CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH PHÁT TRIỂN CÁC
2.2. THỰC TRẠNG CÁC GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH PHÚC
2.2.1. Giải pháp tài chính của Nhà nước
Nhận thức rõ thuế là một trong những công cụ tài chính có tác động mạnh đến các quyết định đầu tư của DN, Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, thu hút các nhà đầu tư vào các KCN của tỉnh. Các sắc thuế được tỉnh Vĩnh Phúc vận dụng để khuyến khích các DN trong giai đoạn vừa qua là thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu, …
Hình 2.3. Chính sách tài chính nhà nước cần tập trung sửa đổi
Các chính sách thuế có
liên quan 68,97%
Các chính sách tín dụng có liên
quan 13,79%
Phí và lệ phí có liên quan
17,24%
Nguồn: Kết quả khảo sát của NCS
Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp
Chính phủ đã có những quy định về ưu đãi thuế đối với các DN hoạt động trong các KCN [57, 61, 63]. Những quy định này đã được áp dụng trong điều kiện thực tế của Vĩnh Phúc như sau:
Thứ nhất, về thuế suất
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng mức 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với:
+ Doanh nghiệp công nghệ cao;
+ Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và
phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.
+ Thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 nghìn tỷ đồng/ năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu; hoặc dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6 nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư và sử dụng trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu.
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong thời gian mười năm áp dụng đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới trong các lĩnh vực sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống.
- Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 22% đối với các doanh nghiệp còn lại.
Các quy định về mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, thời gian ưu đãi là 15 năm và thuế suất 20 % trong 10 năm cho từng trường hợp cụ thể, được quy định rõ ràng các đối tượng được hưởng. Sự rõ ràng, nhất quán trong chính sách và
việc thực hiện chúng một cách nghiêm túc đã giúp các nhà đầu tư có cơ sở để chọn lĩnh vực, tăng quy mô sản xuất kinh doanh. Nhờ số lượng doanh nghiệp tăng và hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng đạt kết quả tốt, số thu từ các KCN ngày càng tăng, thể hiện mức hiệu quả của các KCN. Sự đóng góp của các KCN vào nền kinh tế địa phương thông qua số thu ngày càng lớn (xem bảng 2.8).
Bảng 2.8. Số thu từ các KCN Vĩnh Phúc 2010-2019
ĐVT: Tỷ đồng
Năm KCN
2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019
Bá thiện 1 0,013 0,055 0,016 0,017 0,095 0,099 0,399 4,880 15,929 25,470 Bá Thiện 2 0,003 0,003 0,011 0,890 1,860 0,033 4,557 14,862 24,936 68,020
Bình
Xuyên 1 127,242 145,991 137,969 184,267 167,205 194,223 226,911 170,68 247,844 424,170 Bình
Xuyên 2 0,009 0.009 0.012 0.010 0,009 5,474 1,293 9,002 21,205 56,790 Khai
Quang 69,545 86,805 137,781 182,457 323,674 340,574 345,500 371,04 426,384 453,580 Kim Hoa 1.603,12 1.557,224 1.619,372 3.572,686 4.615,443 5.771,207 8.383,183 7.029,2 8.852,47 7.828,63 Tổng thu 1.799,84 1.790,087 1.895,160 3.940,328 5.108,286 6.311,611 8.691,842 7.598,87 9.588,77 8.856,65
Nguồn: Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc [21]
Mức thu NSNN từ các KCN tăng nhanh từ 1.799.843 triệu đồng năm 2010 tăng lên 6.311.611 triệu đồng năm 2015 và đạt 9.588.772 triệu đồng năm 2018.
Mức thu từ các KCN còn tiếp tục tăng lên, đóng góp nhiều hơn nữa cho địa phương.
Như vậy, việc Nhà nước tiếp tục sử dụng các chính sách, giải pháp khuyến khích trực tiếp đối với các doanh nghiệp công nghiệp khi đầu tư vào địa phương này là
hoàn toàn đúng đắn và cần thiết.
Thứ hai, miễn thuế, giảm thuế. Hiện các DN đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đang được hưởng chính sách miễn và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định chung của Nhà nước. Những quy định này hiện được các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN trên địa bàn Tỉnh đánh giá là khá hấp dẫn. Cụ thể, DN được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 2 đến 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp từ 4 đến 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp tùy theo ngành nghề, dự án đăng ký đầu tư (xem bảng 2.9).
