Đặc điểm của tạo việc làm cho thanh niên nông thôn và cung cầu lao động tác động tới tạo việc làm

Một phần của tài liệu Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn huyện tràng định, tỉnh lạng sơn (Trang 22 - 26)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TẠO VIỆC LÀM

1.1. Cơ sở lý luận về việc làm cho lao động thanh niên nông thôn

1.1.2. Đặc điểm của tạo việc làm cho thanh niên nông thôn và cung cầu lao động tác động tới tạo việc làm

1.1.2.1. Đặc điểm thanh niên nông thôn tác động tới tạo việc làm

Về ưu điểm, phần đông TNNT cần cù, chịu khó, có khả năng chịu đựng khó khăn gian khổ vì họ đã quen với những điều kiện khó khăn và buộc phải đương đầu với những vất vả trong cuộc sống ngay từ nhỏ.

Bên cạnh đó, TNNT cũng đứng trước không ít hạn chế. Trình độ học vấn của đối tượng này nhìn chung còn thấp, vì vậy khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật không cao, khó tiếp cận các ngành nghề mới, ngại làm các công việc đòi hỏi khả năng tư duy. Năng lực tổ chức làm kinh tế của TNNT cũng ở trình độ thấp, điều này cản trở quá trình giải quyết việc làm và tham gia tích cực vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của phần đông TNNT còn thấp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn ít, ý thức kỷ luật của nhiều TNNT chưa cao. Do đó TNNT khó có cơ hội tìm được việc làm ở những ngành nghề có thu nhập cao. Cũng do việc tiếp cận thông tin chưa thuận lợi và rộng rãi nên cơ hội tiếp cận với việc làm và tự tạo việc làm của TNNT cũng hạn chế hơn các đối tượng khác. Điều này đòi hỏi các cấp ngành phải quan tâm, tạo điều kiện cung cấp thông tin chính thống, định hướng nghề nghiệp, việc làm một cách đầy đủ và đồng bộ để TNNT có sự lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp với điều kiện của gia đình, khả năng của bản thân và đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lược của địa phương, đất nước.

Nhiều TNNT có tâm lý dễ thoả mãn với hiện tại nên thiếu động lực vươn lên trong cuộc sống. Sự tự ty, ỷ lại, thiếu năng động, sáng tạo cũng làm cho TNNT ngại

“bươn chải” với cuộc sống như phần đông thanh niên đô thị. Thêm vào đó, một bộ phận TNNT còn chịu ảnh hưởng nặng nề của các phong tục, tập quán lạc hậu như xây dựng gia đình và sinh con sớm, kết hôn cận huyết... Do đó, chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực không cao. Một số thanh niên nhận thức mơ hồ, lệch lạc về kinh tế thị trường cùng với sự nông nổi của tuổi trẻ dễ dẫn đến thất bại trong sản xuất kinh doanh và dễ bị kẻ xấu lợi dụng (Bộ Nội Vụ, 2015).

1.1.2.2. Đặc điểm của tạo việc làm cho thanh niên nông thôn Việc làm của thanh niên nông thôn có các đặc điểm sau:

- Khu vực nông thôn có đặc điểm chung là dân số tăng nhanh, cấu trúc dân số trẻ, dẫn đến lực lượng lao động ngày càng tăng. Khả năng tạo ra việc làm của nền kinh tế luôn thấp hơn nhu cầu việc làm của lao động nông thôn. Vấn đề tạo việc làm, do vậy là khá khó khăn đối với thanh niên nông thôn.

- Lao động nông nghiệp ít chuyên sâu, trình độ thấp so với trong công nghiệp.

Trong sản xuất nông nghiệp có nhiều loại công việc mang tính chất khác nhau. Một lao động thanh niên có thể làm được nhiều việc và một việc cũng do nhiều người đảm nhiệm. Phần lớn lao động thanh niên trong nông nghiệp là lao động phổ thông, ít được đào tạo, sản xuất bằng kinh nghiệm là chính, nguồn lao động chất xám không nhiều và lại phân bố không đều. Vì thế năng suất lao động thấp, khó khăn trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp.

- Lao động nông nghiệp mang tính thời vụ: sản xuất nông nghiệp luôn chịu tác động và bị chi phối mạnh mẽ của các quy luật sinh học và các điều kiện tự nhiên của từng vùng, tiểu vùng. Quá trình sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ rất cao, cho nên có thời kỳ cần ít lao động song cũng có những thời kỳ cần nhiều lao động.

Do đó khả năng thu hút lao động nông nghiệp nông thôn là không đều và khác nhau trong từng gia đình sản xuất. Đối với ngành trồng trọt, việc làm chỉ chủ yếu vào thời điểm gieo trồng và thu hoạch, thời gian còn lại khá nhàn, còn gọi là thời kỳ nông nhàn trong nông thôn. Trong thời kỳ nông nhàn, một bộ phận lao đông trong nông thôn thường chuyển sang các công việc phi nông nghiệp hoặc sang các địa phương khác hành nghề để tăng thu nhập. Tình trạng thời gian nông nhàn và thu nhập thấp trong sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân đầu tiên gây nên hiện tượng di chuyển lao động nông thôn từ vùng này sang vùng khác, từ nông thôn ra thành thị. Chính hiện tượng này làm cho việc làm của lao động thanh niên nông thôn thường bấp bênh, công việc không ổn định.

