Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1. Cơ sở lý luận về nguồn lực
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Huy động và sử dụng nguồn lực trong xây dựng NTM tại một số nước trên thế giới
* Kinh nghiệm của Mỹ: [22]
Mỹ là nước có điều kiện tự nhiên cực kỳ thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Vùng Trung Tây của nước này có đất đai màu mỡ nhất thế giới.
Lượng mưa vừa đủ cho hầu hết các vùng của đất nước; nước sông và nước ngầm cho phép tưới rộng khắp cho những nơi thiếu mưa.
Bên cạnh đó, các khoản vốn đầu tư lớn và việc tăng cường sử dụng lao động có trình độ cao cũng góp phần vào thành công của ngành nông nghiệp Mỹ. Điều kiện làm việc của người nông dân làm việc trên cánh đồng rất thuận lợi: máy kéo với các ca bin lắp điều hòa nhiệt độ, gắn kèm theo những máy cày, máy xới và máy gặt có tốc độ nhanh và đắt tiền. Công nghệ sinh học giúp phát triển những loại giống chống được bệnh và chịu hạn. Phân hóa học và thuốc trừ sâu được sử dụng phổ biến, thậm chí, theo các nhà môi trường, quá
phổ biến. Công nghệ vũ trụ được sử dụng để giúp tìm ra những nơi tốt nhất cho việc gieo trồng và thâm canh mùa màng. Định kỳ, các nhà nghiên cứu lại giới thiệu các sản phẩm thực phẩm mới và những phương pháp mới phục vụ việc nuôi trồng thủy, hải sản, chẳng hạn như tạo các hồ nhân tạo để nuôi cá.
Ngành nông nghiệp Mỹ đã phát triển thành một ngành “kinh doanh nông nghiệp”, một khái niệm được đặt ra để phản ánh bản chất tập đoàn lớn của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp trong nền kinh tế Mỹ hiện đại. Kinh doanh nông nghiệp bao gồm rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp và các cơ cấu trang trại đa dạng, từ các doanh nghiệp nhỏ một hộ gia đình cho đến các tổ hợp rất lớn hoặc các công ty đa quốc gia sở hữu những vùng đất đai lớn hoặc sản xuất hàng hóa và nguyên vật liệu cho nông dân sử dụng. Cũng giống như một doanh nghiệp công nghiệp tìm cách nâng cao lợi nhuận bằng việc tạo ra quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn, nhiều nông trại Mỹ cũng ngày càng có quy mô lớn hơn và củng cố hoạt động của mình sao cho linh hoạt hơn.
Sự ra đời ngành kinh doanh nông nghiệp vào cuối thế kỷ XX đã tạo ra ít trang trại hơn, nhưng quy mô các trang trại thì lớn hơn nhiều. Đôi khi được sở hữu bởi những cổ đông vắng mặt, các trang trại mang tính tập đoàn này sử dụng nhiều máy móc hơn và ít bàn tay của nông dân hơn. Vào năm 1940, Mỹ có 6 triệu trang trại và trung bình mỗi trang trại có diện tích khoảng 67 ha, đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, số trang trại chỉ còn 2,2 triệu nhưng trung bình mỗi trang trại có diện tích 190 ha. Cũng chính trong khoảng giai đoạn này, số lao động nông nghiệp giảm rất mạnh - từ 12,5 triệu người năm 1930 xuống còn 1,2 triệu người vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước - dù cho dân số của Mỹ tăng hơn gấp đôi. Và gần 60% trong số nông dân còn lại đó đến cuối thế kỷ này chỉ làm việc một phần thời gian trên trang trại; thời gian còn lại họ làm những việc khác không thuộc trang trại để bù đắp thêm thu nhập cho mình.