Bảng 2.9. Miễn giảm thuế TNDN đối với các doanh nghiệp
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Năm
DN 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019
FDI 62,535 71,058 105,124 74,081 79,351 149,967 224,89 1.047,5 1.290,7 1.477
DDI 4,589 5,26 7,586 6,524 8,65 7,21 6,623 - -
Tổng số 67,124 112,71 231,6
Nguồn: Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc [21]
Bảng 2.9 cho thấy, năm 2010, tổng số miễn giảm thuế là 67.124 triệu; đến 2016 chỉ số này đã tăng lên 231.604 triệu VND; đến 2018 và 2019 đã tăng đột biến ở khu vực FDI, lần lượt là 1.290.730 triệu đồng và 1.477.000 triệu đồng. Lý do là vì 2 năm đó có nhiều KCN và các DN công nghiệp mới đi vào hoạt động, đang trong thời gian được ưu đãi. So với thuế nộp vào NSNN từ các KCN thì năm 2010 tỷ lệ miễn giảm này là 3,72%, năm 2018 tăng lên 13,46%.
Ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu
Hiện nay, các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính [xem 58, 59b, 64b]
được cụ thể hóa và vận dụng cho các DN hoạt động trong các KCN Vĩnh Phúc như sau:
Thứ nhất, miễn thuế nhập khẩu các loại hàng hóa sau:
- Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư được miễn thuế nhập khẩu, bao gồm:
+ Thiết bị, máy móc; phương tiện vận tải chuyên dùng cho dây chuyền công nghệ trong nước chưa sản xuất được; phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân gồm xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên và phương tiện thủy;
+ Linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dung theo quy định tại các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền;
+ Nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ
phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc theo quy định của Nhà nước;
+ Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.
- Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm mà trong nước chưa sản xuất được.
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm: máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được, công nghệ trong nước chưa tạo ra được; tài liệu, sách, báo, tạp chí khoa học và các nguồn tin điện tử về khoa học và công nghệ.
* Ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN tại tỉnh Vĩnh Phúc
Các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, ngoài việc được ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu khi đáp ứng được các điều kiện theo quy định, còn được miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Cụ thể là:
- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong KCN theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án do cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật.
- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản nêu trên.
Nhằm tạo ra và duy trì sự ưu đãi đối với các công ty hạ tầng công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, Tỉnh đã và đang áp dụng các chính sách về miễn giảm tiền thuê đất và thuê mặt nước đối với các nhà đầu tư hạ tầng công nghiệp. Chính sách này ở tỉnh Vĩnh Phúc được ban hành và thực thi trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh phát triển KCN thành công hơn kết hợp với điều kiện thực tế của Tỉnh và được các nhà đầu tư vào các KCN của Tỉnh đánh giá khá cao, coi là khá hấp dẫn so với các địa phương lân cận. Hơn nữa, việc thực hiện các chính sách này cũng được coi là thuận lợi do các thủ tục đơn giản hơn, thời gian hoàn thành thủ tục/yêu cầu để
được hưởng ưu đãi cũng ngắn hơn.
Như vậy, đối với chính sách thuế, ngoài việc thực hiện đúng tinh thần của các Thông tư, Nghị định và văn bản quy định của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhằm tác động trực tiếp vào cả hai nhóm đối tượng có liên quan tới sự hình thành và hoạt động của các KCN: Các nhà đầu tư thứ cấp và nhà đầu tư sơ cấp.
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan về chính sách thuế, đã thu được những kết quả như trong bảng 2.10.
Bảng 2.10. Đánh giá của các doanh nghiệp & tổ chức về chính sách thuế STT Quan điểm của các tổ chức và
cá nhân
Số lượng tổ chức,
cá nhân Tỷ lệ %
1 Rất hợp lý 17 16,19
2 Về cơ bản là hợp lý 68 64,76
3 Tạm được 20 19,05
4 Bất hợp lý 0 0
Nguồn: Kết quả tổng hợp của NCS Theo số liệu ở bảng 2.10, tất cả các tổ chức, cá nhân (là cán bộ quản lý tại các DN hoạt động trong các KCN Vĩnh Phúc) đánh giá về chính sách thuế đối với các KCN là tích cực, trong đó 16,19% số đối tượng được hỏi đánh giá chính sách thuế hiện nay là rất hợp lý, 64,76% cho rằng hợp lý, còn lại 19,05% đánh giá ở mức tạm được, không có ý kiến nào cho rằng chính sách thuế là bất hợp lý. Những ý kiến này cho thấy, chính sách ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư vào các KCN tại Vĩnh Phúc hiện nay đã khá phù hợp.