- Việc làm trong nông nghiệp, nông thôn thường là những công việc đơn giản, thủ công, ít đòi hỏi tay nghề cao, tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai và tư liệu cầm tay, dễ học hỏi, dễ chia sẻ. Vì vậy khả năng thụ động của lao động cao, những sản phẩm làm ra từ chất lượng thường thấp, mẫu mã thường đơn điệu, năng suất lao động thấp nên thu nhập bình quân không cao, tỷ lệ nghèo đói ở nông thôn còn khá cao so với khu vực đô thị. Ở nông thôn, có một số lớn công việc tại nhà không ổn định thời gian như trông nhà, nội trợ, trông con cháu… Bởi vậy, lao động thanh niên

nông thôn thường có trình độ thấp, tay nghề kém, không đáp ứng công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

- Thị trường sức lao động ở nông thôn thực tế đã có từ lâu nhưng kém phát triển. Hình thức trao đổi sức lao động diễn ra tự phát theo quan hệ truyền thống trong cộng đồng, thiếu cơ chế điều tiết thống nhất và không được pháp chế hóa. Họ thiếu thông tin về công việc. Dẫn đến khả năng tìm được công việc phù hợp với bản thân lại càng khó. Các đặc điểm trên có ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương, chính sách và định hướng tạo việc làm ở nông thôn, nhất là tạo việc làm cho lao động thanh niên.

Nếu có cơ chế phù hợp, mở rộng và phát triển các biện pháp tạo việc làm thích hợp sẽ góp phần giải quyết tốt quan hệ dân số và việc làm (Tạ Đức Khánh, 2007).

1.1.2.3. Đặc điểm cung cầu lao động thanh niên tác động tới tạo việc làm

Xét về cung lao động, thanh niên là lực lượng trẻ, có tiềm năng lao động rất lớn, thể hiện ở thể chất, trí tuệ và tinh thần của từng cá nhân. Cộng đồng thanh niên đang độ sung sức, phát triển nhanh. Tuy nhiên, lao động thanh niên đang trong độ tuổi phát triển và chưa trưởng thành, nên cung lao động thanh niên có một số điểm yếu: Lao động mới tăng thêm đều ở độ tuổi thanh niên trong đó có một bộ phận là lao động chưa qua đào tạo nghề. Số lao động thanh niên đã qua đào tạo nhưng khi tham gia thị trường lao động phải có thời gian nhất định để làm quen, thích nghi với công việc và phải tiếp tục được đào tạo nâng cao. Kinh nghiệm tích luỹ của lao động thanh niên trong thực tiễn còn hạn chế. Trong đó, TNNT là đối tượng hạn chế hơn về trình độ, nhận thức, năng lực hoạt động thực tiễn, số thanh niên được đào tạo chiếm tỷ lệ thấp nên khó khăn hơn trong tìm kiếm việc làm.

Trên thị trường lao động thanh niên, yếu tố cung là rất lớn. Khi thanh niên bước vào tuổi lao động chỉ có một trong hai khả năng để lựa chọn: tiếp tục đi học hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động. Lúc này, phản ứng của cung với cầu lao động thanh niên là rất thấp, thậm chí có thể coi đường cung lao động thanh niên là một đường nằm ngang (độ co giãn bằng 0). Tiền lương được hình thành trên thị trường lao động do tác động của cung - cầu lao động. Tuy nhiên do lao động thanh niên chủ yếu là trình độ tay nghề thấp, kinh nghiệm chưa nhiều nên đa số chấp nhận

mức thu nhập thấp, cung lao động thanh niên không phải lúc nào cũng là đại lượng đồng biến với tiền lương (nghĩa là đường cung không co giãn với mức tiền lương, tiền công).

Xét về cầu lao động, cầu lao động thanh niên có hai loại: Cầu bù đắp là cầu thay thế chỗ làm việc trống do người lao động cũ vì lý do nào đó rời khỏi nơi làm việc. Cầu mở rộng là cầu tăng thêm do chỗ làm việc mới được tạo ra như: đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập mới doanh nghiệp... Nhìn chung cầu lao động thanh niên là một đường nghịch biến trong tương quan giữa cầu lao động thanh niên và tiền công, tiền lương.

Trạng thái cân bằng cung - cầu lao động trên thị trường lao động thanh niên chỉ là tạm thời, trạng thái mất cân bằng là phổ biến. Thanh niên thường khó khăn trong tìm kiếm việc làm trên thị trường lao động chủ yếu là do: Cung lao động rất lớn trong khi cầu lao động thanh niên lại rất chọn lọc; thanh niên, nhất là TNNT thiếu sự chuẩn bị trong đào tạo nghề nghiệp; thiếu sự ăn khớp hoặc bất cập giữa hệ thống đào tạo với yêu cầu của thị trường lao động; lao động thanh niên chưa đủ thời gian để tích luỹ kinh nghiệm nên khó có được những vị trí làm việc tốt.

Thêm vào đó, hệ thống thông tin thị trường lao động, tư vấn hướng nghiệp và việc làm, giới thiệu và cung ứng lao động còn nhiều bất cập, mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của lao động thanh niên; hiện tượng tiêu cực, lừa đảo người lao động vẫn còn nhiều.

Một phần của tài liệu Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn huyện tràng định, tỉnh lạng sơn (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)