CHƯƠNG 2. TÍNH DỤC VỚI CÁCH XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ
3.1. TÍNH DỤ – NHÂN TỐ TẠO CÁC SẮC ĐỘ GIỌNG ĐIỆU ĐẶC THÙ
3.1.3. Giọng hoài niệm xót xa
Không dùng cốt truyện rõ ràng với các tình tiết diễn tiến theo trình tự logic khách quan, tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú được kết cấu theo dòng ý thức của các nhân vật có đời sống tâm linh không an tại và mang nhiều ẩn ức, ám ảnh dồn nén. Bên cạnh đó, sự rối bời của tâm trạng nhân vật cũng khiến những sự kiện, hình ảnh vá víu, chồng chất lên nhau. Đây là môi trường thuận
lợi cho sự tồn sinh của sắc giọng hoài niệm gắn liền với hành trình vật vã truy tầm kí ức của nhân vật hòng nhận ra “bản lai diện mục” của mình.
Đa phần các câu chuyện đều bắt đầu ở thì hiện tại, sau đó theo dòng ý thức nhân vật trôi ngược về quá khứ. Thỉnh thoảng kỉ niệm quá khứ giao cắt với cảm giác hiện tại ngầm gợi ra một sự đối chiếu, liên kết đầy bất ngờ, thú vị. Hành trình ngược quá khứ để góp nhặt những kỉ niệm của một thời xa cũ là điều kiện giúp con người sống với chính bản thân, phơi trải tâm can sâu kín với nhiều nỗi xa xót, u hoài.
Nháp mở đầu bằng vụ án mà nhân vật xưng tôi đang tham gia viết bài và trong tôi bỗng xuất hiện những ý nghĩ về Đại. Như một nỗi ám ảnh, từ nỗi băn khoăn về tung tích của Đại đã đưa Thạch về với quá khứ, lúc này kí ức đã dẫn lối về miền xáo trộn những ý nghĩ khôn nguôi. Thế là đời sinh viên, nỗi đau, tình yêu, tình bạn… cùng những trăn trở về cuộc sống hiện tại cứ đan xen vào nhau tạo nên dòng chảy nội tâm phong phú và sống động. Cũng từ dòng ý thức đó hiện lên hình ảnh, câu chuyện của Đại với mảng ký ức quằn quại. Để rồi toàn bộ chuyện là sự khai chảy những thổn thức của thế hệ Nháp.
Đối với nhân vật Nháp, quá khứ không thể là dĩ vãng mà hiện hữu hàng ngày trong tâm trí họ; chỉ cần một sự gợi nhắc xa xăm đã có thể dậy lên mạch sóng tâm trạng. Tất nhiên, họ không thể sống đủ đầy ở hiện tại, bởi hiện tại mang trong mình bước đi của quá khứ. Hiện tại và quá khứ đan xen nhau trong ý nghĩ rối bời của tôi và cũng đan xen trong sự hoán đổi, là hiện tại nhưng cũng là quá khứ, rồi cũng có thể quá khứ là hiện tại. Việc gặp gỡ giữa các nhận vật khi Đại ra tù và sự dịch chuyển tiêu cực trong Nháp cùng với quãng thời gian trước đó đan xen trong nhiều lớp truyện, vừa nối tiếp vừa chồng lên nhau, đôi khi có vẻ ngẫu nhiên chỉ bằng một mô hình: kể - hồi cố - diễn giải; đồng thời người kể chuyện – nhân vật tôi không thay đổi điểm nhìn mà truyện cho tôi chuyển dịch điểm nhìn của anh ta, lúc thì ở bên ngoài lúc thì ở bên trong câu
chuyện anh ta kể. Dịch chuyển đó thường là sự hóa thân của tôi vào một nhân vật trong câu chuyện đang kể. Điều này tạo nên dòng chảy miên man của câu chuyện với “lát cắt đủ dài” trong cuộc đời dằng dặc của các nhân vật. Nhờ thế, người đọc không hẳn là nghe kể chuyện nữa và như đang cảm dòng tâm tư của nhân vật, đang thấy họ sống trước mắt mình.
