1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.2. Huy động và sử dụng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam
1.2.2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Lạng Sơn a. Huy động nguồn lực từ sức dân
Xây dựng nông thôn mới suy cho cùng là việc cả hệ thống chính trị cùng chung sức, đồng lòng, hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng để người nông dân phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại. Với phương châm xuyên suốt ấy, trong vòng hơn 5 năm qua, vai trò chủ thể của nhà nông đã được phát huy tối đa trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Là một tỉnh miền núi, biên giới nên việc cân đối ngân sách cho xây dựng nông thôn mới là hết sức khó khăn đối với Lạng Sơn. Mặc dù đã rất quan tâm, chắt chiu từng đồng vốn, song nguồn lực phân bổ cho các xã là không nhiều. Ví dụ như xã Sơn
Hà, tuy là một trong những xã điểm tập trung chỉ đạo của Hữu Lũng, tính riêng các nguồn vốn ngân sách cấp trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới trong vòng 2 năm qua chỉ ở mức trên 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn lực khiêm tốn này lại có tác dụng rất lớn trong việc khơi gợi sức dân, huy động được sức mạnh nội lực trong cộng đồng. Ông Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng cho biết: Trong 5 năm, huyện đã cân đối ngân sách hỗ trợ cho nhân dân trong xã gần 900 tấn xi măng với tổng kinh phí khoảng 902 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ này xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động và huy động được nhân dân đóng góp đối ứng gần 1 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn. Điển hình như thôn Na Hoa, mỗi hộ tự nguyện đóng góp 950.000 đồng, hay như thôn En, đóng góp 1.800.000 đồng/hộ... để bê tông hóa đường liên thôn. Ngoài ra còn nhiều hộ tự nguyện hiến đất để mở rộng đường cho đạt với tiêu chí nông thôn mới. Qua đó đã nâng tỷ lệ km đường được bê tông của toàn xã lên 73,52%. Không kể ngày công lao động, diện tích đất đã hiến để xây dựng công trình công cộng, chỉ tính riêng số tiền trực tiếp đóng góp để củng cố hạ tầng nông thôn, trong 4 năm qua, nhân dân xã Sơn Hà đã huy động được hơn 1,2 tỷ đồng, chiếm trên 50% nguồn lực đầu tư vào địa bàn.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua phong trào thi đua "Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng, bước đầu đã thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 13 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có thêm 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đạt chuẩn nông thôn mới có thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân nông thôn.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn cho biết: Các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm để chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Qua đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy nội lực, tính năng động sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện để người dân thực sự là chủ thể thực hiện chương trình.
Chính quyền các cấp tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư và lồng ghép các chương trình dự án hiệu quả để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương; xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các xã đặc biệt khó khăn có đặc điểm riêng và điểm xuất phát thấp;
tiếp tục rà soát đánh giá hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ
chức, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy, khai thác tối đa nguồn lực, lợi thế đất đai, đồi rừng để phát triển lâm nghiệp, để lâm nghiệp thành ngành kinh tế trọng tâm; tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng một số cơ sở chế biến lâm sản, nhựa thông, rau sạch, vùng dược liệu, trang trại chăn nuôi lợ, gia cầm… Các thương hiệu sản phẩm đã có như Hồng Bảo Lâm… được tăng cường quảng bá. Bên cạnh đó Lạng Sơn tiếp tục lựa chọn một số sản phẩm có lợi thế như Thạch đen, Hồng Vành khuyên... để xây dựng thương hiệu, phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Giai đoạn 2011-2015, tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt trên 9.2 nghìn tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước là hơn 2.4 nghìn tỷ, vốn huy động của các tổ chức, doanh nghiệp là hơn 1 nghìn tỷ và đóng góp của cộng đồng dân cư gần 500 tỷ, còn lại là vốn tín dụng. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới tính đến hết năm 2015 bình quân mỗi xã đạt 7.4 tiêu chí; tăng 4.83 tiêu chí so với năm 2011./.
b. Huy động nguồn lực tổng hợp
Trong thời gian qua, ngoài việc Nhà nước tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhân dân Lạng Sơn, cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn đã có rất nhiều đóng góp, tạo nên nguồn lực tổng hợp để xây dựng nông thôn mới.
