Không gian tâm lí, tâm linh – nỗ lực khám phá con người bên trong

Một phần của tài liệu Yếu tố tính dục trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 55 - 60)

CHƯƠNG 2. TÍNH DỤC VỚI CÁCH XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ

2.2. TÍNH DỤC – HẠT NHÂN XÂY DỰNG KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT

2.2.2. Không gian tâm lí, tâm linh – nỗ lực khám phá con người bên trong

Trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú, không gian đời thường là nơi tính dục ươm mầm và nảy nở, nhưng song hành cùng những thăng hoa giao hoan là cả thế giới nỗi niềm, ẩn ức. Đây là cơ sở cho sự tồn sinh của một kiểu không gian khác nằm ngoài sự nắm bắt của bản thân, ẩn giấu trong miền vô thức của con người.

Không gian tâm lí, tâm linh được Nguyễn Đình Tú tái hiện thành những hình tượng nghệ thuật đặc hữu để khắc họa rõ nét tính cách và tâm lí nhân vật, khiến chiều kích đời thường được mở rộng ở bề sâu của nó. Việc tác giả làm mờ tình huống sex bằng các hình ảnh gợi tình không chỉ đạt đến hiệu quả thẩm mĩ mà còn có chức năng liên kết xuyên suốt, đưa ẩn ức vào mạch chảy dai dẳng trong cõi hồn mỗi người. Ở đây, tâm lí, tâm linh hòa quyện giữa hư và thực. Nhân vật sống đời sống tình dục trong thực tại, quá khứ và cả trong giấc mơ.

Nuôi dưỡng hình ảnh đẹp về mối tình xưa trong trắng với cô bé Thảo, Đại luôn chất chứa thủy chung từ trong vô thức. Mặc dù đến với Duyên, sống đời sống tình dục cùng cô, nhưng ở Đại cái cảm giác là người yêu mình vẫn rất mơ hồ. Trong giây phút thăng hoa khoái lạc, trong vô thức, hình ảnh Thảo hiện lên qua không gian kí ức: “Đại đã cất mình bay lên đến đỉnh trời. Bẩy sắc cầu vồng quấn quanh người Đại và những vì tinh tú từ vòm trời bao la kia

tới tấp lao vào mắt Đại (…). Từ trên cao Đại bị quăng xuống đỉnh núi. Từ đỉnh núi Đại lại tiếp tục bị hất xuống chân ruộng” [53, 146].

Không những với Duyên, mà với bất kì ai, khi cảm xúc tình dục đạt đến cực lạc thì Đại lại chìm sâu vào không gian tâm lí; ở đó nhân vật thỏa sức giải tỏa những dồn nén, ẩn ức trên hành trình tìm lại “đôi mắt nâu tròn”. Lúc này, không gian khoáng đạt cùng thiên nhiên Phố Núi lại hiện lên trên manh chiếu góc căn phòng nhỏ của Đại với giây phút thần tiên cùng Thảo một vé: “Cả hai đáp xuống một bãi cỏ mênh mang ẩm ướt bên một triền đồi loang lổ nắng”

[53, 228].

Nhân vật Nguyễn Đình Tú gặp gỡ nhau ở điểm chung của những vết thương lòng sâu hoắm. Ở đó, họ sống đời sống tình dục phóng khoáng, cởi mở như lấp đầy những lỗ hổng tâm hồn. Nhưng càng cố lấp, khoảng trống càng sâu hun hút. Chính không gian bên trong của tâm lí, tâm linh đã mở ra thế giới tâm hồn rối bời của cõi người, để họ nhận thấy thiếu khuyết của chính mình. Ẩn giấu sau vẻ bề ngoài trí thức của Thạch là thú vui bệnh hoạn của nỗi niềm thù hận, của khát khao khẳng định. Đuối sức trong mối quan hệ với Yến, thức nhận rõ sự bất lực trong khả năng của chính mình, đời sống tình dục của Thạch gắn liền với không gian Tây Bắc vời xa cùng những nụ hoa mộc miên như một sự bù trừ hư ảo:

Những bông hoa mộc miên rơi lả tả lên người tôi (…) và căn phòng chao nghiêng theo chiều rơi của những bông hoa gạo xứ Tây Bắc. Tôi thấy mình như chiếc giỏ không, rơi xuống, nảy tưng tưng trên triền đồi (…). Nhưng tôi hiểu rằng hôm nay Yến chưa đi hết câu chuyện về những bông hoa mộc miên của mình trên chiếc giường này [53, 189].

