Chương 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG LÒNG HỒ SÔNG ĐÀ - HÒA BÌNH
2.7 Đánh giá chung về sự phát triển du lịch trên địa bàn hồ Sông Đà - Hoà Bình
2.7.1 Nguyên nhân kết quả đạt được của việc phát triển du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình
Trong những năm qua, mặc dù tiềm năng du lịch của khu vực là rất dồi dào và phong phú nhưng việc khai thác mới chỉ là bước đầu và mới khai thác được một số loại hình, sản phẩm du lịch riêng có của khu vực.
Tuy nhiên phát triển du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình cũng thu được những kết quả khả quan. Trước hết là nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, các ngành và của người dân đã có chuyển biến tích cực; hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đang được quan tâm đầu tư; công tác quảng bá xúc tiến về du lịch ngày càng được chú trọng và phát huy nguồn lực;
doanh thu từ hoạt động du lịch thu về tuy chưa cao so với các khu du lịch khác song cũng góp phần không nhỏ vào việc cải thiện cuộc sống của người dân địa phương cũng như đóng góp vào ngân sách của tỉnh; tạo công ăn việc làm cho người lao động; giữ gìn bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hôi. Để có được những kết quả như vậy là do:
Chính sách Nhà nước về phát triển du lịch. Đảng ta, từ lâu cũng đã chỉ rõ: “Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao". Quan điểm này được thể chế hóa thành luật: "Phát triển du lịch bền vững..., bảo đảm hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường...theo hướng du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái;
bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch” (Luật Du lịch - Chương 1, Điều 5, Khoản 1).
Nghị quyết Đại hội IX của Đảng cũng khẳng định “phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên sinh thái, truyền thống văn hoá, lịch sử đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát
triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực.
Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, hình thành các khu du lịch trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác liên kết với các nước trong hoạt động du lịch”.
Những hệ thống văn bản du lịch hiện hành của Nhà nước là hành lang pháp lý quan trọng cho việc khai thác và phát triển ngành du lịch Hoà Bình (trong đó có du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình) trong thời gian qua. Nó làm cơ sở cho việc hoạch định các chiến lược khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, quy hoạch tài nguyên du lịch theo các khu, điểm du lịch, đồng thời xác định giá trị, khả năng thu hút hấp dẫn khách du lịch của từng tài nguyên du lịch. Bên cạnh đó nó cũng điều chỉnh và xử lý được phần nào những hành vi xâm phạm và phá huỷ các nguồn tài nguyên, môi trường, cảnh quan khu du lịch.
Tỉnh uỷ Hoà Bình có Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 21/8/2007 đã đưa ra những quan điểm cụ thể về phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh phải đa dạng hoá các loại hình và sản phẩm du lịch. Mục tiêu trong thời gian tới là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường các chương trình hợp tác liên tỉnh, liên vùng, xã hội hoá công tác du lịch nhằm khuyến khích sự vào cuộc của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
Nhận thức đúng đắn của các cấp, ban ngành cũng như của những người dân địa phương về giá trị, vị trí và vai trò của phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển của các điểm du lịch đã và đang có đồng thời khai thác phát triển thêm những điểm du lịch mới đang còn ở dạng tiềm năng.
Những yếu tố trên đã góp phần tạo cơ sở cho việc thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch của khu vực trong thời gian qua, đồng thời tạo điều kiện cho việc đưa đón phục vụ khách đến tham quan, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của khu du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình.
2.7.2 Ảnh hưởng của việc phát triển khu du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình tới môi trường - xã hội
* Đối với đời sống dân cư
Việc quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trong khu vực đang dần được triển khai, công tác này đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số hộ dân trong khu vực hiện đang sống chủ yếu làm nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản, bởi một phần đất canh tác và một phần diện tích mặt nước của các ngư dân sẽ được chuyển đổi. Bên cạnh đó cũng làm thay đổi nhịp sống thường ngày của người dân. Tuy nhiên, để khắc phục được vấn đề này và giúp người dân hiểu được lợi ích lâu dài của việc phát triển du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình thì bên cạnh việc đền bù thoả đáng và hỗ trợ về cuộc sống cho họ thì Nhà nước, chính quyền địa phương cũng như các chủ đầu tư cần có kế hoạch tạo công ăn việc làm cho một số lao động trong khu vực, đồng thời khuyến khích vận động họ cùng tham gia vào việc phát triển du lịch tại chính nơi mà họ đang sinh sống.
* Đối với đời sống sinh hoạt, văn hoá
Du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình phát triển, nhất là sau khi trở thành khu du lịch quốc gia thì bộ mặt của đời sống văn hoá dân cư trong khu vực sẽ thay đổi lớn về nhiều mặt. Hệ thống khách sạn nhà hàng, công trình công cộng, khu vui chơi giải trí…sẽ được xây dựng. Khi đó dân cư nơi đây sẽ được hoà nhập với nếp sống văn minh du lịch. Những ảnh hưởng này đặc biệt có lợi cho thế hệ con cháu của họ, thế hệ tương lai của địa phương. Tuy nhiên, cuộc sống do tác động của khu du lịch cũng sẽ có một số ảnh hưởng xấu đến đời sống của dân cư nơi đây. Vì vậy, song song với việc phát triển chính quyền địa phương cũng cần có những giải pháp điều chỉnh hợp lý cho những thay đổi về đời sống sinh hoạt, văn hoá của cư dân.
* Đối với môi trường sinh thái, cảnh quan khu vực
Khu du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình sẽ đóng góp cho việc tạo nên bộ mặt kiến trúc cảnh quan khang trang cho khu vực phía Bắc của đất nước cũng như cho trung tâm du lịch của tỉnh Hoà Bình. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu
điểm trong việc hình thành một quần thể hợp lý trong không gian văn hoá, không gian dịch vụ và không gian xanh. Việc hình thành và phát triển khu du lịch hồ Sông Đà - Hòa Bình sẽ có những ảnh hưởng không tránh khỏi tới môi trường sinh thái của khu vực do sự gia tăng về mật độ dân cư, tiếng ồn của phương tiện giao thông và ô nhiễm. Bởi vậy, trong công tác nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, không gian và kiến trúc cần giảm tối thiểu những ảnh hưởng lên môi trường sinh thái của khu vực.