7. Bố cục của luận văn
2.1.1. Quá trình phát triển của ngành dầu khí Việt Nam
Các hoạt động thăm dò dầu khí ở Việt Nam bắt đầu vào đầu thập niên 1960 ở Đồng bằng Sông Hồng, miền Bắc Việt Nam, với sự hỗ trợ của Liên Xô cũ. Đến cuối năm 1970, gần 40 giếng đã được khoan trong khu vực; tuy nhiên, chỉ có một trường khí nhỏ ở Thái Bình được thương mại phát triển từ năm 1983. Tại cùng thời kỳ, thăm dò cũng được tiến hành trong thềm lục địa phía Nam thông qua các thỏa thuận nhượng quyền đã ký kết với công ty dầu mỏ quốc tế. Khảo sát địa chấn khu vực được thực hiện trên những khu vực tiềm năng và các giếng khoan thăm dò đã có kết quả tích cực, trong đó quan trọng nhất là việc phát hiện dầu thương mại ở Bạch Hổ, trong lưu vực sông Cửu Long. Điều này khẳng định tiềm năng dầu khí rõ ràng trong thềm lục địa của Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí đầu tiên (Production Sharing Contract - PSC) đã được ký kết giữa PetroVietnam và các nhà thầu nước ngoài để tiếp tục thăm dò dầu khí ở khu vực ngoài khơi phía Nam.
Lịch sử phát triển ngành dầu khí Việt Nam có thể chia ra làm 4 giai đoạn:
2.1.1.1. Trước năm 1975.
Do hoàn cảnh chiến tranh, các hoạt động thăm dò dầu khí chủ yếu thực hiện ở miền Bắc với sự giúp đỡ của Liên Xô cũ. Hoạt động thăm dò dầu khí ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 60 tại vùng trũng Hà Nội. Tại đây, với sự trợ giúp kỹ thuật và tài chính của Liên Xô cũ, Tổng cục Địa chất Việt Nam đã thực hiện giếng khoan thăm dò đầu tiên tại giếng khoan số 61, đạt độ sâu 3.000 mét. Kể từ đó, hàng loạt giếng khoan sâu đã được thực hiện, kết quả thu được là phát hiện mỏ khí Tiền Hải (Tiền Hải C) ở Thái Bình vào năm 1975.
Trong thời gian này, một số chương trình khảo sát địa vật lý đã được các công ty dầu khí nước ngoài tiến hành trên thềm lục địa Phía Nam vào cuối những năm 60, các chiến dịch khoan thăm dò do Mobil Oil và Pecten thực sự bắt đầu vào năm 1974 và 1975 ở bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn. Các công ty này đã tìm thấy dầu ở hai giếng khoan (Dừa – 1X và BH-1X) tại các cấu tạo đứt gãy thuộc Miocene Hạ và Oligocene. Khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, tất cả các hợp đồng nhượng địa của các công ty này đều hết hiệu lực.
2.1.1.2. Giai đọan 1976-1980.
Thời kỳ này Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã ký 5 hợp đồng PSC (hợp đồng chia sản phẩm và hợp đồng dịch vụ rủi ro) với 3 công ty dầu khí nước ngoài để tiến hành tìm kiếm thăm dò tại thềm lục địa phía Nam (Lô 15, 04, 12, 28, 29). Các công ty này đã khoan một số giếng khoan thăm dò và đã phát hiện một mỏ dầu (15A-1X) và 3 mỏ khí thiên nhiên (04-A-1X, 12-B-1X, 12-C-1X). Tuy nhiên, các công ty này đã không tiếp tục thẩm lượng vì cho rằng các phát hiện này là “không đáng kể”. Tất cả các hợp đồng dầu khí này đã kết thúc vào năm 1980.
Trong khi đó ở Miền Bắc, với sự trợ giúp của Liên Xô (cũ), Công ty dầu khí 1 - một công ty trực thuộc Tổng cục Dầu khí Việt Nam, không ngừng tăng cường các hoạt động dầu khí.
2.1.1.3. Giai đọan 1981-1988.
Đây là khoảng thời gian dài vắng bóng các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam. Sau năm 1981, khí thiên nhiên được khai thác tại mỏ Tiền Hải C đựơc đưa vào phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ công nghiệp tại địa phương. Cuối thời kỳ này, hoạt động tìm kiếm thăm dò tại vùng trũng sông Hồng giảm dần và chững lại.
Để phục vụ cho công tác thăm dò, tìm kiếm và khai thác nguồn tài nguyên quí giá của quốc gia, liên doanh dầu khí giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô (Vietsopetro) được thành lập năm 1981, ngoài việc tìm kiếm dầu khí ở phía Bắc, còn tiếp tục mở rộng hoạt động trên thềm lục địa phía Nam và đã đạt được những thành tựu quan trọng sau đây:
- Tiến hành khảo sát địa vật lý cho hầu hết diện tích phần thềm lục địa từ Bắc vào Nam. Hàng loạt các giếng khoan thẩm lượng và khai thác ở khu vực mỏ Bạch Hổ được thực hiện, dẫn đến việc phát hiện dầu ở tầng cát Oligocene và tầng móng nứt nẻ. Đây là sự kiện quan trọng mang đến những thay đổi trong việc đánh giá trữ lượng và mục tiêu khai thác của mỏ Bạch Hổ, cũng như cho ra đời một quan niệm địa chất mới về việc tìm kiếm thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.
- Mặc dù còn nhiều hạn chế về năng lực, trình độ và số lượng các mỏ đựơc phát hiện, nhưng các giếng khoan thăm dò ở các cấu tạo Rồng, Đại Hùng và Tam Đảo đã mang lại những kết quả khả quan về việc phát hiện nguồn tài nguyên quí giá của Việt Nam. Sau đó các mỏ Rồng, Đại Hùng đã được đưa vào khai thác thương mại và mang lại nguồn lợi to lớn cho đất nứơc Việt Nam.
- Giai đoạn 1981-1988 là giai đoạn mở đầu hình thành ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, đặt nền móng cho hoạt động tìm kiếm thăm dò trong các giai đoạn tiếp theo trên toàn bộ khu vực thềm lục địa, và đưa tới những thành công to lớn hiện nay của ngành kinh tế trọng điểm này.
2.1.1.4. Giai đoạn từ 1988 - tới nay.
Với mục tiêu xác định tiềm năng và gia tăng trữ lượng dầu khí, phát hiện thêm nhiều mỏ mới, đảm bảo nhu cầu về sản lượng dầu khí cho đất nước, ngành Dầu khí Việt Nam đã không ngừng mở rộng khu vực tìm kiếm, thăm dò thông qua các hợp đồng phân chia sản phẩm, hợp đồng liên doanh, hợp đồng điều hành chung… với các đối tác nứơc ngoài có kinh nghiệm như nhiều công ty dầu khí của các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga….; Cụ thể đến nay, PetroVietnam đã ký kết 37 hợp đồng dầu khí, 1 Hợp đồng hợp tác kinh doanh và 7 liên doanh điều hành hợp đồng với 50 quốc gia và các công ty khí đốt trong đó có tập đoàn dầu khí KNOC của Hàn Quốc.
Nhiều phát hiện quan trọng của các liên doanh đã đưa nhanh các mỏ vào khai thác và áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao sản lượng khai thác, tăng hệ số thu hồi dầu khí và bảo vệ môi trường tài nguyên.