Các nhân tố ảnh hưởng đến chuỗi giá trị rau cải bắp an toàn huyện Phúc Thọ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chuỗi giá trị rau an toàn huyện phúc thọ thành phố hà nội (Trang 90 - 94)

Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến chuỗi giá trị rau cải bắp an toàn huyện Phúc Thọ

3.3.1. Các nhân tố nguồn lực 3.3.1.1. Giống

Giống, phân bón và thuốc BVTV là các loại vật tư chính trong sản xuất cây cải bắp. Giống cải bắp được trồng trên địa bàn huyện là ba giống chính:

AK, C90, cải bắp sần... Cây rau giống được sản xuất trên địa bàn đáp ứng đủ nhu cầu rau giống các loại cho nông dân trong vùng. Tuy nhiên, chất lượng cây giống còn trôi nổi và chủ yếu do người ươm cây giống quyết định. Giống là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm, việc không kiểm soát được chất lượng giống cải bắp phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng, giá trị thu nhập của tác nhân người sản xuất nói riêng và toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nói chung.

3.3.1.2. Vật tư nông nghiệp và thuốc BVTV

Nguồn phân vô cơ và phân vi sinh bán trên thị trường Phúc Thọ khá nhiều đáp ứng đủ nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo số liệu thu thập được, hiện nay trên địa bàn huyện có 2 đại lý cấp I chuyên phân phối các loại phân bón, hai công ty phân phối thuốc BVTV trên toàn miền Bắc và cũng là hai cửa hàng bán buôn, bán lẻ thuốc BVTV lớn nhất Thành phố Hà Nội. Ngoài ra, còn có 93 cửa hàng bán phân bón, thuốc BVTV nhỏ lẻ.

3.3.2. Các nhân tố thuộc hoạt động hỗ trợ 3.3.2.1. Tập huấn về KHKT

Trong những năm gần đây với sự tài trợ của tổ chức DANIDA, chi cục BVTV miền Bắc, chi cục BVTV Thành phố Hà Nội đã tổ chức mỗi năm 3 lớp tập huấn kỹ thuật IPM cho người sản xuất rau tập trung ở hầu hết các xã Võng Xuyên, Thanh Đa, Thọ Lộc, Vân Nam, Vân Phúc... Ở mỗi lớp tập huấn, một mô hình trình diễn với diện tích khoảng 1.000m2 được trồng một loại rau do

học viên lựa chọn. Ngoài các lớp IPM, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hà Nội kết hợp với Trạm khuyến nông hàng năm cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác rau cho người dân tại vùng trồng rau Thanh Đa.

3.3.2.2. Thuỷ lợi

Hoạt động cung cấp dịch vụ thuỷ lợi do HTXSXNN đảm nhận. Một số cánh đồng thuộc Thanh Đa, Thọ Lộc phải sử dụng máy bơm dã chiến và một số nơi hệ thống thủy nông phục vụ cho việc tưới tiêu gặp khó khăn do hệ thống thủy lợi còn kém đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng rau cải bắp an toàn dẫn đến tăng chi phí sản xuất của người nông dân.

3.3.2.3. Đất đai

Hiện nay đất nông nghiệp bình quân của một nhân khẩu huyện Phúc Thọ thấp lại đang ngày càng bị thu hẹp do sự phát triển của các khu công nghiệp.

Nông dân muốn mở rộng diện tích trồng rau nhưng tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất canh tác lại thiếu.

3.3.3. Mối liên hệ giữa các khâu

3.3.3.1. Mối liên hệ giữa người sản xuất với thị trường.

Thông qua Bảng 3.21 dưới đây, chúng ta có thể thấy rằng giữa các tác nhân mối liên kết còn lỏng lẻo. Các nguồn thông tin đến với tác nhân đều không chính thống. Mức độ quan hệ của tác nhân người sản xuất với các tác nhân khác còn không thường xuyên đồng nghĩa với sản xuất cải bắp an toàn còn chưa gắn kết thường xuyên với thị trường.

Mục tiêu chính của chuỗi giá trị chính là giá trị và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị ngành hàng rau cải bắp an toàn huyện Phúc Thọ vấn đề giá trị sản phẩm chưa được coi trọng, trong quá trình mua bán, chất lượng cải bắp chỉ được đánh giá bằng cảm quan, chưa có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể, chưa quan tâm đến thị hiếu người tiêu dùng.

