Những giải pháp riêng cho từng loại hình trang trại

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng đất trang trại tại huyện mộ đức, tỉnh quảng ngãi (Trang 99 - 102)

Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.5. Đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trang trại theo hướng phát triển bền vững

3.5.2. Những giải pháp riêng cho từng loại hình trang trại

Đây là loại hình trang trại phổ biến nhất hiện nay của Mộ Đức, với mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc là chủ yếu, ngoài ra còn mô hình chăn nuôi gia cầm (Gà).

Đối với loại hình trang trại chăn nuôi cần tập trung vào các giải pháp ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi mà trước hết là về giống, công tác thú y, quản lý tốt nguồn giống từ bên ngoài, phấn đấu chủ động được con giống tại địa phương, tăng cường công tác phòng chống, kiểm soát bệnh dịch.

Trang trại chăn nuôi là loại hình sản xuất kinh doanh đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn so với các loại hình trang trại khác. Do vậy, cần đẩy mạnh các giải pháp huy động vốn đầu tư dưới nhiều hình thức như việc huy động vốn qua mô hình quan hệ tay ba giữa chủ trang trại, doanh nghiệp thương nghiệp, chế biến và ngân hàng nông nghiệp.

Đây là hình thức cung cấp giống, thức ăn, thú y gắn với cho vay vốn sản xuất dựa trên cơ sở xác lập mối quan hệ bằng các hợp đồng kinh tế giữa các đối tác có tính chất pháp lý, mối quan hệ đó là:

- Quan hệ về cung ứng giống, vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho trang trại giữa doanh nghiệp với trang trại.

- Quan hệ giữa ngân hàng nông nghiệp và trang trại là quan hệ tín dụng. Ngân hàng ký khế ước cho trang trại vay vốn sản xuất kinh doanh và khi hết hạn vay các trang trại có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng theo khế ước đã ký.

- Quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp là mối quan hệ thanh toán cho doanh nghiệp giá trị vật tư, giống, theo hoá đơn giao hàng khi cung cấp cho trang trại với giá cả phù hợp.

Một giải pháp thiết thực khác là: đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi gia công để tranh thủ sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật theo quy trình chăn nuôi khép kín từ khâu cung ứng con giống, thức ăn đến bao tiêu sản phẩm; đảm bảo chủ động phòng, chống dịch bệnh, chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi. Đây cũng là kinh nghiệm và là hướng đi có nhiều triển vọng trong phát triển trang trại chăn nuôi hiện nay.

3.5.2.2. Đối với các trang trại tổng hợp

Loại mô hình trang trại này có quy mô diện tích khá lớn, đa dạng về cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên dễ dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu trọng

tâm. Vì vậy, các chủ trang trại cần chú trọng trong việc xác định hướng kinh doanh chuyên môn hoá, xác định một vài ngành kinh doanh mũi nhọn. Các trang trại cần mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hoá, trước hết ưu tiên các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thu hẹp quy mô sản xuất các sản phẩm cho hiệu quả kinh tế thấp để tập trung được nguồn vốn đầu tư cho các sản phẩm chủ lực.

Các loại hình trang trại tổng hợp ở đây chủ yếu là các mô hình nông lâm kết hợp, do vậy cần chú ý kết hợp giữa cây ngắn ngày và cây dài ngày theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, kết hợp phát triển trồng trọt với chăn nuôi để khai thác triệt để lợi thế phát triển của mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp. Nguồn gốc các trang trại tổng hợp trên địa bàn chủ yếu được hình thành và phát triển từ các mô hình kinh tế VAC; VACR. Vì vậy, việc phổ biến và nhân rộng các mô hình kinh tế này là giải pháp khá thiết thực để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp. Trong đó, trọng tâm là việc cải tạo vườn tạp, trồng cây lâu năm, cây công nghiệp gắn với phát triển chăn nuôi. Đối với những diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả cần mạnh dạn chuyển đổi sang làm vườn, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp kết hợp nuôi trồng thuỷ hải sản. Đẩy nhanh cuộc vận động dồn điền đổi thửa, khắc phục tình trạng ruộng đất quá manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay.

