Chương 3. THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM
3.6. Kết quả thực nghiệm
3.6.5. Ý kiến của GV tiến hành thực nghiệm
Sau khi tiến hành TNSP, chúng tôi đã xin ý kiến nhận xét của giáo viên đứng lớp về một số nội dung liên quan đến những biện pháp gây hứng thú trong dạy học hóa học đã đề ra ở trên.
- Cô Nguyễn Thị Vân Anh (trường THPT chuyên Lương Thế Vinh – Đồng Nai) có ý kiến rằng đa số các em HS hứng thú với các thí nghiệm tạo tình huống có vấn đề và các em rất tích cực tham gia vào các hoạt động do GV tổ chức: viết báo nội bộ và các nhiệm vụ GV đưa ra theo nhóm hoặc cá nhân: điều chế các hợp chất hữu cô có trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên với lượng thời gian 45 phút/tiết → truyền tải đầy đủ các nội dung trong bài rất khó khăn.
- Cô Võ Thị Lệ Yến (trường THPT Việt Anh – Quận Tân Bình) cho rằng khi sử dụng phương pháp góc vào quá trình dạy học sẽ giúp cho HS phát huy được các mặt tích cực của mình, bên cạnh đó việc kết hợp các phương tiện trực quan giúp giờ học sôi nổi hơn, HS hứng thú, hoạt động năng nổ hơn. Tuy nhiên phương pháp này cần lượng HS không quá đông, không gian lớp học lớn và đặc biệt nhà trường phải có đầy đủ các cơ sở vật chất cần thiết.
- Thầy Phạm Xuân Phú (trường Trung cấp Kĩ thuật vả nghiệp vụ Nam Sài Gòn, quận 8) cho biết hầu hết các em HS đã trở nên tích cực và quan tâm đến môn hóa hơn khi trong tiết học GV vận dụng vào các trò chơi học tập, kết hợp với sử dụng mô hình,
tranh ảnh, video. Với số lượng HS tương đối ít nên việc áp dụng phương pháp tương đối thuận lợi và không tốn nhiều thời gian.
- Cô Hoàng Thị Kim Phượng (trường THCS Đinh Thiện Lý – Quận 8) cho biết hầu hết các HS đều bị thu hút bởi các tình huống được đưa ra trong bài. Bên cạnh đó với việc sử dụng hình ảnh, video kết hợp với trò chơi học tập đã tác động rất lớn đến các em, HS cảm thấy vô cùng hứng thú, thảo luận sôi nổi và đặc biệt luôn hết mình torng các nhiệm vụ GV đưa ra.
* Nhận xét: Qua các cuộc phỏng vấn chúng tôi nhận thấy rằng các GV tham gia dạy thực nghiệm đều thống nhất là các biện pháp gây hứng thú được tác giả nghiên cứu và thiết kế ảnh hưởng rất tốt đến xúc cảm, nhận thức, hành động, giúp HS hứng thú trong quá trình học tập, yêu thích môn học và từ đó kết quả học tập của HS được nâng cao.
Tóm tắt chương 3
Chúng tôi đã thiết kế 4 giáo án có sử dụng một số biện pháp gây hứng thú và thực nghiệm tại 4 trường THPT tại thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai với 4 cặp lớp thực nghiệm và đối chứng khác nhau với tổng số học sinh là 242.
Theo kết quả tổng hợp của 4 bài kiểm tra: điểm trung bình của khối TN (7.14) cao hơn khối ĐC (6,41), tỉ lệ % HS khá giỏi của khối TN (65.19%) cao hơn khối ĐC (49.77%), tỉ lệ % HS trung bình, yếu kém lớp TN (34.81%) thấp hơn lớp ĐC (50.23%), đồ thị đường luỹ tích của lớp TN luôn nằm bên phải, phía dưới đồ thị đường luỹ tích của lớp ĐC.
Từ các số liệu đã xử lý và đồ thị các đường tích lũy, kết hợp với các yếu tố phân tích định tính mô tả ghi nhận lại diễn biến của toàn bộ tiết học của các GV thực nghiệm, đánh giá sản phẩm HS, vở ghi chép của HS, chúng tôi thấy rằng:
- Các biện pháp có thể áp dụng vào quá trình dạy học nhằm kích thích tính tích cực, chủ động tạo sự hứng thú cho HS từ đó giúp HS yêu mến môn học và nâng cao kết quả học tập.
- Học sinh có hứng thú với bài học, không khí lớp học sôi nổi, sinh động và kết quả học tập tốt hơn. Tuy nhiên mức độ hứng thú không phải lúc nào cũng giống nhau. Vì còn tùy thuộc vào biện pháp có phù hợp với trình độ của HS trong lớp, khả năng truyền đạt của GV cũng như mức độ khó của nội dung phải tiếp thu.