Đối với từng loại thuế cụ thể, do xuất phát từ đặc thù kinh doanh khác nhau nên tính hấp dẫn hay động lực thúc đẩy được hình thành từ chính sách cũng khác nhau. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu là những sắc thuế được các doanh nghiệp và cá nhân quan tâm nhiều nhất. Khi được hỏi về mức độ ưu tiên về việc bổ sung, thay đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp so với các chính sách thuế khác, hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân cho rằng cần phải sửa đổi (xem hình 2.4).
Hình 2.4. Mức độ ưu tiên sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp
Nguồn: Kết quả khảo sát của NCS
Hình 2.4 cho thấy, có đến 59 tổ chức, cá nhân (chiếm tỷ lệ 56,19%) cho rằng việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là ưu tiên hàng đầu.
Quá trình hoạt động của các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN có liên quan mật thiết với hoạt động xuất nhập khẩu, do đó chính sách thuế xuất nhập khẩu rất được quan tâm nghiên cứu. Cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách thuế xuất nhập khẩu đã được Chính phủ và được Vĩnh Phúc vận dụng phù hợp điều kiện thực tế như phần trên đã đề cập. Tuy nhiên, đối với các DN cũng như các nhà quản lý thì mức thuế xuất và hàng hóa sản phẩm chịu thuế cũng cần có sự sửa đổi bổ sung theo hướng giảm bớt khó khăn cho các DN trong giai đoạn mới đầu tư tại các KCN (xem bảng 2.11).
Bảng 2.11. Mức độ ưu tiên sửa đổi chính sách thuế xuất nhập khẩu STT Mức độ ưu tiên& Số DN&tổ chức Tỷ lệ %
1 Không cần ưu tiên 45 42,86
2 Ưu tiên thứ nhất 30 28,57
3 Ưu tiên thứ hai 12 11,43
4 Ưu tiên thứ ba 6 5,71
5 Ưu tiên thứ tư 2 1,9
6 Không nêu ý kiến 10 9,52
Nguồn: Kết quả khảo sát của NCS Bảng phân tích trên chỉ ra rằng 28,57% số các tổ chức và cá nhân cho rằng việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất nhập khẩu là cần thiết và cần được ưu tiên hàng đầu, trong khi có tới 42,86% số các ý kiến cho rằng không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. So với thuế suất cho thuế thu nhập DN thì thuế xuất nhập khẩu có mức độ đòi hỏi bổ sung sửa đổi thấp hơn, qua đó cho thấy chính sách thuế xuất nhập khẩu đã và đang được các cơ quan chức năng thực thi tương đối sát thực và
phù hợp với yêu cầu của các DN. Tuy vậy, để khuyến khích các DN đầu tư sản xuất kinh doanh tại các KCN phát triển nhanh hơn nữa, nhập khẩu nhiều hơn để có thể
xuất khẩu nhiều hơn so với hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần sớm nghiên cứu điều chỉnh các chính sách thuế cho phù hợp hơn nữa (trong đó có cả điều chỉnh tăng đối với một số mặt hàng, ngành hàng).
Hình 2.5 mô tả đánh giá của các đối tượng được khảo sát về mức độ ưu tiên sửa đổi, bổ sung giữa các chính sách thuế hiện hành mà tỉnh Vĩnh Phúc đang áp dụng dựa trên kết quả khảo sát của NCS. Số liệu trên biểu đồ thể hiện tỷ lệ % các tổ chức, cá nhân đánh giá cần ưu tiên hàng đầu trong việc sửa đổi với mỗi loại chính sách thuế.
Theo đó, có thể thấy các tổ chức, doanh nghiệp được khảo sát đã cho rằng chính sách thuế TNDN cần được ưu tiên sửa đổi, bổ sung nhất (với tỷ lệ 56,19%).
