PHẦN III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.5. ĐỀ XUẤT HƯỚNG DẪN KĨ THUẬT TRỒNG RỪNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ RỪNG TRỒNG BỜI LỜI ĐỎ CHO TỈNH KON TUM
3.5.1. Đề xuất hướng dẫn kĩ thuật trồng rừng Bời lời đỏ cho tỉnh Kon Tum
Hiện nay, Bời lời đỏ là một trong những loài cây trồng rừng đang được các đơn vị quốc doanh, tập thể, hộ gia đình và đồng bào các dân tộc trồng rừng tập trung trên các nương rẫy, vườn gia đình và vườn rừng.
Bời lời đỏ là cây sống lâu năm, kỹ thuật trồng, chăm sóc đơn giản, dễ phổ biến rộng, sản phẩm thu hoạch (chủ yếu là vỏ) không đòi hỏi kỹ thuật, tuổi thành thục, thời vụ phức tạp, dễ chế biến, bảo quản… Nhiều người dân địa phương đã biết thu hái, chế biến vỏ thô từ cây mọc tự nhiên trên nương rẫy và vườn gia đình.
Bời lời đỏ thuộc cây bản địa, có giá trị kinh tế về nhiều mặt, mọc tự nhiên trên khắp rừng núi Tây Nguyên, nhưng từ trước đến nay chưa được nghiên cứu kỹ và gây trồng có hệ thống như một số loại cây trồng rừng khác. Việc trồng rừng Bời lời đỏ ở Tây Nguyên có nhiều thuận lợi: sẳn nguồn giống, phù hợp với điều kiện đất đai tại chỗ, gần gũi với tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Ở Tây Nguyên có rất nhiều loại Bời lời, đồng bào địa phương thường quen chia làm hai loài theo màu sắc vỏ cây: Bời lời xanh (hay Bời lời nhớt) có tên khoa học Litsea sebitera và Bời lời đỏ có tên khoa học Machilus odoratissima Neesthuộc họ Long não (Lauraceae)
Đặc điểm hình thái:
Bời lời đỏ là cây gỗ lớn mọc cao tới 30 – 35m, đường kính 40 – 60cm, thân thẳng, tán gọn nhỏ, ít cành, gốc có đế nhỏ, vỏ ngoài màu trắng xám, nhiều bì khổng, thịt màu vàng nhạt, dày 8 – 10mm, có mùi thơm, cành nhỏ có màu nâu nhạt, nhẵn.
Lá mọc cách, hình mác dài 12cm, rộng 3,5cm mũi hơi nhọn, gốc hình nêm, hai mặt nhẵn, gân bên 7 -10 đôi, cuống lá mảnh dài 7 – 15mm.
Cụm hoa hình chùy, dài bằng hay vượt chiều dài của là, gốc trục có lông, hoa màu vàng nhạt, lưỡng tính.
Quả hình cầu, đường kính 10 – 20mm, có là đài và xòe ra, quả chín có màu tím đen, ngoài có phủ một lớp phấn trắng, cuống quả màu đỏ nhạt.Một kg hạt tốt có 3.000 – 3.500 hạt.
Cây Bời lời đỏ phân bố ở độ cao 600 – 700m trở xuống, nhưng mọc nhiều và phổ biến ở những nơi thấp trong rừng thứ sinh, thường gặp ở cửa rừng, ven các khe suối, trên các nương rẫy của đồng bào dân tộc. Bời lời đỏ còn mọc trong cả rừng nguyên sinh. Là loài cây ưa mọc trên đất sét pha, ẩm, đất có tầng dày, nhiều mùn, thoát nước. Là loài cây ưa sáng, mọc nhanh, khả năng tái sinh hạt, chồi mạnh ở những
nơi có nhiều ánh sáng, sinh trưởng nhanh ở lập địa phù hợp. Ở Tây Nguyên mùa hoa quả tháng 5 – 6, quả chín tháng 10 – 11, cây cho nhiều quả hạt.
Giá trị kinh tế
Gỗ Bời lời đỏ thuộc nhóm IV, có màu nâu vàng, cứng, ít bị mối mọt, có thể dùng đóng đồ gia dụng, làm nguyên liệu giấy.Vỏ Bời lời đỏ có thể dùng làm thuốc, nguyên liệu keo dán, làm nhang đốt. Lá dùng làm thức ăn gia súc. Giá trị kinh tế chủ yếu hiện nay là thu hoạch vỏ làm nguyên liệu keo dán và bột nhang.
