TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CAO SU Ở QUẢNG TRỊ

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình phát triển cao su tiểu điền tại huyện vĩnh linh, tỉnh quảng trị (Trang 38 - 42)

Chương I: TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CAO SU Ở QUẢNG TRỊ

1.3.1. Thực trạng phát triển cao su ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian qua

- Năm 1948 người Pháp đã đem cây cao su vào trồng thử nghiệm tại xã Vĩnh Hoà- huyện Vĩnh Linh (huyện Bến Hải củ) với diện tích nhỏ;

- Năm 1961 Trung ương có chủ trương phát triển cây cao su trên khu vực Vĩnh Linh (Nay là huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị) với diện tích khoảng 1.000ha (Tại Nông trường Quyết Thắng và Bến Hải) với giống chủ lực là GT1, RRIM 600;

- Năm 1972-1973: Nông trường Quyết Thắng phá đi 240ha để trồng chè theo chủ trương của TW, Năm 1985 bị bảo làm gãy đổ 131ha;

- Năm 1995-1999 dự án 327 đầu tư phát triển cùng với chính sách của tỉnh về bù lãi suất cho nông dân vay vốn trồng cao su đã đưa diện tích cao su toàn tỉnh lên 5.000ha;

- Năm 2000-2006 đựơc sự đầu tư hỗ trợ của Dự án đa dạng hoá Nông nghiệp về việc phát triển trồng mới và phục hồi cây cao su tiểu điền. Qua 6 năm hoạt động, Dự án Đa dạng hoá nông nghiệp đã hỗ trợ giúp nông dân trên địa bàn tỉnh trồng mới 3.878ha cao su và phục hồi 3.668ha cao su từ diện tích cao su chương trình 327;

Tính đến cuối năm 2015 tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh là 19.679,1ha, trong đó cao su tiểu điền 14.894,5ha, chiếm 76%, còn lại là diện tích cao su đại điền do Công ty cao su Quảng Trị và một số công ty khác quản lý. Giống cao su chủ yếu trồng các dòng như GT1, RRIM600, PB235, PB260 PB255 .

Tóm lại, cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã khẳng định được vị trí, hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết công việc làm cho một bộ phận lao động ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho một bộ phận nông dân và mặt bằng an sinh xã hội.

1.3.2. Định hướng phát triển cao su giai đoạn 2015-2020 của Quảng Trị

* Quy hoạch trồng mới cao su đến năm 2020

Theo tài liệu của FAO và UNESCO trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhóm đất đỏ vàng (Bazan) phân bố ở vùng núi và gò đồi trung du, đặc biệt là đất màu đỏ (Bazan) có chừng 20.000ha, đất có tầng dày tơi xốp, độ mùn khá, thích hợp cho phát triển mọi loại cây công nghiệp lâu năm. Đất đỏ Bazan này còn có khả năng khai thác thêm 7.000 - 8.000ha. Đây là quỹ đất có thể phát triển thêm cao su trong quy hoạch của Ngành Nông nghiệp từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Theo nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2014 của Hội Đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị về việc quy hoạch phát triển Ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 thì diện tích cao su đạt 27.000ha. Từ 2013 sau cơn bão số 10 và 11 gần

7.000ha cao su ở Quảng Trị bị gãy đỗ, cùng với giá mũ cao su xuống thấp từ đó cho đến nay, việc mở rộng diện tích cao su đã có nhiều cân nhắc. Theo Nghị Quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI ( năm 2015) và Đề án tái cơ cấu Ngành Trồng trọt của Sở NN & PTNT năm 2016, quy hoạch phát triển cao su toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 21.000 - 22.000 ha, tập trung tại 7 xã Vùng Lìa và xã Húc, Hướng Phùng, Tân Long thuộc huyện Hướng Hóa với khoảng 1000ha; ở huyện Đakrông gồm xã Ba Lòng, Hải Phúc, Hướng Hiệp, Ba Nang và một ít ở Miền Tây huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh với diện tích khoảng 1.000 ha. Đối với Công Ty TNHH MTV cao su Quảng Trị không mở rộng diện tích, chỉ tái canh diện tích cao su già cỗi trồng giai đoạn 1978 -1985 mỗi năm 300 - 500 ha.

