Loại thứ hai không biết rên là gì mà chỉ hét lên tìm sự khoái cảm trong đau đớn. Loại này sinh ra có xu hướng tình dục tự nhiên, nhưng vì ham muốn vô độ, đua đòi tráng tác, thích tìm cảm giác lạ, khác người mà đến đây (…). Còn bạn khác họ. Trong suốt hành

trình nhích lên từng bước tìm tới thiên đường bạn chỉ im lặng (…). Bạn là một người cô đơn. Chỉ có những kẻ cô đơn tận cùng mới câm nín như thế trong khi hành lạc [53, 314].

Dễ thấy rằng hạt nhân làm bùng nổ tính đối thoại trong ngôn ngữ tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú là sự lật trở, soi rọi về tính dục dưới một lăng kính, tâm thế mới. Người viết, bằng việc để nhân vật tự bộc lộ, tự mình chiêm nghiệm đã tạo được chiều sâu, tính phản biện cho tác phẩm, góp phần mới hóa, hiện đại hóa chất liệu văn xuôi đương đại.

Một phần của tài liệu Yếu tố tính dục trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 83 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)