Chương 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Cơ sở thực tiễn về vấn đề nghiên cứu
1.2.3. Tình hình thực hiện thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở Việt Nam
1.2.3.1. Tình hình thu hồi đất ở Việt Nam
Thực tiễn ở nước ta trong những năm qua cho thấy, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá tất yếu sẽ dẫn đến một bộ phận đất đai được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Việc thu hồi đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình phục vụ lợi ích quốc gia ở nước ta được tiến hành mạnh mẽ từ khi thực hiện đường lối đổi mới, chuyển nền kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quá trình này được đẩy nhanh hơn từ những năm 1990, khi nền kinh tế nước ta bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. đại hội đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định rõ: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ,….tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cùng với công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế, nhiệm vụ xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng: giao thông, thuỷ lợi, điện lực, thông tin, cấp nước,...được đặt ra một cách cấp thiết. Tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta từ những năm 1990 được gắn liền với đô thị hoá cả về chiều rộng và chiều sâu. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm (2001 - 2010) đã nêu rõ: Phát triển mạng lưới đô thị phân bố hợp lý trên các vùng. Hiện đại hoá dần các thành phố lớn, thúc đẩy quá trình đô thị hoá nông thôn.
Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam thời kỳ 1996 - 2020 xác định mục tiêu phát triển đô thị cả nước đến năm 2020 là: xây dựng tương đối hoàn chỉnh đô thị cả nước, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật hiện đại, có môi trường đô thị trong sạch, được phân bổ và phát triển hợp lý trên địa bàn cả nước,...., phấn đấu đến năm 2020, dân số đô thị chiếm khoảng 45% dân số cả nước.
Trong 5 năm, từ năm 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 39,56 nghìn ha, xây dựng đô thị là 70,32 nghìn ha và xây dựng kết cấu hạ tầng là 136,17 nghìn ha.
Các vùng kinh tế trọng điểm là khu vực có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất thu hồi trên toàn quốc. Những địa phương có diện tích đất thu hồi lớn là Tiền Giang (20.308 ha), Đồng Nai (19.752 ha), Bình Dương (16.627 ha), Quảng Nam (11.812 ha), Cà Mau (13.242 ha), Hà Nội (7.776 ha), Hà Tĩnh (6.391 ha), Vĩnh Phúc (5.573 ha).
Theo số liệu điều tra của Báo Nông nghiệp Phát triển Nông Thôn năm 2010 tại 16 tỉnh trọng điểm về thu hồi đất, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 89% và diện tích đất thổ cư chiếm 11%. Đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất, chiếm 4,4% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước, tỷ lệ này ở Đông Nam Bộ là 2,1%, ở nhiều vùng khác là dưới 0,5%.
Qua bảng 2.1 ta thấy Bắc Ninh là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi cao nhất, chiếm 70,11% tổng diện tích đất nông nghiệp. Các tỉnh Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà
Nam, Hưng Yên có tỷ lệ đất nông nghiệp bị thu hồi tương đối cao, khoảng trên dưới 30%; còn ở một số tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp có tỷ lệ đất nông nghiệp bị thu hồi thấp, lần lượt chiếm chỉ khoảng 7,4% và 8,02% tổng diện tích đất nông nghiệp.
Mặc dù diện tích đất nông nghiệp, đất ở bị thu hồi tại mỗi tỉnh chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số diện tích đất tự nhiên của địa phương nhưng lại tập trung vào một số huyện, xã có mật độ dân số cao. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, có xã diện tích đất bị thu hồi chiếm tới 70-80% diện tích đất canh tác. Các tỉnh nằm ngoài những vùng trọng điểm về phát triển kinh tế, diện tích đất sản xuất và đất ở bị thu hồi còn tương đối nhỏ và nằm trong khoảng từ vài trăm tới dưới 1.000 ha.
Bảng 1.1. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi ở một số địa phương trên cả nước
STT Tỉnh, thành phố
Tổng diện tích đất nông nghiệp
(ha)
Tổng diện tích đất nông nghiệp
bị thu hồi (ha)
Tỉ lệ đất nông nghiệp bị thu
hồi (%)
1 Tuyên Quang 518.311,22 83.216,86 16,06
2 Hà Nội 45.772,96 13.789,87 30,13
3 Hải Phòng 84.984,13 11.679,02 13,74
4 Hưng Yên 60.101,4 16.434,34 27,34
5 Hải Dương 107.964,05 21.458,48 19,88
6 Hà Nam 57.903,48 16.247,74 28,06
7 Vĩnh Phúc 94.445,48 29.844,18 31,60
8 Bắc Ninh 50.489,5 35.398,38 70,11
9 Thừa Thiên Huế 349.812,57 63.914,8 18,27
10 Bình Phước 631.370.35 140.631,00 22,27
11 Đồng Tháp 277.073,38 22.225,79 8,02
12 Kiên Giang 576.492,49 42.679,58 7,40
(Nguồn:[34]) Đời sống, lao động và việc làm của các hộ nông dân bị thu hồi đất:
Theo thống kê hiện nay, trung bình mỗi hec-ta đất bị thu hồi ảnh hưởng tới việc
làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất lớn nhất: khoảng 300 nghìn hộ; Đông Nam Bộ: khoảng 108 nghìn hộ. Số hộ bị thu hồi đất ở các vùng khác thấp hơn: Tây Nguyên chỉ có trên 138.291 hộ, Thành phố Hồ Chí Minh: 52.094 hộ...
