Chương 3: THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NỢ THUẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ SÔNG CÔNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2017
3.1. Tổng quan về kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến tình hình nợ thuế trên địa bàn thành phố Sông Công
3.1.1. Một số nét về địa lý
Sông Công là thành phố trực thuộc tỉnh Thái Nguyên. Thành phố Sông Công tiền thân là thị xã Sông Công được thành lập trên cơ sở thị trấn Mỏ Chè. Thành phố Sông Công có phía Bắc giáp thành phố Thái Nguyên, phía Nam và phía tây giáp thị xã Phổ Yên, phía đông giáp huyện Phú Bình cách thủ đô Hà Nội khoảng 65 km, có tuyến quốc lộ 3 chạy dọc qua thành phố, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 45km. Thành phố có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố với các địa phương khác trong vùng.
Thành phố Sông Công có 11 đơn vị hành chính, bao gồm 07 phường: Phố Cò, Cải Đan, Thắng Lợi, Mỏ Chè, Lương Châu, Bách Quang, Lương Sơn và 04 xã: Tân Quang, Bá Xuyên, Vinh Sơn, Bình Sơn.
Sông Công là thành phố công nghiệp, trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa - xã hội phía nam của tỉnh Thái Nguyên; là đầu mối giao thông, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Với vị trí chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du, Sông Công có các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương với các vùng kinh tế Bắc Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn thành phố có hệ thống Sông Công chảy qua, dọc theo hướng Bắc - Nam, với tổng chiều dài là 9,8 km và có 07 con suối lớn đổ vào. Bên cạnh đó theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thành phố Sông Công còn dự trữ lượng nước ngầm khá lớn, chất lượng tốt có khả năng đáp ứng tốt cho sinh hoạt và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Với lợi thế đặc biệt Sông Công từ lâu đã được xác định là trung tâm công nghiệp lớn và là đô thị trung chuyển kinh tế giữa các vùng trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài ra, trên địa bàn thị xã Sông Công có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và tiềm năng phát triển du lịch: Hồ Núc Nác, Hồ Ghềnh Chè, di tích lịch sử Căng Bá Vân, Chùa Bá Xuyên, Đền Phố Cò, Chùa Cải Đan.
3.1.1.2. Điều kiện tự nhiên a. Địa hình, địa mạo
Thành phố Sông Công được dòng sông Công chia làm 2 khu vực phía Đông và phía Tây tạo 2 nhóm cảnh quan chính:
- Khu vực phía Đông có địa hình đồng bằng, xen lẫn gò đồi nhỏ và thấp, có độ cao trung bình từ 25 - 30 m, phân bố dọc theo thung lũng sông thuộc các xã Bá Xuyên, xã Tân Quang và các phường Lương Châu, Thắng Lợi, Cải Đan, Phố Cò, Bách Quang.
- Khu vực phía Tây có địa hình chủ yếu là gò đồi và núi thấp với độ cao 80 - 100 m; một số đồi cao khoảng 150 m và núi thấp trên 300 m, phân bố dọc theo ranh giới phía Tây thành phố trên địa phận các xã Bình Sơn và Vinh Sơn.
b. Khí hậu
Thành phố Sông Công nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 220C; nhiệt độ cao nhất vào các tháng 7, tháng 8, trung bình khoảng 380C; thấp nhất là tháng 1, trung bình khoảng từ 150C - 160C. Thời tiết trong năm có hai mùa rõ rệt: Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, thường có gió Đông Nam thổi về, mang theo hơi nước từ biển Đông vào, gây ra những trận mưa lớn. Mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thường có gió mùa Đông Bắc tràn xuống, nhiệt độ hạ thấp, tiết trời giá rét.
d. Thủy văn
Chảy qua địa bàn thành phố theo hướng Bắc - Nam là dòng sông Công. Sông Công là con sông chính chảy qua địa bàn thành phố là một trong 3 phụ lưu của sông Cầu, bắt nguồn từ một số hợp lưu nhỏ ở thượng nguồn khu vực miền núi phía Đông tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc huyện Định Hóa. Sông Công chảy qua thành phố có chiều dài 14,8 km.
Dòng sông Công được chặn lại tại huyện Đại Từ, tạo nên một hồ Núi Cốc nhân tạo rộng lớn. Đây là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất công, nông
nghiệp và nước sinh hoạt của thành phố Sông Công. Sông Công - hồ Núi Cốc là công trình thuỷ lợi lớn có ý nghĩa trong phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi sinh, tạo thắng cảnh nổi tiếng trong địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố, hệ thống sông Công còn có 7 suối lớn đổ vào: Phía Tây có 2 suối lớn chảy qua địa phận các xã Bá Xuyên và Cải Đan; phía Đông có 5 suối chảy qua địa phận các xã Bá Xuyên, Cải Đan, các phường Lương Châu và Thắng Lợi.
e. Tài nguyên thiên nhiên Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt của thành phố Sông Công chủ yếu từ Sông Công dài 95km, bắt nguồn từ huyện Định Hoá, qua huyện Đại Từ, thành phố Sông Công, huyện Phổ Yên, rồi nhập vào sông Cầu tại khu vực Đa Phúc. Sông Công chảy qua thành phố theo hướng Bắc - Nam với tổng chiều dài là 14,8 km.
Tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn thành phố không có các khoáng sản trữ lượng lớn như một số nơi khác trong tỉnh, chỉ có các loại đá xây dựng, đá phiến sét, đất giàu sét có độ kết vón lớn (trên 30%), các bãi cát sỏi ở dọc sông Công, có thể khai thác với quy mô nhỏ.
Tiềm năng du lịch, nhân văn:
Mặc dù có diện tích tương đối nhỏ, xong thành phố Sông Công có tài nguyên du lịch khá phong phú. Là vùng đất thoải thuộc phía Tây của dãy Tam Đảo nối liền hàng trăm quả đồi bát úp màu xanh với những đồi chè, rừng cây và các thung lũng tự nhiên, những hồ nước quanh năm trong xanh (hồ Ghềnh Chè, hồ Núc Nác), là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Thành phố nổi tiếng với khu di tích lịch sử Căng Bá Vân, đây là một trong những khu di tích lịch sử được Bộ Văn hoá công nhận. Nhà nước đã công nhận xã Bình Sơn là xã anh hùng trong thời kỳ kháng chiến.
Cán bộ và nhân dân các dân tộc thành phố Sông Công với truyền thống cách mạng kiên cường, lịch sử văn hoá lâu đời, giàu bản sắc, đa dạng loại hình, chính vì thế, tài nguyên nhân văn của thành phố rất độc đáo giàu chất dân gian, có 26 di tích văn hóa lịch sử với nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc được khôi phục và tổ chức hàng năm. Người dân thành phố có truyền thống lao động sáng tạo
và khả năng tiếp cận nhanh các tiến bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật của thời đại, tiếp thu các tinh hoa văn hoá của nhân loại. Những truyền thống đó tạo nên các giá trị phi vật thể đóng góp cho sự phát triển của thành phố.