Giọng bổ bã, trào lộng

Một phần của tài liệu Yếu tố tính dục trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 60 - 65)

CHƯƠNG 2. TÍNH DỤC VỚI CÁCH XÂY DỰNG NHÂN VẬT VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN ĐÌNH TÚ

3.1. TÍNH DỤ – NHÂN TỐ TẠO CÁC SẮC ĐỘ GIỌNG ĐIỆU ĐẶC THÙ

3.1.1. Giọng bổ bã, trào lộng

Tiểu thuyết hiện đại áp sát vào đời sống, tiếp xúc suồng sã đến thô bạo hiện thực với sự mở rộng các phạm trù thẩm mĩ, đời thường hóa chúng. Ở đó, cái xấu không dè dặt né tránh mà thể hiện dưới hình thức những cái hài đời.

Khi những chuẩn mực bị lệch pha, cái hài, qua giọng điệu bổ bã, trào lộng, tích cực góp phần nói lên cái vô nghĩa lí ở đời. Viết về lối sống của thế hệ trẻ và văn hóa tính dục ở họ, Nguyễn Đình Tú, qua lăng kính hiện thực, xoáy vào tận cùng cái chua cay, vào vết thương đang sưng tấy của những ẩn ức bản năng.

Mẹ Thạch - người đàn bà không chịu nổi cuộc sống thiếu thốn “son phấn”, ở lại xứ người mà quên đi tổ ấm nhỏ, chỉ vì cái công cụ sinh sản của

đàn ông Đức, chỉ vì thoả mãn dục tính của mình, để lại vết thương sâu hoắm trong lòng cha con Thạch cùng nỗi ám ảnh nhược tiểu giống loài. Vết thương đó còn lấy đi cái nhân cách mà đáng lẽ sẽ định hình tốt trong người con trai.

Bằng giọng điệu khinh thường, cười cợt nhưng cũng đầy trăn trở, cái xót xa, vô nghĩa trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú nổi lên trong thế đối lập giữa tình thương và tình dục: “Chẳng lẽ người phụ nữ nào đi Tây cũng bỏ chồng chỉ vì cái của nợ ấy của những người đàn ông phương Tây? Nếu thế thì chán cho cái giống người Việt quá. Chán cho cái của quý ấy của đám đàn ông nước mình quá” [53, 27].

Ở người bố, niềm tin vào sự chung thủy của vợ cũng đồng nghĩa với sự hi sinh, nhưng đáp lại tấm lòng yêu thương đó là cái nhìn “tởm lắm” của kẻ đầu ấp tay gối. Tình yêu lúc này trở thành không tưởng trước sự phản bội của người đàn bà khát dục: “Bố tôi như bao người đàn ông mất vợ khác, tin vào tình vợ chồng của mình, tin vào điều viển vông rằng, sự khốn nạn ấy xảy ra với ai chứ không xảy ra với mình” [53, 28].

Trong cảnh sụp đổ hạnh phúc gia đình, người bố mất niềm tin vào cuộc sống, còn Thạch mất đi cái nhìn thiêng liêng về tình yêu, dục tính. Anh ngô nghê, hồn nhiên trong tình yêu dành cho Yến với ý nghĩ chở che của phái mạnh, cuối cùng nhận ra sự giễu cợt trong cái gọi là hòa hợp tình yêu:

Ngày đó tôi tưởng tôi đã làm hỏng một đời con gái Yến. Vì thế trách nhiệm và bổn phận lúc nào cũng đập nhịp cùng trái tim thanh tân của tôi. Tôi luôn ngỡ mình đã là một người đàn ông trưởng thành, mạnh mẽ, phóng túng, sẵn sàng giơ lồng ngực vạm vỡ tuổi đôi mươi của mình ra để chở che cho cô người yêu bé nhỏ [53, 85].

Nhưng chính Thạch cũng không đủ bản lĩnh dứt ra cuộc tình “hờ” với cô người yêu bé nhỏ. Người đọc không khỏi băn khoăn tự hỏi: Phải chăng chính anh cũng lệ thuộc vào bản năng của mình? Như một thói quen, giao tiếp

của Thạch và Yến dần chuyển sang dạng giao tiếp dục tính: “Danh nghĩa thì chúng tôi vẫn là người yêu của nhau. Bởi vì tôi chưa có người yêu mới, còn Yến thì chưa kịp lấy chồng” [53, 94].

