CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ QUẢN LÝ THUẾ GTGT
1.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý thuế GTGT
a. Hệ thống chính sách, pháp luật thuế
Hệ thống pháp luật thuế nói chung và chính sách thuế GTGT nói riêng, được áp dụng thống nhất chung cho các ngành nghề, các thành phần kinh tế, các tầng lớp dân cư nhằm đảm bảo sự bình đẳng và công bằng xã hội cho mọi cá nhân về quyền lợi cũng như nghĩa vụ. Sự công bằng, bình đẳng được thể hiện thông qua chính sách động viên giống nhau giữa các đơn vị, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có những điều kiện hoạt động giống nhau.
Hệ thống chính sách, pháp luật thuế được xây dựng đồng bộ, rõ ràng, đơn giản, minh bạch và càng ít ngoại lệ sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, giảm rủi ro do tham nhũng và phiền hà cho NNT, qua đó cũng giúp NNT thực hiện nghĩa vụ thuế tốt hơn. Ngược lại, nếu hệ thống pháp luật thuế phức tạp, không đồng bộ, thiếu tính chặt chẽ và chồng chéo sẽ làm tăng cơ hội cho NNT có những hành vi lợi dụng kẽ hở của luật để trục lợi, làm giảm tác dụng quản lý và răn đe của luật pháp.
Chính sách thuế GTGT thể hiện rõ mức độ điều tiết thu nhập dân cư của nhà nước qua thuế suất. Mức độ điều tiết phù hợp với điều kiện cụ thể của nền kinh tế và thu nhập dân cư sẽ góp phần tăng thu ngân sách, kích thích sự phát triển kinh tế
của đất nước. Nếu mức độ điều tiết quá thấp thì không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của nhà nước, còn mức độ điều tiết quá cao sẽ thúc đẩy gian lận thuế.
b. Môi trường kinh tế, xã hội
Môi trường kinh tế xã hội chính là sự biến đổi của các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãi suất, lạm phát, tình hình chính trị, tệ nạn xã hội... Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động của các DN cũng như mức sinh lời của họ.
Môi trường kinh tế xã hội có tỷ lệ tăng trưởng cao, tình hình chính trị ổn định, lãi suất, lạm phát không tăng cao, có thể thu hút vốn đầu tư từ trong và ngoài nước, đưa đến cho các DN nhiều cơ hội để hoạt động, tăng sức cạnh tranh, thu về lợi nhuận cao, từ đó NNT sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, vì thế quản lý thuế GTGT cũng dễ dàng hơn. Ngược lại, suy giảm kinh tế, chính trị bất ổn, lãi suất và lạm phát tăng đột biến, làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước cảm thấy e ngại khi muốn tham gia thị trường. Vì vậy sẽ làm giảm đầu tư, giảm chi tiêu của người tiêu dùng, làm tăng sức ép cạnh tranh, các DN vì thế mà làm ăn thua lỗ, dẫn tới gian lận, trốn thuế, gặp nhiều khó khăn trong quản lý thuế GTGT.
c. Sự phối hợp của các cơ quan ban ngành
Trong hoạt động quản lý thuế GTGT, cơ quan thuế hoạt động không vì lợi ích riêng của ngành thuế, mà là vì lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội và của chính đối tượng nộp thuế. Do đó, trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp từ các cơ quan ban ngành, các tổ chức có liên quan khác là một nghĩa vụ pháp lý quy định bởi Nhà nước.
Hơn nữa bản thân ngành Thuế cũng không thể tự mình đảm đương hết được việc quản lý và thu thuế GTGT, mà cần phải có sự phối hợp và hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan. Cụ thể, Kho bạc nhà nước sẽ là cơ quan phối
hợp thu ngân sách. Và hiện nay việc QLT trở nên hiệu quả hơn trong một nền kinh tế không dùng tiền mặt, với sự tham gia của hệ thống NH phối hợp thu tiền thuế vào NSNN. Đồng thời để có thể tuyên truyền sâu rộng chính sách pháp luật thuế, nâng cao ý thức của người dân, Cơ quan thuế cần có sự phối hợp với Ban tuyên giáo thành ủy, Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan báo chí...
