Những hạn chế, bất cập

Một phần của tài liệu hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí việt nam và hàn quốc (Trang 48 - 54)

7. Bố cục của luận văn

2.5.2. Những hạn chế, bất cập

2.5.2.1. Về phía Hàn Quốc.

Hiện nay, do chưa có Hiệp định chung về lĩnh vực hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Hàn Quốc mặc dù tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này của hai bên là rất lớn. Vì thế trên thực tế, hoạt động hợp tác này vẫn phải tuân thủ các quy định chung của pháp luật Việt Nam mà chưa có cơ chế quản lý riêng đặc thù như nhiều lĩnh vực đã có Hiệp định chung giữa hai nước.

Mặt khác, trong Biên bản ghi nhớ hợp tác về tài nguyên và năng lượng giữa Việt Nam và Hàn Quốc, lĩnh vực dầu khí mặc dù đã được hai bên thảo luận và dành hẳn một chương riêng để nói về hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều khoảng cách để hai bên có thể đạt được những thỏa thuận mang tính khung pháp lý cho hoạt động đầu tư của các công ty dầu khí của Hàn Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là trong hoạt động thăm dò, khai thác tại các vùng biển thuộc quyền quản lý của Việt Nam và việc thành lập các liên doanh khai thác, thăm dò tại một nước thứ ba.

Hiện nay, các công ty của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực này đang chịu sự chi phối của nhiều Bộ luật của Hàn Quốc: Luật đầu tư ra nước ngoài, Luật chuyển đổi tiền tệ, Luật cạnh tranh, Luật bảo vệ tài nguyên…Trong khi đó, chưa có một khung pháp lý cụ thể quy định về việc áp dụng pháp luật nước nào cho các tranh chấp nếu có xảy ra giữa các đối tác của Việt Nam và Hàn Quốc. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc cùng một hành vi nhưng sẽ có sự khác biệt trong cách xử lý giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Lấy ví dụ: Luật bảo vệ môi trường Hàn Quốc quy định việc khai thác tài nguyên thiên nhiên chỉ được phép thực hiện khi các công ty của Hàn Quốc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo tiêu chuẩn ISO 14000 (Tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường) và đảm bảo 20% lợi nhuận thu được phải được dành cho việc đầu tư vào các công trình phục vụ lợi ích công cộng. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện Luật dầu khí cũng như các bộ luật có liên quan chưa quy định vấn đề này. Do đó việc xử lý vấn đề dành 20% lợi nhuận để đầu tư vào các công trình phục vụ lợi ích công cộng sẽ được xử lý như thế nào?

Cũng trong Biên bản ghi nhớ hợp tác về tài nguyên và năng lượng giữa hai nước cũng chưa làm rõ được cơ chế xây dựng các liên doanh khai thăm dò và khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong đó vấn đề quan trọng nhất là việc phân chia lợi nhuận giữa các bên, cơ chế thông tin cho Chính phủ, các loại thuế mà liên doanh được ưu đãi cũng như các loại thuế suất mà liên doanh phải thực hiện… Đây chính là vấn đề thường xảy ra tranh chấp trong những liên doanh thăm dò, khai thác dầu khí giữa PetroVietnam và các công ty Hàn Quốc như LG, KNOC, SK Oil…

Theo báo cáo thường niên của KNOC tại Việt Nam cho Chính phủ Hàn Quốc, phần khó khăn nhất của KNOC và các công ty dầu khí Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam là tình trạng không ổn định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam. Có nghĩa là, hợp đồng mặc dù đã được ký kết từ nhiều năm trước nhưng KNOC và các các công ty dầu khí Hàn Quốc vẫn thường phải đàm phán lại với các đối tác Việt Nam để điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp với sự thay đổi của pháp luật Việt Nam, đặc biệt trong việc phân chia lợi nhuận và công thức tính các loại thuế mà các liên

doanh này phải nộp. Chính sự thiếu ổn định này đã làm cho Văn phòng KNOC tại Việt Nam thường xuyên phải xin ý kiến từ công ty mẹ tại Hàn Quốc để đưa ra các quyết định. Mặc dù đến nay, các công ty Hàn Quốc và PVN chưa phải đưa nhau ra tòa hay trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp nhưng nếu hiện tượng này chưa được giải quyết dứt điểm (Thông qua việc ký kết Hiệp định hợp tác trên lĩnh vực dầu khí giữa hai Chính phủ) thì việc xảy ra các tranh chấp khó giải quyết là có thể xảy ra.

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dầu khí của Hàn Quốc trong giai đoạn 2000 - 2010 chưa ký kết thêm được bất cứ hợp đồng thăm dò, khai thác mới với phía Việt Nam. Nguyên nhân không phải nằm ở phía các công ty Hàn Quốc không đủ trình độ, năng lực kỹ thuật, tài chính, nhân lực mà xuất phát từ chỗ nhiều công ty nước ngoài khác đã bỏ thầu thấp hơn các công ty Hàn Quốc, sau khi trúng thầu họ đã chọn nhà thầu phụ chính là các công ty dầu khí của Hàn Quốc để thăm dò, khai thác. Thực tế này chỉ ra rằng, hoạt động đấu thầu quốc tế trong một số trường hợp sẽ gây thiệt hại cho Việt Nam hơn là việc chỉ định thầu đối với các nhà thầu có uy tín hoặc đấu thầu dựa vào nhiều điều kiện về kỹ thuật, năng lực tài chính hơn là giá chào thầu.

