2.3. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM – CHI NHÁNH THÁI BÌNH
2.3.2. Hạn chế và nguyên nhân
Mặc dù đã có những kết quả đáng khích lệ nhưng quản trị rủi ro tín dụng của CN vẫn còn bộc lộ những hạn chế thể hiện qua các nội dung như:
- Về nhận diện rủi ro: Khâu nhận biết RRTD đôi khi chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, các dấu hiệu cảnh báo đã được hệ thống hóa thành quy trình nhưng cón yếu ở khâu thu thập thông tin nhiều chiều và kịp thời.
- Về đo lường rủi ro: Công tác đo lường RRTD mới chỉ thực hiện mang tính khái quát chung, thiếu các chỉ tiêu cụ thể để khái quát được mức độ rủi ro của từng ngành nghề kinh doanh và mục đích kinh doanh khác nhau. Quy trình quản lý, đo lường và theo dõi tín dụng chủ yếu vẫn thực hiện thủ công. Việc đánh giá khách hàng (KH) thường mang tính cảm nhận từ CBTD, những kết luận đại loại như khách hàng không có nợ cần chú ý trong 12 tháng gần nhất, không có nợ xấu trong 5 năm gần đây, uy tín trả nợ tốt… còn chung chung và thiếu cơ sở về tài liệu lưu trữ trong quá khứ như số lần đã phải gia hạn, quá hạn, gia hạn lãi… của nhiều năm trước đây gần như không có thống kê theo dõi.
- Về kiểm tra, kiểm soát rủi ro: Khâu quản lý, kiểm soát RRTD đôi khi còn nặng về hình thức và mang tính đối phó với Ban kiểm toán nội bộ.
- Về xử lí nợ xấu và nợ có vấn đề: Hiệu quả xử lý đối với các khoản nợ xấu còn nhiều hạn chế, không theo dõi đầy đủ quá trình thực hiện thu hồi nợ của bộ phận xử lý nợ để đánh giá đúng các nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến cho tiến độ xử lý nợ chậm.
2.3.2.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân khách quan:
*Về đảm bảo tiền vay:
- Chưa rõ ràng trong quy định về quyền sở hữu tài sản trên đất, về quyền sở hữu tài sản đối với DNNN
- Không có quy định chặt chẽ trong vấn đề phát mại tài sản thế chấp nên gây không ít khó khăn cho ngân hàng trong việc bán tài sản để thu nợ
*Về quy định phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng còn nhiều bất cập:
- Phân loại nợ chủ yếu dựa vào thời hạn trả nợ, thiếu các sự đánh giá kết hợp nên không phản ánh đúng thực chất khoản nợ
- Không thực hiện được việc chuyển nợ sang nhóm nợ rủi ro cao hơn vì khách hàng có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng khác nhau.
- Chưa đưa ra đươc nguyên tắc trích lập dựa trên căn cứ vào dự tính luồng tiền của từng khoản nợ, tính tỷ lệ chiết khấu để suy ra mức trích lập.
* Pháp lệnh kế toán thống kê chưa đủ hiệu lực bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện chế độ hạch toán thống kê chính xác kịp thời.
* Vai trò kiểm toán chưa được phát huy và hệ thống thông tin chưa được thực hiện một cách hữu hiệu.
Nguyên nhân chủ quan:
* Về công tác tổ chức quản trị RRTD còn nhiều bất cập
- Mô hình hoạt động quản trị rủi ro tín dụng chưa có tính khoa học:
Hiện nay, đang tồn tại 2 cấp quyết định là: cấp tại Hội sở chính và cấp tại Chi nhánh. Đối với cấp chi nhánh, được quyền quyết định cho vay đối với các khoản vay có giá trị nhỏ (quy định phân quyền đối với chi nhánh). Đối với các khoản vay có giá trị lớn thì được đưa ra hội đồng tín dụng quyết định. Không có sự độc lập giữa chức năng bán hàng, tác nghiệp và quản lý rủi ro trong mô hình tổ chức tín dụng. Để giảm rủi ro xuống mức thấp nhất, cần thiết có sự độc lập giữa các chức năng mà một cán bộ tín dụng thường thực hiện (phân tích, thẩm định, dự báo, đo lường, đánh giá lại theo định kỳ…) và chức năng tác nghiệp (xử lý hồ sơ, theo dõi, giám sát khoản vay, thu nợ, thu lãi…).
- Tư duy trong quá trình quyết định cho vay hiện nay tại các ngân hàng Việt Nam nói chung và tại Agribank Thái Bình nói riêng, không chỉ riêng CBTD mà ngay cả một số lãnh đạo ngân hàng vẫn thường quá coi trọng yếu tố tài sản bảo đảm và coi đó là yếu tố quan trọng nhất khi quyết định cho vay. Với tư duy cũ đó, CBTD chưa thật sự đánh giá đúng mức tư cách cá nhân vay vốn, không coi trọng tính khả thi của phương án sản xuất, kinh doanh từ đó dẫn đến việc thẩm định còn sơ sài có tính hình thức. Đây là điều hết sức đáng lo ngại, một mặt ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng cá nhân của ngân hàng, mặt khác bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh tốt.