Từ bi kịch gia đình, Thạch biến thành kẻ mang bi kịch tình yêu lứa đôi.

Những ám ảnh nhược tiểu ám vào suy nghĩ ngày càng bấn loạn của anh. Bệnh hoạn với thú vui riêng, Thạch trở thành nạn nhân của xã hội cùng lối sống ngày càng xa rời mọi giá trị và chuẩn mực. Với vẻ bề ngoài đĩnh đạc, văn minh, Thạch cố che đậy cái thú bệnh hoạn luôn ám ảnh trong ý nghĩ. Qua giọng điệu trào lộng, tác giả để nhân vật tự bộc lộ, tự dè bỉu sự trống rỗng trong giá trị con người của mình: “Nhưng tôi không dám chường mặt ra để gặp ai cả. Tôi phải giữ gìn danh phận của mình” - một phóng viên chuyên viết về pháp luật của một tờ báo vốn ra đời là để “góp phần chăm lo, bảo vệ hạnh phúc gia đình như một thực thể cấu thành nên xã hội” [53, 37].

Đối với Thạch, tình yêu bao hàm cả tình dục, nhưng chính anh đã đẩy tình dục vào cảm xúc riêng lẻ của thỏa mãn đơn thuần: “Mười bốn tuổi Đại đã yêu. Cậu ấy khẳng định như thế. Tôi thì không nghĩ đó là tình yêu. Một thằng bé mười bốn với một cô bé mười hai thì đã biết gì mà yêu? Hơn nữa tôi vẫn luôn cho rằng tình yêu phải bao hàm tình dục. Đại đã khám phá được những gì của cảm xúc bản thân vào cái tuổi ấy” [53, 76].

Dù sao thì tình yêu đó vẫn tồn tại mãi trong Đại. Nhưng chung tình thì vẫn chung tình, còn việc Đại đến với Duyên từ phút khám phá nhau ở bờ hồ lại là vấn đề khác. Ở Đại tình yêu và tình dục song song nhưng không cùng nhau. Anh dành cho Thảo cái tình trong trắng, không nhuốm màu nhục dục.

Còn việc anh đến với Duyên lại là sự cuốn hút giới tính thân quen. Trước sự phũ phàng, tự làm đau mình trong niềm tin vẻ đẹp tuyệt đối ở Đại, Nguyễn Đình Tú để người trong cuộc tự nói lên cái trớ trêu trong quan hệ của mình:

“Thật chả ra làm sao! Đi ra biển hú hí với nhau, đã chẳng hứng tình lên được

lại đem viên ngọc của người kia ra ngó nghiêng thì có ngao ngán không cơ chứ?” [53, 152].

Ở Tú, cách nói như bâng quơ, hồn nhiên, để từ sự bâng quơ đó, tác giả cho thấy ý vị thâm trầm, sâu cay từ cái xấu xa, phi lí của cuộc sống. Đặc biệt, vấn đề vốn được xem là nhạy cảm, qua chất trào lộng, đã vượt ra khuôn khổ

“kín”, phơi bày tất cả hỉ, nộ, ái, ố với đời. Trước cái gọi là tình yêu, Nguyễn Đình Tú cho ta thấy sự vô nghĩa lí ở chính nơi con người được sống là mình nhất: “Một đứa gặp hạn thì đứa kia phải cố mà chống chọi với đời để mà tồn tại chứ. Cố mà chờ cho tai qua nạn khỏi để rồi lại tiếp tục dựa vào nhau mà sống chứ” [54, 265].

Tính trào lộng, mai mỉa sự giả dối, hai mặt, đê tiện thể hiện rõ ở Hưng với nghĩ dựa vào nhau mang đầy nhục dục, đầy toan tính của y. Nhưng bản thân sự giả dối đó rất hợp tình đối với trái tim cô đơn của Diệu. Chính trong hoàn cảnh ấy, cái phi lí trở thành có lí. Đẩy người yêu vào tình một đêm để thu xếp công việc, đấng nam nhi là Hưng còn có thể làm chỗ dựa cho

“người yêu”. Điều đó cho thấy cái khốn nạn của một kiếp người mà Diệu phải vịn vào: “Thôi thì đã là thân bụi đời sá gì gió táp mưa xa. Anh ấy chấp nhận mọi sự khốn nạn của em cơ mà. Đêm nay có khốn nạn nữa thì cũng vẫn là anh ấy bày ra cả. Em chỉ mong không mất đi chỗ vịn của cuộc đời thôi” [54, 276].

