CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TẠO VIỆC LÀM
1.1. Cơ sở lý luận về việc làm cho lao động thanh niên nông thôn
1.1.4. Nội dung của công tác tạo việc làm cho lao động thanh niên nông thôn
Chính sách việc làm là một trong những chính sách xã hội cơ bản của mọi quốc gia nhằm góp phần bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển xã hội. Chính sách việc làm thực chất là một hệ thống các biện pháp có tác động mở rộng cơ hội để lực lượng lao động của toàn xã hội tiếp cận được việc làm. Ngoài ra chính sách việc làm còn bao gồm các giải pháp trợ giúp các loại đối tượng đặc biệt (cho người tàn tật, đối tượng tệ nạn xã hội, người hồi hương…) có cơ hội và đều được làm việc.
Chính sách việc làm thuộc hệ thống chính sách xã hội, song phương thức và biện pháp tạo việc làm lại mang nội dung kinh tế, đồng thời liên quan đến những vẫn đề thuộc về tổ chức sản xuất kinh doanh như tạo môi trường pháp lý, vốn, lựa chọn và chuyển giao công nghệ, cơ sở hạ tầng, thị trường tiêu thụ. Vì thế bất cứ chính sách kinh tế nào của Nhà nước cũng đều có ảnh hưởng và tác động đến vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động.
Trong chính sách giải quyết việc làm, một nguyên tắc cơ bản cần phải được chú ý, đó là đảm bảo cho mọi người được tiếp cận với cơ hội làm việc, trên cơ sở Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có cơ hội chủ động tìm kiếm việc làm, chống tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, tránh thực hiện chủ nghĩa bình quân, chia
đều việc làm với thu nhập thấp. Đồng thời cũng chống việc coi nhẹ trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khiến cho tình trạng thất nghiệp trở thành vấn đề xã hội gay cấn. Cần gắn tiêu chuẩn về mức thu hút lao động của doanh nghiệp trong chính sách khuyến khích hoặc hỗ trợ doanh nghiệp.
Hệ thống chương trình, chính sách để hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên nông thôn gồm:
- Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn: là hệ thống những chủ trương, biện pháp của Đảng, Nhà nước, Bộ ngành TƯ và chính quyền địa phương đề ra nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
- Chính sách phát triển sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: đây là những định hướng lớn, quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung của các địa phương, đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp cần cụ thể hóa và có những giải pháp phù hợp, thiết thực để thực hiện hiệu quả.
- Chương trình hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và xuất khẩu lao động: Chương trình hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Chương trình hỗ trợ vay vốn xuất khẩu lao động là chương trình cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận người lao động, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
- Chính sách vay vốn học nghề: các thanh niên nông thôn có khoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng để góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Để các chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động thanh niên nông thôn có thể được thực hiện một cách hiệu quả, nó cần phải được lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với tư cách là một chỉnh thể.
1.1.4.2. Công tác đào tạo nghề cho lao động thanh niên nông thôn
Để người LĐ nói chung, đặc biệt là thanh niên nông thôn có việc làm thì một trong những nội dung đặc biệt quan trọng là công tác đào tạo nghề. Bởi người LĐ có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp thì mới có cơ hội xin việc làm.
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm đang là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong phát triển kinh tế, xã hội, được Đảng, nhà nước quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII (2016) chỉ rõ: “Phải hết sức quan tâm tới yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động; tạo điều kiện giải quyết ngày càng nhiều việc làm, đặc biệt là cho nông dân, hoàn thiện pháp luật về dạy nghề; ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo giáo viên, hỗ trợ cơ sở hạ tầng… nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng dạy và học, gắn dạy nghề với nhu cầu thực tế”.
Tại Điều 3 trong Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, “đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp”. Hay nói theo cách khác, đào tạo nghề là quá trình tác động có mục đích, có tổ chức đến người học nghề để hình thành và phát triển một cách có hệ thống những kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, trong đó có nhu cầu quốc gia, nhu cầu doanh nghiệp và nhu cầu bản thân người học nghề.
- Xác định nhu cầu đào tạo nghề cho lao động là thanh niên nông thôn: Người lao động ở nông thôn trong đó có thanh niên nông thôn được tham gia chương trình đào tạo nghề của Chính phủ ban hành. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ
nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề được lấy từ ngân sách trung ương, địa phương, doanh nghiệp. Trong đó, ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, hoạt động đào tạo; các cá nhân, doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nghề được hưởng mức thuế ưu đãi theo đúng quy định của pháp luật. Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
- Xây dựng mạng lưới cơ sở dạy nghề cho lao động là thanh niên nông thôn:
công tác tổ chức mạng lưới tạo việc làm cho thanh niên nông thôn có vai trò quan trọng, trợ giúp và hỗ trợ cho thanh niên nắm bắt thông tin, chỉ dẫn, đào tạo… từ đó giúp họ nâng cao năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu của công việc. Việc tổ chức mạng lưới tạo việc làm tốt có nghĩa rằng hệ thống các cơ quan, đơn vị, trung tâm… cần tổ chức sâu, rộng đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu đòi hỏi về việc làm cho thanh niên nông thôn, gắn kết chặt chẽ giữa nhu cầu của họ với yêu cầu thực tiễn của công việc.
- Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề: Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các phương tiện giảng dạy và học tập hiện đại trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp góp phần đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
- Xây dựng chương trình đào tạo nghề cho lao động là thanh niên nông thôn: Đào tạo nghề tập trung vào 03 nhóm nghề chủ yếu sau: Đào tạo các nghề để chuyển đổi lao động nông thôn sang phục vụ cho ngành công nghiệp, dịch vụ như nghề điện tử, kỹ thuật công nghiệp… Đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động sản xuất sản phẩm nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng… Đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn để tạo việc làm trong những lúc nông nhàn tăng thu nhập tăng thời gian sử dụng lao động trong khu vực nông thôn như: làm mộc, trồng hoa, chế biến nông sản thực phẩm…
Thực tiễn cho thấy trình độ lao động nói chung của nước ta còn rất hạn chế, đặc biệt là lao động tại các vùng nông thôn, vì vậy cần chú trọng công tác tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân đồng thời đào tạo các kiến thức về thị trường, kỹ năng kinh doanh và kỹ năng tìm kiếm thông tin qua máy tính để họ có thể tự tiếp cận các kiến thức phục vụ quá trình sản xuất.
- Phát triển đội ngũ giáo viên đào tạo nghề cho lao động là thanh niên nông thôn: Thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, kỹ năng, nghiệp vụ của giáo viên được nâng lên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Để đào tạo nghề có hiệu quả cần có sự liên kết giữa các bên tham gia ở tất cả các khâu của đào tạo nghề. Từ khâu tuyển sinh đầu vào đến quá trình đảo tạo và đầu ra phải có sự phối hợp ăn ý giữa chính quyền - đại diện quản lý nhà nước, doanh nghiệp - đại diện tiếp nhận lao động qua đào tạo nghề, người lao động - đại diện bên hưởng thụ hỗ trợ dự án. Trong đó, chính quyền quản lý đóng vai trò cầu nối trung gian cho nhà tuyển dụng doanh nghiệp và người lao động, thường xuyên điều tra, khảo sát nhu cầu lao động của nhà tuyển dụng lao động và thông tin rộng rãi đến các cấp và trực tiếp đến người lao động, đặc biệt người lao động chưa có việc làm hoặc mới nghĩ việc. Tính liên kết trong đào tạo nghề không thể thiếu đối với bất kỳ mô hình đào tạo, từ truyền thống cho đến hiện đại.
1.1.4.3. Các hình thức tạo việc làm cho lao động thanh niên nông thôn a. Hình thức tạo việc làm thông qua xuất khẩu lao động:
Xuất khẩu lao động là hoạt động mua bán hàng hóa sức lao động nội địa cho người sử dụng lao động nước ngoài (Hoa Lê, 2017). Xuất khẩu lao động là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam có đủ điều kiện và tự nguyện đi làm việc tại nước ngoài, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và của các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Người sử dụng lao động nước ngoài ở đây là chính phủ nước ngoài hay cơ quan, tổ chức kinh tế nước ngoài có nhu cầu sử dụng lao động trong nước.
- Hàng hóa sức lao động nội địa: là lực lượng lao động trong nước sẵn sàng cung cấp sức lao động của mình cho người sử dụng lao động nước ngoài.
- Hoạt động mua - bán: Thể hiện ở chỗ người lao động trong nước sẽ bán quyền sử dụng lao động của mình trong một khoảng thời gian nhất định cho người sử dụng lao động nước ngoài để nhận về một khoản tiền dưới hình thức tiền lương (tiền công). Còn người sử dụng nước ngoài sẽ dùng tiền của mình mua sức lao động của người lao động, yêu cầu họ phải thực hiện công việc nhất định nào đó (do hai bên thỏa thuận) theo ý muốn của mình.
Trong khi lượng lao động dư thừa trong nước là rất cao thì xuất khẩu lao động là một hướng đi vô cùng hữu ích trong việc tạo thêm việc làm cũng như tạo ra một nguồn thu nhập cao cho các lao động gửi về cho gia đình. Xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Người đi lao động xuất khẩu gồm lao động phổ thông và lao động có tay nghề. Người đi lao động thường phải chịu chi phí cao trước khi xuất hành, có thể rơi vào điều kiện làm việc kham khổ và đôi khi là nạn nhân của lừa đảo, bóc lột, buôn người.