Yến và vết thương lòng để lại biến anh thành nô lệ của những ham muốn bệnh hoạn. Tìm hiểu về dương vật, Thạch thả trôi, bán linh hồn cho lối

sinh hoạt khác thường cùng Galacloai. Ở đó, Damocoi là Thạch “buông mình rơi tự do vào niềm khoái thú lạ lùng”. Anh “không còn là cái giỏ rỗng không nảy tưng tưng trên triền núi, rơi tun hút xuống khe sâu nữa. Cái giỏ đã lại được xếp vào đó đầy những nụ hoa hình đài sen và tôi luôn phải dướn lên trước những cú ngậm rợn người của rắn” [53, 218]. Điều này thật khác với không gian tâm lí gắn với những bông hoa mộc miên trong tận cùng ẩn ức khi Thạch thường trực hướng vọng về Yến – người tình “hụt hơi”, tình yêu đầy mặc cảm của anh.

Đến với Melơni và khát khao chinh phục người đàn bà ngoại quốc bằng bản lĩnh tình dục, dựa vào viên thuốc của Galacloai, không gian mờ ảo của những bông hoa mang nỗi niềm nhược tiểu hiện rõ dần lên trong khát khao khẳng định giống nòi trong Thạch:

Cái giỏ đựng hoa mộc miên của hắn lại đầy ắp rồi... Những bông hoa mộc miên đã lại xoay tròn và đang bắn lên không trung. Hắn chạy theo giữ lại những nụ mộc miên đỏ bầm nhưng chẳng thể giữ lại được.

(…) Viên thuốc ấy hoàn toàn đánh gục một người phụ nữ có đôi mắt màu xanh, màu của đại dương mênh mang khao khát bầu trời [53, 250].

Cùng nỗi ám ảnh quá khứ, nhân vật Nguyễn Đình Tú sống không trọn vẹn những cảm xúc nhục dục. Diệu trở về từ chuyến đi trong nỗi ám ảnh:

“Trên em, dưới em là hai, ba con giao long đầu người đang gào rú những tiếng quái đản, ngập ngụa nhục dục” [54, 77]. Từ đó, thỏa mãn sex trong cô vượt khỏi tầm kiểm soát mà chỉ cảm xúc yêu thương mới có thể chạm đến.

Không gian biển cả với đàn giao long trở lại nhiều lần trong sự gượng ép cảm xúc và trong vô thức thù hận: “Hai mắt em hoa lên. Em thấy mình như đang dập dềnh trên sóng nước. Cơ thể em đang nằm dưới một con giao long gớm ghiếc. Những cẳng tay, cẳng chân đầy lông lá của nó đang quắp lấy em” [54, 277].

Hay đối với Hưng mã, qua rồi cái thời ngây ngất với bức họa bì, cô cũng khát khao tìm lại cảm giác thỏa mãn, nhưng cuối cùng “những thập thò khủng khiếp đã lại bám lấy vỏ não em. Những cánh tay trần lông lá. Những thân người nhão nhoét, lạnh giá, tanh tưởi. Biển dập dềnh dưới thân em” [54, 381].

Bi kịch của Diệu kéo dài trong sự đốt cháy khả năng thỏa mãn tình dục.

