Chủ trương phát triển kinh tế của Đảng bộ tỉnh Thái Bình

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố thái bình, tỉnh thái bình lãnh đạo phát triển kinh tế từ năm 2010 đến năm 2022 (Trang 29 - 33)

Chương 1. ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ THÁI BÌNH LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ NĂM

1.1. Những yếu tố tác động tới quá trình phát triển kinh tế thành phố Thái Bình

1.1.4. Chủ trương phát triển kinh tế của Đảng bộ tỉnh Thái Bình

Trên cơ sở đường lối chủ trương của Đảng, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã đưa ra phương hướng để phát triển kinh tế trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2015: “Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới;... khai thác mọi nguồn lực;

phát triển kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển văn hoá – xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại”[18]. Đại hội đưa ra một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế: “Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 13,5%/năm; Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,3%/năm; Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 20,7%/năm; Giá trị sản xuất dịch vụ tăng 13,2%/năm; Giải quyết việc làm bình quân cho 32 nghìn lao động/năm” [18,tr.40] . Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã đưa ra một số nhiệm vụ và biện pháp:

Đối với ngành nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững và xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh cả trồng trọt và chăn nuôi, thủy sản, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đưa nhanh các cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, có ưu thế về thị trường vào sản xuất; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới; hình thành một số khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sạch; thực hiện các giải pháp đồng bộ để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch hại. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Tích cực chuyển đổi mùa vụ cây trồng; mở rộng sản xuất vụ hè và vụ đông. Đẩy mạnh phát triển trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức công nghiệp. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, coi trọng hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh. Mở rộng và nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ. Tích cực trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.

Thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) trong sản xuất nông nghiệp. Củng cố, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng và tăng cường công tác quản lí nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 là Năng suất lúa bình quân đạt 130 tạ trở lên/ha/năm, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 8,5%/năm, giá trị sản xuất thuỷ sản tăng 9% trở lên/năm; đến năm 2015, diện tích lúa chất lượng cao 40% trở lên, diện tích vụ đông 50% trở lên/diện tích canh tác, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 46% giá trị sản xuất nông nghiệp [18,tr.43-44].

Đối với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Phát triển mạnh công nghiệp, xây dựng theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Các cơ sở công nghiệp hiện có tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở công nghiệp mới; ưu tiên phát triển các nhành công nghiệp cơ khí, điện tử, năng lượng, chế biến nông thủy sản, công nghiệp phụ trợ.

Xây dựng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, khai thác có hiệu quả các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp; chú trọng thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.

Tăng cường công tác quản lý đối với các dự án đầu tư về xây dựng, công nghệ, sử dụng đất và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở rà soát, phân loại các làng nghề hiện có, tập trung củng cố, mở rộng các làng nghề truyền thống và có giải pháp thích hợp đối với các làng nghề giảm sút sản xuất. Chú trọng phát triển nghề và làng nghề mới có giá trị sản xuất cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và doanh nghiệp trong làng nghề. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20,6%/năm; giá trị sản xuất xây dựng tăng 21%/năm [18, tr.47].

Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, Tỉnh ủy Thái Bình xác định, bên cạnh nội lực và nguồn lực từ Trung ương, việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước là hết sức cần thiết. Trước hết, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ cấp thiết, phải tiến hành đồng bộ, hợp lí và có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau để tăng cường thu hút đầu tư, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đối với ngành thương mại - dịch vụ

Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống. Phát triển mạnh thương mại theo hướng hiện đại văn minh.

Chú trọng thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống các chợ ở đô thị và nông thôn, ưu tiên chợ đầu mối. Quan tâm hỗ trợ các địa phương có nhiều khó khăn xây dựng, nâng cấp chợ. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm và sản phẩm nghề, làng nghề. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 13,2%/năm. [18,tr.48]

Phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh khai thác những điều kiện, lợi thế về cảnh quan, sinh thái, các giá trị văn hóa và làng nghề truyền thống.

Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, các trung tâm vui chơi, giải trí.

Đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành dịch vụ; chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Tăng cường công tác quản lí nhà nước về thương mại, dịch vụ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư phát triển các dịch vụ với trình độ cao, văn minh, hiện đại [18,tr.48-49].

Thương mại, dịch vụ sẽ được khuyến khích phát triển theo hướng gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất thời kì công nghiệp hóa và tiến trình hội nhập kinh tế của cả nước. Gắn kết chặt chẽ việc sản xuất và tiêu thụ, đưa ngành thương mại trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực. Hệ thống hạ tầng thương mại được định hướng phát triển theo hướng hài hòa, đồng bộ giữa hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống, giữa thị trường đô thị và nông thôn. Đối với khu vực đô thị lớn, trung tâm sẽ tập trung phát triển các trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, chợ đầu mối nhằm tạo hạt nhân phát triển dịch vụ và văn minh thương mại; phát triển các cửa hàng thương mại, xây mới chợ phục vụ dân sinh tại chỗ. Khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sẽ phát triển các cửa hàng bán buôn, bán lẻ. Khuyến khích phát triển một số doanh nhân thương mại lớn, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại làm nòng cốt trong việc tổ chức thị trường và gắn chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu dùng [48].

Ngày 16/10/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU, xác định: phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và xây dựng nông thôn mới là 02 nhiệm vụ trọng tâm. Trên cơ sở chủ trương của Trung ương và của Tỉnh, HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, Đề án gắn với cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2010 - 2015; đặc biệt là các đề án: dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch và xây dựng vùng cây màu, cây vụ đông...

Chủ trương của tỉnh Thái Bình đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và có tính đến những đặc thù của thành phố Thái Bình.

Những chủ trương đó tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ thành phố Thái Bình trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế từ năm 2010 đến năm 2015. Tuy nhiên, Đảng bộ thành phố Thái Bình cần đề ra một số chủ trương riêng để phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Một phần của tài liệu Đảng bộ thành phố thái bình, tỉnh thái bình lãnh đạo phát triển kinh tế từ năm 2010 đến năm 2022 (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)