Kết cấu tổ chức của chuỗi giá trị là các tác nhân phụ thuộc nhau. Tuy

trên thực tế chuỗi giá trị ngành hàng rau cải bắp an toàn huyện Phúc Thọ hoạt động của mỗi tác nhân đều gần như tách biệt với nhau, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, không có sự hợp tác với nhau lâu dài.

Tác nhân chính trong chuỗi giá trị ngành hàng rau cải bắp Phúc Thọ vẫn là người sản xuất mà chủ yếu là các hộ nông dân. Các tác nhân khác như:

người thu gom, bán buôn, bán lẻ và đặc biệt là người tiêu dùng có tác động rất ít tới sự phát triển của chuỗi.

3.3.4. Ảnh hưởng của môi trường tầm vĩ mô 3.3.4.1. Cơ sở hạ tầng

Điều kiện về cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc... đã được tôi phân tích kỹ trong phần đặc điểm địa bàn nghiên cứu.

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng của huyện Phúc Thọ đã đáp ứng được cho sự phát triển và mở rộng chuỗi giá trị ngành hàng rau cải bắp an toàn. Hệ thống chợ, bến bãi đã phát huy tốt vai trò là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi, trung chuyển hàng hóa nông sản giữa huyện Phúc Thọ với các địa phương, vùng miền khác trong cả nước.

3.3.4.2. Các chính sách liên quan đến phát triển chuỗi giá trị ngành hàng rau cải bắp an toàn

Ngày 05 tháng 05 năm 2009 UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 2083/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009 - 2015”. Cho đến nay, đề án đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định.

Việc tổ chức giới thiệu quảng bá thương hiệu rau an toàn Phúc Thọ tại các hội trợ triển lãm do Trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức hay tại các hội trợ hàng nông nghiệp của Thành phố đều được thực hiện tốt. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu là cả một quá trình lâu dài mà trước hết nông dân Phúc Thọ phải luôn khẳng định và duy trì được rau của mình sản xuất ra đạt tiêu chuẩn an toàn.

Bên cạnh những mặt tích cực việc thực hiện các chính sách của Thành phố còn có những hạn chế như: Các khoản kinh phí hỗ trợ đối với cây, rau màu vụ đông mà trong đó có cây rau cải bắp an toàn thường được cấp phát chậm, không kịp thời.

3.3.5. Ảnh hưởng của các yếu tố khách quan 3.3.5.1. Rủi ro về thời tiết

Thời tiết, khí hậu không thuận lợi có tác động rất lớn đến năng suất và sản lượng cải bắp. Trong ba năm qua, những tháng đầu vụ đông nhiệt độ thường cao, lượng mưa lớn đã làm sụt giảm mạnh sản lượng rau cải bắp. Đối với mưa lớn (nhất trong vụ cải bắp sớm) mưa xuống, nắng lên, độ ẩm trong đất và không khí cao thường gây ra hiện tượng thối gốc, thối nhũn làm giảm năng suất.

3.3.5.2. Rủi ro về sâu bệnh

Sâu bệnh xuất hiện nhiều vào vụ cải bắp sớm hoặc cải bắp muộn. Nếu thực hiện công thức luân canh cây trồng và vệ sinh đồng ruộng không tốt thì nguy cơ bị sâu bệnh hại càng cao. Những loại sâu như sâu xanh, sâu xám rất khó diệt bằng thuốc BVTV các hộ nông dân thường phải bắt thủ công bằng tay. Ngoài ra các loại bệnh như bệnh thối hạch, thối nhũn trên cải bắp, súp lơ... khi cây bị bệnh nông dân thường nhổ và vứt ra bờ ruộng, bệnh theo nguồn nước phát tán ra diện rộng.

3.3.5.3. Rủi ro về giá cả

Vào vụ đông, diện tích các lọai rau màu đều tăng cao. Khi rau cải bắp bắt đầu vào thu hoạch chính vụ thì các loại rau màu khác cũng cho thu hoạch trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thị trường ổn định dẫn đến dư cung, giá bán sụt giảm gây thiệt hại cho người sản xuất, giảm thu nhập của chuỗi.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chuỗi giá trị rau an toàn huyện phúc thọ thành phố hà nội (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)