- Hầu hết các GV tham gia thực nghiệm đều xác nhận tính hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp có gây hứng thú cho HS trong quá trình dạy học. Tuy nhiên một số GV còn băn khoăn vì một số biện pháp khó áp dụng do điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường cũng như thời lượng của một tiết học khó đảm bảo truyền tải được hết lượng kiến thức mà HS cần tiếp thu.
Tóm lại, từ những kết quả thu được ở trên có thể đi đến kết luận rằng các biện pháp gây hứng thú là một công cụ dạy học hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong dạy học hóa học ở trường THPT để tăng hứng thú và từ đó nâng cao kết quả học tập.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận
Với mục đích và nhiệm vụ đã đặt ra, qua quá trình nghiên cứu, đề tài đã cơ bản hoàn thành và thu được những kết quả khả thi. Cụ thể như sau:
1.1. Cơ sở lí luận của đề tài
Chúng tôi đã nghiên cứu một cách có hệ thống, chi tiết những cơ sở lí luận quan trọng của đề tài, như:
- Những sách, báo, tạp chí, luận văn, luận án trong và ngoài nước nghiên cứu về hứng thú nói chung và hứng thú trong dạy học nói riêng.
- Khái niệm, cấu trúc, nhiệm vụ, bản chất và mối quan hệ của quá trình dạy học.
- Những yếu tố góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh: động cơ, hứng thú; các PP dạy học tích cực; đổi mới hình thức tổ chức, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
- Khái niệm, con đường hình thành, biểu hiện, phân loại, vị trí và vai trò của hứng thú trong dạy học.
1.2. Cơ sở thực tiễn
Chúng tôi đã xây dựng phiếu điều tra tham khảo ý kiến đối với 269 HS ở 4 trường THPT tại địa bàn TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai để tìm hiểu thực trạng hứng thú trong việc học hóa hữu cơ, làm cơ sở thực tiễn cho đề tài, với các nội dung được tìm hiểu như sau:
- HS có thích học chương trình hóa hữu cơ lớp 11 THPT.
- Những lí do giúp học sinh yêu thích chương trình hóa hữu cơ lớp 11 THPT.
- Những nguyên nhân khiến HS không thích học chương trình hóa hữu cơ lớp 11 THPT.
Kết quả điều tra cho thấy các em có hứng thú học tập môn Hóa học khi bài học có các thí nghiệm hấp dẫn, phương pháp giảng dạy của GV phong phú, đa dạng và đặc biệt được tham gia các hoạt động ngoại khóa trong môi trường năng động tích cực, vui vẻ.
Từ đó làm cơ sở để chúng tôi đề xuất và thiết kế những biện pháp gây hứng thú học tập cho HS trong dạy học phần hóa hữu cơ lớp 11 THPT.
1.3. Xây dựng các biện pháp gây hứng thú cho HS trong học tập phần hóa hữu cơ lớp 11 THPT
Trước hết, chúng tôi tìm hiểu vị trí, nhiệm vụ, nội dung và cấu trúc của phần hóa hóa hữu cơ lớp 11 THPT. Bên cạnh đóđề xuất những định hướng khi xây dựng các biện pháp gây hứng thú phù hợp với đối tượng, trình độ và hứng thú của HS, từ đó rút ra được những kinh nghiệm khi áp dụng những biện pháp vào quá trình dạy học.
Trong đó quan trọng nhất, chúng tôi đã đề xuất và xây dựng được 8 biện pháp gây hứng thú cho HS trong quá trình dạy học.
- Biện pháp 1. Thiết kế và sử dụng tình huống trong các bài học - Biện pháp 2. Sử dụng thí nghiệm tạo tình huống có vấn đề
- Biện pháp 3. Làm thí nghiệm điều chế các chất hữu cơ có trong đời sống hằng ngày - Biện pháp 4. Sử dụng kiến thức lịch sử trong dạy học
- Biện pháp 5. Tổ chức trò chơi học tập
- Biện pháp 6. Sử dụng phương pháp dạy học theo góc - Biện pháp 7. Tổ chức viết báo nội bộ về hóa học
- Biện pháp 8. Xây dựng bầu không khí lớp học thân thiện, vui vẻ, tích cực Trong các biện pháp trên chúng tôi đã:
- Thiết kế 9 tình huống học tập thuộc các bài trong chương trình hóa hữu cơ.
- Xây dựng 7 thí nghiệm có vấn đề và đưa ra các bước giải quyết các tình huống mà TN đã tạo ra theo phương pháp nêu và giải quyết vấn đề.
- Hướng dẫn HS điều chế 7 chất hữu cơ gần gũi với đời sống hằng ngày (chiết suất tinh dầu, làm nến, tạo chất màu thực phẩm tự nhiên, làm nước rửa chén, rượu và giấm).
- Thiết kế 7 trò chơi dạy học, trong đó có 56 câu hỏi thực tiễn và 10 câu hỏi IQ sử dụng cho trò chơi.
