CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ TẠO VIỆC LÀM
1.2. Cơ sở thực tiễn của vấn đề tạo việc làm cho thanh niên nông thôn
1.2.1. Kinh nghiệm tạo việc làm cho thanh niên nông thôn tại một số địa phương trong nước
1.2.1.1. Kinh nghiệm tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái
Huyện Văn Yên có dân số tự nhiên là 111.715 người, là một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, trong những năm qua huyện Văn Yên rất coi trọng tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, Văn Yên đã triển khai các giải pháp sau:
- Công tác định hướng nghề, dạy nghề và giới thiệu việc làm được tổ chức đồng loạt, chú trọng chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của người lao động, hỗ trợ việc làm và tự tạo việc làm cho thanh niên nông thôn tại địa phương sau khi học nghề.
- Huyện Văn Yên phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội giải ngân vay vốn ủy thác cho 25 tổ tiết kiệm và vay vốn của đoàn thanh niên với tổng số tiền 14 tỷ 986 triệu đồng để đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế, thanh niên vượt khó và nhiều cá nhân đã được UBND tỉnh, Trung ương Đoàn - Hội tặng bằng khen.
- Khuyến khích các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở dạy nghề, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn vùng sâu vùng xa trên địa bàn.
1.2.1.2. Kinh nghiệm tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng
Hai mô hình tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ giúp thanh niên nông thôn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo được triển khai hiệu quả tại một huyện ở tỉnh Cao Bằng.
- Đi lên từ chi hội làm thuê
Từ thực tế phần lớn thanh niên trong thôn sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp theo thời vụ, chạy xe ôm, sửa xe, thợ mộc, phụ hồ, một số người không nghề nghiệp, năm 2016 chi đoàn xã (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An) đứng ra thành lập chi hội làm thuê nhằm tạo điều kiện cho thanh niên địa phương có công ăn việc làm, cải thiện đời sống.
Thời gian đầu mới thành lập chi hội chỉ có 12 thành viên. Do thiếu kinh nghiệm nên chi đoàn chỉ bố trí các anh em trong chi hội nhận làm các công việc đơn giản như phụ hồ, bốc vác, đào đất thuê. Nghề dạy nghề, dần dần những “người thợ phụ” trong chi hội cứng nghề và tự tin đứng ra lãnh thầu xây dựng các công trình nhà cấp 4 với giá cả bình dân. Khi đã “rèn” những thanh niên từ chưa thạo nghề trở thành những người thợ lành nghề, chi hội đã nâng lên thành “Tổ hợp tác giải quyết việc làm” với trên 30 thành viên tham gia làm tất cả các nghề như thợ hồ, thợ mộc, nhận thầu các công trình sửa chữa, xây mới nhà cấp 4, đào đất, bốc vác... tại huyện Hòa An và các huyện lân cận, với mức thu nhập trung bình của các thành viên từ 3- 6 triệu đồng/tháng.
- Học nghề và giải quyết việc làm
Phong trào xây dựng tổ hợp tác giải quyết việc làm cho thanh niên cũng được chi đoàn (xã Đức Long, huyện Hòa An) hưởng ứng bằng việc xây dựng “Tổ hợp tác sửa chữa máy nông nghiệp”.
Thời gian đầu đi vào hoạt động, do cơ sở nhỏ hẹp, trang thiết bị sửa chữa còn nghèo nàn, các hội viên đang trong thời gian học việc, chưa lành nghề nên gặp nhiều
khó khăn. Từ khi được ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ nguồn vốn vay 20 triệu đồng, chi hội đã mở rộng cơ sở, đầu tư thêm trang thiết bị; đồng thời phát triển thành tổ hợp tác sửa chữa máy nông nghiệp, tạo điều kiện cho những thanh niên chưa có nghề vào học nghề miễn phí và được trả lương để anh em vừa học nghề vừa có thêm thu nhập. Tổ hợp tác sửa chữa máy nông nghiệp đã giải quyết việc làm cho 15 công nhân là đoàn viên, hội viên, thanh niên trong xã và các địa phương lân cận với mức thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/tháng.
1.2.1.3. Kinh nghiệm của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang
Huyện Hàm Yên có dân số tự nhiên là 120.000 người (năm 2019), là một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang. Trong những năm gần đây, huyện Hàm Yên đã giải quyết việc làm cho 2.465 lao động, trong đó tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại địa phương là 1.940 lao động, tuyển dụng 525 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và nước ngoài.
- Huyện chỉ đạo Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã, thị trấn nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động để đề ra các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, định hướng cho người lao động lựa chọn việc làm phù hợp; mở các lớp dạy nghề theo nhu cầu của người lao động, bảo đảm triển khai chương trình lao động, việc làm có hiệu quả hơn.
- Huyện chú trọng phát triển vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có - chất lượng, hiệu quả cao, hình thành vùng chuyên canh cam, chè, rừng nguyên liệu giấy, phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Một số loại hình nghề truyền thống được khôi phục, phát triển như nghề dệt thổ cẩm, thêu ren, đan lát...
- Huyện đã tạo mọi điều kiện cho người dân, nhất là thanh niên nông thôn được tiếp cận vay các nguồn vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Hiện tại, toàn huyện có 145 dự án kinh tế được vay vốn từ Chương trình quốc gia giải quyết việc làm và các nguồn vốn tín dụng khác, tạo việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động. Các dự án chủ yếu là phát triển cây ăn quả, chăn nuôi lợn đen lai lợn rừng, nuôi nhím và một số dự án phát triển nghề truyền thống... Huyện chủ động liên kết
với các công ty tuyển dụng lao động đi làm việc trong các lĩnh vực may mặc, điện tử, chế biến thủy sản, hải sản, khu công nghiệp trong nước.
1.2.2. Bài học kinh nghiệm về tạo việc làm cho thanh niên huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn
Từ những bài học kinh nghiệm nêu trên, vấn đề việc làm của thanh niên nông thôn huyện Tràng Định cần chú ý những vấn đề sau:
Một là, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động nông thôn; chú trọng định hướng nghề, dạy nghề và giới thiệu việc làm một cách đồng loạt theo chiều sâu, qua đó đáp ứng được yêu cầu của thanh niên nông thôn trên địa bàn huyện Tràng Định;
Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên ngay từ trên ghế nhà trường nhằm cải thiện tình hình phân bổ cơ cấu lao động giữa các ngành nghề. Khuyến khích các cơ sở dạy nghề đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn sau đào tạo nghề.
Ba là, phát triển vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của huyện Tràng Định, phát triển theo quy mô lớn và xây dựng chuỗi liên kết qua sản xuất tập trung.
Bốn là, xây dựng các tổ hợp tác giải quyết việc làm cho lao động thanh niên.
Phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị hiện đại và phát triển các mô hình kinh tế, từ đó tăng cường phát triển kinh tế.
Giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi địa phương và của đất nước. Giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, vừa tạo tiền đề để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây là vấn đề hết sức phức tạp, có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ đó, nên cần sử dụng các chỉ tiêu một cách khách quan và triệt để nhằm đánh giá quá trình giải
quyết việc làm. Giải quyết việc làm cho người lao động có mối quan hệ biện chứng, gắn bó với nhau nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thực trạng giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn đã đạt được những kết quả, song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
CHƯƠNG 2