CHƯƠNG 3: HOÀN THIỆN GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH PHÚC
3.2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỊA PHƯƠNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, TẦM NHÌN ĐẾN 2030
3.2.2. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để phát triển các khu công nghiệp
áp dụng giá thuê đất ở mức thấp nhất trong khung quy định của Nhà nước. Hiện Vĩnh Phúc có cả mô hình Nhà nước đầu tư xây dựng các KCN và tư nhân đầu tư xây dựng các KCN, trong đó hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng KCN chỉ được thực hiện với những KCN được hình thành sớm, còn lại đều là các KCN do các chủ đầu tư tư nhân xây dựng và kinh doanh. Hiện nay, hầu hết các KCN ở Vĩnh Phúc đều được đầu tư xây dựng bởi khu vực tư nhân. Mô hình này sẽ tiếp tục được áp dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, do nguyên nhân lịch sử, trong thời gian tới Vĩnh Phúc vẫn cần huy động và khuyến khích các chủ đầu tư sơ cấp tiếp tục huy động vốn từ nhiều nguồn để đầu tư phát triển mới và tiếp tục mở rộng các KCN trên địa bàn, đồng thời tiếp tục bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng bên ngoài các KCN.
Các nguồn vốn có thể được huy động để phát triển các KCN ở Vĩnh Phúc bao gồm:
- Nguồn vốn Nhà nước: Từ phân tích lôgic cũng như từ kinh nghiệm thực tế, Vĩnh Phúc cần xác định đây là nguồn vốn đầu tư xây dựng các KCN theo kiểu đầu tư mồi như KCN (KCN) Bá Thiện, huyện Bình Xuyên có diện tích 327 ha, trong đó đất công nghiệp là 207 ha, đã bồi thường, giải phóng mặt bằng xong từ 3/2010;
Công ty TNHH Quản lý và phát triển hạ tầng Compal Đài Loan (CDM), được giao đất từ ngày 09/01/2008 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. CDM đã cơ bản san nền xong, thi công toàn bộ phần móng đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, nước thải theo quy hoạch, xây dựng trạm xử lý nước thải modul thứ nhất và một số hạng mục công trình khác. Hệ thống cung cấp điện, nước đã được các đơn vị kinh doanh điện, nước đầu tư, trong đó phần lớn là
các doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng bắt đầu có những doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân triển khai các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.
Do CDM thực hiện dự án chậm tiến độ, UBND Tỉnh đã quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất 327 ha, đồng thời giao Ban Quản lý các KCN làm chủ đầu tư
để hoàn thiện hạ tầng đợt 1 với diện tích 54,02 ha. Tiếp theo, UBND Tỉnh đã thành lập Hội đồng đấu giá quyền thuê đất đối với diện tích còn lại (247,66 ha), nhưng qua 02 lần đấu giá không có doanh nghiệp nào hộp hồ sơ đăng ký đấu thầu. Theo Khoản 3 điều 118 Luật Đất đai năm 2013, sau hai lần đấu giá không thành, Tỉnh đã
thực hiện việc giao đất không thông qua đấu giá. Việc này làm thời gian triển khai dự án chậm lại đáng kể, góp phần làm tỷ lệ lấp đầy các KCN của Tỉnh không được như mong muốn.
Để có quỹ đất sạch đã có hạ tầng sẵn sàng thu hút đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Hội đồng nhân dân Tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và
hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có nội dung hoàn thiện hạ tầng KCN Bá Thiện bằng nguồn vốn ứng trước từ ngân sách tỉnh (thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ). Biện pháp này đã đem lại kết quả tích cực, việc đầu tư cho KCN này được coi là khá thành công mà một trong những biểu hiện rõ nhất là nó đã đạt tỷ lệ lấp đầy rất cao sau ít năm hoàn thành đầu tư và chính thức đi vào hoạt động.