Hiện nay, trong cuộc sống hiện đại ồn ào, đầy sức ép, người Mỹ ở vùng đô thị hay ven đô hướng về những ngôi nhà thô sơ, ngăn nắp và những cánh đồng, phong cảnh miền quê truyền thống, yên tĩnh. Tuy nhiên, để duy trì “trang trại gia đình” và phong cảnh làng quê đó thực sự là một thách thức. m,,,,,ô
* Kinh nghiệm của Nhật Bản [22]
Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, ở tỉnh Oita (miền tây nam Nhật Bản) đã hình thành và phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, với mục tiêu phát triển vùng nông thôn của khu vực này một cách tương xứng với sự phát triển chung của cả nước Nhật Bản. Trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” ở đây đã thu được nhiều thắng lợi rực rỡ. Sự thành công của phong trào này đã lôi cuốn sự quan tâm không chỉ của nhiều địa phương trên đất nước Nhật Bản mà còn rất nhiều khu vực, quốc gia khác trên thế giới. Một số quốc gia, nhất là những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã thu được những thành công nhất định trong phát triển nông thôn của đất nước mình nhờ áp dụng kinh nghiệm phong trào
“Mỗi làng một sản phẩm”.
Những kinh nghiệm của phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” được những người sáng lập, các nhà nghiên cứu đúc rút để ngày càng có nhiều người, nhiều khu vực và quốc gia có thể áp dụng trong chiến lược phát triển nông thôn, nhất là phát triển nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa đất nước mình.
* Kinh nghiệm của Thái Lan [22]
Thái Lan vốn là một nước nông nghiệp truyền thống với dân số nông thôn chiếm khoảng 80% dân số cả nước. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững nền nông nghiệp, Thái Lan đã áp dụng một số chiến lược như: Tăng cường vai trò của cá nhân và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ của từng cá nhân và tập thể bằng
cách mở các lớp học và các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; tăng cường công tác bảo hiểm xã hội cho nông dân, giải quyết tốt vấn đề nợ trong nông nghiệp; giảm nguy cơ rủi ro và thiết lập hệ thống bảo hiểm rủi ro cho nông dân.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp, Nhà nước đã hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh với các hình thức, như tổ chức hội chợ triển lãm hàng nông nghiệp, đẩy mạnh công tác tiếp thị; phân bổ khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách khoa học và hợp lý, từ đó góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi và kịp thời phục hồi những khu vực mà tài nguyên đã bị suy thoái;
giải quyết những mâu thuẫn có liên quan đến việc sử dụng tài nguyên lâm, thủy hải sản, đất đai, đa dạng sinh học, phân bổ đất canh tác. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, Nhà nước đã có chiến lược trong xây dựng và phân bố hợp lý các công trình thủy lợi lớn phục vụ cho nông nghiệp.
Hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho hầu hết đất canh tác trên toàn quốc, góp phần nâng cao năng suất lúa và các loại cây trồng khác trong sản xuất nông nghiệp. Chương trình điện khí hóa nông thôn với việc xây dựng các trạm thủy điện vừa và nhỏ được triển khai rộng khắp cả nước…
Về lĩnh vực công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chính phủ Thái Lan đã tập trung vào các nội dung sau: Cơ cấu lại ngành nghề phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn, đồng thời cũng xem xét đến các nguồn tài nguyên, những kỹ năng truyền thống, nội lực, tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất và tiếp thị song song với việc cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhập khẩu.
Thái Lan đã tập trung phát triển các ngành mũi nhọn như sản xuất hàng nông nghiệp, thủy, hải sản phục vụ xuất khẩu, thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp chế biến nông sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là các nước công nghiệp phát triển. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm ở Thái Lan phát triển rất mạnh nhờ một số chính sách sau:
Chính sách phát triển nông nghiệp: Một trong những nội dung quan trọng nhất của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2000-2005 là kế hoạch cơ cấu lại mặt hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, nhằm mục đích nâng cao chất lượng và sản lượng của 12 mặt hàng nông sản, trong đó có các mặt hàng: gạo, dứa, tôm sú, gà và cà phê. Chính phủ Thái Lan cho rằng, càng có nhiều nguyên liệu cho chế biến thì ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm mới phát triển và càng thu được nhiều ngoại tệ cho đất nước.
