THỜI GIAN HOÀN THÀNH CÁC GIAI ĐOẠN SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của tập đoàn cà chua nhập nội tại quảng bình (Trang 46 - 51)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. THỜI GIAN HOÀN THÀNH CÁC GIAI ĐOẠN SINH TRƯỞNG, PHÁT TRIỂN

Thời gian trồng đến khi ra hoa:

Để ra hoa được, cây cà chua phải trải qua thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng và có sự tích lũy đầy đủ về mặt dinh dưỡng. Nếu thời kỳ này rút ngắn thì chu kỳ sống của cây cà chua sẽ rút ngắn. Tuy nhiên, cây ra hoa sớm khi lượng dinh dưỡng tích luỹ chưa đủ sẽ dẫn đến tình trạng cây yếu, dễ bị nhiễm các loại sâu bệnh (ra hoa là giai đoạn mẫn cảm nhất của cây đối với các loại sâu bệnh hại), dễ rụng hoa, rụng quả, quả nhỏ, kém chất lượng. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc giảm năng suất, chất lượng của cà chua. Ngược lại, nếu giai đoạn này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới giá trị kinh tế mà cây cà chua đem lại. Đối với vụ xuân hè, cây cà chua ra hoa sớm không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc tạo năng suất mà còn là một trong những chỉ tiêu để đánh giá khả năng thích ứng đối với điều kiện trái vụ.

Nhiệt độ cao (trung bình 28°C) và những trận mưa rào giữa tháng 4, đầu tháng 5 ảnh hưởng đến số lượng, sức sống của hạt phấn và noãn. Theo Kuo và cộng sự (1998), nhiệt độ cao xảy ra vào thời điểm 2-3 ngày sau hoa nở sẽ gây cản trở tới quá trình thụ tinh [54]. Độ ẩm không khí cao (>90%) dễ làm hạt phấn bị trương nứt, hoa cà chua không thụ phấn được và sẽ rụng (Tạ Thu Cúc, 2003) [4]. Do đó, chọn thời điểm cho

cây cà chua ra hoa, đậu quả phù hợp là việc làm cần thiết đế đảm bảo được năng suất, chất lượng và giá trị của cây cà chua. Thời gian từ trồng đến ra hoa được tính từ khi bắt đầu đưa cây con trồng ra ruộng cho đến khi ở cây bắt đầu xuất hiện hoa đầu tiên.

Trong giai đoạn này,cây cần trải qua các thời kỳ bén rễ hồi xanh, phát triển thân lá.

Đây chính là giai đoạn cây có nhu cầu lớn về các loại dinh dưỡng. Để đạt được hiệu quả sản xuất cao thì cần chọn tạo các giống, xây dựng quy trình sản xuất phù họp để cho thời gian từ trồng đến ra hoa ở mức trung bình. Vì vậy nghiên cứu thời gian ra hoa rất quan trọng để đánh giá các giống.

Bảng 3.1a: Thời gian hoàn thành các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của 16 giống trong vụ Xuân Hè 2015

Đơn vị:Ngày STT Tên giống Trồng - Ra hoa Trồng - Thu hoạch Trồng-kết thúc

thu hoạch

1 CLN 2037B 29 60 106

2 L3708 26 58 118

3 H7996 31 57 105

4 G5 28 58 108

5 G9 29 59 108

6 G41 31 60 107

7 G43 28 56 104

8 G44 32 58 108

9 G45 29 54 103

10 G49 31 60 107

11 G50 27 59 109

12 G69 30 56 105

13 G70 28 59 106

14 TS33 34 - -

15 WVA700 27 57 120

16 TN516 (ĐC) 28 54 104

Ghi chú: - Không ghi nhận được số liệu Bảng 3.1b: Thời gian hoàn thành các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của 16

giống trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016

Đơn vị tính: Ngày

STT Tên giống Trồng - Ra hoa Trồng - Thu hoạch Trồng-kết thúc thu hoạch

1 CLN 2037B 32 81 107

2 L3708 29 78 118

3 H7996 35 83 118

4 G5 33 80 113

5 G9 30 77 107

6 G41 35 83 108

7 G43 31 81 114

8 G44 36 82 113

9 G45 32 81 112

10 G49 35 85 110

11 G50 30 78 120

12 G69 33 81 118

13 G70 31 82 109

14 TS33 40 - -

15 WVA700 28 81 121

16 TN516 (ĐC) 30 78 108

Ghi chú: - Không ghi nhận được số liệu

Kết quả nghiên cứu về thời gian trồng đến ra hoa ở bảng 3.1a và 3.1b cho thấy:

