Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3. Đánh giá tình hình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại 2 dự án nghiên cứu
3.3.1 Quá trình tổ chức thực hiện và tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng
Bước 1. Giới thiệu địa điểm và thông báo thu hồi đất: Việc xác định và thông báo thu hồi đất được căn cứ theo văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất của Sở Tài
nguyên - Môi trường trình UBND tỉnh phê duyệt và ban hành thông báo thu hồi đất.
UBND thành phố Đồng Hới có trách nhiệm chỉ đạo phổ biến rộng rãi chủ trương thu hồi đất, các quy định về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất.
Bước 2. Khảo sát, lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:
Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn GPMB lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát thực tế tại hiện trường. Phương án tổng thể được thẩm định và phê duyệt cùng với việc phê duyệt dự án đầu tư.
Bước 3. Lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Tổ chức làm nhiệm vụ GPMB tiến hành kiểm kê tại hiện trường, phối hợp với UBND cấp xã xác định nguồn gốc đất của các thửa đất thu hồi. Trên cơ sở quy định của nhà nước và bảng giá đất, tài sản trên đất do UBND tỉnh quy định tiến hành lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Niêm yết công khai phương án bồi thường cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng được biết và tiếp nhận các ý kiến về phương án, hoàn thiện phương án trình Phòng Tài nguyên - Môi trường thẩm định.
Bước 4. Thẩm định hồ sơ thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Phòng Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan như phòng Tài chính - Kế hoạch, phòng Quản lý đô thị, phòng Kinh tế... thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Bước 5. Quyết định thu hồi đất đối với chủ sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư: Căn cứ thông báo thu hồi đất của UBND tỉnh, phương án bồi thường, hỗ trợ đã được phòng Tài nguyên - môi trường chủ trì thẩm định, UBND thành phố Đồng Hới ra quyết định thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân.
Bước 6. Quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: UBND tỉnh sẽ thu hồi đất đối với đất của các tổ chức, chuyển mục đích sử dụng trong phạm vi thực hiện dự án và giao đất cho đơn vị chủ đầu tư. Trên cơ sở quyết định giao đất của UBND tỉnh, UBND thành phố Đồng Hới ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Bước 7. Tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư: Sau khi có quyết định phê duyêt, tổ chức làm nhiệm vụ GPMB công khai quyết định phê duyệt và tiến hành chi trả tiền cho các đối tượng được bồi thường, hỗ trợ.
Bước 8. Bàn giao đất: Trong thời hạn 20 ngày sau khi tổ chức GPMB chi trả tiền cho người bị thu hồi đất theo phương án đã được phê duyệt thì người bị thu hồi đất có trách nhiệm bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ GPMB.
Đánh giá về trình tự thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định của 02 dự án: Công tác GPMB được thực hiện trên cơ sở Nghị đinh số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, Nghị đinh số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và các văn
bản của UBND các cấp liên quan đến thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ. Quá trình thực hiện 02 đơn vị Trung tâm Phát triển quỹ đất đã bám sát các quy định chính sách, pháp luật đất đai với tinh thần tính đúng, tính đủ cho nhân dân. Việc công khai, kết thúc công khai, tổ chức họp dân và xử lý các ý kiến của nhân dân được thực hiện theo đúng quy định. Công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường được thực hiện chặt chẽ, khẩn trương có sự tham gia phối hợp của cơ quan có liên quan. Đối với công tác chi trả tiền và bàn giao mặt bằng, hội đồng luôn chủ động trong việc thực hiện chi trả tiền cho người dân theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, trình thủ thủ tục trong công tác mặt bằng còn kéo dài, quá trình lập phương án, kiểm kê áp giá vẫn còn có những sai sót nhất định, do đó khi thẩm định phải chỉnh sữa lại dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, cũng như gây mất niềm tin của nhân dân, việc bố trí kinh phí GPMB đôi lúc còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB của các dự án.
3.3.1.2. Sự phối hợp và trách nhiện của các cấp, các ngành 1. UBND tỉnh Quảng Bình
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác BT theo quy định;
Ban hành quyết định thu hồi đất (đối với đất của các tổ chức), giao đất và phê duyệt kinh duyệt kinh phí BT; ban hành các quyết định về giá đất, đơn giá nhà cửa, vật kiến trúc và ban hành một số văn bản chỉ đạo liên quan đến bồi thường và hỗ trợ và giải quyết một số vấn đề liên quan: Khiếu kiện, khiếu nại, cưỡng chế...
2. Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình:
Chủ trì hướng dẫn hoặc tham mưu đề xuất UBND tỉnh giải quyết vướng mắc của UBND thành phố trong áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hướng dẫn giải quyết các vướng mắc về đất đai, việc lập và hoàn chỉnh hồ sơ để xin giao đất, thuê đất đối với tổ chức phải di chuyển đến địa điểm mới khi bị thu hồi đất
Hướng dẫn việc xác định diện tích đất, loại đất, hạng đất và điều kiện được bồi thường, đất không đủ điều kiện được bồi thường và các tiêu chí liên quan về đất khi Nhà nước thu hồi đất để áp dụng cho việc tính toán bồi thường thống nhất trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính:
Thẩm định giá tài sản, xác định và đề xuất giá các loại cây và giá tài sản chưa có trong quyết định của UBND tỉnh.
Thẩm định giá đất tái định cư, giá trị một suất đầu tư hạ tầng đối với từng dự án giải phóng mặt bằng theo quy định; thẩm định dự toán kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng do tổ chức thực hiện bồi thường hỗ trợ và tái định cư lập đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do UBND tỉnh phê duyệt.
Giám sát, kiểm tra việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và chi phí cho công tác tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án do UBND tỉnh phê duyệt, hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố thực hiện nhiệm vụ này đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND cùng cấp.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn hoặc đề xuất giải quyết vướng mắc của UBND thành phố trong áp dụng chính sách bồi thường tài sản trên đất thuộc thẩm quyền, chi phí di chuyển, giá các loại tài sản trên đất, hỗ trợ khác; chi phí đầu tư vào đất còn lại.
4. Sở Xây dựng:
Hướng dẫn việc xác định quy mô, diện tích, tính hợp pháp của các công trình xây dựng gắn liền với đất của đối tượng bị thu hồi.
Xác định cấp hạng, chất lượng nhà, công trình giải tỏa của đối tượng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất, chịu trách nhiệm thẩm định các tiêu chí liên quan đến nhà, công trình.
Phối hợp với các cơ quan chức năng xác định vị trí, quy mô khu tái định cư cho phù hợp với quy hoạch phát triển chung của tỉnh để UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, cấp Giấy phép xây dựng đối với các công trình công cộng phải di dời đảm bảo kịp tiến độ giải phóng mặt bằng.
Thẩm định dự toán di dời đối với các công trình công cộng như: cấp thoát nước, công trình xây dựng...
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
Xác định giá vật nuôi để tính bồi thường, hỗ trợ, biện pháp hỗ trợ sản xuất để ổn định sản xuất và đời sống tại khu tái định cư để tính bồi thường trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hướng dẫn xác định quy mô, diện tích, mật độ cây trồng, vật nuôi để tính toán bồi thường, hỗ trợ cho từng đối tượng.
Thẩm định dự toán đối với công trình thủy lợi, đê điều, nông - lâm - ngư nghiệp.
6. Sở Lao động - Thương binh và xã hội
Hướng dẫn việc xác định chế độ trợ cấp ngừng việc để bồi thường cho người lao động do ngừng việc của tổ chức kinh tế, hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có thuê lao động theo hợp đồng lao động bị ngừng sản xuất kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập phương án đào tạo, tổ chức việc đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp khi bị Nhà nước thu hồi đất trình UBND tỉnh quyết định.
7. UBND thành phố Đồng Hới
Chỉ đạo, tổ chức, tuyên truyền, vận động mọi tổ chức, cá nhân về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo phân cấp; phối hợp với các ngành, các tổ chức và chủ đầu tư xây dựng phương án tạo lập khu tái định cư theo phân cấp.
Xác định vị trí đất, hạng đất, khu vực đất và các chỉ tiêu về đất được UBND tỉnh ủy quyền trên địa bàn cấp huyện để áp dụng cho công tác bồi thường; cung cấp các tài liệu liên quan về đất, tài sản trên đất của các đối tượng bị ảnh hưởng.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo thẩm quyền được giao; ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức việc thực hiện cưỡng chế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Chỉ đạo các Ban ngành của thành phố thực hiện đầy đủ nhiệm vụ thuộc chức năng và thẩm quyền chuyên ngành như các Sở, Ban ngành cấp tỉnh và nhiệm vụ của thành viên tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường.
8. Trung tâm Phát triển quỹ đất:
Tổng hợp xây dựng kế hoạch triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chủ trì phối hợp với người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất lập và trình các cấp, các ngành thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp lý, hợp pháp của số liệu kiểm kê, tính pháp lý của đất đai, tài sản được bồi thường, hỗ trợ hoặc không được bồi thường, hỗ trợ phù hợp với chính sách của phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Phối hợp với UBND cấp xã tổ chức niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hướng dẫn, giải đáp những ý kiến thắc mắc, góp ý của người bị thu hồi đất và nhân dân liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Niêm yết công khai và chuyển quyết định phê duyệt kèm phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết đã được UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt cho người bị thu hồi đất.