Kĩ thuật gieo ươm và nhân giống
Bời lời đỏ là cây rừng tại địa phương, rất quen thuộc với đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Kỹ thuật trồng đơn giản, dễ sống. Trước đây ngoài việc thu hoạch vỏ Bời lời từ rừng tự nhiên, đến mùa mưa đồng bào bứng cây con, đào rễ cây đem về trồng trên các nương rẫy và vườn nhà đều sinh trưởng tốt.
1. Hạt giống:
Thu hoạch quả chín từ tháng 10 – 11, hạt đem về phải ngâm trong nước, xát sạch lớp vỏ ngoài, phơi lại dưới nắng nhẹ, có thể bảo quản hạt trong điều kiện không khí bình thường nơi thoáng mát.
Hạt có đặc tính ngủ dài (lâu nảy mầm) và chín không cùng một lúc (dichogamy).Quả chín nhưng phôi chưa phát dục hoàn toàn. Đây là đặc tính thích nghi và tồn tại nói chung của một số loài cây vùng Tây Nguyên. Hạt chín vào mùa khô (cuối đông đầu xuân) nhưng đến mùa mưa (mùa đầu tháng 6- 7) hạt mới có điều kiện nảy mầm và phát triển thành cây mạ, cây con.
2. Tạo cây con
Có nhiều phương pháp xử lý gieo ươm:
– Xử lý hạt:
Ngâm hạt trong nước nóng 2 sôi 3 lạnh (nhiệt độ 40 – 450C) có thể ngâm trong 24 giờ (trong thời gian ngâm thay lại một vài lần ở nhiệt độ ban đầu). Nếu xử lý với thuốc tím (KMnO4) nồng độ 0,01%, khi vớt hạt ra phải rửa lại nhiều lần bằng nước lã cho sạch.
Vớt hạt ra rỗ, hong khô 5 – 10 phút, cho vào túi vải giữ nơi giữ nhiệt độ 28-300C, hàng ngày rửa chua bằng nước ấm hoặc nước lã, khi rửa hạt xong phải vớt ra hong khô cho vào túi vải (nếu còn nhiều nước trong quá trình ủ hạt sẽ bị chua, nhanh hỏng)
Sau 8 – 10 ngày, một số hạt sẽ bắt đầu nứt nhanh (4 – 5%), có thể chọn hạt nứt nhanh đem gieo thẳng vào bầu đã đóng sẵn hoặc gieo tập trung trên khay hoặc trên luống đất hoặc cát.Hạt còn lại tiếp tục ủ.
Từ hạt nứt nanh đến khi kết thúc có thể sau 2 tháng.Lô hạt tốt tỷ lệ nảy mầm tới 80 – 90%, bình thường 60 – 70%.
Có thể xử lý như trên nhưng không ủ trong túi vải mà đem gieo thẳng trên luống đất hoặc khay, hàng ngày tưới nước đủ ẩm.
– Chọn đất gieo hạt và đóng bầu:
Đất thịt pha cát, đất tốt, thoát nước, nếu đất xấu cần bón phân chuồng hoai. Làm đất tơi khô, mịn, tráng đất bằng phẳng, rải đều một lớp hạt, lấp đất sâu 1,5- 2cm phủ kín hạt. Không nên lấp đất quá sâu hạt khó nảy mầm.
Trong thời gian hạt nảy mầm nếu gieo hạt đã nứt nanh sau 10 – 15 ngày, nếu gieo thẳng sau xử lý 30 – 40 ngày hạt mới nhú mầm.Khi cây mầm đạt chiều cao 3 – 5cm có thể bứng cấy vào bầu.Khi bứng cây rễ cọc quá dài có thể cắt bớt 1/3.
Cây mầm thường không mọc tập trung nếu gieo thẳng hạt chưa nứt nanh, nên bứng cây theo lứa.
Kích thước túi bầu thích hợp 9 – 18cm hoặc 10 – 18cm Thành phần ruột bầu: đất tầng A tốt 70 – 80%
Phân chuồng hoai 20 – 25%, lân 3 – 5%.Thời vụ gieo ươm bắt đầu từ tháng 11- 12.