Trong vụ Xuân Hè 2015: Kết quả nghiên cứu ở bảng 3.1a cho thấy: Thời gian trồng đến ra hoa của các giống dao động từ 26-34 ngày, giống đối chứng ra hoa khoảng 28 ngày sau trồng, trong tập đoàn các giống nghiên cứu thì các giống L3708, G5, G43, G50, G70 và WVA700 là có thời gian ra hoa thấp hoặc tương đương giống đối chứng. Giống ra hoa muộn nhất trong tập đoàn là TS33 sau 34 ngày trồng.

Trong vụ Đông Xuân 2015-2016: Thời gian ra hoa của giống TS33 dài nhất 40 ngày sau trồng, giống có thời gian ra hoa ngắn nhất là WVA700 tại thời điểm 28 ngày sau trồng. Giống đối chứng (TN516) ra hoa lúc 30 ngày sau trồng, cao hơn giống L3708 và WVA700, các giống khác trong tập đoàn có thời gian ra hoa cao hơn hoặc tương đương giống đối chứng, bảng 3.1b.

Như vậy: Thời gian trồng đến khi ra hoa của các giống khác nhau là khác nhau và có sự chênh lệch lớn giữa 2 vụ. Xu hướng chung là trong vụ Xuân Hè thời gian ra hoa ngắn hơn vụ Đông Xuân, điều này có thể giải thích là do ảnh hưởng của các điều kiện ngoại cảnh, nhất là nhiệt độ. Vụ Đông Xuân 2015-2016 tại Quảng Bình chịu nhiều đợt không khí lạnh với các đợt rét đậm rét hại đã làm kéo dài đáng kể thời gian sinh trưởng của cây cà chua. Đồng thời qua đây cho thấy, các giống cà chua nhập nội có sự thích nghi với điều kiện tại Quảng Bình, thời gian ra hoa tương đương giống đối chứng.

Từ khi trồng đến khi thu hoạch:

Thời kỳ thu hoạch gọi là thời kỳ chín kinh tế, là dạng chín có ý nghĩa rất lớn trong công tác chọn tạo giống do nó phản ánh sự chín sớm hay chín muộn của cây cà chua. Thời gian này phụ thuộc rất lớn vào thời gian trồng đến khi ra hoa và đậu quả.

Cây cà chua là cây tự thụ điển hình, trong điều kiện thuận lợi tỉ lệ giao phấn chỉ đạt 4%. Chính vì vậy, quá trình thụ phấn, thụ tinh của cà chua diễn ra nhanh hay chậm, dài hay ngắn là do bản chất di truyền của từng giống quy định. Theo Kuo và cộng sự (1998)[54]: Sự thụ phấn có thể kéo dài từ 2-3 ngày trước nở đến 3-4 ngày sau khi hoa nở. Trong điều kiện thuận lợi thì sau thụ phấn 2 ngày, quá trình thụ tinh sẽ xảy ra, bầu noãn sẽ phát triển thành quả non sau nở hoa 4-5 ngày. Thời gian này có mối tương quan chặt với thời gian từ trồng đến ra hoa, giống nào ra hoa sớm thì sẽ đậu quả sớm và chín sớm. Bên cạnh đó, quá trình chín của quả còn phụ thuộc các điều kiện ngoại cảnh như: Cường độ chiếu sáng, nhiệt độ trung bình,… Khi nhiệt độ cao đi kèm với cường độ chiếu sáng lớn sẽ thúc đẩy quá trình chín nhanh hơn.