*Hiệu quả về kinh tế

Nhờ vào các tiến bộ trong cải tiến giống và kỹ thuật nông nghiệp, nên năng suất ban đầu khoảng 500 kg/ha/năm. Đến nay có thể tăng lên trung bình 2 tấn mủ khô/ha/năm.

Trung bình 1ha cao su cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/năm vào thời điểm khai thác ban đầu. Khi cây cao su vào thời điểm khai thác ổn định sẽ cho thu nhập từ 30-50 triệu đồng/ha/năm. Ngoài các sản phẩm chính là mủ cao su, còn có thêm các sản phẩm như:

Những năm đầu của thời kỳ kiến thiết cơ bản (2-4 năm) có thể thu lợi từ việc trồng xen giữa hàng cao su một số cây trồng ngắn ngày như Sắn, Đậu, Ngô, Môn… (có thể đạt 500- 1000 kg/ha/năm hoặc 300-500 kg đậu/ha/năm). Trong thời kỳ khai thác, hàng năm có thể thu hạt cao su để làm giống và có thể ép để lấy dầu. Ngoài ra, sau chu kỳ kinh doanh 1ha vườn cao su còn cung cấp một trữ lượng gỗ 130-258m3, chỉ riêng tiền khai thác gỗ đã có thể tái canh lại vườn cây (Hoàng Nguyễn Minh Đức, 2011).

*Hiệu quả về môi trường

Bên cạnh các lợi ích về mặt kinh tế, cây cao su được xem là cây thân thiện với môi trường với khả năng đóng góp về sinh khối của vườn cao su sau một chu kỳ kinh doanh tương đương với rừng tự nhiên nhiệt đới ẩm, song song với tác dụng bảo vệ, phục hồi đất nhờ khả năng che phủ đất thường xuyên như rừng của cây cao su. Các nghiên cứu cho thấy, trong một chu kỳ kinh doanh 1ha cao su có thể đồng hóa đến 135 tấn CO2, trong đó khoảng 42 tấn dùng cho việc sản xuất cao su và 93 tấn cho việc tạo sinh khối.

Bên cạnh đó, so với cây trồng dài ngày khác như Chè, Dừa, Cọ dầu, lượng dinh dưỡng cây cao su lấy đi từ đất để tạo ra sản phẩm thu hoạch thấp hơn rất nhiều, chưa kể hàng năm 1ha vườn cao su còn hoàn trả lại cho đất một khối lượng lớn chất dinh dưỡng và chất hữu cơ thông qua khoảng 6 tấn lá rụng/ha trong mùa qua đông (Hoàng Nguyễn Minh Đức, 2011).

*Hiệu quả về xã hội

Việc thực hiện Dự án quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thu hút lao động nhàn rỗi, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân vùng Trung du miền núi. Trong rừng trồng cây cao su có thể tổ chức nuôi ong lấy mật đem lại hiệu

quả cao cho người sản xuất.

Tóm lại, lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội của cây cao su ngoài việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chóng xói mòn thì nó còn có vị trí, vai trò trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

1.3.3. Những thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển cao su tiểu điền

*Thuận lợi

- Phát triển cao su nằm trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được thông qua tại Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV và Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp.

- Trước năm 2012 giá cao su lên cao, người dân rất phấn khởi, tuy nhiên hiện giá cao su trên thị trường thế giới hiện nay đang ở mức thấp, nông dân có lãi thấp, tuy nhiên theo dự báo thị trường cao su thế giới đang ấm dần lên tạo điều kiện cho ngành cao su phát triển.

- Cây cao su có thời gian kiến thiết dài và thu hoạch trên 30 năm, Lãnh đạo và người dân đã thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây cao su mang lại, tạo tâm lý cho người dân yên tâm khi tham gia trồng cao su.

- Nhà nước có chủ trương hỗ trợ cho nông dân vay vốn bù lãi xuất để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp trong đó có cây cao su. Có nhiều chính sách, chương trình dự án để phát triển cây cao su.

- Tiềm năng đất đai và khí hậu thời tiết Quảng Trị thích hợp cho việc phát triển cây cao su trên diện rộng với quy mô lớn, tỷ suất hàng hoá cao.

