CHƯƠNG 3: PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÙNG NÔNG THÔN Ở THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI, TỈNH QUẢNG BÌNH
3.2. Những giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết việc làm cho người lao động vùng nông thôn ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình
3.2.3. Đa dạng hoá các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo việc làm
Phát triển và đa dạng hoá các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh với nhiều trình độ kỹ thuật và quy mô tổ chức khác nhau, thu hút nhiều lao động là hướng đi quan trọng tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động ở vùng nông thôn.
- Phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đây là loại hình kinh tế rất phát triển trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như hiện nay. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc những ngành đòi hỏi không nhiều vốn nhưng sử dụng nhiều lao động với trình độ công nhân vừa phải và sử dụng nguyên liệu tại chỗ được coi là nhân tố chủ yếu để tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố có xu hướng phát triển tăng về số lượng và quy mô hoạt động, đặc biệt là sự phát triển các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực xây dựng cơ bản, công nghiệp, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng. Đây là loại hình doanh nghiệp đòi hỏi số lượng lao động lớn, những doanh nghiệp này có khả năng thu hút lao động việc làm cao. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp chủ yếu là đối tượng đã qua đào tạo nghề, trong khi đó đào tạo nghề trên địa bàn còn những hạn chế nhất định, trình độ tay nghề của lao động thấp không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
Để phát triển các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Đồng Hới cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, rà soát quy hoạch phát triển ngành nghề trên địa bàn thành phố, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các quy hoạch cho phù hợp với thực tế và xu thế phát triển. Công bố quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu để người dân và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư có thông tin đầy đủ và chính xác.
Thứ hai, xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển các quỹ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường khả năng tiếp cận với các nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại, tín dụng ưu đãi, tổ chức tín dụng quốc tế, hướng dẫn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng lập được những dự án khả thi để thuyết phục các ngân hàng cho vay vốn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cùng góp vốn để hình thành các quỹ trợ giúp nhau.
Thứ ba, bồi dưỡng kiến thức, năng lực tổ chức quản lý và phát triển doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý và những người có nguyện vọng thành lập doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ tư, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, bảo vệ môi trường và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ năm, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư, phổ biến thông tin kỹ thuật, công nghệ tới các doanh nghiệp và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc xác định, lựa chọn và thích ứng với công nghệ.
Thứ sáu, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết ngành ở mọi cấp và hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp trong hội nhập và cạnh tranh.
Thứ bảy, thực hiện trợ giúp có trọng điểm về tăng cường khả năng cạnh tranh của một số ngành mà thành phố có lợi thế. Đặc biệt ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, hàng xuất khẩu, các ngành nghề truyền thống, thu hút nhiều lao động, giải quyết việc làm cho người lao động vùng nông thôn.
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
- Phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình
Kinh tế hộ gia đình có vị trí hết sức quan trọng, tuy nó không phải là thành phần kinh tế nhưng nó là một hình thức để phân biệt với các hình thức tổ chức kinh tế khác. Trong kinh tế thị trường, kinh tế hộ phát triển hết sức linh hoạt, thích ứng nhanh, góp phần phát triển sản xuất, tạo mở nhiều việc làm phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi trình độ của người lao động. Phát triển kinh tế hộ sẽ tận dụng được các nguồn lực về đất đai, lao động dư thừa, huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, kinh nghiệm quản lý và ngành nghề nông thôn. Để phát triển kinh tế hộ gia đình cần thực hiện:
Một là, có chính sách khuyến khích các hộ gia đình khai hoang phục hoá, mở rộng thâm canh như miễn giảm thuế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật để phát triển sản xuất.
Hai là, có chính sách tạo nguồn vốn, cho vay vốn để các hộ gia đình có điều kiện phát triển sản xuất đồng thời hướng dẫn nông dân phát triển kinh doanh và làm giàu chính đáng.
Ba là, mở rộng tuyên truyền những mô hình kinh tế hộ gia đình làm ăn có hiệu quả, thu nhập cao phù hợp với điều kiện của từng vùng để nhân rộng mô hình.
- Phát triển kinh tế trang trại
Kinh tế trang trại là hệ quả của sự phát triển kinh tế hộ, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của nền kinh tế xã hội. Kinh tế trang trại đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo ra các vùng chuyên canh tập trung. Kinh tế trang trại tạo thêm việc làm, góp phần giải quyết lao động dư thừa trong nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao dân trí. Để kinh tế trang trại phát triển đúng hướng, cần phải thực hiện một số nội dung sau:
Một là, phân vùng quy hoạch gắn với chính sách sử dụng đất đai, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Hai là, tăng cường đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, mở rộng và phát triển sản xuất thâm canh, có chính sách cho vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế trang trại.
ĐẠI HỌC KINH TẾ HUẾ
Ba là, hỗ trợ các chủ trang trại tìm kiếm thị trường, mở rộng và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá.
Bốn là, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hoá, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện, thuỷ lợi.
- Phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã
Ở Thành phố Đồng Hới hiện nay có hợp tác xã đánh cá Bảo Ninh II đã đi vào hoạt động. Để phát triển kinh tế tập thể có hiệu quả, mà nòng cốt là hợp tác xã, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, cải tiến công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, phi nông nghiệp hiện có. Tạo điều kiện phát triển đa dạng các hình thức trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ hải sản, chế biến sau thu hoạch, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ... ở những nơi có nhu cầu và điều kiện.
Hai là, tiến hành tổng kết và đánh giá nhằm rút ra bài học kinh nghiệm và nhân rộng những hợp tác xã điển hình đồng thời có kế hoạch chỉ đạo để tổ chức, kiện toàn và sắp xếp lại một số hợp tác xã theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.
Ba là, có chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển vững chắc.