Khi quả đã đạt kích thước tối đa và tích luỹ được lượng dinh dưỡng nhất định

thì quả bắt đầu chuyển vào giai đoạn chín. Ở cà chua, khi quả chín diễn ra đồng thời hai quá trình là chín sinh lý và chín hình thái. Chín sinh lý là quá trình quả chín được thể hiện ở hàm lượng các chất đạt mức cao, đồng thời hạt đã hoàn thiện để phát triển thành một cơ thể bình thường. Chín hình thái đó là sự biến đổi về hình dạng, kích thước và màu sắc quả để chúng ta dễ dàng phân biệt được quả xanh và quả chín. Với cà chua, quá trình chín hình thái được thể hiện rõ nhất ở sự hình thành các sắc tố Lycopen và Caroten đây là các sắc tố quy định về màu sắc quả cà chua.

Trong vụ Xuân Hè 2015: Thời gian trồng đến khi thu quả đầu của các giống dao động từ 54-60 ngày, trong đó giống đối chứng (TN516) là 54 ngày thấp hơn các giống cà chua nhập nội được nghiên cứu. Giống TS33 không có khả năng đậu quả trong vụ này, đây là trường hợp cá biệt tỏ ra kém thích nghi với điều kiện tự nhiên khu vực thí nghiệm.

Trong vụ Đông Xuân 2015-2016: Thời gian trồng đến khi thu quả đầu của các giống từ 77-85 ngày; sớm nhất là giống G9 (77 ngày), muộn nhất là G49 (85 ngày), giống đối chứng đạt 78 ngày. Nhìn chung, các giống khác có thời gian thu quả đầu cao hơn so với giống đối chứng, ngoại trừ giống TS33 không có khả năng đậu quả.

Thời gian trồng đến khi thu quả đầu giữa 2 vụ có sự chênh lệch khoảng 10-20 ngày, nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời gian ra hoa và sự khác nhau của các yếu tố thời tiết giữa 2 vụ. Trong vụ Xuân Hè 2015 nhiệt độ tăng dần và ở mức lý tưởng cho sự ra hoa đậu quả và chín của cây cà chua. Trong khi đó vụ Đông Xuân 2015- 2016 lại rét đậm liên tục, do vậy mà thời gian thu quả có sự chênh lệch lớn.

Tổng thời gian sinh trưởng:

Tổng thời gian sinh trưởng là chỉ tiêu biểu thị kiểu hình sinh trưởng của cây, trong đó kiểu hình sinh trưởng vô hạn có thời gian sinh trưởng kéo dài hơn kiểu hình sinh trưởng hữu hạn. Tuy nhiên thời gian sinh trưởng còn phụ thuộc vào các điều kiện ngoại cảnh như: Nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng,... chế độ chăm sóc bón phân, tưới nước. Nghiên cứu thời gian sinh trưởng của các giống cho thấy:

Trong vụ Xuân Hè 2015: Tổng thời gian sinh trưởng của các giống trong phạm vi 103-120 ngày, trong đó giống có thời gian sinh trưởng ngắn nhất là G45, dài nhất là WVA700, giống đối chứng TN516 có thời gian sinh trưởng là 104 ngày. Như vậy các giống cà chua nhập nội sinh trưởng dài ngày hơn giống đối chứng đây là tiềm năng quan trọng để cho năng suất cao.

Trong vụ Đông Xuân 2015-2016: Kết quả nghiên cứu bảng 3.1b cho thấy tổng thời gian sinh trưởng của các giống cà chua dao động trong khoảng 107-121 ngày, trong đó giống đối chứng 108 ngày cao hơn các giống CLN 2037B và G9, thấp hơn các giống còn lại. Giống có khả năng sinh trưởng, phát triển dài ngày nhất vụ này là

WVA700 đạt 121 ngày.

Tóm lại: Các giống cà chua nhập nội trồng tại Quảng Bình qua 2 vụ Xuân Hè 2015 và Đông Xuân 2015-2016 cho kết quả tương đối tốt về khả năng thích nghi, ra hoa đậu quả. Thời gian sinh trưởng của các giống này tương đương hoặc cao hơn giống đối chứng, tùy theo điều kiện thời tiết từng vụ mà thời gian ra hoa, thu hoạch có sự dao động trong phạm vi 65-80 ngày sau trồng. Trong tập đoàn chỉ có giống TS33 là kém thích nghi khi không có khả năng đậu quả.

Một phần của tài liệu Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của tập đoàn cà chua nhập nội tại quảng bình (Trang 46 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)