Nguyên nhân của rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh thái bình (Trang 25 - 31)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.2. RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.2.3. Nguyên nhân của rủi ro tín dụng

“Một thực tế đáng buồn là có rất nhiều khách hàng có phương án kinh doanh rất khả thi, lĩnh vực kinh doanh có rất nhiều thuận lợi, tuy nhiên khi bắt đầu có đủ các điều kiện về vốn để thực hiện phương án thì do năng lực quản trị, kinh nghiệm điều hành còn hạn chế, không đủ khả năng ứng phó trước những biến động thị trường dẫn đến họat động kinh doanh không đạt hiệu quả như kế họach đã đề ra.

Sử dụng vốn vay sai mục đích: Khách hàng cố tình lập các chứng từ rút vốn vay giả mạo mà do nhiều lí do ngân hàng không phát hiện được, để lấy vốn vay sử dụng khác với mục đích đã trình bày trong phương án vay vốn. Việc sử dụng vốn vay sai mục đích trong nhiều trường hợp là do người vay sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm với kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao, tuy nhiên kết quả lại không như ý muốn. Cũng có trường hợp khách hàng đã không có khả năng trả nợ vay tại ngân hàng khác, và cố tình tìm mọi cách vay vốn tại ngân hàng này và mang đi đảo nợ là nguyên nhân dẫn đến khách hàng không có nguồn trả nợ để thanh toán nợ đúng hạn và đầy đủ cho ngân hàng.

Rủi ro tín dụng xảy ra xuất phát từ trình độ yếu kém của người vay trong dự đoán các vấn đề kinh doanh, yếu kém trong quản lý, chủ định lừa đảo ngân hàng, chây ì không chịu trả nợ. Rất nhiều người vay tiền ngân hàng để tham gia vào những dự án mạo hiểm mong kiếm được lợi nhuận cao. Để đạt được mục đích của mình, họ sẵn sàng tìm mọi thủ đoạn để ứng phó với ngân hàng như cung cấp thông tin sai lệch, mua chuộc cán bộ ngân hàng… Bên cạnh đó lại có những khách hàng không tính toán kỹ lưỡng những bất trắc có thể xảy ra trong kinh doanh, không có khả năng thích ứng và khắc phục khó khăn trong kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp do thiếu năng lực về khả năng quản lý tài chính lại không có tài sản thế chấp hợp lệ do đó không đủ điều kiện để đảm bảo an toàn cho việc vay vốn ngân hàng. Họ đã lập các giấy tờ, số liệu giả hòng qua mắt ngân hàng

để được ngân hàng cấp tín dụng. Đối với những trường hợp này nếu ngân hàng không phát hiện thì khả năng xảy ra rủi ro tín dụng là rất lớn. Người vay lợi dụng ngân hàng không thể kiểm soát hết được hoạt động kinh doanh của mình nên đã sử dụng vốn vay sai mục đích đã ghi trong hợp đồng tín dụng. Như vậy coi như toàn bộ giá trị thẩm định trước khi tiến hành cho vay của ngân hàng trở thành vô nghĩa và rủi ro tín dụng xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong trường hợp còn lại, người vay kinh doanh có lãi song vẫn không trả nợ cho ngân hàng đúng hạn. Họ chây ì với hy vọng có thể quỵt nợ, hoặc sử dụng vốn vay càng lâu càng tốt. Đây chính là biểu hịên của rủi ro đạo đức, chúng ta cũng có thể thấy rủi ro đạo đức kéo theo rủi ro tín dụng.

1.2.3.2. Nguyên nhân chủ quan từ phía Ngân hàng

Quy mô tín dụng: Tốc độ tăng trưởng tín dụng được xem như một trong những yếu tố ảnh hưởng và cảnh báo sớm tới RRTD trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.Khi nền kinh tế tăng trưởng, trước áp lực cạnh tranh để phát triển, các ngân hàng có thể nới lỏng điều kiện xét duyệt tín dụng. Điều này sẽ tích lũy rủi ro và bộc phát vào giai đoạn kinh tế suy thoái. Nghiên cứu của Salas & Saurina (2002) cho thấy tác động này có thể với độ trễ từ 1 đến 4 năm.