Phối hợp với chủ dự án tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định
cư; thu hồi các giấy tờ về nhà, đất của người bị thu hồi đất để chuyển cơ quan tài nguyên và môi trường chỉnh lý hoặc thu hồi theo quy định.
Lập biên bản bàn giao mặt bằng đã được giải tỏa cho người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Phối hợp, lập báo cáo cho cơ quan chuyên môn trong công tác giải quyết đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
9. UBND các xã, phường:
Phối hợp với Chủ đầu tư và tổ chức thực hiện bồi thường tổ chức tuyên truyền về mục đích thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận đất đai, tài sản của người bị thu hồi về các nội dung liên quan như: nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, xây dựng nhà, tài sản khác trên đất, thời điểm kinh doanh dịch vụ, các đối tượng có thu nhập chính từ sản xuất kinh doanh, nhân khẩu trong độ tuổi lao động, các đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, các trường hợp bị ảnh hưởng đời sống, sản xuất khi thu hồi đất nông nghiệp và các vấn đề khác liên quan theo quy định của pháp luật
Phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ cho việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất và tạo điều kiện cho việc giải phóng mặt bằng.
Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các cuộc đối thoại, chất vấn của người có đất bị thu hồi; đôn đốc, áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để thực hiện giải phóng mặt bằng đúng tiến độ; Niêm yết công khai các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.
10. Chủ đầu tư:
Hợp đồng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chủ động đề xuất, tham gia trên tất cả quy trình tổ chức giải phóng mặt bằng và tái định cư; cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng và thẩm định phương án BT, hỗ trợ tái định cư của dự án.
Quyết định phê duyệt dự án, bàn giao mốc giải phóng mặt bằng, các tài liệu liên quan khác.
Đảm bảo đầy đủ, kịp thời kinh phí thực hiện xây dựng dự án.
11. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị Nhà nước thu hồi đất:
Có trách nhiệm phối hợp với Tổ chức làm làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Kê khai trung thực, đầy đủ các số liệu về đất, tài sản, cung
cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan về đất, tài sản theo yêu cầu của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND cấp xã; Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định thu hồi đất; Di chuyển, bàn giao mặt bằng theo đúng quy định của Pháp luật.
Đánh giá chung:
Quá trình tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của 02 dự án đã có sự tham gia phối hợp khá chặt chẽ giữa các cấp các ngành. Các bên có liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã tổ chức và phối hợp với nhau trong thực hiện. Điển hình trong công tác phổ biến chủ trương thu hồi đất, kiểm kê, tổ chức hội họp, trong việc phối hợp xử lý vướng mắc hay trong công tác thẩm định bồi thường...
Tuy nhiên, thực tế qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc Trung tâm Phát triển quỹ thành phố với lực con người ít, kinh nghiệm trong công tác GPMB, năng lực còn hạn chế nên quá trình thực hiện đạt kết quả chưa cao. Đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường với đội ngũ nhân viên với số lượng lớn và có chất lượng, ngoài ra đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường nên cũng tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Sở khi gặp các vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chất lượng thực hiện GPMB các công trình tốt hơn. Bên cạnh đó thì sự phối hợp của các đơn vị GPMB với các phòng ban của thành phố thiếu tích cực, vai trò của UBND các phường, xã, phường còn mờ nhạt, xem việc GPMB là của Trung tâm phát triển quỹ đất và Chủ đầu tư, các cơ quan đoàn thể của địa phương gần như đứng ngoài cuộc.
3.3.1.3. Thời gian tổ chức thực hiện và tiến độ thực hiện GPMB tại dự án nghiên cứu:
a) Đối với dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ:
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy thời gian tổ chức thực hiện dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ nhanh hơn so với một số dự án khác trên địa bàn thành phố Đồng Hới. Công trình khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 2092/QD- UBND ngày 30/8/2013 và thông báo chủ trương thu hồi đất theo Thông báo số 1294/TB-UBND ngày 07/11/2013, quá trình trích đo thu hồi đất hoàn thành vào tháng 3/2014. Đến ngày 30/6/2014 đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án. Sau khi công khai quyết định phê duyệt theo quy định cho các hộ dân, Chủ đầu tư phối hợp với đơn vị GPMB tiến hành chi trả tiền và bàn giao đất cho dự án theo đúng quy định. Tiến độ dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ thực hiện nhanh là do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Trước khi thực hiện dự án, muốn sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới thì Chính phủ Việt Nam phải lập kế hoạch cho công tác bồi thường, tái định cư.