1.4. Thực nghiệm sư phạm
- Chúng tôi bám sát mục tiêu, phân phối chương trình hoá học THPT hiện hành, đã tiến hành giảng dạy nội dung thực nghiệm theo chuẩn kiến thức kĩ năng với 4 giáo án minh họa có sử dụng có sử dụng các biện pháp gây hứng thú đã đề xuất.
- Xây dựng 4 bài kiểm tra 15 phút để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp gây hứng trong dạy học.
- Tiến hành thực nghiệm tại 4 trường THPT với 4 lớp TN và 4 lớp ĐC với tổng số HS là 242. Sau mỗi tiết dạy, chúng tôi phát phiếu điều tra về thái độ học tập của HS, trao đổi rút kinh nghiệm với các GV trực tiếp giảng dạy. Sau 4 bài thực nghiệm, chúng tôi tiến hành phát phiếu khảo sát ý kiến của các HS về các biện pháp gây hứng thú và hỏi ý kiến của các GV trực tiếp tham gia thực nghiệm về tính khả thi của các biện pháp gây hứng thú.
- Từ các kết quả cho thấy sử dụng các biện pháp gây hứng thú trong dạy học không chỉ giúp HS hứng thú với giờ học hơn mà còn kích thích HS yêu thích mon hóa hơn, hiểu bài và có ý thức học tập tốt hơn. Điều đó được khẳng định thông qua thái độ, biểu hiện của HS trong tiết học cũng như việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao và bài kiểm tra của lớp TN luôn tốt hơn lớp ĐC.
2. Kiến nghị
Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:
2.1. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Giảm tải chương trình SGK: chương trình hóa hữu cơ lớp 11 THPT hiện nay khá nặng. Việc đảm bảo truyền tải hết nội dung bài học trong một tiết là rất khó khăn vì vậy GV chỉ chú trọng đến việc làm sao truyền tải đủ nội dung cho HS mà không quan tâm đến HS tiếp thu như thế nào, có hiểu bài hay không,…vấn đề đó đã khiến cho HS cảm thấy môn Hóa rất năng nề, không hứng thú học tập và khó hiểu bài nên việc giảm tải chương trình, nội dung trong một tiết học là một điều đáng được quan tâm.
- Đổi mới nội dung thi cử: Mặc dù môn Hóa học là một môn khoa học thực nghiệm có rất nhiều ứng dụng trong công nghiệp sản xuất cũng như đời sống hằng ngày của HS.
- Tuy nhiên các đề thi tốt nghiệp, đại học, cao đẳng rất ít khi đề cập đến những vân đề này khiến cho GV và HS ít quan tâm cũng như tìm hiểu kiến thức những nôi dung này.
Mà đây chính là những nội dung quan trọng có khả năng tạo ra hứng thú cho HS và giúp HS hiểu được hóa học có tầm quan trọng như thế nào.
- Cần tăng cường hơn nữa trong việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện DH để hỗ trợ cho yêu cầu đổi mới PPDH.
- Nên khuyến khích GV đổi mới PPDH và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho những GV đi đầu trong công tác đổi mới giáo dục.
2.2. Đối với giáo viên
- Qua kết quả thực nghiệm ta thấy tính hiệu quả của việc sử dụng các biện pháp gây hứng thú trong dạy học.Vì vậy GV nên áp dụng các biện pháp trên vào quá trình dạy học để tăng hứng thú, tính tích cực và nâng cao kết quả học tập cho HS.
+ Thường xuyên sử dụng các tình huống dạy học, thí nghiệm tạo tình huống có vấn đề để giúp các em hứng thú và hình thành năng lực giải quyết vấn đề trong học tập.
+ Tổ chức HS tham gia các hoạt động ngoại khóa như viết báo, làm thí nghiệm điều chế các chất có trong tự nhiên, đưa các trò chơi vào trong dạy học để HS có nhiều cơ hội hoạt động, gắn kiến thức với thực tiễn để tăng hứng thú và yêu mến môn học.
+ Đưa các kiến thức lịch sử hóa học vào trong giảng dạy kết hợp với các PPDH tích cực.
+ Tạo một bầu không khí lớp học cởi mở, thân thiện để hình thành cho HS những tính cách, kĩ năng cần thiết để làm hành trang bước vào đời.
2.3. Đối với các em học sinh
- HS phải nỗ lực học tập, tích cực tham gia ý kiến thảo luận nhóm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến đúng của các bạn và thầy cô.
- HS phải học để làm hành trang vào đời chứ không phải học chỉ để qua các kì thi.
Trên đây là những nội dung cơ bản đã hoàn thành của luận văn.
Vì điều kiện thời gian và năng lực còn hạn chế nên không tránh khỏi những sai sót, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quý thầy cô và các bạn đồng nghiệp để bổ sung và hoàn thiện hơn.
Hi vọng đề tài này sẽ đóng góp phần nào vào việc gây hứng thú, giúp học sinh yêu mến môn họcvà nâng cao chất lượng dạy học hóa học trong trường phổ thông.