Nhiều sáng kiến làm gia tăng giá trị cho nông sản được khuyến khích trong chương trình Mỗi làng một sản phẩm và chương trình Quỹ làng.
Chính sách bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Chính phủ Thái Lan thường xuyên thực hiện chương trình quảng bá vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm 2004, Thái Lan phát động chương trình “Năm an toàn thực phẩm và Thái Lan là bếp ăn của thế giới”. Mục đích chương trình này là khuyến khích các nhà chế biến và nông dân có hành động kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ thường xuyên hỗ trợ cho doanh nghiệp cải thiện chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, ngày nay, thực phẩm chế biến của Thái Lan được người tiêu dùng ở các thị trường khó tính, như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, chấp nhận.
Mở cửa thị trường khi thích hợp: Chính phủ Thái Lan đã xúc tiến đầu tư, thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài vào liên doanh với các nhà sản xuất trong nước để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, thông qua việc mở cửa cho các quốc gia dù lớn hay nhỏ vào đầu tư kinh doanh.
Trong tiếp cận thị trường xuất khẩu, Chính phủ Thái Lan là người đại diện thương lượng với chính phủ các nước để các doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu thực phẩm chế biến. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan có chính sách trợ cấp ban đầu cho các nhà máy chế biến và đầu tư trực
tiếp vào kết cấu hạ tầng như: Cảng kho lạnh, sàn đấu giá và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển; xúc tiến công nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xúc tiến công nghiệp là trách nhiệm chính của Cục Xúc tiến công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp, nhưng việc xúc tiến và phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm ở Thái Lan do nhiều cơ quan cùng thực hiện. Chẳng hạn, trong Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, cùng với Cục Xúc tiến nông nghiệp,
Cục Hợp tác xã giúp nông dân xây dựng hợp tác xã để thực hiện các hoạt động, trong đó có chế biến thực phẩm; Cục Thủy sản giúp đỡ nông dân từ nuôi trồng, đánh bắt đến chế biến thủy sản. Cơ quan Tiêu chuẩn sản phẩm công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp xúc tiến tiêu chuẩn hoá và hệ thống chất lượng; Cơ quan Phát triển công nghệ và khoa học quốc gia xúc tiến việc áp dụng khoa học và công nghệ cho chế biến; Bộ Đầu tư xúc tiến đầu tư vào vùng nông thôn.
Một số kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nêu trên cho thấy, những ý tưởng sáng tạo, khâu đột phá và sự trợ giúp hiệu quả của nhà nước trên cơ sở phát huy tính tự chủ, năng động, trách nhiệm của người dân để phát triển khu vực này, có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng đối với việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nông nghiệp - tạo nền tảng thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
* Kinh nghiệm của Hàn Quốc [22]
Sau hơn 30 năm cải cách, Hàn Quốc đã trở thành nước công nghiệp hiện đại-con rồng châu Á. Chính vì vậy, những kinh nghiệm của Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam tránh được những sai lầm, đồng thời đưa ra được những chính sách và giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) nông nghiệp, nông thôn.
Một là: Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực nông thôn
Chính phủ Hàn Quốc tiến hành song song việc tăng đầu tư ngân sách vào đào tạo người dân nông thôn với mục tiêu cao nhất là làm thay đổi suy nghĩ thụ động, trông chờ ỷ lại của người dân vào Nhà nước đã ngự trị trong phần lớn nông dân nước này qua nhiều thế kỷ. Mục tiêu của chính sách đào tạo nông dân là giúp họ có niềm tin mãnh liệt vào chính mình trước những khó khăn về vật chất và tinh thần để họ trở nên tích cực, năng động, sáng tạo đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn trên đất nước Hàn Quốc.
