CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.7. Đặc điểm của quá trình huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Minh Hóa
3.7.3. Điểm yếu của địa phương trong quá trình huy động nguồn lực
Đóng góp của người dân còn hạn chế: sự đóng góp hạn chế một phần xuất phát từ khả năng của cộng đồng (địa phương nghèo về kinh tế, nhận thức) nhưng cần biết rằng, địa phương nào cũng có những tiềm năng và thế mạnh riêng để khai thác phục vụ cho chính cộng đồng đó.
Tư duy của người dân về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chưa mạnh; các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn chậm đổi mới và các hoạt động hiệu quả chưa cao. Kinh tế hộ vẫn là chủ yếu, mang tiính tự cung, tự cấp, khó tiếp cận với các chính sách hiện hành. Các địa phương đang tập trung cho việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, chưa tập trung đến các nội dung về phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường.
Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thiếu chủ động, sáng tạo, nóng vội trong tổ chức thực hiện; sự huy động đóng góp từ cộng đồng chưa thật sự phù hợp với điều kiện thực tế của các nhóm hộ.
Bảng 3.19. Những yếu tố ảnh hưởng tới sự tham gia của người dân trong xây dựng mô hình nông thôn mới
STT Khó khăn, hạn chế Xã Quy
Hóa
Xã Thượng Hóa
1 Ý thức của người dân 1 3
2 Trình độ dân trí 2 2
3 Kinh tế hộ kém phát triển 3 1
4 Kinh phí hạn hẹp 4 4
“Nguồn: Phỏng vấn hộ, 2017”
Các yếu tố ảnh hưởng tới sự tham gia của người dân trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới theo các mức độ khác nhau, có yếu tố ảnh hưởng nhiều, có yếu tố ảnh hưởng ít. Sau đây là một số yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới sự tham gia của người dân trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn xã Phú Lâm:
*Ý thức của người dân
Đây là yếu tố được đa số người dân đánh giá là có ảnh hưởng lớn tới sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn xã. Mô hình mới được xây dựng do vậy vẫn chưa có tác động lớn đến ý thức của nông dân, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của lãnh đạo địa phương, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới và của Nhà nước. Đó là tâm lý chung của đại đa số người nông dân sống ở những vùng kinh tế chậm phát triển, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Người dân chưa quan tâm tới vai trò kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và quyết toán các công trình. Ban giám sát cộng đồng được bầu nhưng còn mang tính hình thức, nguyên nhân có thể từ chính những người nằm trong ban giám sát cộng đồng hoặc chính quyền địa phương. Tâm lý của người dân bình thường sẽ cho rằng, ý kiến của họ nhỏ và sẽ không được xem xét vậy nên họ sẽ không quan tâm tới những công việc như kiểm tra, giám sát, nghiệm thu… và để công việc đó cho cấp cao hơn thực hiện.
Bảng 3.20. Sự tham gia các hoạt động xây dựng mô hình nông thôn mới
ĐVT: % Tiêu chí Xã Quy Hóa Xã Thượng Hóa Tổng
Lập kế hoạch 8.89 4.44 13.33
Triển khai thực hiện 8.89 4.44 13.33
Lao động 77.78 100.00 177.78
Kiểm tra, giám sát 8.89 4.44 13.33
Quản lý, sử dụng 100.00 100.00 200.00
Hưởng lợi 100.00 100.00 200.00
“Nguồn: tổng hợp phiếu điều tra hộ, 2017”
Nhìn vào bảng ta thấy, quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện chưa có được sự tham gia mạnh mẽ của người dân, quá trình này đa số tập trung ở những người có vị trí quan trọng trong cộng đồng như trực thuộc ban giám sát cộng đồng.
Ai cũng tham gia quản lý, sử dụng và hưởng lợi từ các hoạt động của mô hình nông thôn mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng tham gia các hoạt động như lập kế
hoạch, triển khai thực hiện, lao động và kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, tỷ lệ các hộ tham gia lao động là khá cao, có 77.78% hộ trong tổng số 100% hộ điều tra có tham gia lao động trong các hoạt động của chương trình xây dựng nông thôn mới. Cộng đồng hiểu được sự khó khăn về vật chất của bản thân, chính vì vậy, khi cần huy động nguồn lao động, họ sẵn sàng bỏ công sức để làm các công việc chung của cộng đồng. Đây chính là điểm mạnh của cộng động có mối liên kết tốt. Tác động đúng thời điểm và cách thức vận động tốt sẽ huy động được sức người.
* Trình độ dân trí
Công tác đào tạo, tập huấn cho người dân nông thôn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí của người dân thấp, kiến thức về quản lý của cán bộ Ban quản lý xây dựng nông thôn mới còn chưa cao. Trình độ dân trí chưa cao tỷ lệ mù chữ cao, đọc chưa thông, viết không thạo tạo tâm lý lười biếng không xem các văn bản và xem cũng không đủ trình độ để hiểu hết các nội dung là rào cản trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân.
Ngoài ra, vai trò chủ đạo của người dân và cộng đồng trong phát triển nông thôn chưa được phát huy đúng mức, chưa được đào tạo và trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về hoạt động của cộng đồng như: họp và trao đổi ý kiến, xây dựng và đề xuất dự án, tham gia xây dựng kế hoạch phát triển, thực hiện vai trò theo dõi, giám sát cơ chế gắn kết các nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội tạo thành sức mạnh tổng hợp có tính bền vững.
Một số hộ khi tham gia các hoạt động trong mô hình nông thôn mới chỉ theo kinh nghiệm của bản thân chứ không theo cơ sở khoa học. Ví dụ như khi họ tham gia vào việc lập kế hoạch và triển khai thực hiện đều theo kinh nghiệm của họ, đa số các chủ hộ có trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn thấp.
* Kinh tế của hộ
Theo bảng mức chênh lệch giàu nghèo của xã năm 2016 là lần và theo số liệu điều tra năm 2015 mức chênh lệch này là 2.5 lần, qua đó ta thấy đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn đã được cải thiện đáng kể so với những năm trước đây.
Nhưng tình trạng thiếu việc làm vẫn còn phổ biến, thu nhập của người dân thấp, chênh lệch mức sống, mức thu nhập giữa các bộ phận dân cư, giữa nông thôn còn cao đang là những bức xúc xã hội ở nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao: trên 67% là hộ nghèo và cận nghèo và những hộ này thường có tâm lý trông chờ và ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền, cơ quan chức năng và cho đó là điều đương nhiên, đây là lực cản mạnh mẽ của những người làm phát triển cộng đồng. Làm thế nào để khơi gợi tiềm năng của người dân, lôi kéo họ vào quá trình tham vấn, vận động sự đóng góp ủng hộ về các mặt, để cho người dân thấy được trách nhiệm của họ đối với sự phát triển chung của cộng đồng.