Ngoài ra, có thể thấy rằng việc phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục gia nhập thị trường. Một trong những minh chứng thể hiện rõ nhất đó là việc giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường.
Sự phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan ban ngành trong quản lý thuế GTGT là tất yếu.
1.4.2 Nhân tố chủ quan a. Nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực có thể được hiểu là những người tạo nên lực lượng lao động của một tổ chức. Khi nói đến nguồn nhân lực, người ta thường nói đến cả số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực.
Không có công việc nào không do lao động trực tiếp thực hiện.Trong bối cảnh nguồn nhân lực ngày càng bị thu hẹp, để đạt được nhiệm vụ được giao, ngoài những giải pháp về công nghệ; rà soát thủ tục hành chính thuế, ngành Thuế còn tập trung tới đào tạo nguồn nhân lực bởi đây là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý thuế GTGT làm cho quản lý thuế được thuận tiện hơn, nhưng đồng thời nó cũng đòi hỏi năng lực của cán bộ công chức phải được nâng cao, để đáp ứng điều kiện vận hành và sử dụng thuần
thạo các ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, và hỗ trợ NNT trong quá trình triển khai những ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành thuế.
b. Hoạt động thông tin truyền thông
Từ cấp tổng cục thuế đến cấp chi cục thuế, đều có bộ phận tuyên truyền hỗ trợ NNT. Mỗi khi có chính sách thuế mới, bộ phận tuyên truyền hỗ trợ sẽ tiến hành tuyên truyền, tập huấn để người nộp thuế hiểu và thực hiện. Tuy nhiên, để các chính sách thuế mới này đến được với đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế, ngoài việc tuyên truyền thông qua hệ thống riêng của ngành, ngành Thuế còn phải thực hiện mở rộng tuyên truyền qua truyền thông. Phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành Tài chính để tuyên truyền, để người dân hiểu và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Có thể nói, báo chí là một kênh thông tin truyền thông vô cùng quan trọng, không thể thiếu đối với ngành Thuế. Nhờ có báo chí, những chính sách thuế mới ban hành đã đến được với người dân, doanh nghiệp, từ đó họ tự giác thực hiện.
Cũng nhờ báo chí, người dân đã hiểu và chia sẻ những khó khăn, áp lực của người làm công tác thuế, giúp cho ngành Thuế không chỉ thu được thuế, mà còn thu được cả lòng dân.
c. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin
Khi mà nền kinh tế ngày càng tăng trưởng mạnh, các CSKD trên địa bàn thành phố cũng ngày một tăng lên. Trong khi nguồn nhân lực của thành phố thì có hạn, khối lượng công việc trong quản lý thuế GTGT thì rất lớn, do đặc điểm của quản lý thuế GTGT là phải quản lý trực tiếp đến từng đối tượng người nộp thuế. Vì vậy ứng dụng công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong quản lý thuế và mang lại những hiệu quả to lớn trong công cuộc hiện đại hóa quản lý thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế. Từ đó, đã tiết kiệm được chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và
chi phí hành chính cho cơ quan thuế. Đồng thời, giảm thiểu tương tác giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, góp phần giảm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người nộp thuế.
Nhận thức được vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong quản lý và định hướng phát triển lâu dài của ngành Thuế, thời gian qua, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Tốc độ triển khai, mở rộng các ứng dụng CNTT và cơ sở dữ liệu ngày càng tăng, đòi hỏi Cục thuế thành phố cần tập trung nâng cấp, bổ sung và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại và đồng bộ. Đảm bảo hệ thống CNTT vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là nền tảng vững chắc cho mọi hoạt động và các ứng dụng liên quan đến công nghệ thông tin. Một hệ thống không ổn định hoặc bị ngắt quãng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động của ngành.