Phong trào xây dựng NTM là một trong những kinh nghiệm tốt của Hàn Quốc trong việc định hướng cho chiến lược phát triển nông thôn nói chung và phát triển nguồn nhân lực nông thôn nói riêng. Trong phong trào này, Chính phủ Hàn Quốc đã đề cao và nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất trong phát triển nông thôn là “phát triển tinh thần của nông dân”, lấy kích thích vật chất nhỏ kết hợp với đào tạo và sự cởi mở, thông thoáng của chính sách để tạo động lực kích thích mạnh mẽ tinh thần của người dân nông thôn và qua đó phát huy nội lực to lớn tiềm tàng của người dân nông thôn.
Hai là: Đào tạo chuyên môn, chuyển giao kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng làm việc cho người lao động nông thôn theo nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế
Chuyển giao kiến thức, đào tạo nghề, kỹ năng chuyên môn cho người lao động nông thôn để tạo ra năng lực làm việc có năng suất lao động cao là công việc chung của cả Nhà nước, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trong xã hội. Kinh nghiệm của Hàn Quốc về vấn đề này là rất rõ ràng. Chính phủ phải là nhà đầu tư lớn nhất và toàn diện nhất vào xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động. Các doanh nghiệp và cơ sở kinh tế có trách nhiệm trong việc đưa ra nhu cầu, kế hoạch về sử dụng lao động và tham gia cùng Chính phủ dưới nhiều hình thức khác nhau trong triển khai các chương trình đạo tạo nghề cho người lao động mà mình đang sử
dụng hoặc sẽ sử dụng. Để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế nông thôn, Chính phủ phải chủ động xây dựng và công bố các định hướng phát triển kinh tế trong dài hạn, trung hạn và ngắn hạn trên quy mô cả nước và đối với từng vùng, trên cơ sở đó hình thành kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho các nhu cầu của từng ngành và lĩnh vực kinh tế trên quy mô cả nước và đối với từng vùng, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế đang trong quá trình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực để thực hiện CNH, HĐH. Trong qua trình này, Chính phủ phải thường xuyên theo dõi sự biến chuyển của cơ cấu kinh tế để điều chỉnh kịp thời công tác đào tạo nguồn nhân lực mới cho các ngành đang và sẽ hình thành và đào tạo lại người lao động ở những ngành bị mất đi để giúp họ có đủ năng lực chuyển sang hoạt động ở các ngành kinh tế mới.
Chính phủ phải chủ động đầu tư vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho quốc gia với những nghề mới, bao gồm các hoạt động dạy nghề cơ bản để tạo ra người lao động có trình độ chuyên môn về lý thuyết và có tay nghề thực tiễn, đủ khả năng đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của nền kinh tế. Nhà nước luôn giữ vai trò đầu tư vào xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống trường và các chương trình đào tạo nghề theo đúng yêu cầu của nền kinh tế để chuyển lực lượng lao động từ không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp sang lực lượng lao động có kỹ năng cao là việc làm căn bản của mỗi quốc gia.
Hàn Quốc đã triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ cho lực lượng lao động nông nghiệp trẻ để họ học nghề mới, đặc biệt là lao động mới bước vào nghề. Chương trình này được triển khai sâu rộng ở các khu vực nông thôn, là cầu nối giữa các chuyên gia và các nhà nông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, sau đó bổ nhiệm những người này vào các vị trí tư vấn và giám hộ cho các đối tượng lao động trẻ còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động liên quan tới nông nghiệp. Nhà nước Hàn Quốc đứng ra chi trả các
khoản chi phí về tư vấn, đào tạo và giám hộ cho những người thực hiện hoạt động này. Hàn Quốc đã chủ động định hướng cho các trường trung học bổ sung ngay vào chương trình giảng dạy một số môn học nghề mà nền kinh tế đang cần với số học sinh trung học tham gia tới khoảng 40-50% tổng số đang theo học, từ đó tạo ra lực lượng lao động trẻ có hiểu biết và có kỹ năng làm việc ở mức tối thiểu ở các ngành nghề đang phát triển mở rộng, đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế và toàn dụng được số học sinh trung học sau tốt nghiệp.