Chương 3. PHƯƠNG THỨC CHUYỂN DỊCH HÀM Ý HỘI THOẠI TỪ TIẾNG ANH SANG TIẾNG VIỆT
3.7. Dịch bỏ qua hàm ý hội thoại
3.7.2. Dịch phát ngôn không đảm bảo tương đương về hình thức
Với 32/451 phát ngôn có hàm ý được tường minh hóa ở VBĐ, nhóm phát ngôn này hình thành phương thức dịch bỏ qua hàm ý. Như đã phân tích, khi Catherine dùng câu hỏi phủ định (Isn‟t it a lovely day?) để gián tiếp nhận xét về thời tiết, cô thể hiện mong muốn người nghe đồng tình với nhận xét ấy. Phát ngôn đặt thông tin trong sự vận động đối thoại tình cảm, mời gọi một sự tương tác giữa những người đối thoại, đồng thời tránh sự áp đặt của người nói với thông tin mình đưa ra. Ở tiếng Việt, nhận xét đó được tường minh hóa thành phát ngôn cảm thán Trời đẹp tuyệt! Nó xuất hiện như một sự dứt đoạn về thông tin (Đang hỏi Anh khỏe
116
chứ lại nói tiếp Trời đẹp tuyệt!), tạo ra cảm giác cô gái đang độc thoại với mình qua phát ngôn vừa khẳng định một cách áp đặt, vừa quả quyết với chính kiến của mình mà không kêu gọi sự tương tác của người đang tham thoại.
Catherine: How are you, darling? Isn‟t it a lovely day?
[122, 130]
(Catherine: Anh khỏe không, anh yêu? Trời đẹp tuyệt!) [37, 276]
Trong tác phẩm For whom the bell tolls [127, 272], khi được hỏi “Were you at the last train?” người lính đã đáp “Was not I” thay vì trả lời trực tiếp vào câu hỏi bằng cách nói “Yes, I was” hoặc “No, I was not”. Với việc hồi đáp một câu hỏi bằng một câu hỏi, người lính đã vi phạm phương châm về quan hệ, nhưng không phải anh ta không hợp tác. Vì vậy, người nghe sẽ thực hiện thao tác suy ý và đạt đến một hiểu biết rằng anh ta đã trả lời câu hỏi của mình, rằng anh ta có dự trận đánh tàu cuối cùng đó, thể hiện qua câu hỏi “Was I not? - Tôi mà không tham gia ư?” hàm ý
“Tôi có tham gia chứ”. Câu trả lời này được diễn đạt một cách ngầm ẩn.
Was I not? được dịch thành “Có chứ” [42, 172]. Đây là câu trả lời trực tiếp, người lính nghiêm chỉnh tuân thủ theo phương châm quan hệ trong lý thuyết cộng tác mà Grice đã nêu khi trả lời câu hỏi Có/ Không, và vì vậy nó tạo ra ý nghĩa hoàn toàn tường minh. Hàm ý ở PNTA vì vậy được coi là bị bỏ qua khi dịch giả chuyển dịch phát ngôn đó sang tiếng Việt. Về hình thức thì chúng ta cũng thấy rõ phát ngôn ở VBN và VBĐ không tương đương nhau.
Trong Farewell to arms, [122, 64] khi được hỏi khi bắn thằng giặc đó thì trông nó thế nào, Ettore đã đáp lại: How should I know? Phát ngôn này không quan yếu với câu hỏi. Đó là câu hỏi nhưng trong tình huống cuộc thoại, người hỏi (Simmons) phải tin rằng Ettore đang tôn trọng nguyên tắc cộng tác, và vì vậy anh ta đang nói ra một điều gì đó có liên quan đến câu hỏi của mình. Vậy Ettore đã hàm ý gì khi anh ta hỏi lại “How should I know?” (tôi nên biết bằng cách nào?)? Rõ ràng việc Ettore biết bằng cách nào không quan trọng và không phải là điều Simmons muốn hỏi. Qua suy ý, Simmons có thể suy ra điều Ettore muốn nói, đó là “Tôi
117
không biết”. Trong bản dịch sang tiếng Việt, câu trả lời là “Tôi chẳng biết”. Về hình thức, PNTA là câu hỏi còn PNTV là câu trần thuật. Như vậy, cặp phát ngôn ở ngữ nguồn và ngữ đích không tương đương về hình thức và hàm ý cũng đã bị bỏ qua khi dịch. Tuy nhiên, việc tường minh hóa như vậy có cần thiết không khi trong tiếng Việt, có thể có những cách dịch hay những lựa chọn hình thức ngôn ngữ tương đương phù hợp hơn mà vẫn giữ được nét nghĩa hàm ẩn của phát ngôn? Ví dụ có thể dịch phát ngôn: How should I know? là Sao tôi phải biết cơ chứ hay Tôi (bắn thì cứ bắn chứ) ngắm kỹ nó làm gì, v.v. Như vậy, việc tường minh hóa hàm ý ở phát ngôn làm mất đi sự tự nhiên trong lối diễn đạt ở VBĐ.
Việc có nên tường minh hóa hàm ý không và nếu có thì khi nào là một vấn đề mà người dịch cần phải xem xét kỹ và thật tinh tế khi sử dụng các thủ pháp dịch thuật. Việc tường minh hóa ở đối thoại sau đây là một ví dụ:
Marena: Did they scare you, Tenente?
Henry: You‟re damned right.
[122, 29]
Khi Marena đưa ra một phán đoán nhận định “Did they scare you, Tenente?”
Henry đã tránh trả lời Có/ Không bởi lẽ nó có thể làm anh mất thể diện khi nói “Có”
và bị hoài nghi khi nói “Không”. Vì vậy, Henry đưa ra phát ngôn xác nhận nhưng thay đổi đối tượng, đó là xác nhận về chính người hỏi chứ không phải về sự sợ hãi của mình: You‟re damned right! (Anh nói đúng). Hàm ý của phát ngôn được suy luận từ nghĩa tường minh, tức là Henry xác nhận điều Marena nghi ngờ là đúng. Từ đó có thể suy ra câu trả lời của Henry, là “Tôi có sợ”. Việc nêu dư thừa thông tin (Kệ nó) và tường minh hóa hàm ý (có) ở bản dịch làm cho ý định giao tiếp của Henry thay đổi một cách không cần thiết, theo hướng bất lợi cho anh ta, đưa anh ta vào tình trạng bị coi thường, bị cho là hèn nhát (vì sợ) và gây khó hiểu cho người đọc khi vừa nói kệ nó (tức không sợ) vừa nói có (tức có sợ).
Nếu chuyển dịch sát với văn bản về câu chữ như “Anh chỉ được cái nói đúng” thì mục đích của Henry là tránh bị mất thể diện hoặc bị hoài nghi vẫn được đảm bảo. Bởi vậy, đối thoại trên nên dịch thành:
118 Marena: Anh sợ nó à/ Cậu sợ nó hẳn?
Henry: Anh/ Cậu nghĩ đúng đấy.