CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THUẾ VÀ QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP
1.2. Quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp
1.2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh
1.2.4.1. Yếu tố bên trong
- Nguồn nhân lực: là nguồn lực con người – cán bộ thuế. Các cán bộ thuế chính là bộ phận thực hiện quy trình quản lý thu thuế, sử dụng các công cụ hỗ trợ khác để thực hiện nhiệm vụ thu NSNN, là nhân tố quan trọng quyết định quy trình quản lý thu thuế có đạt hiệu quả hay không. Nếu đội ngũ cán bộ thuế có trình độ yếu kém, sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các bước trong quy trình quản lý thu thuế, dễ gây sai sót khi thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy trình dẫn đến gây thất thu cho NSNN. Do vậy, đội ngũ cán bộ quản lý thu thuế tinh giản, có trình độ, đạo đức sẽ là cơ sở nền tảng cho quản lý thu thuế tốt.
- Nguồn lực tài chính: là sự phân bổ ngân sách hàng năm cho từng cơ quan thu, tỷ lệ ngân sách cơ quan thu thuế được hưởng nếu vượt kế hoạch thu; các khoản thu được hưởng từ một số dịch vụ của chính cơ quan thuế.
Mỗi năm, bên cạnh dự toán thu, ngành thuế còn tiến hành lập dự toán chi và phân bổ nguồn ngân sách cho từng cục và chi cục. Đây chính là kinh phí để phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho cơ quan thuế các cấp.
Nếu kinh phí cấp cho cơ quan thuế các cấp thấp hơn nhu cầu thực tế sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cán bộ thuế; môi trường làm việc (bao gồm cơ sở vật chất và hệ thống ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý thuế) không được cải thiện sẽ làm giảm hiệu suất công việc quản lý thu thuế. Ngược lại, nếu nguồn lực tài chính được phân bổ kịp thời và phù hợp sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý thu thuế hiện đại.
- Cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật là các nguồn lực vô hình tác động đến quản lý thu thuế như uy tín, vị thế sự công bằng, tính đại diện, quyền lực cho phép của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, trên một địa bàn quản lý có đến hàng nghìn doanh nghiệp, phát sinh nhiều sắc thuế khác nhau. Do vậy, hệ thống máy móc, phần mềm, trang thiết bị
công nghệ hiện đại góp phần hỗ trợ đáng kể cho cán bộ trong công tác quản lý, đôn đốc các doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế đúng kỳ hạn, đảm bảo nguồn thu cho NSNN.
1.2.4.2. Yếu tố bên ngoài
- Yếu tố thuộc về cơ chế chính sách của Nhà nước:
Các quy định của pháp luật nói chung liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp tư nhân như: Luật ngân hàng, Luật thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật chuyên ngành khác.... Những quy định của các luật này là thông tin quan trọng, có ảnh hưởng đến quản lý thu thuế đối với doanh nghiệp tư nhân. Để thuận lợi cho quản lý thu thuế của khối cần có sự tương thích và nhất quán giữa các văn bản luật này với nhau.
Luật thuế và các thay đổi trong Luật thuế: Doanh nghiệp tư nhân là một trong những đối tượng được quy định bởi Luật quản lý thuế. Do vậy Luật thuế càng đơn giản thì sẽ càng có tác động tích cực đến việc quản lý thu thuế nói chung và quản lý thu thuế khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Ngược lại các quy định của Luật thuế càng phức tạp sẽ càng tạo ra những thách thức lớn đối với quản lý thu thuế. Đặc biệt nếu các quy định về thuế không đảm bảo tính công bằng, hợp lý sẽ gây ra những sự chống đối và sai sót trong kê khai thuế, là điều kiện cho sự tránh thuế và trốn thuế . Vì thế, sự yếu kém của các Luật thuế sẽ tạo ra sự không hiệu lực trong cách tính thuế và quá trình thu thuế. Trong thực tế, luật thuế và các chính sách thuế luôn có sự thay đổi để phù hợp với điều kiện và đặc điểm mới của tình hình kinh tế. Ngoài ra, việc xây dựng luật thuế và các chính sách về thuế là một công việc khó khăn, phức tạp. Từ đó, sẽ không thể tránh khỏi tình trạng có tồn tại những bất cập trong Luật và chính sách thuế. Thực tế, những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện được phát hiện sẽ dẫn đến việc cải cách hệ thống thuế. Tần suất và mức độ cải cách thuế cũng là một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến quản lý thu thuế nói chung và quản lý thu thuế nói riêng của các địa phương.