Trong thế giới hoang hoải, lạc loài của Kín, Quỳnh và những kẻ xung quanh cô sống buông thả bản năng đến rùng mình. Chủ động dùng tình dục để thấy được sự hiện hữu của bản thân, Quỳnh và câu chuyện tình dục của mình đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức, toát lên sự trào lộng vào nhân cách của một thế hệ:

Ôi chao, anh ta có vẻ tiếc nuối khi hay tin Quỳnh đi du học mới chết chứ! Có mà mừng như bắt được vàng! Vừa thoát được cô học trò quỷ sứ, vừa phủi tay mọi trách nhiệm với đứa trẻ vị thành niên này, chả

nhảy cẫng lên mà sung sướng ấy chứ. Hay là tiếc? Của phù hoa hưởng thế là đủ rồi, chàng gia sư nghèo ạ. Vẻ mặt anh ta cũng ủ ê, đau buồn ra phết. Nhưng mà thôi. Hào hoa thế, còn bị khối học trò nó hành cho đến chết, chả riêng gì trò này. Nhưng trò này phải đi du học. Trò này không ở nhà mà tình tang mãi với chàng gia sư nghèo đẹp trai đó được [55, 132].

Lấy câu triết lí của cha ông mà vin vào đời sống tình dục phóng khoáng trong Kín, cái giọng giễu nhại, bổ bã châm biếm của tác giả ý nhị nhưng sâu xa vô cùng: “Các cụ nói cấm có sai. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Nhốt một trai một gái vào chung một nhà thì cái chuyện yêu đương nhất định phải xảy ra”. Và nghịch lí của khát khao, của vị thế tình dục ở nam giới qua hình ảnh ví von xưa là cái cười buồn về sự khác thường của giới trẻ nay: “Mỗi khi Tráng bước ra từ phòng tập, Quỳnh luôn có cái cảm giác miếng tóp mỡ ngào ngạt đang lướt qua mặt mèo” [55, 254].

Trước bao sự thay đổi của giá trị, tình yêu đúng nghĩa là điều khó có thể tồn tại; ở đây chỉ có thể là cảm xúc của tình dục. Mà tình dục để thỏa mãn cơn khát thèm thì cần chi chữ tình. Dục phóng khoáng và việc khỏa lấp được nói một cách hồn nhiên, bật lên cái cười trào lộng sâu sắc: “Cách khỏa lấp tốt nhất hình bóng một người con trai cũ là mang về nhà mình một người con trai mới” [55, 342].

Cái vô nghĩa lí tồn tại trong tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú với tất cả các cung bậc qua giọng điệu trào lộng tạo nên bức tranh phi lí, ngổn ngang thể hiện bao điều trăn trở của tác giả. Chỉ có điều, dẫu giọng điệu của Tú trào lộng, chua cay nhưng cũng nồng ấm trong khắc khoải một cuộc sống tươi sáng hơn: “Không yêu, không cướp thì chả lẽ… hiếp? Quỳnh khẽ nhếch mép cười. Có dám không? Gã hiếp Quỳnh hay Quỳnh hiếp gã trước? Quỳnh sẵn

sàng cho không gã đấy. Gã bắt cóc Quỳnh đi ngay đêm nay được thì càng tốt”

[55, 49].

Giọng bổ bã, trào lộng như tự nhiên, có khi hóm hỉnh nhưng đôi lúc lắm mỉa mai, chua chát. Bằng cách ấy, nhân vật của nhà văn trẻ quân đội này hiện lên với những cảm xúc trần trụi nhưng có ý nghĩa nhân sinh lớn lao. Nó không chỉ trả con người về với những khát vọng nhân bản, khát vọng của cái đẹp mà còn phản ánh một thế giới hỗn loạn, vô nghĩa lí. Ẩn sau tất cả các sắc thái của giọng bổ bã, trào lộng là khát khao những giá trị nhân văn ở con người.

Một phần của tài liệu Yếu tố tính dục trong tiểu thuyết nguyễn đình tú (Trang 60 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)