3.5.2.3.Đối với các trang trại lâm nghiệp

Đây là những trang trại có quy mô lớn về diện tích lớn, chu kỳ sản xuất dài, yêu cầu về vốn đầu tư lớn, trong khi có nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng. Phát triển các trang trại lâm nghiệp có nhiều ý nghĩa về kinh tế, xã hội và môi trường, để khắc phục phần nào khó khăn và đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Các cấp chính quyền địa phương có cơ chế tạo điều kịên cho các chủ trang trại tiếp cận và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài như các chương trình, dự án đầu tư cho miền núi, vùng sâu vùng xa, đầu tư trồng rừng,…để tiếp tục mở rộng và đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho trang trại.

- Hoàn thiện việc giao đất, giao rừng, quy hoạch đất rừng, đất gò đồi ổn định lâu dài tạo điều kiện các chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển sản xuất cũng như có cơ sở pháp lý thuận lợi trong các quan hệ giao dịch huy động vốn phát triển sản xuất.

- Kết hợp trồng rừng với chăn nuôi đại gia súc nhằm tận dụng lợi thế vùng đồi núi, áp dụng các biện pháp kỹ thuật hợp lý trong việc quy hoạch, trồng mới, chăm sóc và khai thác cây trồng, mạnh dạn sử dụng lao động thuê ngoài để triển khai trồng mới và chăm sóc kịp thời vụ nâng cao tỷ lệ cây sống, rút ngắn thời gian thu hoạch.

- Thực hiện việc giao khoán hợp lý với lao động làm thuê, tránh tình trạng chạy theo số lượng, khoán theo diện tích, bỏ qua yêu cầu kỹ thuật trồng, chăm sóc. Phấn đấu chủ động cây giống tại chỗ để giảm chi phí, bảo đảm chất lượng cây giống. Khi chưa đến kỳ khai thác cần kết hợp với phát triển các ngành nghề để cải thiện tình trạng nông nhàn.

- Trên cơ sở có quy hoạch cụ thể về rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất để có cơ chế chính sách phù hợp với các trang trại trồng các loại rừng khác nhau, đặc biệt là rừng phòng hộ.

- Trang trại lâm nghiệp hoạt động theo mô hình nông lâm kết hợp với cơ cấu sản xuất kinh doanh phong phú, đa dạng nên rất cần được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn kỹ thuật tổng hợp cho cả chủ trang trại và lao động làm việc trong các trang trại.

Tóm lại: Để kinh tế trang trại trên địa bàn huyện phát triển nhanh, vững chắc cần rất nhiều những giải pháp cụ thể, thiết thực và phải được sự quan tâm tiến hành triển khai từ rất nhiều phía. Trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu này chúng tôi chủ yếu tập trung đề cập đến các giải pháp thực thi cụ thể.

Ở tầm vĩ mô, đó là các giải pháp về quy hoạch gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách đầu tư tín dụng, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, chính sách thị trường,...Tập trung đi sâu vào các giải pháp về quy hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, quy hoạch các vùng phát triển kinh tế trang trại tập trung gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xác định địa vị pháp lý cho kinh tế trang trại, giao quyền sử dụng đất lâu dài, ổn định cho các trang trại. Các giải pháp thực thi cụ thể được thực hiện chung cho các loại hình kinh tế trang trại mà trước hết là việc nâng cao trình độ cho các chủ trang trại và tạo ra các mô hình liên kết để sản xuất kinh doanh các trang trại có hiệu quả. Bên cạnh đó là các giải pháp riêng áp dụng cho từng loại hình kinh tế trang trại hiện có trên địa bàn.

Trong các giải pháp đã được đề cập, theo tôi hiện nay cần tập trung trước hết vào bốn giải pháp cơ bản và cấp bách đó là:

- Quy hoạch phát triển kinh tế trang trại gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng.

- Giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài cho các trang trại.

- Xác định rõ địa vị pháp lý và thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với kinh tế trang trại.

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho chủ trang trại.

Trên cơ sở đó, làm rõ địa chỉ và trách nhiệm cụ thể của các đối tượng có liên quan trong việc thực thi các giải pháp đã đề ra.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng đất trang trại tại huyện mộ đức, tỉnh quảng ngãi (Trang 99 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)