Nhiều lần kìm nén nhưng là phụ nữ, Diệu cũng có khao khát thầm kín. Đến với Đinh, nhưng chỉ mới chạm vào cảm xúc thì không gian tâm lí đã lấn át đi dục vọng: “Biển như đang dập dềnh dưới thân thị. Bụng dưới thị căng lên như mặt trống” [54, 349].

Ngoài không gian tâm lí tồn tại trong những ám ảnh và ẩn ức của nhân vật, sự dồn nén còn đi sâu vào thế giới tâm linh, thể hiện qua những giấc mơ.

Đây là tấm gương phản chiếu những hi vọng le lói trong sâu thẳm đáy lòng với ham muốn ẩn sâu và cả những khát khao yêu đương thầm kín. Qua giấc mơ, con người bộc lộ hết bản chất thật của mình. Cũng trong giấc mơ, một không gian ảo hiện lên cùng nỗi lòng nhân vật. Ám ảnh nhược tiểu đi vào giấc mơ với bi kịch của hai cha con Thạch. Trong “ngôi làng vắng tanh”, nỗ lực của hai người là “đốt đống rơm ấy lên” bởi khát khao “nếu nó không thiêu cháy con thì đàn bà làng này mới trở về” vì “con trai làng khác chịu nóng rất giỏi. Con phải giỏi như chúng nó” [53, 197].

Nhân vật của Nguyễn Đình Tú là cả một thế hệ trẻ đang sống gấp gáp, nhọc nhằn, khắc khoải ở đô thị Việt, với những chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều quan điểm thay đổi từng giờ và nhiều trào lưu ngoại nhập… Ở đó, con người đang sống bằng những thể nghiệm cảm xúc, những cơn bấn loạn, những cái điên thoáng chốc và những dằn vặt lâu dài. Quỳnh trong Kín dù tìm về với gia đình sau ngày tháng lăn lộn kiếm sống nhưng không thể tìm cho mình lí tưởng sống. Cô buông thả, khẳng định sự tồn tại bằng khoái lạc trần gian. Cao

trào diễn ra khi khát khao tìm về kí ức trong cô bùng cháy. Trong hành trình đó, Quỳnh trôi giữa thực và ảo, không gian đan xen tưởng như mơ nhưng hóa ra lại rất thực. Đó là chốn tâm linh trong điện thờ Mẫu với những cảnh tượng thờ cúng, lễ hội, hầu đồng…; là sự trộn lẫn thiêng liêng và phàm tục, bát nháo. “Giữa bầu không khí chờn vờn này, con người bỗng dưng trở nên hết sức khó hiểu, nó trôi giữa ham muốn và chán nản, giữa lưu manh và lương thiện, giữa tin đến mù quáng và ráo hoảnh không tin gì nữa”. Hình ảnh mẹ hiện lên chập chờn trong Quỳnh gợi nhắc đến những giá trị đẹp đẽ mà cô từng thích thú. Câu nói của mẹ như chính nỗi sợ của Quỳnh - “sợ một đời sống phi tâm linh, không âm thanh, mùi vị, màu sắc và ánh sáng” [55, 190]. Bên cạnh không gian đền thờ, không gian lịch sử trong những câu chuyện kể của mẹ cũng hiện lên trong mộng mị. Cái gốc của không gian văn hóa, của những giá trị ngày xưa ùa về trong hành trình tìm lại linh hồn của Quỳnh cùng với lối kết thúc mở tạo cho người đọc niềm tin về sự gặp gỡ lẽ sống trong tâm hồn cô.

Nổi bật trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú chính là sự hòa trộn, đồng hiện các kiểu không gian mà khi đối chiếu chúng với nhau, người đọc sẽ cảm nhận được rõ hơn những đau thương, nỗi ám ảnh, sự dằn vặt ẩn sâu trong tâm hồn các nhân vật. Qua đó, tấn bi kịch lạc lõng, cô đơn, bế tắc, lạc loài giữa cuộc đời cũng được phản ánh sâu sắc hơn.

Một phần của tài liệu Yếu tố tính dục trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)