Mức độ ưu tiên sửa đổi, bổ sung giảm dần lần lượt với chính sách thuế XNK (28,57%), chính sách thuế môi trường (22,86%), chính sách thuế tài nguyên (20%), còn chính sách thuế GTGT (11,43%) .
Hình 2.5. So sánh mức độ ưu tiên sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế tỉnh Vĩnh Phúc đang áp dụng
(dựa trên tỷ lệ % đánh giá là ưu tiên hàng đầu cần sửa đổi)
Nguồn: Kết quả khảo sát của NCS Về chính sách thuế, các khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp tại Vĩnh Phúc đang nằm trong quy định chung của Chính phủ đối với các địa phương có điều kiện giống nhau, chưa có điểm nào nổi bật để lôi kéo các nhà đầu tư. Bản thân tỉnh Vĩnh Phúc cũng không thể ban hành chính sách riêng về thuế, nếu có chỉ có thể xin cơ chế của Chính phủ để nhằm tạo động lực phát triển công nghiệp địa phương đối với một số lĩnh vực, trường hợp đặc biệt. Các lĩnh vực và trường hợp đặc biệt, xin cơ chế có thể áp dụng như các địa phương vùng khó khăn, các điều chỉnh liên quan đến các sắc thuế đó là thời gian miễn giảm, đối tượng miễn giảm. Để có được những đề xuất này, tỉnh Vĩnh Phúc cần rà soát, nghiên cứu cẩn trọng thực trạng đầu tư, hướng ưu tiên cụ thể cũng như nhu cầu, ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng các doanh nghiệp.
2.2.1.2 Giải pháp về phí, lệ phí
Trong cơ cấu chi của các chủ thể kinh doanh, các khoản phí, lệ phí nộp cho các cơ quan Nhà nước chiếm tỷ lệ không lớn bằng các khoản chi khác. Tuy vậy, việc ưu đãi về phí, lệ phí sẽ thể hiện rõ chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của chính quyền các địa phương đối với các nhà đầu tư. Tại các KCN tỉnh Vĩnh Phúc, các khoản phí phát sinh bao gồm: Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi
trường, đề án bảo vệ môi trường; phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Lệ phí cấp phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Lệ phí cấp phép xây dựng; Lệ phí đăng ký kinh doanh; Phí thẩm định đầu tư, dự án đầu tư; Phí thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xây dựng; Phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Phí phòng cháy, chữa cháy; Phí bảo vệ môi trường,…. Về quy trình đã được cải tiến, nhà đầu tư chỉ đến bộ phận một cửa của các cơ quan để nhận kết quả nhưng vẫn phải nộp phí theo quy định. Con số thu thực sự không lớn nhưng nó thể hiện mức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại địa phương.
Về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền, trong giai đoạn 2010-2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban các Nghị quyết 158/2014/NQ-HĐND ngày 22/12/2014 (thay thế Nghị quyết 13/2007/NQ-HĐND); Nghị quyết 56/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 (thay thế Nghị quyết 158/2014/NQ-HĐND), Nghị quyết 45/2017/NQ-HĐND ngày 18/12/2017 (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 56/2016/NQ-HĐND). Các Nghị quyết này không quy định miễn giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong KCN.
Tuy nhiên, từ năm 2012, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có Nghị quyết 56/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 Về việc ban hành cơ chế hỗ trợ cho các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, theo đó đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, công nghệ cao, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% số tiền doanh nghiệp đã nộp các khoản phí, lệ phí liên quan đến chi phí ban đầu của dự án.
Các khoản phí hành chính này được miễn cho các nhà đầu tư đã thể hiện tính khuyến khích đầu tư cao hơn của Tỉnh. Ngoài những chi phí này, các nhà đầu tư còn có thể chi các khoản khác như phí tư vấn, phí dịch vụ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ. Đối với phí dịch vụ phi hành chính, chính quyền chỉ có thể can thiệp gián tiếp để các chủ thể cung cấp giảm phí đối với nhà đầu tư tại các KCN.
2.2.1.3. Giải pháp về chi ngân sách Nhà nước
2.2.1.3.1. Chi ngân sách để hỗ trợ chung cho các KCN
Trên cơ sở các quy định của Nhà nước và chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bằng những giải pháp cụ thể như: Hỗ trợ kinh phí đến 200 triệu đồng lập hồ sơ dự án đề nghị cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư từ ngân sách