Thực tiễn công tác an sinh xã hội tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện trảng bom tỉnh đồng nai (Trang 44 - 49)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI

1.3. Thực tiễn công tác ASXH tại Việt Nam, thuận lợi, khó khăn và bài học

1.3.1. Thực tiễn công tác an sinh xã hội tại Việt Nam

Thực hiện đường lối đổi mới, trong hơn 30 năm qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. An sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần hình thành xã hội không còn nhóm xã hội bị loại trừ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước.

Về mặt thể chế, trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã hoạch định và triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội quan trọng, huy động được nhiều nguồn lực của toàn xã hội để trợ giúp cho các đối tượng (người dân tộc thiểu số, người nghèo, người già cô đơn, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương) vươn lên trong cuộc sống. Các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội được triển khai đồng bộ trên cả 3 phương diện:

(1) Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở,...; (2) Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm thị trường, tín dụng, việc làm; (3) Phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các địa phương phục vụ người dân tốt hơn.

Đến nay công tác bảo đảm an sinh xã hội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, được nhân dân đồng tình, quốc tế đánh giá cao: số hộ nghèo giảm từ 29% (năm 2002) xuống còn 9,5% (năm 2011); chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ mức 0,683 (năm 2000) lên mức 0,728 (năm 2011), xếp thứ

128/187 nước, thuộc nhóm trung bình cao của thế giới; năm 2011 nước ta đã hoàn thành 6/8 nhóm Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) do Liên hợp quốc đề ra cho các nước đang phát triển đến năm 2015.

Hệ thống pháp luật về an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện hơn, đã trở thành căn cứ pháp lý quan trọng trong điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Hệ thống bảo hiểm xã hội được quan tâm phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, nhằm chia sẻ rủi ro và trợ giúp thiết thực cho những người tham gia. Bảo hiểm xã hội được triển khai đồng bộ với 3 loại hình là: bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế), bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng nhanh, từ 4,8 triệu (năm 2001) lên 9,7 triệu (năm 2011). Sau gần 3 năm triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến năm 2010 có khoảng 96,6 nghìn người tham gia. Năm 2011 có khoảng 7,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 13,4% dân số (năm 2000) lên khoảng 62% (năm 2010). Đặc biệt, đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo, v.v..

Hệ thống chính sách ưu đãi đối với người có công không ngừng được hoàn thiện. Mức trợ cấp ưu đãi năm 2010 tăng 2,2 lần so với năm 2006. Thực hiện chính sách ưu đãi thường xuyên cho hơn 1,4 triệu người có công. Đến nay, hơn 90% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư cùng địa bàn.

Các chính sách trợ giúp xã hội (thường xuyên và đột xuất) được thực hiện rộng hơn cả về quy mô và đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng. Kinh phí trợ giúp thường xuyên từ ngân sách nhà nước và số người được thụ hưởng tăng nhanh, từ 113 tỉ đồng cho hơn 180 nghìn người (năm 2001) tăng lên 4.500 tỉ đồng cho hơn 1,6 triệu người (năm 2010). Hằng năm

Nhà nước còn trợ cấp đột xuất hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục nghìn tấn lương thực, thuốc men, chủ yếu để trợ giúp khắc phục thiên tai.

Các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Quỹ vì người nghèo“, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được tổ chức thường xuyên và thu hút sự hưởng ứng của nhiều lực lượng xã hội, đóng góp đáng kể vào việc nâng cao an sinh xã hội cho mọi người, nhất là những người nghèo, vùng nghèo.

1.3.1.2.Hạn chế và thách thức

Đến nay, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém: giảm nghèo chưa bền vững, người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, phân hóa giàu nghèo, phân hóa giữa các vùng miền có xu hướng mở rộng. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, ở vùng đô thị hóa và thất nghiệp ở thành thị còn nhiều. Nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ thấp, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Khả năng cân đối giữa nguồn và sử dụng của hệ thống an sinh xã hội, kể cả các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ bảo trợ xã hội còn hạn chế và gặp thách thức lớn cả trước mắt, cũng như trong trung và dài hạn. Các quỹ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là quỹ bảo hiểm y tế ở trong tình trạng báo động trong tương lai gần. Nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội của Nhà nước khó đáp ứng được yêu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng của người dân, trong khi đó huy động từ các nguồn khác, đặc biệt từ cộng đồng còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn. Các hình thức bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân; chất lượng các dịch vụ nhìn chung còn thấp, vẫn xảy ra không ít tiêu cực, phiền hà. Một số chính sách an sinh xã hội còn tồn tại những bất hợp lý; chưa có các chính sách an sinh xã hội đặc thù và phù hợp với dân cư nông thôn và các vùng dân tộc,

miền núi có điều kiện sống khó khăn. Chất lượng cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, đặc biệt là dịch vụ y tế, còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng mức sống của dân cư. Hệ thống hành chính, sự nghiệp cung cấp dịch vụ an sinh xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển, còn hạn chế trong năng lực tổ chức và quản lý đối với các loại hình an sinh xã hội.

Theo cổng thông tin điện tử Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ngày 14/02/2016, công tác ASXH ở nước còn một số tồn tại đó là:

Thứ nhất,chất lượng việc làm còn thấp, trong khi khả năng tạo việc làm của nền kinh tế trong giai đoạn suy giảm tăng trưởng kinh tế không cao đã ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc làm cho người lao động. Nguồn lực hỗ trợ tạo việc làm thấp, chưa đảm bảo để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ giải quyết việc làm.

Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, năm 2015 là 44,3%; chất lượng lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung 51,6%, trong đó qua đào tạo từ 3 tháng trở (có bằng cấp chứng chỉ) mới đạt khoảng 21,9%.

Đa số lao động phi chính thức chưa tham gia BHXH tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của trị trường lao động và doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao sẽ diễn ra mạnh mẽ trên bình diện thế giới, khu vực và quốc gia. Việc mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.

Thứ ba, mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng vẫn còn một số người có công chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước do hồ sơ bị thất lạc, còn nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt hoặc hài cốt đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa có hoặc còn thiếu thông tin…giải quyết các vấn đề đó là việc làm thiêng liêng, là trách nhiệm cao cả của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Thứ tư, giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ nghèo ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai còn cao; chênh lệch giàu - nghèo về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội giữa các vùng, nhóm dân cư có xu hướng gia tăng.

Thứ năm,mức trợ cấp xã hội còn thấp, đời sống đối tượng bảo trợ xã hội còn rất khó khăn; xu hướng già hóa dân số nhanh hơn dự kiến đặt ra những thách thức về chi phí liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và chính sách an sinh xã hội. Đến hết năm 2014, cả nước mới có gần 4,415 triệu người từ 55 tuổi trở lên hưởng an sinh tuổi già (gồm 2,2 triệu người hưởng chế độ hưu trí, 1,6 triệu người già trên 80 tuổi và 670 ngàn người cao tuổi thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp tuổi già), chiếm 32,74% dân số trên độ tuổi lao động.

Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của an sinh xã hội ở không ít cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa đúng và chưa đầy đủ, còn coi an sinh xã hội là trách nhiệm riêng của Nhà nước, tư tưởng trông chờ vào Nhà nước, vào Trung ương còn nặng nề; Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, luật pháp, thanh kiểm tra việc thực hiện an sinh xã hội chưa được quan tâm đúng mức; các chính sách được ban hành ở nhiều giai đoạn khác nhau, áp dụng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau nên thiếu tính hệ thống, gây khó khăn cho việc áp dụng chính sách, quản lý đối tượng.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện trảng bom tỉnh đồng nai (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)