Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG LÒNG HỒ SÔNG ĐÀ - HÒA BÌNH
2.6 Thực trạng phát triển du lịch trên địa bàn hồ Sông Đà - Hoà Bình
2.6.3 Cơ sở vật chất phục vụ du lịch
Thời gian qua, do du lịch hồ Sông Đà - Hoà Bình còn đơn điệu, nghèo nàn, du khách đến chưa thực sự có nhiều trao đổi. Đặc biệt còn thiếu khách sạn, nhà nghỉ, thiếu nơi hội nghị, hội họp, thiếu nơi vui chơi giải trí, thể dục thể thao phục vụ cho nhu cầu của nhân dân địa phương và du khách. Vì vậy không giữ được khách du lịch lưu lại dài ngày. Theo điều tra từ Phòng Nghiệp vụ Du lịch của Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình thì:
Tại thành phố Hoà Bình hiện có:
- Khách sạn Hoà Bình I (Nhà sàn) với 32 phòng ngủ nhà sàn (Theo kiến trúc nhà ở dân tộc Mường), 64 giường (22 phòng quốc tế, 10 phòng nội địa), tiêu chuẩn 2 sao, sức chứa 250 người. Khách sạn ở vị trí thuận lợi nằm tiếp giáp với quốc lộ 6.
- Khách sạn Hoà Bình II (Nhà sàn) với 27 phòng ngủ (Theo kiến trúc nhà ở dân tộc Mường), 44 giường (19 phòng quốc tế, 8 phòng nội địa), tiêu chuẩn 2 sao: Sức chứa 140 người, các dịch vụ massage, karaoke, phục vụ chương trình lễ hội văn hoá du lịch, trekking, Hikking, cắm trại, ngủ tại bản dân tộc, văn nghệ rượu cần và hàng lưu niệm, khách sạn ở vị trí thuận lợi trên quốc lộ 6.
- Khách sạn Sông Đà với 70 phòng, 140 giường (49 phòng quốc tế, 21 phòng nội địa), 60 phòng ngủ bình dân, nhà hàng sức chứa 160 người. Phục vụ khách tham quan thuỷ điện Hoà Bình, phục vụ hội nghị, các tour du lịch, các dịch massage, karaoke. Khách sạn nằm trong khuôn viên làng chuyên gia, nằm bên bờ trái Sông Đà.
- Khách sạn APPLAZA với 39 phòng, 80 giường, tiêu chuẩn 3 sao.
- Khách sạn Đồng Lợi với 35 phòng, 70 giường, tiêu chuẩn 2 sao.
- Khách sạn Phú Gia với 40 phòng, 90 giường, tiêu chuẩn 2 sao.
- Khách sạn Đà Giang với 20 phòng, 76 giường.
Tại huyện Mai Châu hiện có:
- Khách sạn Mai Châu Logde, 20 phòng, 35 giường.
- Khách sạn Anh Đào, 23 phòng, 35 giường.
- Hệ thống nhà sàn phục vụ nghỉ qua đêm cho khách du lịch.
Tại huyện Tân Lạc có:
- Khách sạn An Lạc, 30 phòng, 40 giường.
- Hệ thống nhà nghỉ còn ít và chưa đạt tiêu chuẩn du lịch.
Tại huyện Đà Bắc:
- Có hệ thống nhà sàn, nhà nghỉ cho khách du lịch nhưng cũng còn ít và chưa đạt tiêu chuẩn du lịch.
Bên cạnh đó còn có các cơ sở vật chất khác phục vụ cho du lịch (như đã nêu ở phần đặc điểm địa bàn). Về cơ sở thương mại du lịch thì nhìn chung chưa thực sự đáp ứng được đồng bộ nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Thị trường hàng hoá đã nhiều, song chưa thực sự phong phú.
Mạng lưới chợ tại các trung tâm các xã vùng cao đã phát triển và phát huy hiệu quả, đẩy mạnh lưu thông trao đổi hàng hoá trong nhân dân.
