Chương 3. PHƯƠNG THỨC CHUYỂN DỊCH HÀM Ý HỘI THOẠI TỪ TIẾNG ANH SANG TIẾNG VIỆT
3.4. Dịch bảo toàn hàm ý hội thoại
3.4.2. Dịch phát ngôn không đảm bảo tương đương về hình thức
Trong lời thoại của Henry với Greffi, Henry đã đưa ra một phát ngôn dưới dạng câu trần thuật để thể hiện nhận định của mình trước lời thách đố của Greffi khi người này đề nghị cược điểm mười cho một trăm. Phát ngôn của Henry là một lời khẳng định „Ông nịnh tôi thôi‟ với hàm ý „tôi không giỏi như ông nghĩ đâu, và vì tôi không giỏi đến vậy nên điểm cược ông nêu ra là quá thấp, vì vậy ông hãy tăng thêm điểm‟. Ở PNTV, Henry lại dùng một câu hỏi „Ông đùa tôi đấy à?‟ để phủ nhận lời đề nghị của Greffi về số điểm cược mười trên một trăm và cũng với hàm ý rằng „tỷ lệ đó chỉ là do ông đùa thôi, rằng nó quá thấp, nếu nói nghiêm túc thì tỉ lệ ấy phải cao hơn‟.
Greffi: You play very well. Ten points in a hundred?
Henry: You flatter me.
[122, 135]
(Greffi: Anh đánh khá lắm mà. Mười phần trên một trăm nhé?
Henry: Ông đùa tôi đấy à?) [37, 287]
Ở tình huống của ông bố nói về đứa con của mình, để khẳng định mà không muốn nói ra một cách rõ ràng rằng Noelle chính là đứa con của mình, bố cô bé đã
90
thực hiện một loạt phát ngôn trần thuật nêu những bằng chứng chứng minh cho việc con bé là con đẻ của ông: „She must be a throwback to some Scandinavian blood in my family. But you can see that she has my features‟ [154, 22]. Bằng cách chuyển đổi cấu trúc bề mặt của phát ngôn trần thuật thành một phát ngôn có dạng thức của câu hỏi, dịch giả giúp ông bố này khẳng định một cách mạnh mẽ, đầy tự tin và còn hàm ý kêu gọi sự đồng tình của người nghe với một thực tế mà ông nêu ra, rằng Noelle chính là con của ông: „Nó đúng là giọt máu Scandinavia để lại trong gia đình tôi. Các cậu thấy nó có nhiều điểm giống tôi đấy chứ?‟ Tuy nhiên, PNTA “She must be a throwback to some Scandinavian blood in my family” với động từ tình thái must là một tình thái nhận thức, biểu hiện niềm tin vào tính đúng của nhận định, hàm ý sự cam kết trách nhiệm của người nói với những điều mình nói ra, rằng “Tôi chắc chắn con bé là giọt máu Scandinavia để lại trong gia đình tôi.” Phát ngôn này có thể dịch thành “Nó nhất định là giọt máu Scandinavia để lại trong gia đình tôi”
và PNTV này sẽ sát với PNTA hơn, vì tiếng Việt cũng cho phép diễn đạt theo cách này. Tiếp theo cam kết chủ quan này là phát ngôn “But you can see that she has my features” đưa ra bằng chứng để củng cố điều được khẳng định ngay trước đó. Nó đưa ra thông tin về mặt khách quan các anh cũng có thể thấy nó giống tôi để một lần nữa khẳng định nó là con tôi. Sự khẳng định nó là con tôi không được diễn đạt một các tường minh mà người nghe phải đặt phát ngôn vào ngữ cảnh, sử dụng kiến thức nền có sẵn và phương pháp suy luận, rằng nó giống tôi (vì mang những đặc điểm của tôi) và thường thì những người là máu mủ ruột rà của nhau mới giống nhau, do đó nó là con của tôi. Phát ngôn này có thể dịch là “Mà các cậu cũng thấy nó có nhiều điểm giống tôi đấy thôi” vì nếu để ở dạng câu hỏi như bản dịch mà chúng tôi khảo sát được, mức độ ràng buộc trách nhiệm của người nói cũng như ý đồ thông báo của tác giả bị làm cho khác đi.