Giọng hoài niệm thường gắn liền với hồi ức, ảo giác, ẩn ức, chiêm bao… nhằm phơi mở những miền sâu kín của tâm hồn, kể cả vùng nằm ngoài sự kiểm soát của lí trí. Tác phẩm như dòng chảy ào ạt của kí ức. Đó là một dòng ý thức tràn ngập những đam mê, hồi ức, sám hối, ám ảnh, giấc mơ và cả sự mộng du.
Trong Phiên bản, sự phân chia đánh dấu truyện thành các khúc chỉ là bố cục bề mặt của tác phẩm. Với ba ngôi kể: Ta - Em - Thị thì thực chất cái kết cấu bề sâu, ẩn chìm chính là dòng chảy hồi ức của nhân vật “em”. Trong truyện, thời gian không theo bất cứ một trật tự nào, các khúc cũng sắp xếp một cách như ngẫu nhiên, góp nhặt nhưng lại rất phù hợp với tâm lý nhân vật, là thời gian theo cái nhìn bên trong của Diệu.
Cũng như Nháp, thời gian trong Phiên bản bắt đầu ở thời điểm hiện tại, với sự mờ ảo trong khúc kể của ngôi Ta, với dáng dấp của một cuộc hỏi cung, một cuộc vượt thoát để tìm về bản ngã. Đó là hoài nghi: “Ta là ai? Ta là ai ư?
Ừ nhỉ, ta là ai? Là nữ hoàng đen. Nhưng nữ hoàng thì cũng phải là một ai đó chứ?” [54, 20]. Đó cũng là khởi đầu của việc đào xới lại kí ức. Trên hành trình tìm câu trả lời, tất cả quá khứ hiện lên dưới nhiều lăng kính qua ba ngôi kể, từ đó phác lộ kí ức, bức chân dung của Diệu hay Hương ga. Nhân vật Em với dòng chảy nội tâm dào dạt đã hướng sự chú ý của người đọc vào bi kịch bên trong của Thị. Rõ ràng chỉ khi con người cô đơn nó mới sống với mình nhiều như thế cùng dòng tâm tư luôn là những dằn vặt, ngờ vực, đớn đau…
Nhìn chung, truyện Nguyễn Đình Tú ngay cả trong cách kể phi tuyến tính thì mạch kể cứ bện xoắn vào nhau theo kiểu đồng hiện kép, song song xen lẫn quá khứ với hiện tại. Vì vậy, giọng hoài niệm thường song hành với thời gian dịch chuyển theo “gia tốc” ngược: hiện tại – quá khứ hoàn thành – quá khứ - hiện tại tiếp diễn. Nỗ lực “đi tìm thời gian đã mất” đã tái hiện chân xác chân dung “con người bên trong con người”, rút ngắn tối đa khoảng cách giữa nhân vật và người đọc.
Đánh dấu như từng chương mục nhưng Kín để chất liệu cuộc sống ngồn ngộn ùa vào, thậm chí thời gian bị lộn trái chiều trong dòng ý thức của Quỳnh. Từ sự nổi loạn, Quỳnh bứt ra khỏi cuộc sống ngột ngạt, đi tìm cho mình quãng kí ức xưa. Cũng từ đó, hành trình hoàn ức của Quỳnh mở ra cả thế giới ngồn ngồn hỉ, nộ, ái, ố của những vòng tròn mồ côi. Trong Kín, người viết để cho các tuyến nhân vật di chuyển đan bện vào nhau, các sự kiện đẩy đưa theo chiều quá khứ - hiện tại, các nhân vật va chạm và xung đột. Đọng lại mạch chảy xuyên suốt là những dòng ký ức của cô bé Lửa Cháy.
Có thể thấy, với giọng hoài niệm, Nguyễn Đình Tú đã chạm vào thế giới tâm linh và phơi mở trước mắt người đọc những miền sâu kín của tâm hồn, miền vô thức của con người. Đó cũng là cách diễn đạt mới của nhà văn về con người và hiện thực cuộc sống nhiều xô bồ, đảo lộn với chân dung phức tạp.