Hiện tại các cơ sở lưu trú tại Hoà Bình nói chung hay tại khu vực hồ Sông Đà - Hòa Bình nói riêng có một thực trạng rất mâu thuẫn là vừa “khủng hoảng thừa” vừa “khủng hoảng thiếu”. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do đặc trưng của du lịch tại đây là có tính mùa vụ. Khách thường vắng vào mùa mưa
đối với du lịch lòng hồ, hay vào mùa đông và các ngày làm việc trong tuần, tháng, năm nhưng vào các dịp lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ hè… các cơ sở phục vụ du lịch gần như quá tải. Có nhiều du khách đã không tìm được chỗ nghỉ phải đi thuê các chỗ trọ ở xa khu du lịch với giá rất cao. Còn về mùa vắng khách thì lượng cơ sở lưu trú vị bỏ trống hay rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” rất lớn. Và một lý do nữa là cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn cao (được xếp hạng tiêu chuẩn quốc tế) để phục vụ thị trường khách “đại gia” trên khu vực là chưa có một cơ sở nào. Vì vậy khủng hoảng thiếu có thể diễn ra ngay trong mùa vắng khách. Có nhiều công ty du lịch và lữ hành quốc tế đã thường phải cắt lưu trú trong chương trình thăm quan tại Hoà Bình do cơ sở lưu trú hiện có không đáp ứng được yêu cầu của khách.
2.6.3.2 Cơ sở ăn uống, bán hàng
Hiện tại chưa có một con số thống kê cụ thể về số lượng hệ thống cơ sở ăn uống, bán hàng tại khu du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình nhưng theo điều tra từ một số người dân địa phương sống ở gần điểm du lịch lâu năm và từ Phòng Nghiệp vụ Du lịch - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì trong những năm qua hệ thống này luôn được cải thiện cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ở các điểm du lịch dịch vụ ăn uống và bán hàng lưu niệm có rải rác ở khắp nơi, nhà dân địa phương cũng tham gia vào việc cung cấp dịch vụ này.
Tại các cơ quan chủ quản của các khu du lịch thì du khách được phục vụ ăn uống tại các khách sạn, nhà nghỉ hay nhà sàn. Đồ ăn thức uống tại các điểm du lịch rất đa dạng, phong phú, và được chế biến theo phong cách đặc sản dân tộc mang đặc trưng của địa phương như: Lợn, Cá nướng, gà đồi, cơm lam, các loại rau rừng, rượu cần... du khách có thể tự mình lựa chọn theo thực đơn.
Ngoài ra để đáp ứng được nhu cầu của du khách các món ăn theo kiểu Âu cũng được phục vụ tận tình, chu đáo. Mức giá các loại dịch vụ ăn uống và bán hàng ở đây cũng rất phong phú, đa dạng, tuy theo túi tiền của du khách.
Nhìn chung dịch vụ ăn uống ở các điểm du lịch tại hồ Hòa Bình cũng mới chỉ được kinh doanh phục vụ ở quy mô nhỏ, chất lượng phục vụ còn
thấp, cơ sở của các dịch vụ còn nghèo nàn. Hàng lưu niệm tại các điểm du lịch có cả những sản vật của địa phương làm ra song bao gồm cả những hàng hoá lấy từ nơi khác tới, chưa thực sự tạo được sản phẩm ấn tượng, mang nét đặc trưng cho từng vùng miền từng khu du lịch do đó chưa tạo được sự hấp dẫn cho du khách. Vậy, trước mắt cần nâng cấp chất lượng dịch vụ, sớm đưa ra giải pháp thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm thủ công truyền thống (như các sản phẩm thổ cẩm dân tộc tự dệt, các nhạc cụ truyền thống, các công cụ sản xuất...). Nâng cao chất lượng, đa dạng hoá mẫu mã tạo nét đặc sắc, mang phong cách riêng cho sản phẩm, góp phần tạo nên tiếng nói cộng hưởng cho du lịch Hoà Bình.