Chính sách và quy trình cho vay lỏng lẻo: Định hướng tín dụng chưa đạt được tầm chiến lược, chưa triệt để nguyên tắc của thị trường là lợi nhuận và mức rủi ro có thể chấp nhận đươc, bị cuốn theo hội chứng kinh tế, theo phong trào, theo khẩu hiệu phát triển kinh tế, tìm mọi cách cạnh tranh, giành giật thị trường ở các ngành hàng, các nhóm khách hàng mà không hề nhận thấy rằng ngân hàng mình không có sở trường trong lĩnh vực này hoặc chưa chuẩn bị đủ tiềm lực đối với ngành hàng này.

Kỹ thuật cấp tín dụng còn nghèo nàn, chưa hiện đại và đa dạng như việc xác định hạn mức tín dụng cho khách hàng còn quá đơn giản, thời hạn chưa phù hợp.

Công tác quản lý rủi ro tín dụng và kiểm sóat sau cho vay chưa được chú trọng, chỉ mang tính hình thức.

Thiếu thông tin: Ngân hàng chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu về khách hàng một cách đầy đủ, chưa có các kênh kiểm tra chéo thông tin. Việc phân tích tín dụng và quyết định cho vay hầu như chỉ dựa trên các thông tin từ phía khách hàng cung cấp, các mối quan hệ cá nhân.

Chất lượng cán bộ kém, không đủ trình độ đánh giá khách hàng hoặc đánh giá không tốt, cố tình làm sai,v.v… là một trong những nguyên nhân của rủi ro tín dụng trong các ngân hàng thương mại. Nhân viên ngân hàng phải tiếp cận với nhiều ngành nghề, nhiều đối tượng, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều quốc gia. Do vậy để cho vay tốt, họ phải am hiểu khách hàng, lĩnh vực mà khách hàng kinh doanh, môi trường mà khách hàng đang sống. Họ phải có khả năng dự báo các vấn đề liên quan đến người vay,v.v… Như vậy, họ phải được đào tạo và tự đào tạo kỹ lưỡng, liên tục và toàn diện. Khi nhân viên tín dụng cho vay đối với khách hàng mà họ chưa đủ trình độ để đánh giá khách hàng thì rủi ro tín dụng luôn rình rập họ. Sống trong môi trường tiền bạc, nhiều nhân viên không tránh khỏi sự cám dỗ của đồng tiền. Họ tiếp tay cho những khách hàng không đủ tiêu chuẩn được vay tiền của ngân hàng, mang lại rủi ro lớn cho ngân hàng thậm chí họ còn rút ruôt ngân hàng.

Như vậy chất lượng nhân viên ngân hàng bao gồm cả trình độ và đạo đức nghề nghiệp không đảm bảo là nguyên nhân gây ra rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó cũng có khía cạnh ngân hàng còn thể hiện sự yếu kém trong khâu quản lý cán bộ ngân hàng, cũng gây ra rủi ro tín dụng. Ngân hàng nào buông lỏng công tác quản lý rủi ro tín dụng chắc chắn ngân hàng đó luôn phải đối phó với rủi ro tín dụng.

Các quy định về hạn chế tín dụng cho vay một khách hàng không được tôn trọng. Theo cơ chế hiện hành, Ngân hàng thương mại chỉ cho doanh nghiệp vay với tổng mức các hợp đồng tín dụng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng mình nhưng nhiều ngân hàng lại vi phạm điều đó. Việc chấp hành quy chế chuyển nợ quá hạn còn chưa được thực hiện đúng với quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Một số ngân hàng, vì sợ tỷ lệ nợ quá hạn cao nên nhiều khoản vay đáng lẽ phải chuyển sang nợ quá hạn nhưng ngân hàng lại không chuyển mà cứ gia hạn nợ nhiều lần, đảo nợ tức là cho vay nợ mới để thu nợ cũ. Điều này thật sự rất nguy hiểm về mặt kinh doanh tiền tệ. Vì vậy trên thực tế con số nợ quá hạn chiếm tỷ lệ lớn nhưng lại phản ánh trên sổ sách với tỷ lệ thấp hơn.