Trong thời gian tới, địa phương cần xem xét, bố trí nguồn NSĐP xây dựng thêm từ một đến hai KCN nữa, tổ chức hoạt động theo mô hình của KCN Bá Thiện, do Công ty đầu tư phát triển KCN của Tỉnh là chủ đầu tư. Nếu làm được việc này, các KCN do Nhà nước đầu tư ở Tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và tỷ rọng trong tổng số các KCN của Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, hàng năm chính quyền Tỉnh cần xây dựng kế hoạch và bố trí ngân sách một cách hợp lý để xây dựng các hạng mục hỗ trợ các KCN như đường gom, đường lối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây nhà ở cho công nhân KCN…
Vấn đề đặt ra đối với việc sử dụng vốn ngân sách để đầu tư phát triển các KCN là chúng phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phát triển kinh tế ở địa phương (nếu kinh tế gặp khó khăn, thu NS giảm thì những hạng mục đầu tư vào các KCN thường bị cắt giảm hoặc hoãn thực hiện đầu tiên) và thủ tục hành chính thường phức tạp, mất thời gian (từ phê duyệt dự án, phê duyệt định mức, đấu thầu thực hiện, thủ tục giải ngân, … cho tới công tác thanh tra, kiểm tra và chế độ báo cáo).
- Nguồn vốn tư nhân: Nguồn vốn này có ưu điểm là hoạt động theo các nguyên tắc kinh tế một cách triệt để, tức là bám sát nhu cầu, được triển khai nhanh, tiết kiệm (thường suất đầu tư thấp và những chi phí ít liên quan thường được loại bỏ
một cách triệt để), nhưng lại có hạn chế là dễ tập trung một cách thái quá vào lợi ích kinh tế của chủ đầu tư. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, các chủ đầu tư có năng lực tài chính có hạn (bản thân năng lực của họ có hạn hoặc vốn bị rải ra quá nhiều
dự án ở nhiều địa phương khiến lượng vốn dành cho các KCN trên địa bàn Vĩnh Phúc bị dàn trải, khó có thể đầu tư dứt điểm, đặc biệt là trong trường hợp các chủ đầu tư lập dự án với mục đích ưu tiên là xin đất chờ thời cơ).
Để huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước nhằm phát triển phát triển bền vững các KCN trên địa bàn, ngoài những nỗ lực của Tỉnh, Vĩnh Phúc cần kiến nghị với Trung ương về xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn thu để tăng thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển của địa phương. Tỉnh cũng cần hoàn thiện khuôn khổ thể chế, pháp lý, nhanh chóng tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp và dân cư; tạo môi trường bình đẳng đối với đầu tư trong nước và ngoài nước cũng như giữa các khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, xóa bỏ sự khác biệt về chính sách đất đai, tín dụng, xuất- nhập khẩu. Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài như FDI, ODA, NGO là một hướng mà
Tỉnh cần tăng cường các biện pháp để thu hút một cách kịp thời, có hiệu quả.
Tỉnh cần thí điểm áp dụng để rút kinh nghiệm mở rộng việc thu hút vốn tư nhân dưới các hình thức BT, BOT, đặc biệt là hình thức “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”
mà nhiều nơi và chính Vĩnh Phúc cũng đã áp dụng khá thành công. Các công trình này có thể bao gồm cả hệ thống đường giao thông kết nối các KCN với các trục đường quốc lộ hoặc các cảng sông trên địa bàn, các công trình cấp điện, nước, các công trình xử lý nước thải và rác thải bên ngoài các KCN nhưng xử lý nước thải và
rác thải phát sinh từ các KCN (và cả rác thải, nước thải dân sinh). Đặc biệt, hình thức này có thể được nghiên cứu, áp dụng để xây dựng các khu đô thị hoặc nhà ở xã
hội, nhà ở dành cho công nhân, nhân viên và người lao động khác của các KCN.