Mối liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, liên kết, hợp tác với người nông dân để hình thành nên những vùng sản xuất nông sản tập trung. Điển hình có thể kể đến mô hình trồng cà chua bi của Công ty Cổ phần Thương mại Á Châu (thành phố Lạng Sơn) ở các huyện Văn Quan, Tràng Định. Ngay sau đó, mô hình liên kết được mở rộng tới địa bàn huyện Hữu Lũng với tổng diện tích 70ha. Theo ông Hoàng Trung Hiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty, kế hoạch của Công ty là đến năm 2015, diện tích trồng cà chua bi sẽ nâng lên khoảng 500ha trên địa bàn của 8 huyện trong tỉnh. Đồng thời khi diện tích tăng lên khoảng 100ha, Công ty sẽ chuyển từ xuất bán sản phẩm thô sang xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Cũng trong thời gian đó, huyện Chi Lăng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở Hải Phòng đầu tư hàng trăm triệu đồng để triển khai sản xuất ớt xuất khẩu với quy mô ban đầu gần 100ha. Cũng là sản xuất ớt xuất khẩu, từ vụ xuân vừa qua, Công ty Cổ phần thương mại Phú Lâm (thành phố Lạng Sơn) đã đầu tư liên kết sản xuất với nhân dân 2 xã Minh Tiến và Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng. Sau hiệu quả của vụ thu hoạch đầu tiên, hiện nay diện tích bắt đầu được mở rộng ra các xã Đồng Tân, Cai Kinh, tổng diện tích tăng lên gần 100ha.
Bà Mã Thị Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: hướng đi sắp tới của Công ty là tiếp tục liên kết chặt chẽ với người nông dân, phát triển bền vững diện tích hiện đang sản xuất, hướng tới mở rộng quy mô. Ngoài các doanh nghiệp kể trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn có khá nhiều các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nông dân phát triển sản xuất. Thực tế, những năm trước đây, việc doanh nghiệp liên kết với nhà nông trên địa bàn tỉnh không phải là chưa có,
nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ lẻ và chỉ mang tính chất thời vụ, chưa có tính lâu dài như trong giai đoạn hiện nay. Trong khi các doanh nghiệp đang hướng nguồn lực đầu tư về nông thôn, thì nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang phát huy mạnh mẽ nội lực. Nếu như vài năm trước đây, việc hiến đất để xây dựng công trình công cộng còn là chuyện hiếm thì giờ đây gần như đã trở thành phổ biến. Rất nhiều trường mầm non, nhà văn hóa thôn, sân chơi bãi tập, đường giao thông được xây dựng nhờ vào nguồn đất nhân dân tự nguyện đóng góp vì lợi ích chung. Không những thế, việc huy động sức dân làm giao thông, thủy lợi cũng được đẩy mạnh ở các địa phương.
Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Chi Lăng, người dân đã đóng góp được hơn 10 tỷ đồng để củng cố hạ tầng giao thông nông thôn. Ở nhiều địa phương, người dân đã tự nguyện tháo dỡ công trình, hiến đất ruộng để mở rộng mặt đường trục chính như ở Vân Nham, Yên Vượng, huyện Hữu Lũng.
Hàng loạt các chương trình được triển khai, kết quả cụ thể là đã có rất nhiều ngôi nhà bán trú được xây dựng ở vùng sâu vùng xa thông qua chương trình của Tỉnh đoàn thanh niên; hàng vạn người dân có nhu cầu được tạo điều kiện vay vốn xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất thông qua các kênh của Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh... Nhiều địa phương còn băn khoăn về huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Nhưng giờ, những băn khoăn, nghi ngại ấy đã qua đi. Cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp đang tạo ra một nguồn lực tổng hợp làm nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng nông thôn mới.
1.2.2.2. Nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) tại 11 xã theo Thông báo số 238-TB/TƯ ngày 7-4-2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng, đến nay có hơn 200 hạng mục công trình cơ sở hạ tầng được triển khai, trong đó gần 100 hạng mục công trình đã hoàn thành, chủ yếu là đường giao thông thôn xóm, trường học, nhà văn hóa. Trong quá trình thực hiện, các xã đã huy động được sức dân tham gia xây dựng NTM bằng việc đóng góp kinh phí, ngày công, hoặc hiến đất giải phóng mặt bằng.
Trên cơ sở các tiêu chí xây dựng NTM và đặc thù mỗi địa phương, Ban chỉ đạo các tỉnh đã có nhiều sáng kiến, tạo chuyển biến rõ nét trong phát triển sản xuất và tổ chức sản xuất; mỗi xã có ít nhất từ 2 đến 3 dự án, điểm trình diễn về sản xuất nông nghiệp được thực hiện. Nhiều xã bước đầu quan tâm tổ chức các hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối đưa tiến bộ kỹ thuật đến với nông dân. Đồng thời, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Công tác đào tạo nghề được quan tâm gắn với phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và thu nhập của nông dân nhiều xã được tăng lên so với trước khi xây dựng NTM, như Tam Phước (Quảng Nam) 55 triệu đồng/ha; Tân Thịnh (Tuyên Quang) tăng năm triệu đồng/ha/năm; Mỹ Long Nam (Trà Vinh) thu nhập bình quân/người năm 2009 tăng sáu triệu đồng so với năm 2008... Bên cạnh đó, các xã cũng coi trọng triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa, tuyên truyền vận động
nhân dân đăng ký, thực hiện các nội dung "làng văn hóa",... góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới ở 11 xã điểm còn gặp khó khăn. Nhất là nguồn vốn nhiều địa phương vẫn còn trông chờ vào Nhànước, trong khi vốn ưu tiên của các chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã điểm chậm.