Các chỉ tiêu kế hoạch thu thuế của các cơ quan thuế cấp trên (cục thuế tỉnh):
cũng là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến quản lý thu thuế khối doanh nghiệp tư
nhân. Nếu các chỉ tiêu đề ra cho khối là quá cao sẽ gây áp lực đối với quản lý thu thuế của khối. Ngược lại, nếu chỉ tiêu kế hoạch quá thấp sẽ có thể dẫn đến tình trạng thất thu thuế cho NSNN.
Từ những tác động của yếu tố thuộc về chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân cho thấy nhu cầu được hỗ trợ pháp lý của khối này rất cao.
- Yếu tố về đối tượng nộp thuế:
Đối tượng nộp thuế là các doanh nghiệp tư nhân. Sự tuân thủ thuế và yếu tố tác động đên sự tuân thủ thuế của các doanh nghiệp tư nhân là những ảnh hưởng trực tiếp đến quản lý thu thuế. Ý thức tuân thủ của mỗi doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng quyết định đến hiệu quả quản lý thu thuế.
Đa số các doanh nghiệp tư nhân đều mới thành lập, có xuất phát điểm từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thiếu kiến thức kinh doanh và pháp luật thuế, chưa quen với thị trường, trình độ quản lý còn rất hạn chế, tồn tại nhiều tiêu cực. Do vậy, trong quản lý thu thuế hiện đại, ý thức tuân thủ và hiểu biết pháp luật của các doanh nghiệp rất được quan tâm. Vì vậy, quản lý thu thuế lúc này phải phối hợp phương pháp hành chính với phương pháp kinh tế và phương pháp giáo dục để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp.
- Yếu tố về đặc điểm điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương:
Đặc điểm về điều kiện tự nhiên của địa phương có tác động mạnh mẽ đến khả năng phát triển kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố và ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế của doanh nghiệp. Nếu địa phương có vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, giao thông được chú trọng sẽ tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp và tạo ra sự đồng đều trong khả năng nộp thuế của doanh nghiệp trong cùng một địa bàn.
Trình độ phát triển kinh tế của địa phương có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nộp thuế của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn nói chung và của các doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Nếu địa phương có tiềm năng và đạt được tốc độ
kinh tế cao và ổn định, trình độ kinh tế phát triển có nghĩa là doanh nghiệp trên địa bàn làm ăn hiệu quả và phát triển. Do vậy, họ sẽ có khả năng nộp thuế cao hơn.
Đặc điểm về tình hình xã hội của địa phương cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến quản lý thu thuế. Nếu xã hội ổn định, trật tự an ninh được duy trì, mọi người dân có ý thức, chấp hành các chính sách luật pháp về quản lý thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân có xuất phát điểm là hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì sẽ là những yếu tố thuận lợi đối với quản lý thu thuế khối này.
- Yếu tố từ các bên liên quan khác:
Các ngân hàng và kho bạc. Là những tổ chức thu thuế thay cơ quan thuế làm giảm gánh nặng quản lý hành chính thuế cho cơ quan thuế
Các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn thuế . Những chuyên gia về tư vấn thuế, các hiệp hội kiểm toán, các đại lý thuế hay các tổ chức cung cấp thông tin khác đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý thu thuế. Các tổ chức này giảm đáng kể gánh nặng đào tạo và tư vấn doanh nghiệp cho cơ quan thuế bằng việc hỗ trợ hoặc thông tin cho ĐTNT tuân thủ các nghĩa vụ thuế chính xác và kịp thời. Đôi khi các chuyên gia tư vấn còn đóng vai trò như đại diện cho doanh nghiệp trước cơ quan thuế.
Môi trường kinh tế. Xu hướng kinh tế như tăng trưởng GDP, lãi suất, tỷ giá, thất nghiệp, chi tiêu chính phủ ảnh hưởng đến số thuế thu thực tế. Tính ổn định của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến khả năng của cơ quan thuế trong việc giải quyết khối lượng và tính phức tạp của các giao dịch thương mại quốc tế. Tỷ lệ lạm phát có thể ảnh hưởng đến hành vi tuân thủ của doanh nghiệp và các mức ấn định tỷ lệ phạt do nộp chậm thuế. Sự phát triển nhanh chóng của giao dịch kinh doanh sẽ vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan thuế.
Môi trường văn hóa, xã hội. Văn hoá thuế cụ thể là những giá trị, quan điểm về tuân thủ nghĩa vụ thuế được chia sẻ trong cộng đồng dân cư nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng là yếu tố cơ bản tác động đến quản lý thu thuế. Mặt khác, cơ sở hạ tầng xã hội phát triển với trình độ văn hoá dân cư được cải thiện
cũng là những cơ hội tốt. Sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, các tổ chức văn hoá là những điều kiện cần thiết cho sự thành công của quản lý thu thuế.