Để làm việc này, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp của Vĩnh Phúc cần triển khai một số giải pháp cụ thể sau:
- Nghiên cứu, dự báo nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh, nhu cầu và
các phương án phát triển công nghiệp cũng như các KCN trên địa bàn, nhu cầu về các công trình kết cấu hạ tầng, nhu cầu về xử lý nước thải và rác thải của địa phương (bao gồm cả của các KCN), nhu cầu về nhà ở và dịch vụ xã hội cho người có thu nhập thấp và lao động từ các KCN. Đây là căn cứ để kêu gọi đầu tư, đồng thời cũng là những căn cứ để các nhà đầu tư tính toán các phương án khả thi nhằm lựa chọn và triển khai các dự án phù hợp với mục đích của địa phương cũng như mục tiêu của bản thân họ.
- Rà soát, điều chỉnh và công bố rộng rãi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh cũng như quy hoạch chuyên ngành và các thông tin có liên quan khác một cách có chủ đích, hướng tới những nhà đầu tư tiềm năng, thực hiện công tác quảng bá, kêu gọi đầu tư vào những công trình nói trên như quảng bá, thu hút
đầu tư vào các KCN. Để làm việc này, các cơ quan hữu quan của Vĩnh Phúc cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu để xác định những chủ đầu tư tiềm năng, sơ bộ đánh giá năng lực và mức độ quan tâm của họ, mối quan hệ của họ với thị trường (đặc biệt là
với cộng đồng các nhà đầu tư thứ cấp) và ảnh hưởng của họ đối với xã hội cũng như đối với cộng đồng kinh doanh, từ đó lựa chọn cách tiếp cận thích hợp. Về mặt này, các cơ quan quản lý nhà nước địa phương cần chủ động hơn trong việc vận động các chủ đầu tư tiềm năng, giúp đỡ họ tìm kiếm cơ hội, đánh giá phương án đầu tư và
hỗ trợ họ thực hiện các thủ tục xây dựng, hoàn tất và triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đưa các KCN và các công trình do các dự án tạo ra đi vào hoạt động một cách kịp thời và bền vững.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, hợp lý hóa các thủ tục đầu tư để giúp các chủ đầu tư có thể xây dựng được những dự án đầu tư hợp lý và khả thi cả về kỹ thuật- công nghệ lẫn về kinh tế- xã hội, lựa chọn và quyết định phương án đầu tư, phương án kinh doanh một cách nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm. Tỉnh cần nâng cao chất lượng các hoạt động hành chính trong quản lý nhà nước, rà soát những hoạt động của các cơ quan công quyền để chuyển bớt một số dịch vụ thành các hoạt động hành chính mà các cơ quan nhà nước phải thực hiện miễn phí để giúp các nhà
đầu tư tiết kiệm cả chi phí thực tế lẫn chi phí cơ hội khi tiến hành đầu tư và chính thức đi vào kinh doanh.
- Nguồn vốn quốc tế. Nguồn vốn này có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt thu hút vốn, mà còn ở chỗ chúng có thể là cầu nối giúp các nhà đầu tư vào KCN có thể liên kết chặt chẽ hơn với cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế, giúp các DN đầu tư thứ cấp tiếp cận và tham gia các chuỗi cung ứng toàn quốc và toàn cầu, đồng thời có thể giúp doanh nghiệp vay vốn tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến. Trong một số trường hợp, vốn vay từ nguồn quốc tế được kiểm soát chặt chẽ, giúp giảm thiểu nguy cơ thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn.
Vĩnh Phúc có thể tiếp cận các nguồn vốn này theo những phương thức sau đây:
- Vĩnh Phúc kêu gọi và đại diện hoặc chủ sở hữu những nguồn vốn này trực tiếp đầu tư vào các KCN. Hình thức này thường được áp dụng khi nguồn vốn này thuộc các DN và các tổ chức kinh doanh bất động sản. Họ sẽ đầu tư xây dựng cơ sở
hạ tầng để cho thuê lại (với vai trò là nhà đầu tư sơ cấp). Từ mấy năm gần đây, lĩnh vực kinh doanh này đang có xu hướng “nóng” lên. Tuy nhiên, để có thể khai thác được nguồn vốn này, điều cốt lõi vẫn là phải thu hút được vốn đầu tư xây dựng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tương lai, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư sơ cấp có thể nhanh chóng đầu tư và
kinh doanh.
