Chương 3: ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH HỒ SÔNG ĐÀ – HÒA BÌNH
3.3 Một số giải pháp chiến lược để phát triển du lịch hồ Sông Đà - Hoà Bình
3.3.10 Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch và khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch
Cần đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn cho các nhà quản lý, điều hành, hướng dẫn viên, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư và du khách. Cần giúp đỡ cho mọi đối tượng nhận rõ những nguy cơ và thách thức của môi trường sinh thái địa phương.
Các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan tới khai thác tài nguyên môi trường sinh thái phải có nghĩa vụ tham gia tích cực vào hoạt động bảo tồn và bảo vệ môi trường như: cử thành viên tham dự các lớp tập huấn về môi trường để nâng cao sự hiểu biết về các biện pháp bảo vệ môi trường trong kinh doanh du lịch
Cung cấp đầy đủ thông tin về giá trị khu du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình về đặc điểm hấp dẫn chính và sự cần thiết phải bảo vệ những giá trị này nhằm giúp khách có thái độ và hành vi tích cực đối với môi trường. Các thông tin có thể được chuyển tới du khách thông qua các biển chi dẫn trong khu du lịch, trong sách hướng dẫn…
Giáo dục nhận thức chung về du lịch cho các tầng lớp nhân dân về khu du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình, khuyến khích cộng đồng dân cư tại địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch đặc biệt là các đồng bào dân tộc thiểu số. Khôi phục và phát huy các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Ðầu tư, hỗ trợ trực tiếp cho một số bản làng để khôi phục và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên nghiệp dư.
PHẦN KẾT LUẬN Kết luận
Với môi trường tự nhiên trong lành, khí hậu ôn hoà, núi cao, rừng rậm non nước hữu tình hồ Sông Đà - Hòa Bình được ví như một “Vịnh Hạ Long thu nhỏ”. Hơn nữa, nơi đây là tập hợp của những khu vực có nền văn hoá riêng biệt rất đặc sắc, và lâu đời như văn hoá Mường, Thái, Dao, Mông. Đứng trên bình diện văn hoá Quốc gia, đây là khu vực văn hoá vô cùng đặc sắc và có hàm lượng văn hoá cao. Đây thực sự là một điểm đến lý tưởng của khách du lịch, tham quan, tìm hiểu nét văn hoá dân tộc cũng như nghỉ dưỡng cuối tuần.
Tỉnh đã có quy hoạch và mục tiêu hướng khu du lịch hồ Sông Đà - Hoà Bình trong tương lai sẽ trở thành một khu du lịch Quốc gia và là khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Một số dự án đầu tư đã và đang được kêu gọi, triển khai trên địa bàn. Trong những năm qua, mặc dù việc khai thác các tiềm năng để phát triển du lịch mới chỉ ở những bước đầu nhưng du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình đã thực sự có nhiều khởi sắc đáng mừng, đã phần nào góp phần vào xây dựng kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, tăng ngân sách cho địa phương, cho toàn tỉnh và cho cả đất nước.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình còn thấp trong thời gian qua, phần nào mang tính tự phát, còn chưa được quy hoạch một cách khoa học, việc khai thác nguồn tài nguyên chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của tỉnh, cũng như tiềm năng du lịch vô cùng to lớn mang tầm vóc quốc gia cảu địa điểm này. Các hoạt động du lịch chủ yếu được đầu tư mang tính nhỏ lẻ, cơ sở vật chất còn ở mức khiêm tốn thiếu đồng bộ, các sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn du khách. Nguồn nhân công dồi dào không ngừng tăng qua các năm nhưng lại ẩn chứa trong mình sự kém hiểu biết, kém trình độ chuyên môn và ngoại ngữ, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch.
Để thúc đẩy sự phát triển của du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình ngày một cao hơn, hướng tới sự phát triển bền vững thì tỉnh Hoà Bình, ngành du lịch tỉnh cần có những biện pháp cụ thể, hướng đi đúng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể với cộng đồng dân cư. Trước hết cần phải hoàn thành quy hoạch tổng thể cũng như triển khai quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trong khu vực. Có chiến lược, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà và có những khuyến khích cụ thể để các nhà đầu tư cảm thấy họ thực sự có lợi.
Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để giới thiệu tới bạn bè bốn phương biết đến và đến với hồ Sông Đà - Hòa Bình. Chú tâm đạo tạo nguồn nhân lực và thu hút lao động mới, đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Không ngừng phát triển các sản phẩm du lịch vừa mang nét đặc trưng vừa hấp dẫn du khách. Kết hợp với các huyện cũng như với các tỉnh bạn, các công ty du lịch lữ hành trong và ngoài nước để tạo thêm nhiều các tour, tuyến du lịch.
Ý kiến đề xuất
Để công tác khai thác và phát triển du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình thực sự có hiệu quả và ngày một phát triển bền vững, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số ý kiến sau:
* Đối với Nhà nước
Tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch: Nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan và quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch, các hoạt động dịch vụ du lịch; gắn phát triển du lịch với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Cần có chính sách thu hút hấp dẫn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước vào các khu du lịch, đặc biệt là những khu du lịch có khả năng trở thành một khu du lịch quốc gia như hồ Sông Đà - Hòa Bình.
Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình hành động quốc gia về du lịch, phát triển du lịch bền vững. Hỗ trợ ngân sách, cấp kinh phí cho tỉnh để tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Đối với các khu du lịch sinh thái thì bảo vệ, bảo dưỡng rừng đầu nguồn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, hồ.
Mở thêm trường lớp và bằng các hình thức đào tạo phù hợp để đào tạo nhanh nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch, đáp ứng kịp thời với nhu cầu và xu thế phát triển của ngành du lịch.
Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ công tác tuyên truyền, công tác quảng bá xúc tiến thị trường cho du lịch.
* Đối với Tỉnh
Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch tổng thể du lịch toàn tỉnh, khoanh vùng, phân cấp quản lý cụ thể cho các cơ quan ban ngành có liên quan đến du lịch một cách hợp lý.
Quan tâm hơn nữa tới ngành du lịch của tỉnh nói chung và du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình nói riêng, hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường cũng như tăng cường công tác quảng bá xúc tiến để đưa hình ảnh du lịch Hoà Bình đến được với bạn bè muôn phương. Thúc đẩy cho sự phát triển du lịch của tỉnh. Làm sao đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Đào tạo nguồn nhân lực ngay tại tỉnh, mời chuyên gia giỏi tư vấn, giảng dạy cho lao động, các nhà làm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về du lich.
Tạo cơ hội đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn cho các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư cho du lịch Hoà Bình, đặc biệt là du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình.
Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát trên thị trường về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng về công tác phục vụ du khách du lịch.
* Đối với khu du lịch hồ Sông Đà - Hoà Bình
Khai thác tài nguyên phải trên nguyên tắc tôn trọng tính hoang sơ, hoang giã của tài nguyên tự nhiên, đi đôi với công tác bảo vệ và bảo tồn.
Đào tạo nhân lực tại chỗ, tuyên truyền vận động cho người dân địa phương hiểu và cùng tham gia phát triển du lịch trên địa bàn. Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ công nhân viên, cử đi học các trường nghiệp vụ du lịch.
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nội bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách bao gồm cả thái độ phục vụ và lòng mến khách. Xây dựng khu vui chơi giải trí phục vụ du khách.
Đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền xúc tiến du lịch để du lịch hồ Sông Đà - Hoà Bình ra khỏi địa bàn tỉnh đến được với bạn bè trong và ngoài nước.