Nhưng hoạt động mua - bán này có một đặc điểm đáng lưu ý là: Quan hệ mua - bán chưa thể chấm dứt ngay được vì sức lao động không thể tách rời người lao động. Quan hệ này khởi đầu cho một quan hệ mới- quan hệ lao động. Và quan hệ lao động sẽ chỉ thực sự chấm dứt khi hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên hết hiệu lực hoặc bị xóa bỏ hiệu lực theo thỏa thuận của hai bên.
Hình thức xuất khẩu lao động: Là cách thức thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài do nhà nước quy định (Trần Xuân Cầu, 2009).
Ở Việt Nam có các hình thức sau:
Cung ứng lao động theo các hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết với bên nước ngoài. Cụ thể là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tuyển lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo các hợp đồng cung ứng lao động.
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhận thầu, khoán công trình ở nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể là các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận khoán công trình ở nước ngoài hoặc đầu tư dưới hình thức liên doanh liên kết chia sản phẩm hoặc các hình thức đầu tư khác. Hình thức này chưa phổ biến nhưng sẽ phát triển trong tương lai cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động nước ngoài.
b. Hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm
Tư vấn việc làm là quá trình định hướng tạo việc làm cho lao động thanh niên nông thôn để họ có thể tiếp cận và tìm việc làm phụ hợp với bản thân, nguyện vọng mong muốn của mình. Tư vấn việc làm có nhiều hình thức như tư vấn về đào tạo, dạy nghề để định hướng nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn; Tư vấn về tạo việc làm qua xuất khẩu lao động; Tư vấn về học nghề ngắn hạn hay tư vấn phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa bàn cho thanh niên nông thôn (Hoa Lê, 2017).
Tổ chức Dịch vụ việc làm được thành lập theo quy định của pháp luật có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng và giúp tuyển lao động, thu nhập và cung ứng thông tin về thị trường lao động. Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ được tiến hành sau khi có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Để hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn, cần chú ý đến đặc điểm lao động của những đối tượng này, đó là việc diện tích đất nông thôn ngày càng thu hẹp lại, sự chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng, do đó, việc hỗ trợ lao động nông thôn cần phải tập trung vào các vấn đề sau:
- Hỗ trợ việc làm mới cho thanh niên: trong đó có phát triển các làng nghề truyền thống, mở rộng và ngày càng hiện đại hóa phương thức kinh doanh; tạo điều kiện về thủ tục giấy tờ trong các giao dịch kinh tế cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thủ công cũng như người lao động tiếp cận với nguồn vốn.
Bên cạnh đó là không ngừng phát triển kết cầu hạ tầng dịch vụ lao động.
- Hỗ trợ việc kết nối lao động với các doanh nghiệp và các cơ sở sử dụng lao động bằng cách phát triển các trung tâm giới thiệu việc làm và ra sức tuyên truyền để người lao động nông thôn biết và tìm đến các trung tâm này. Tổ chức các buổi giao lưu với doanh nghiệp tại nhà trường hay trung tâm dạy nghề cũng như tổ chức tư vấn nghề nghiệp trực tuyến nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho người lao động.
- Hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động bằng cách đào tạo về kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ tay nghề cho lao động, chú trọng nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật cho lao động.
c. Hình thức cho vay vốn giải quyết việc làm
Người lao động phải có nhu cầu cụ thể về việc vay vốn để thúc đẩy tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng việc làm, bao gồm việc cung cấp một dự án vay vốn chi tiết, cùng với xác nhận và chấp thuận từ cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền tại nơi thực hiện dự án. Năng lực hành vi dân sự là yếu tố quan trọng, bao gồm việc đảm bảo người lao động có đủ khả năng tham gia vào các hoạt động dân sự, tuân thủ luật pháp và thực hiện các cam kết theo quy định.
Nguồn vốn cho vay ưu đãi góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn. Tín dụng chính sách xã hội được triển khai gắn với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển chuỗi liên kết... đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, người lao động nông thôn có thể thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới giúp nâng cao năng suất lao động.
d. Tạo việc làm thông qua phát triển thị trường lao động
Khu vực nông thôn là khu vực làm việc chủ yếu nông nghiệp, việc làm phi nông nghiệp (công nghiệp chế biến, dịch vụ,...) chiếm tỷ lệ nhỏ. Xu hướng chung là, khi kinh tế phát triển, khu vực nông thôn phát triển, việc làm phi nông nghiệp tăng ở nông thôn, thị trường lao động khu vực nông thôn sẽ phát triển sôi động hơn.