- Đại diện hoặc chủ sở hữu của các nguồn vốn này đầu tư vào một số công trình trong hoặc ngoài KCN để cung cấp sản phẩm/ dịch vụ cho KCN hoặc các DN riêng rẽ trong KCN. Họ có thể áp dụng các hình thức BOT, BT hoặc các hình thức tương tự, kể cả hình thức PPP. Để làm việc này, ngoài việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch như đã nêu trên, Vĩnh Phúc cần chuẩn bị một số hồ sơ cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu cần thiết để cung cấp cho các nhà đầu tư khi họ tìm hiểu, đánh giá cơ hội đầu tư vào các KCN hoặc các công trình cơ sở hạ tầng quanh các KCN trên địa bàn.
- Các nguồn vốn trên được sử dụng như một nguồn tín dụng để cho Vĩnh Phúc, chủ đầu tư sơ cấp hoặc chủ đầu tư thứ cấp của các KCN vay với những điều kiện khác nhau. Nhìn chung, nếu các DN đầu tư sơ cấp và thứ cấp của các KCN trực tiếp vay, sự bảo lãnh của Tỉnh hoặc một cơ quan Nhà nước trung ương thường là một trong những điều kiện hay được yêu cầu. Tùy theo tính chất của các hạng mục đầu tư sử dụng vốn vay, tùy thuộc bản chất và tính chất của nguồn vốn mà lãi suất cho các khoản vay có thể rất khác nhau.
Một trong những vấn đề cần lưu ý là tuy nói tới một nguồn vốn là “vốn quốc tế” nhưng thực ra “vốn quốc tế” lại là một phạm trù tập hợp nhiều nguồn vốn cụ thể
khác nhau, có đặc điểm khác nhau, có tôn chỉ và mục đích khác nhau, hoạt động theo những phương thức khác nhau, có những đòi hỏi khác nhau đối với Vĩnh Phúc nói chung và với những chủ thể cụ thể tiếp cận và sử dụng những nguồn vốn này.
Muốn vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Vĩnh Phúc cần khai thác các kênh thông tin khác nhau để tìm kiếm, sau đó đẩy mạnh công tác phân tích, đánh giá các nhà đầu tư tiềm năng để xây dựng và triển khai một cách có hệ thống các chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư, chuẩn bị thông tin để cung cấp cho họ, hướng dẫn và trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ họ xây dựng các dự án và hoàn thiện hồ sơ để nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư vào các KCN và vào các công trình hạ tầng phục vụ các KCN trên địa bàn, kể cả các công trình kết nối các KCN Vĩnh Phúc với thị trường trong nước và quốc tế. Việc cung cấp miễn phí một số dịch vụ công liên quan tới các thủ tục này, theo kinh nghiệm của chính Vĩnh Phúc và nhiều địa phương khác, chỉ tốn ít kinh phí nhưng đem lại kết quả và tác động lớn.
Thực ra, những việc này đã được Vĩnh Phúc đã triển khai nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi mặt bằng các KCN trở thành một mặt hàng có sức hấp dẫn trên thị trường bất động sản thì ngoài phương thức truyền thống, những hoạt động này cần được tiếp cận theo những cách thức và hình thức mới, sử dụng những phương pháp mới, triển khai ở quy mô rộng hơn với những mục tiêu đa dạng hơn. Một trong những hướng cần dành sự ưu tiên thích đáng là những tập đoàn công nghiệp và
những tập đoàn kinh doanh quốc tế lớn. Hơn nữa, Vĩnh Phúc cần sử dụng dịch vụ
của những tổ chức quốc tế chuyên nghiệp có kinh nghiệm và năng lực trong việc quảng bá, xúc tiến và thu hút đầu tư thay vì chủ yếu chỉ sử dụng nguồn lực nội bộ
và các nguồn lực trong nước khác.