Đánh giá chung về hiệu quả kinh tế trồng cây đào cảnh của hộ nông dân trên địa bàn thị xã

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trồng cây đào cảnh của hộ nông dân trên địa bàn thị xã tam điệp tỉnh ninh bình (Trang 68 - 71)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Thực trạng hiệu quả kinh tế trồng cây đào cảnh của hộ nông dân

3.1.4. Đánh giá chung về hiệu quả kinh tế trồng cây đào cảnh của hộ nông dân trên địa bàn thị xã

3.1.4.1. Kết quả đạt được

* Về kinh tế:

Qua thực tế sản xuất những năm gần đây cây Đào cảnh Tam Điệp đã thực sự khẳng định hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với các cây trồng khác. Do đó việc mở rộng diện tích và đi vào chuyên canh cây Đào cảnh là việc làm cần thiết.

Việc phát triển sản xuất cây hoa Đào cảnh có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị thu nhập cho người sản xuất, tận dụng khai thác tốt các diện tích đất nghèo dinh dưỡng, thiếu nước, khó canh tác.

Việc trồng đào đã nâng cao giá trị canh tác so với các cây trồng trước đây.

Nếu được đầu tư tốt, ứng dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, giá trị thu nhập/ha canh tác có thể đạt 200-250 triệu đồng/ha/năm, tăng từ 50 -100 triệu đồng/ha/năm so với hiện nay.

* Về xã hội:

Khi cây Đào cảnh trở thành cây trồng chính, bình quân mỗi 1 ha sản xuất Đào cảnh sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 - 15 lao động, tương đương 1.300 lao động hằng năm, đã tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Làm phong phú thêm sản phẩm nông nghiệp, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của thị xã phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá.

Việc phát triển sản xuất cây hoa Đào cảnh còn có ý nghĩa lớn về bảo tồn, phát triển nguồn gen thực vật quý, hiếm và nét văn hóa riêng, độc đáo của thị xã Tam Điệp. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh, công tác bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp.

* Về môi trường:

Mở rộng diện tích Đào cảnh sẽ có ý nghĩa lớn trong việc cải tạo cảnh quan môi trường, góp phần nâng cao sức khoẻ của người dân, đặc biệt cuối năm 2014 khi thị xã Tam Điệp trở thành thành phố, cây đào sẽ càng có ý nghĩa tăng thêm vẻ đẹp cho đô thị. Từng bước đưa sản xuất cây Đào cảnh Tam Điệp trở thành cây trồng chính tại địa bàn xã Đông Sơn, góp phần cải thiện đời sống người làm nghề nông, đưa nông nghiệp thị xã phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá kết hợp với du lịch sinh thái. Khắc phục được tình trạng nhiều diện tích đất màu đồi thiếu nước, bị bỏ trắng, hoang hoá trong sản xuất vụ đông.

3.1.4.2. Khó khăn, tồn tạ a. Khó khăn

- Lượng mưa không ổn định và phân bố không đều trong năm, thời tiết nóng lạnh thất thường, đã ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng, phát triển và thời điểm ra hoa của cây đào.

- Công tác bảo vệ thực vật còn đang gặp khó khăn. Hiện nay nhiều diện tích đào bị mắc bệnh chảy gôm nhưng chưa tìm được nguyên nhân và giải

pháp khắc phục, do đó đào sinh trưởng phát triển kém, ít hoa, hình thức, dáng cây kém hấp dẫn khó tiêu thụ.

- Chu kỳ cho thu hoạch của cây Đào cảnh khá dài (3 năm), chi phí sản xuất trồng đào tương đối cao do vậy phần lớn các hộ dân trồng đào đang thiếu vốn đầu tư, trong khi nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cũng như chính sách vay vốn ưu đãi.

- Thu hoạch đào tương đối tập trung trong khi sản phẩm khó bảo quản và vận chuyển, do vậy thường thiếu lao động trong thời gian cao điểm tiêu thụ.

b. Tồn tại

- Năng suất và chất lượng sản phẩm cây Đào cảnh còn thấp và không ổn định, Đào cảnh là loại cây trồng đặc biệt, trồng để lấy hoa nhưng lại là loài cây ăn quả lâu năm, thời gian để có sản phẩm khá dài ngày, có giá trị kinh tế cao nhưng yếu tố tự nhiên tác động lớn đến năng suất. Do vậy người dân chưa mạnh dạn đầu tư thâm canh, phần lớn các hộ vẫn gieo trồng theo hình thức quảng canh.

- Công tác tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ thuật, xây dựng mô hình còn hạn chế. Phần lớn người trồng đào chưa được đào tạo nghề bài bản, chủ yếu là sản xuất tự phát, số hộ sản xuất có tay nghề chiếm tỷ lệ thấp.

- Sản xuất quy mô nhỏ, tự phát, thiếu sự liên kết giữa các hộ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

- Nhiều hộ gia đình trồng đào chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh ít được quan tâm, một số hộ dân trồng đào mang tính phong trào chưa thật sự quan tâm học hỏi về kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa tạo dáng, tạo thế đặc biệt là việc tác động các biện pháp kỹ thuật để đào nở hoa đúng dịp tiêu thụ, do vậy hiệu quả sản xuất mang lại chưa cao.

- Việc tiêu thụ đào còn mang tính tự phát tập trung nhiều ở các hộ có diện tích lớn, tiện giao thông, chưa có sự liên kết giữa các hộ trồng đào trong việc thống nhất giá cả và thị trường của sản phẩm.

- Thị xã Tam Điệp chưa có hệ thống cung ứng cây giống chất lượng cao. Cây hoa Đào cảnh đang trồng chủ yếu được nhân giống từ hạt, phương pháp này dễ thực hiện, giá thành cây giống thấp nhưng chất lượng giống không cao, dễ bị thoái hóa, làm giảm chất lượng hoa. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có khoảng 15 hộ tổ chức nhân giống cây Đào cảnh chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất của gia đình với diện tích vườn ươm từ 50-80m2, các hộ còn lại chủ yếu tận dụng cây mọc tự nhiên trong vườn để trồng.

- Sự quan tâm của các cấp, các ngành còn hạn chế chưa có những giải pháp đồng bộ mang tính đột phá để khuyến khích và tạo điều kiện cho cây đào phát triển.

- Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành còn nhiều bất cập và chưa có chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất Đào phai.

Tóm lại, từ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc mà nghề trồng Đào cảnh trên địa bàn thị xã đang gặp phải, việc xây dựng Đề án phát triển sản xuất cây hoa Đào cảnh giai đoạn 2014 - 2016 trong đó xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, bố trí nguồn kinh phí thích hợp cho hoạt động này để tạo điều kiện cho nghề trồng đào của thị xã tiếp tục phát triển là rất cần thiết. Nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân, để sớm đưa Đông Sơn không còn là xã nghèo trọng điểm của tỉnh, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thị xã Tam Điệp, góp phần xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã Tam Điệp.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trồng cây đào cảnh của hộ nông dân trên địa bàn thị xã tam điệp tỉnh ninh bình (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)