Kiểu chuyển đổi hình thức ở PNTV so với PNTA cũng được sử dụng khi chuyển dịch lời thoại của Bonello trong phát ngôn sau:
Bonello: You might as well leave them. We‟ve got no more use for this place.
[122, 101]
91
(Bonello: Tại sao không rời cho sớm? Chúng ta không còn cần đến chỗ này nữa.)
[37, 211]
Cả PNTA và PNTV đều có hàm ý „hãy mau rời khỏi chỗ này‟ nhưng ở PNTV, hàm ý của lời đề nghị này được biểu đạt một cách rõ ràng, mạnh mẽ hơn thông qua hình thức của một câu hỏi có chức năng cầu khiến.
Cho dù cấu trúc bề mặt có được giữ nguyên hay bị thay đổi thì mục đích cơ bản của dịch thuật vẫn là chuyển dịch nghĩa từ một VBN sang VBĐ. Trong số 451 phát ngôn có hàm ý mà chúng tôi thu thập được trong quá trình khảo sát, có 376 phát ngôn giữ nguyên hàm ý sau khi được chuyển dịch. Chúng ta có thể thấy rõ đặc điểm này ở những ví dụ sau đây:
A peasant: Killed he them with this pistol?
Pila: With no other.
[127, 241]
Cuộc đối thoại này được chuyển dịch là:
Người nông dân: Anh ấy giết chúng nó bằng khẩu súng lục này à?
Pila: Còn bằng khẩu nào nữa?
[42, 153]
Với lời khẳng định ở PNTA và một phát ngôn hỏi mang tính lựa chọn ở văn bản dịch, hai phát ngôn đều có hàm ý khẳng định một điều, đó là: Đúng là bằng khẩu súng đó. Chúng ta thấy ở ngữ nguồn, cụm từ „With no other‟ với nghĩa „chẳng với khẩu nào khác‟ và hàm ý „chỉ có khẩu súng đó thôi‟ và khi được chuyển dịch thành câu hỏi „Còn bằng khẩu nào nữa?‟, phát ngôn vẫn mang hàm ý „chính là khẩu súng đó.‟
3.4.2.2. Phát ngôn trần thuật chuyển dịch thành phát ngôn cảm thán
Phát ngôn ở dạng câu cảm thán chiếm tỷ lệ rất ít trong khảo sát của chúng tôi. Trong đối thoại này, về mặt hình thức, Robert đã dùng một phát ngôn ở dạng câu trần thuật That is much horse để nêu ra một nhận định về những con ngựa. Dấu cảm thán ở cuối phát ngôn tiếng Việt cho thấy đó là một phát ngôn ở dạng câu cảm thán và nó có chức năng biểu thái nhiều hơn so với câu trần thuật.
92 Pablo: All these I have taken.
Robert: That is much horse.
[127, 32]
(Pablo: Tất cả những con ngựa này đều do tôi kiếm được.
Robert: Ngựa thế mới là ngựa chứ!
[42, 21]
Từ một phát ngôn trần thuật That is much horse, dịch giả đã chuyển hình thức của phát ngôn này sang dạng câu cảm thán Ngựa thế mới là ngựa chứ! và điều không được nói ra bằng câu chữ nhưng vẫn được truyền đạt ở phát ngôn này là lời khen Chúng là những con ngựa tốt.
Như vậy, cho dù dịch giả có giữ nguyên hay thay đổi cấu trúc của VBĐ so với VBN thì việc dịch bảo toàn hàm ý hội thoại vẫn là một phương thức dịch hữu hiệu trong chuyển dịch phát ngôn có hàm ý hội thoại từ tiếng Anh sang tiếng Việt.