*Khó khăn

- Tiến hành quy hoạch sử dụng đất của các địa phương và các doanh nghiệp;

Chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng cây lâm nghiệp và đất trồng cây nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cao su phải đảm bảo đúng quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

- Hiện nay giá cao su đang xuống thấp, ảnh hưởng tâm lý đến người trồng cao su, đặc biệt là công tác trồng mới, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

- Nông dân thiếu vốn cho đầu tư phát triển cao su; Thiếu liên kết trong sản xuất.

- Đại đa số nông dân chưa nắm bắt được khoa học kỹ thuật về trồng mới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và khai thác quản lý cây cao su;

- Nguồn giống cao su không chủ động trên địa bàn, phụ thuộc vào bên ngoài nên chất lượng vườn cây không đảm bảo.

- Hệ thống chế biến phải đổi mới trang thiết bị phù hợp tiêu chuẩn và thị hiếu của

thị trường tiêu thụ; vấn đề môi trường cần được quan tâm đúng mức.

Mặc dù đã có nhiều thành công trong sản xuất và xuất khẩu nhưng ngành cao su của tỉnh cũng không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Quảng Trị nằm trong khu vực có nhiều mưa bão, nên sản lượng cao su cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố này theo năm. Ngoài rủi ro về thiên tai bão lũ, tình trạng dịch bệnh cũng tác động lớn tới sản lượng. Bên cạnh đó, dầu thô biến động nhiều về giá ở mức thấp cũng khiến giá cao su tự nhiên thay đổi theo. Thị trường trong nước còn nhiều bất cập: Thị trường nhỏ và chưa được quan tâm thích đáng thể hiện qua nhu cầu tiêu thụ cao su qua các năm thấp, việc tổ chức hệ thống kênh tiêu thụ còn nhiều hạn chế. Tuy có nhu cầu về cao su nhưng các Doanh nghiệp chế biến các sản phẩm Công nghiệp làm từ mủ cao su khó tiếp cận được nguồn hàng. Nhiều hộ nông dân và Doanh nghiệp phải lao đao theo sự biến động của thị trường [Báo cáo Sở NN & PTNT, 2013].

Nguyên nhân cơ bản tác động xấu đến quá trình trồng và kinh doanh cây cao su tiểu điền gồm: Cao su tiểu điền diện tích thường nhỏ, phân tán; Nằm ở vùng miền núi hay vùng sâu, nơi kinh tế còn chưa phát triển dẫn đến khó khăn trong việc chuyển giao khoa học và công nghệ trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Mặt khác, nhiều nông hộ do chạy theo phong trào, nhưng lại thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, có hộ trồng cây giống không rõ nguồn gốc, trồng xen canh không đúng kỹ thuật, khai thác không đúng quy trình nên ảnh hưởng cho cây cả trước mắt và lâu dài khi kinh doanh cao su tiểu điền. Ngoài ra còn có hiện tượng tranh mua tranh bán giữa Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp tư nhân và chủ vườn cao su trên địa bàn, dẫn đến khai thác không đúng quy trình và đầu tư không đúng mức đối với cao su tiểu điền. Do vậy, các nhà quản lý cũng như người trồng cao su ở Quảng Trị đang cần một mô hình quản lý thống nhất về cây cao su.

Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là các địa phương, các đơn vị chủ rừng có quy hoạch phát triển cây cao su và các nông hộ trồng cao su, khi thực hiện phát triển cao su tiểu điền cần đảm bảo các quy định về phát triển cao su trên đất Lâm nghiệp và các quy định khác về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Cần phải có sự rà soát và tổ chức quy hoạch chi tiết, có chiến lược sử dụng đất hợp lý như: Làm tốt chức năng quản lý nhà nước; có cơ chế, chính sách phù hợp gắn với tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện đúng quy trình, bước đi, tạo được niềm tin và ý chí quyết tâm của người dân trong đổi mới cách nghĩ cách làm, xóa đói giảm nghèo từ tiềm năng đất đai của địa phương.

CHƯƠNG II

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình phát triển cao su tiểu điền tại huyện vĩnh linh, tỉnh quảng trị (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)