Do chưa có một cơ chế điều chỉnh riêng về lĩnh vực này nên hầu hết các công ty Hàn Quốc chưa nhận được nhiều sự ưu đãi từ phía Việt Nam hơn các đối tác của các quốc gia đã ký kết hiệp định hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam. Các ưu đãi mà các công ty Hàn Quốc chưa nhận được từ phía Việt Nam là: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn thị thực cho các chuyên gia dầu khí của Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam trong vòng 6 tháng; Chuyển trực tiếp ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu dầu thô thu được vào các tài khoản của công ty mẹ tại Hàn Quốc; Được quyền tự quyết định nhà thầu phụ…

Một điểm yếu nữa của các công ty dầu khí Hàn Quốc khi tham gia vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam là các công ty Hàn Quốc rất thiếu thông tin về lĩnh vực này của Việt Nam. Trên thực tế, trong các liên doanh khai thác dầu khí hiện tại có sự tham gia của các công ty dầu khí Hàn Quốc thì chỉ có KNOC là đầu mối duy nhất được cập nhật trực tiếp nguồn thông tin từ PVN. Tất

cả các hợp đồng ký kết giữa các công ty dầu khí của Hàn Quốc với các thành viên của PVN đều phải thông qua KNOC. Chính điều này đã làm hạn chế khả năng tham gia đấu thầu các dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam của các công ty dầu khí Hàn Quốc.

2.5.2.2. Về phía Việt Nam.

Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan trong hợp tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, sự phát triển hợp tác trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn nên chưa tương xứng với mối quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược” mà Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết. Điều này xuất phát từ một số hạn chế, bất cập ở phía Việt Nam như sau:

- Việt Nam thường “ưu tiên” lựa chọn các đối tác truyền thống như các công ty dầu khí của Nga và các nước Đông Âu cũ, các công ty đã tham gia hoạt động dầu khí tại Việt Nam lâu năm như BP, Exxon…do đó, cơ hội trúng thầu thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam của các công ty dầu khí của Hàn Quốc thường khó hơn các đối tác khác.

- Một vấn đề nữa của Việt Nam mà các công ty dầu khí Hàn Quốc rất quan tâm khi tham gia vào lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam là tình trạng tranh chấp về chủ quyền xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây không phải là vấn đề mới và riêng của Việt Nam nhưng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự tin tưởng vào tính ổn định của các hợp đồng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên các vùng biển chồng lấn hoặc có sự tranh chấp giữa các nước, mặc dù nhà nước Việt Nam đã có cam kết bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài trong tình huống có tranh chấp xảy ra.

- Như đã trình bày ở trên, các công ty của Hàn Quốc tỏ ra lo lắng khi chính sách và pháp luật Việt Nam thường có sự thay đổi đáng kể, tức là thiếu sự ổn định lâu dài. Do là một ngành kinh tế mũi nhọn và đặc thù, lĩnh vực dầu khí luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà nước Việt Nam. Có thể thấy rằng, kể từ khi Luật dầu khí ra đời đến nay, Việt Nam đã có 2 lần điều chỉnh Luật này vào các năm 2000 và 2008. Khi Luật dầu khí có sự điều chỉnh, bắt buộc hàng loạt văn bản hướng dẫn thực hiện Luật dầu khí của Chính phủ cũng có sự thay đổi theo. Như vậy, tính

trung bình, cứ 8 năm Luật dầu khí lại được điều chỉnh một lần. Trong khi đó, một hợp đồng ký kết để tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí có thời gian trung bình là 20-30 năm.

Có thể thấy, đây là những vấn đề chung mà bất cứ công ty nào của nước ngoài khi ra nhập vào lĩnh vực này của Việt Nam đều gặp phải.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, được sự ủng hộ của hai Chính phủ, các công ty dầu khí của Hàn Quốc đã hợp tác có hiệu quả với PVN trong gần 20 năm qua.

Kết quả của quá trình hợp tác là sự tham gia của 8 tập đoàn dầu khí hàng đầu của Hàn Quốc đã tham gia vào các liên doanh thăm dò, khai thác dầu khí tại hai Lô 15-1 và 11-2 với hơn 10 mỏ dầu và khí trên thềm lục địa Việt Nam với sản lượng hàng triệu tấn dầu, hàng tỷ m3 khí đồng hành được khai thác phục vụ nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam thu về nhiều tỷ đô la trong những năm qua, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động hợp tác giữa các công ty dầu khí Hàn Quốc tại Việt Nam với PVN hiện tại chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước cũng như sự phát triển của mối quan hệ hợp tác chiến lược của hai nước. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí vẫn còn có nhiều bất cập, hạn chế cần tìm ra hướng giải quyết.

Nguyên nhân của những bất cập, hạn chế đó xuất phát từ những chính sách phát triển ngành dầu khí của Việt Nam đặc biệt là chính sách đối với các loại thuế đánh vào dầu khí; Là việc hai bên chưa xây dựng được Hiệp định hợp tác về thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam để tạo hành lang pháp lý chung cho quan hệ hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa hai nước…Nguyên nhân cũng xuất phát từ phía Hàn Quốc khi một số quy định của pháp luật Hàn Quốc không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản…

Từ những thành tựu cũng như những hạn chế, bất cập đã được trình này ở Chương 2 sẽ cho chúng ta định hướng để đề xuất những cơ chế, chính sách giữa hai bên để khuyến khích các công ty dầu khí Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam tại Chương 3.

CHƯƠNG 3

XÂY DỰNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VÀ HÀN QUỐC

Một phần của tài liệu hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khai thác dầu khí việt nam và hàn quốc (Trang 48 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w