Sau cùng công tác kiểm soát nội bộ cũng góp một phần quan trọng trong quản lý rủi ro tín dụng. Lơi là công tác này đồng nghĩa với rủi ro tín dụng xảy ra với quy mô lớn. Kiểm soát nội bộ là thông qua công tác này giúp cho cán bộ điều hành công việc theo đúng cơ chế, quy chế và đúng pháp luật. Việc kiểm soát nội bộ không được thực hiện hoặc không thường xuyên kịp thời thì những sai sót lệch lạc trong hoạt động tín dụng sẽ không được phát hiện kịp thời, do đó rủi ro tín dụng sẽ xảy ra.

1.2.3.3. Nguyên nhân từ môi trường kinh doanh

Môi trường pháp lý: Nhà nước xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ và có hiệu lực sẽ làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế giữa các tổ chức kinh tế với nhau cũng như giữa các tổ chức đó đối với ngân hàng. Ngược lại, hệ thống pháp lý lỏng lẻo sẽ tạo ra nhiều kẽ hở, gây tình trạng mánh khoé, lừa đảo và gây thiệt hại lẫn nhau và thiệt hại cho các ngân hàng.

Môi trường kinh tế: môi trường kinh tế tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng cũng như các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khi nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định thì các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Ngược lại khi nền kinh tế rơi và tình trạng mất ổn định, suy thoái,

làm cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, sản xuất bị đình trệ, sức mua giảm sút, hàng hoá ứ đọng. Điều này đã làm cho các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ cho ngân hàng. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, nên nó có tác động rất lớn đến hoạt động của ngân hàng. Hoạt động tín dụng phải tuân theo nguyên tắc thị trường, đi vay để cho vay, lãi suất phải bảo đảm bù đắp được chi phí và kinh doanh có lãi. Tín dụng phải đảm bảo ba nguyên tắc: có mục đích, có bảo đảm và có hoàn trả, nhưng môi trường của nền kinh tế rất nhiều tàn tích của bao cấp, của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.

Môi trường chính trị: Môi trường chính trị ổn định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp luôn phải đặt trong tình trạng chiến tranh cấm vận kinh tế, chính trị bất ổn, tệ nạn xã hội tràn lan… đều là những nguyên nhân gián tiếp của rủi ro tín dụng.

Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh: Đây là những rủi ro mà cả khách hàng lẫn ngân hàng đều không lường trước đối với khoản tín dụng của mình, khách hàng gặp khó khăn ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay ngân hàng. Đối với khách hàng có tiềm lực tài chính mạnh thì cũng phải có thời gian để ổn định lại quá trình kinh doanh thì mới có khả năng trả nợ ngân hàng, còn với các khách hàng có tiềm lực yếu thì khoản tín dụng có khả năng rất cao lâm vào tình trạng nợ xấu

Nguyên nhân từ môi trường quốc tế: Xu hướng hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế. Một mặt nó tạo điều kiện giao lưu kinh tế, tăng hiệu quả kinh tế xã hội đất nước nhưng mặt khác nó lại tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt. Nếu doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả thì lập tức sẽ bị phá sản và chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngân hàng.

Quan hệ kinh tế mở rộng ra các nước đã tạo ra sự ràng buộc về kinh tế, tiềm ẩn những rủi ro mang tính hệ thống. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực vừa qua là một ví dụ điển hình.[2]

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam chi nhánh tỉnh thái bình (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)