Những quy định về giá đất bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư... đã được tích cực triển khai tới từng hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đất ở. Việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất chuyên dùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng như xây dựng các khu đô thị mới cho người dân địa phương; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Số lượng lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chuyển sang làm việc ở các ngành phi nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng phát triển của đất nước.
Việc bố trí, sắp xếp nơi ở mới cho các hộ dân bị thu hồi đất đến nơi ở mới có quy hoạch tổng thể với hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội hiện đại đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
1.2.3.2. Tình hình thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở Việt Nam
a) Tình hình thực hiện chính sách bồi thường:
Về bồi thường đất, chính sách về bồi thường đất khi nhà nước thu hồi quy định rõ người bị thu hồi đất đang sử dụng đất vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi [18]. Thực tế hiện nay ở các địa phương việc bồi thường cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất bị nhà nước thu hồi đất được thực hiện chi trả bằng tiền. Nguyên nhân của việc này là do hiện nay quỹ đất có thể sử dụng của cả nước về cơ bản đã được giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng (chiếm trên 78% diện tích tự nhiên của cả nước [27].) và để có đất để bồi thường nhà nước lại phải tiếp tục thu hồi. Mặt khác, do công tác lập quy hoạch chưa tốt, các địa phương chưa có định hướng tạo lập quỹ đất dự phòng dẫn đến không có đất để bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng theo quy định, đặc biệt là đất nông nghiệp. đối với phương thức giao đất mới có cùng mục đích sử dụng khi nhà nước thu hồi thì các địa phương chỉ áp dụng được đối với những nơi có quỹ đất lớn hoặc được áp dụng cho các trường hợp thu hồi đất ở.
Về bồi thường tài sản trên đất, theo quy định của chính sách về bồi thường tài sản trên đất thì UBND cấp tỉnh ban hành giá xây dựng công trình, của cây trồng, vật nuôi trên đất. Việc bồi thường tài sản trên đất cho người bị thu hồi đất đã được các địa
phương quan tâm sâu sát hơn. UBND các địa phương đã ban hành bảng giá công trình xây dựng, vật kiến trúc và giá cây trồng trên đất để áp dụng trên địa bàn tỉnh. Công tác bồi thường về tài sản trên đất được các địa phương áp dụng thực hiện chi trả bằng tiền để hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi có khả năng xây dựng mới tài sản đó (đối với nhà, công trình). Đối với cây trồng hàng năm trên đất bị thu hồi, được giá bồi thường bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch cao nhất của cây trồng chính tại địa phương trong 3 năm liền kề trước năm bị thu hồi đất. Cây trồng lâu năm thì được bồi thường bằng giá trị hiện có của vườn cây, các vật nuôi trong đất có mặt nước mà chưa đến thời kỳ thu hoạch thì bồi thường theo mức thiệt hại thực tế do bị thu hồi đất phải thu hoạch sớm.
Các địa phương thực hiện bồi thường cây trồng vật nuôi trên đất theo giá trị sản lượng của vụ thu hoạch hoặc giá trị hiện có của vườn cây, chi phí đầu tư, chăm sóc khi tính bồi thường cho các loại cây trồng, giá trị vật nuôi trong đất có mặt nước, được lấy theo giá bán sản phẩm, giá bán vườn cây và các mức chi phí trung bình trên thị trường ở địa phương để bồi thường
b) Tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ:
Chính sách về hỗ trợ cho người đang sử dụng đất bị nhà nước thu hồi bao gồm các hỗ trợ: hỗ trợ di chuyển; hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm và các khoản hỗ trợ khác. Việc thực hiện chính sách về hỗ trợ tại các địa phương cơ bản diễn ra khá thuận lợi do chính sách này được các địa phương quy định chi tiết, cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Chính sách này đã được đông đảo người dân có đất bị thu hồi quan tâm và ủng hộ. UBND các tỉnh, thành phố khi thực hiện chính sách hỗ trợ căn cứ vào từng địa bàn, từng dự án đầu tư để quyết định hỗ trợ nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho người bị thu hồi đất tại nơi ở mới. Tại một số địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người bị thu hồi đất bằng hình thức chi trả tiền hoặc hỗ trợ bằng hình thức bồi thường bằng đất sản xuất kinh doanh, đất dịch vụ phi nông nghiệp. Tuy nhiên, việc áp dụng bằng hình thức bồi thường bằng đất sản xuất kinh doanh, đất dịch vụ phi nông nghiệp chỉ áp dụng cho các địa phương có quỹ đất lớn hoặc đã tạo lập được quỹ đất sạch dự phòng [3].