*Về hệ thống cung cấp thông tin hoạt động chưa hiệu quả.
Mặc dù hiện nay tỷ lệ xấu tại Agribank Thái Bình có tỷ lệ thấp, song qua theo dõi kết quả kiểm tra của Phòng kiểm toán nội bộ cho thấy quá trình thẩm định khách hàng vay vốn chưa chặt chẽ do cán bộ thiếu thông tin, việc phân tích, đánh giá, nhận xét các thông tin chưa chuẩn xác mang tính chủ quan, chủ yếu dựa vào các số liệu, tài liệu do khách hàng cung cấp chưa thu thập thông tin qua bạn hàng,
cơ quan chủ quản, cơ quan thuế...những sai sót trên là nguy cơ lớn dễ xảy ra RRTD trong tương lai.
+ Thông tin từ trung tâm thông tin tín dụng (CIC) cũng chỉ mới khai thác hồ sơ của KH trong thời gian 5 năm trở lại đây nhưng cũng không thường xuyên, thông tin còn chậm, không cập nhật kịp thời nên hiệu quả khai thác thông tin chưa cao.
+ Sự chia sẻ thông tin từ các cơ quan Nhà nước (Thuế, Kiểm toán, Công an, Công chứng...), các TCTD rất khó khăn, chủ yếu phải có mối quan hệ mới có được nguồn thông tin, tuy nhiên cũng hạn chế nhiều. Bên cạnh đó, các cơ quan còn có những quy định riêng về tính bảo mật và cạnh tranh nên khó khai thác hết được thông tin mà ngân hàng cần.
+ Sự thiếu thông tin tín dụng là nhân tố góp phần tạo ra khó khăn đó chính là về phía khách hàng đã không cung cấp đầy đủ những thông tin hoặc cung cấp những thông tin thiếu chính xác và hiện tượng “thông tin không cân xứng” giữa ngân hàng và khách hàng. Điều này liên quan chặt chẽ đến uy tín và phẩm chất của KH. Đối với KH truyền thống của ngân hàng thì điều này ít khi xảy ra, tuy nhiên đối với những khách hàng mới có quan hệ giao dịch lần đầu tiên thì trường hợp cung cấp thông tin không chính xác có khi còn sai lệch để đạt được yêu cầu và mục tiêu xin vay là đã xảy ra. Chính điều này đã gây cản trở cho công tác tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng cá nhân của ngân hàng.
*Về năng lực đội ngũ cán bộ tại Agribank Thái Bình chưa cao
Do đặc điểm kinh doanh đa dạng của khách hàng đòi hỏi CBTD phải am hiểu lĩnh vực mà khách hàng kinh doanh cũng như sự phù hợp giữa năng lực của khách hàng và môi trường kinh doanh. Như vậy CBTD cần phải được đào tạo, tự đào tạo kỹ lưỡng và không ngừng cập nhật những kiến thức mới ở nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, thực tế phần lớn nhân sự tại bộ phần này đều có ít kinh nghiệm thực tế, không có hoặc có rất ít thời gian trải qua công tác tại bộ phận tín dụng, điều này dẫn đến những hạn chế nhất định trong phân tích, thẩm định và giám sát cho vay.
Không tuân thủ đúng quy trình cho vay. Khâu thẩm định hời hợt, quá trình kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay không chặt chẽ và công tác kiểm tra sau cho vay không được thực hiện đầy đủ của CBTD dẫn đến không phát hiện kịp thời những khó khăn của khách hàng ngay từ khi vừa nhen nhóm.
Ngoài ra phải nói đến vấn đề đạo đức của một số cán bộ ngân hàng. Họ cố tình che dấu những thông tin không tốt về khách hàng do đã thông đồng với khách hàng từ trước, làm ngơ trước những dấu hiệu bất thường của khách hàng.
Việc kiểm tra, giám sát khách hàng, khoản vay chưa chặt chẽ, còn hình thức.
Thời hạn cho vay chưa phù hợp với kỳ luân chuyển vốn, khách hàng sau khi bán hàng không trả nợ ngân hàng mà dùng vốn quay vòng tiếp theo hoặc sử dụng sai mục đích làm ảnh hưởng kế hoạch trả nợ tiền vay.
Vẫn còn một vài CBTD chưa tự đào tạo để nâng cao trình độ nghiệp vụ, làm việc theo lỗi cũ, không theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế.
Những nguyên nhân trên chính là căn cứ để em đưa ra các giải pháp và kiến nghị góp phần hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank Thái Bình sẽ được trình bày ở chương tiếp theo.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Tóm lại, trên cơ sở lý luận đã được xây dựng ở Chương 1, Chương 2 của luận văn đã tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank Thái Bình từ năm 2020 đến năm 2022. Tổng hợp các kết quả phân tích
và đánh giá, Chương 2 đã xác định được những thành công và kết quả đạt được để phát huy, tìm ra những tồn tại và nguyên nhân để giải quyết nhằm hoàn thiện quản trị rủi ro tín dụng tại Agribank Thái Bình trong thời gian tới. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để làm căn cứ cho việc đưa ra giải pháp, đề xuất trong Chương 3.