– Chăm sóc cây con:
Thời tiết gieo ươm mùa khô hạn, cây bời lời lúc nhỏ chịu bóng nên phải làm giàn che và tủ hạt gieo để giữ ẩm cho đất và hạt. So sánh giữa luống gieo cấy có giàn che và không có giàn che thì tốc độ sinh trưởng cây con khác nhau rõ rệt. Luống che cây xanh tốt, đất luôn ẩm; luống không che cây thấp, lá vàng cằn cỗi, mặt đất đóng váng. Hàng ngày tưới nước đủ ẩm trên luống gieo cây và cây con với liều lượng 4- 5lít/m2. Thường xuyên làm cỏ, xới đất và phá váng cho cây con với định kỳ 15 – 20 ngày/lần.
Cần chú ý theo dõi phòng trừ bệnh thối đen cổ rễ và bệnh cháy lá. Khi phát hiện có bệnh phải định kỳ phun thuốc Boóc đô 0,1 với liều lượng 1 lít/4m2, 7- 10 ngày phun một lần.
– Kỹ thuật trồng bời lời:
Có nhiều biện pháp trồng. Trồng bằng cây con tái sinh hạt trong rừng, chồi rễ, gieo hạt thẳng. Hiện nay phương pháp phổ biến trong trồng rừng tập trung là trồng bằng cây con có bầu tạo sẵn trong vườn ươm theo tiêu chuẩn:
+ Tuổi cây con trên 6 tháng tuổi.
+ Chiều cao 25- 30cm, D cổ rễ 2- 4mm.
+ Có 7- 8 cặp lá
+ Không bị sâu bệnh, tổn thương cơ giới khi bứng, vận chuyển cây trồng.
Mật độ trồng:
+ Tùy theo mục đích, phương thức trồng, trồng toàn diện, trồng cục bộ theo dãi (theo băng), mật độ bố trí từ 2.000 – 2.500 cây/ha.
+ Trồng mật độ 2.000 – 2.500 cây/ha đến năm thứ 5 – 6 tỉa bớt cây trong hàng để lại 1.100 cây/ha cho đến khi thu hoạch lần 1.
Kích thước hố:
Tùy thuộc đất: đất tơi xốp, tốt, kích thước hố đào 30x30x30cm; đất xấu, khô, chặt, kích thước hố 40x40x40cm. Có thể bón lót phân chuồng hoai 3- 5kg/hố, lân 0,05 kg/hố.
Kỹ thuật đào hố trồng như một số loài cây trồng rừng khác. Khi trồng chú ý cổ rễ thấp hơn mặt đất 0,5- 1cm, không lấp đất đất ngập quá cổ rễ. Thời vụ trồng thích hợp ở Tây Nguyên từ 15/7- 15/8.
Chăm sóc rừng trồng:
Cây Bời lời sinh trưởng tự nhiên tốt. Trồng điều kiện gây trồng tập trung để đạt năng suất và giá trị thu hoạch lâm sản trong thời gian ngắn, cần chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ hơn một số loài cây trồng khác. Chủ yếu phát dọn thực bì theo hàng cây trồng, dẫy cỏ, xới vun gốc (0,8- 1m).
Cây Bời lời lúc nhỏ ưa bóng, nếu trồng rừng toàn diện, trong quá trình chăm sóc nên phát thực bì theo hàng cây để giữ bóng cho cây con.
Ở những nơi có điều kiện thuận lợi, đất tốt kết hợp trồng xen cây nông nghiệp.
Lá cây Bời lời là nguồn thức ăn ưa thích của Trâu, Bò, Dê… cần chú ý quản lý bảo vệ rừng thật tốt.
Do đặc điểm tái sinh chồi mạnh, đối với cây gãy cụt, gãy thân, ngọn và trồng từ chồi rễ cần cắt bỏ một số chồi mầm phụ để cây tập trung nuôi dưỡng thân chính. Sau 3- 4 năm có thể tỉa bớt một số cành thấp tạo thân cây thẳng để thu được chất lượng vỏ dày, tốt khi thu hoạch.
- Mỗi năm chăm sóc 2 lần, lần 1 vào tháng 3, 4, lần 2 vào tháng 9 - 10. Thời gian chăm sóc 3 năm.
- Kỹ thuật chăm sóc: năm thứ nhất trồng dặm cây chết, cây không có khả năng phát triển, phát dọn thực bì, xới đất vun gốc cho cây, đường kính chăm sóc 0,8 - 1m.
Nếu có điều kiện hàng năm bón từ 0,1 - 0,3 kg NPK/gốc.