c) Tình hình thực hiện chính sách tái định cư:
Tại điều 33 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định việc bố trí tái định cư căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền xét duyệt, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập và thực hiện các dự án tái định cư để bảo đảm phục vụ tái định cư cho người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở [18]. Thực hiện quy định này, UBND cấp tỉnh tại các địa phương đã quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành tại địa phương lập và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung, các khu tái định cư điểm lẻ để bảo
đảm việc bố trí tái định cư cho các hộ gia đình cá nhân khi bị thu hồi đất thực hiện các dự án trên địa bàn mà phải di chuyển chỗ ở. Thực tế hiện nay ở các địa phương việc xây dựng các khu tái định cư cho người bị thu hồi đất đang thường được tiến hành song song với việc thực hiện GPMB xây dựng dự án, dẫn đến xảy ra trường hợp khi thực hiện xong chi trả tiền bồi thường cho người bị thu hồi đất ở nhưng chưa di chuyển được các hộ này ra khỏi phạm vi GPMB làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án. Một thực trạng nữa hiện nay ở các địa phương là giá đất ở được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất được theo bảng giá đất được UBND tỉnh công bố hàng năm, trong khi đó giá thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư tập trung thường là rất cao. Nguyên nhân, của việc này là do chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư tập trung thường là theo giá thị trường tại thời điểm xây dựng. điều này đã làm cho các hộ dân khi bị thu hồi đất ở được bố trí tái định cư không có đủ khả năng chi trả tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, dẫn đến xảy ra khiếu nại của người bị thu hồi đất ở các địa phương.
1.2.3.3. Nhận xét, đánh giá
Trong công tác tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, UBND các địa phương trong cả nước đã quan tâm chỉ đạo và tích cực điều hành việc thực hiện chính sách tại địa phương, như: Ban hành quy định cụ thể, chi tiết hơn về các đối tượng được bồi thường, hỗ trợ; quy định rõ giá bồi thường đất, tài sản, cây trồng, các mức hỗ trợ và việc bố trí tái định cư đối với các trường hợp đang sử dụng đất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; đồng thời quy định và phân định rõ trách nhiệm các cơ quan tham mưu (Sở, ban, ngành), các đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Từ đó bảo đảm việc áp dụng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách được thuận lợi, giải quyết đúng quyền lợi của người bị thu hồi đất theo quy định trong chính sách, hạn chế được việc khiếu nại của các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, góp phần nâng cao tính khả thi của chính sách trong thực tế.
Công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đã từng bước được tổ chức chuyên môn hóa hơn; đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách đã dần dần được tập huấn và bồi dưỡng trình độ chuyên môn, để nắm chắc chính sách cũng như bổ sung kinh nghiệm thực tế trong thực hiện; việc thực hiện áp dụng chính sách khi thu hồi đất trong các dự án cụ thể, đã chú trọng phổ biến công khai và phát huy tối đa quyền dân chủ tham gia của các tổ chức, đối tượng có liên quan và bị ảnh hưởng, hạn chế bớt thủ tục hành chính. Nên đã từng bước đưa công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đi vào nề nếp, nâng cao kết quả trong tổ chức thực hiện, giảm được những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, hạn chế được tối đa những thắc mắc khiếu kiện và rút ngắn được thời gian tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và GPMB đối với diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án.
Việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã giúp cho đất nước ta xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các dự án trọng điểm của nhà nước, cũng như góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, ổn định đời sống sản xuất cho người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó chúng ta cũng còn những tồn tại, vướng mắc khi tiến hành bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trong đó đặc biệt là vấn đề giá đền bù, thực hiện công tác tái định cư còn nhiều bất cập, chính sách tạo việc làm cho người có đất bị thu hồi chưa thực sự phát huy hiệu quả. Một số hạn chế cụ thể như:
Một là, thiếu tính thống nhất, nhất quán trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tình trạng mỗi địa phương, mỗi dự án, mỗi công trình có mức bồi thường và hỗ trợ khác nhau còn diễn ra phổ biến, từ đó làm nảy sinh ý tưởng so sánh quyền lợi từ phía người dân.
Hai là, chất lượng công trình quy hoạch và xây dựng các khu, điểm tái định cư còn thấp và chưa chú ý đến yếu tố văn hóa, tập quán, thói quen của đồng bào các dân tộc khi xây các khu tái định cư.
Ba là, nguồn tài chính đảm bảo trong thực hiện bồi thường, GPMB chưa đủ mạnh, phải thực hiện kéo dài nhiều năm, dẫn đến giá cả thay đổi ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư và hiệu quả kinh tế của dự án.