Tình hình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu ứng dụng chitosan tan trong nước trong kháng nấm colletotrichum spp gây bệnh thán thư trên xoài, chuối, ớt sau thu hoạch (Trang 53 - 56)

1.4. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC LIÊN QUAN ĐẾN

1.4.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

Tại Việt Nam đã có nhiều công bố nghiên cứu ứng dụng chitosan và sản phẩm cắt mạch của nó trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm [4], [17], [32], [33], đặc biệt sử dụng trực tiếp chitosan ở dạng màng bao nhằm duy trì chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản trứng gà tươi [13], thịt bò [16], thủy sản [19], một số loại quả [2], [20], [21], [25], [28].

Bên cạnh đó việc nghiên cứu và sử dụng chitosan trong kích thích sinh trưởng, tăng năng suất và phòng trừ bệnh đã được một số tác giả nghiên cứu có kết quả rất tốt trên một số cây trồng nông nghiệp như lúa, ngô, đậu tương, lạc, cây hồ tiêu đen, bắp cải, su hào và một số loài hoa [7], [88], [138]. Trong đó ở dạng oligochitosan cũng cho thấy hiệu quả kháng các chủng bệnh phổ biến trên cây công nghiệp như bông, cao su, cây cà phê [88], [89], [138]. Các chế phẩm oligochitosan ở Việt Nam được sử dụng chủ yếu bằng phương pháp cắt mạch bằng phóng xạ Co60, ngoài ra phương pháp cắt mạch bằng acid, cellulase cũng đã được lựa chọn [6], [14]. Việc nghiên cứu sử dụng chitosan

hay chitosan hòa tan trong nước phòng trị bệnh thán thư trên rau quả sau thu hoạch nhằm thay thế phương pháp phòng trị bệnh bằng thuốc hóa học là khá mới, chưa có nhiều các công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước.

Khi nghiên cứu về kích thích tính kháng bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gây ra đối với ớt, cà chua (điều kiện nhà lưới) và dưa leo (ngoài đồng) của một số hóa chất dựa trên khảo sát về sinh học, mô học và sinh hóa học, Trần Thị Thu Thủy và cộng sự (2010) cho thấy chitosan có khả năng làm giảm kích thước vết bệnh, giảm sự hình thành bào tử và gia tăng sự tích tụ polyphenol [30]. Lê Thiên Minh và cộng sự (2012) đã nghiên cứu ảnh hưởng của chế phẩm tạo màng sinh học chứa chitosan và nấm men đối kháng tới nấm mốc gây thối hỏng quả thanh long. Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác dụng của chế phẩm tạo màng sinh học chứa chitosan và nấm men đối kháng Candida sake TL1 để kiểm soát nấm mốc PenicilliumAspergillus niger gây thối hỏng quả thanh long trong quá trình bảo quản. Nồng độ ức chế tối thiểu của chitosan lên nấm mốc PenicilliumAspergillus niger là 0,3%. Chế phẩm nấm men đối kháng Candida sake TL1 kết hợp với 0,5% chitosan và 0,5% CaCl2 có tác dụng ức chế cao nhất đến sự phát triển của nấm mốc PenicilliumAspergillus niger với tỷ lệ thối hỏng tương ứng là 18% và 16% [21].

Qua quá trình tham khảo và tìm hiểu các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về ảnh hưởng của chitosan đến khả năng phòng trừ bệnh thán thư, hạn chế biến đổi kéo dài thời gian bảo quản trên một số đối tượng rau quả sau thu hoạch cho thấy:

- Ngoài nước:

+ Đã có nhiều tác giả nghiên cứu công bố khả năng kháng nấm, hạn chế biến đổi kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch của chitosan và oligochitosan trên một số đối tượng rau quả. Đối với chitosan, một số công trình đã đưa ra thực nghiệm ở ngoài thực tế, trong khi với WSC kết quả chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và đây là đối tượng đang được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.

+ Các nghiên cứu ảnh hưởng của dẫn xuất cắt mạch từ chitosan đến khả năng kháng bệnh bệnh thán thư ở điều kiện in vitro và in vivo cũng như hiệu quả bảo quản trên các đối tượng xoài, chuối, ớt là không nhiều và chưa đầy đủ.

- Trong nước:

+ Các nghiên cứu điều kiện tối ưu thủy phân cắt mạch chitosan tạo ra WSC có thể ứng dụng trực tiếp làm tác nhân kháng bệnh sau thu hoạch là khá mới và chưa có công trình khoa học nào công bố.

+ Đã có một số kết quả nghiên cứu ứng dụng khả năng kháng vi sinh vật ở một số đối tượng bệnh trên cây trồng trước và sau thu hoạch cũng như đánh giá hiệu quả hạn chế biến đổi kéo dài thời gian bảo quản của chitosan trên một số loại rau quả sau thu hoạch. Tuy nhiên việc đánh giá ảnh hưởng của WSC đến khả năng kháng bệnh thán thư hại rau quả (xoài, chuối, ớt) cũng như hạn chế biến đổi sau thu hoạch là khá mới, chưa được công bố.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ nghiên cứu ứng dụng chitosan tan trong nước trong kháng nấm colletotrichum spp gây bệnh thán thư trên xoài, chuối, ớt sau thu hoạch (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)