Kinh phí huy động từ đóng góp của nhân dân và các nguồn lực của địa phương còn thấp, chưa bảo đảm yêu cầu của chương trình là huy động từ nội lực là chủ yếu.
Mục tiêu của Chương trình là huy động các nguồn lực trong nhân dân theo phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" để xây dựng thí điểm mô hình NTM.
Do đó, để thực hiện thành công, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong chính quyền, đoàn thể, nhất là trong nhân dân về yêu cầu, mục tiêu của chương trình là xây dựng mô hình NTM theo định hướng XHCN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Khắc phục tư tưởng trông chờ quá nhiều (nhất là nguồn vốn) vào sự giúp đỡ của Trung ương của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục huy động cao nhất các nguồn lực từ đóng góp của nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp... cùng với sử dụng có hiệu quả các phần vốn tín dụng, vốn Nhà nước hỗ trợ và vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu của Chính phủ trên địa bàn... Ngoài ra, các bộ, ngành cần ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quy hoạch và quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch;
phân loại rõ việc sử dụng các nguồn vốn để xã thực hiện và tháo gỡ các vướng mắc về vốn và sử dụng vốn. Hướng dẫn, hỗ trợ, đưa các mô hình, điểm trình diễn có hiệu quả vào xã điểm; giới thiệu, động viên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các xã điểm xây dựng các dự án sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo bước chuyển mạnh về phát triển kinh tế để tăng thu nhập cho nhân dân tại các xã...
1.2.3. Tình hình thực hiện nghị quyết 30A của chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo[17]
Tuy những năm qua, kinh tế đất nước còn gặp khó khăn, song Quốc hội, Chính phủ luôn dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo để thực hiện các chính sách đặc thù. Các mục tiêu giảm nghèo nhanh, cải thiện đời sống của người dân, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về mức sống so với các vùng khác, củng cố và tăng cường quốc phòng-an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội... đã cơ bản đạt được.
Trong quá trình 8 năm tổ chức thực hiện, Chương trình 30a đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cả nước, của các cấp, các ngành và cộng đồng, nhất là sự hỗ trợ có hiệu quả các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Cụ thể, nguồn lực phân bổ và huy động hỗ trợ các huyện nghèo theo Chương trình 30a trong 8 năm (chưa kể kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung như mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ nhà ở v.v…) là 20.189 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 17,051 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2,000 tỷ đồng, hỗ trợ của các doanh nghiệp là 3,138 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện Nghị quyết đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của
62 huyện nghèo đã giảm xuống còn 35% theo chuẩn nghèo cũ (bình quân giảm 5%/năm), đạt mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới 40%. Trong đó có 40/62 huyện đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2012 xuống dưới 40%; chỉ còn 22 huyện thuộc 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% là Yên Bái, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam và Ninh Thuận.
Trong giai đoạn 2011-2016, các huyện nghèo cơ bản đều đạt mức giảm bình quân khoảng 6%/năm, cao hơn mục tiêu 4% của Nghị quyết 30a. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 có 10% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thì đến nay theo đánh giá sơ bộ, đã có 8/64 huyện (chiếm tỷ lệ hơn 12%) có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh gồm huyện Tân Uyên (20.09%), huyện Than Uyên (19.00%) thuộc tỉnh Lai Châu; huyện Quỳnh Nhai (25.88%), huyện Phù Yên (20.38%) thuộc tỉnh Sơn La; huyện Ba Bể (18.04%) thuộc tỉnh Bắc Kạn;
huyện Bá Thước (18.29%) và huyện Thường Xuân (22.89%) thuộc tỉnh Thanh Hóa;
huyện Đam Rông (9.65%) thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, tỷ lệ nghèo bình quân của 64 huyện nghèo còn cao gấp 5.5 lần so với tỷ lệ bình quân của cả nước. Tại một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao trên 50%, cá biệt có huyện cao trên 60-70%. Điều này cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% tổng số hộ nghèo chung tại các huyện nghèo (do trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số); hệ thống cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và địa phương, cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.... Đến nay, tuy có 8 huyện tỷ lệ hộ nghèo đã đạt mức ngang bằng với tỷ lệ nghèo chung của tỉnh nhưng hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, sản xuất và đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Qua kết quả trên cho thấy việc huy động nguồn lực cho XDNTM đối với các huyện nghèo đang được thụ hưởng chính sách theo Nghị Quyết 30a trên toàn quốc nói chung và riêng địa bàn huyện Minh Hóa là rất khó khăn. Điều đó, để hoàn thành các tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn các huyện nghèo sẽ là một thách thức không nhỏ. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu Quốc gia về XDNTM trên địa bàn các huyện nghèo chúng ta cần có những cơ chế đặc thù nhằm phù hợp hơn trong việc huy động nguồn lực.