CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM - CHI NHÁNH THÁI BÌNH
3.1. ĐỊNH HƯỚNG TĂNG CƯỜNG QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM - CHI NHÁNH THÁI BÌNH
3.1.1. Định hướng phát triển Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Thái Bình
“Nền kinh tế trong nước đã phục hồi sau chu kỳ khủng hoảng. Cuộc khủng khoảng nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã được chặn đứng và đang được khắc phục, kinh tế đã có chiều hướng đi lên. Trong cuộc xử lý nợ xấu vừa qua, những ngân hàng nhỏ, yếu kém đang dần bị sát nhập với các ngân hàng khác, một số ngân hàng được NHNN mua lại với giá không đồng, cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng vẫn tiếp tục diễn ra, với đề án sắp tới của NHNN là cho phá sản ngân hàng yếu kém nếu không tự cấu trúc được hoặc không có đối tác bên ngoài tham gia tái cơ cấu. Để tồn tại và phát triển các ngân hàng thương mại cần xác định rõ những kế hoạch kinh doanh có tính chiến lược và biện pháp cụ thể, đủ khả năng để có thể bước vào chặng đường đầy khó khăn chông gai phía trước.
Cùng với những chính sách mà Agribank đề ra, Agribank Thái Bình luôn coi các hoạt động đầu tư tín dụng là chiến lược kinh doanh đứng đầu của mình. Đồng thời phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch mà Agribank giao. Trong những năm sắp tới CN không ngừng đổi mới, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Phấn đấu hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của ngân hàng năm 2025.
Thực hiện hoạt động tín dụng dựa trên quan hệ cung cầu vốn trong thị trường, có mức độ lãi suất và chính sách khách hàng hợp lý. Đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho những dự án dài hạn được Agribank duyệt, nhu cầu đẩy mạnh kinh doanh của cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cải thiện và nâng cao về chất lượng của công tác tín dụng, kiểm tra kỹ lưỡng, đi sâu đi sát các đơn vị. Thường xuyên phân loại nợ, thực hiện đánh giá các khoản nợ, xếp hạng khách hàng tín dụng, cải thiện chất lượng công tác thông tin khách hàng, thông tin về phòng tránh rủi ro.
Đồng thời từng bước giảm tối đa khách hàng là TCTD, TCTC. Đa dạng hoá các khách hàng, giảm đi sự phụ thuộc vào các khách hàng có nguồn vốn lớn. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết với các khách hàng lớn, tìm kiếm các khách hàng và dự án mới. Mở rộng mạng lưới phạm vi hoạt động, mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh khác hơn nữa, đa dạng hoá các hình thức huy động để thu hút tiền gửi dân cư.
Hoạt động dựa trên cơ sở nhận thức rõ sự quan trọng và cần thiết của quản lý rủi ro, an toàn tài sản và giữ khả năng thanh khoản, khả năng sinh lời. Áp dụng thống nhất các thông lệ quốc tế trong việc điều hành ngân hàng để bước vào hội nhập. Nhất là ứng dụng Basel II trong việc phân loại và quản lý rủi ro tín dụng.
Cải thiện hiệu quả sử dụng vốn lên mức cao hơn bằng biện pháp tích cực tìm kiếm thị trường tốt để đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi, tập trung mở rộng quy mô và cải thiện chất lượng tín dụng. Đưa các nghiệp vụ và dịch vụ ngân hàng hiện đại vào hoạt động để đồng thời tạo ra nhiều kênh huy động vốn và đẩy mạnh quá trình chu chuyển vốn.
Tiếp tục cải thiện, phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện có như bảo lãnh, thanh toán quốc tế, thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế... Liên tục cải thiện thủ
tục hành chính nhanh gọn hơn. Lấy công nghệ thông tin làm cơ sở để phát triển mô hình ngân hàng theo hướng hiện đại, xây dựng quy trình tín dụng nhanh hơn, thuận tiện, an toàn và hiệu quả. Cùng với phát triển thẻ ATM là quá trình bán chéo sản phẩm cần được đẩy mạnh.
Tăng cường đầu tư vào công tác tự đào tạo nghiệp vụ kinh doanh phù hợp với chuẩn mực và kinh nghiệm quốc tế. Phối hợp chặt chẽ giữa chi bộ Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Thiết lập công tác thi đua với việc thực hiện công tác chuyên môn của chi nhánh. Đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ công nhân viên.
Hoàn thành công tác tài chính cho các đơn vị. Tăng thu, giảm chi phí, thực hiện rộng khắp chương trình thực hành tiết kiệm toàn chi nhánh. Tăng cường quản lý theo đúng quy trình nghiệp vụ, xây dựng các quy chế kiểm tra, giám sát nội bộ và tổ chức việc kiểm tra thường xuyên, liên tục, hạn chế mất mát, tổn thất tài sản.
Duy trì mức tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý; ưu tiên vốn đầu tư cho khu vực sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, cẩn trọng với các mảng tín dụng rủi ro cao như đầu tư chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản.
Cải tiến và phát triển công nghệ ngân hàng, cung cấp thêm các sản phẩm tín dụng, tiện ích; nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ đủ sức cạnh tranh và hội nhập.
Định hướng được cụ thể hóa tại các chỉ tiêu như sau: Nguồn vốn tăng bình quân 19-21%/năm; trong đó nguồn vốn trung, dài hạn chiếm tỷ trọng trên 40%; Dư nợ tín dụng tăng bình quân 17 – 19%/năm; Dư nợ trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 50%/tổng dư nợ”.[13]
3.1.2. Quan điểm tăng cường quản trị rủi ro tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam- Chi nhánh Thái Bình
“Với định hướng chiến lược chung của Agribank là vươn lên trở thành một trong những tập đoàn tài chính – ngân hàng mạnh hàng đầu của Việt Nam. Chiến lược của Agribank tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển, phát huy lợi thế so sánh của Agribank là một ngân hàng có mạng lưới rộng khắp nhất và là ngân hàng nằm trong những ngân hàng có quy mô lớn nhất, có thế mạnh về nông nghiệp nông thôn, và với sự hợp tác với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước nhằm nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh thị phần - mở rộng lĩnh vực và quy mô hoạt động một cách hiệu quả và bền vững.
Để đạt được cùng với chiến lược chung của Agribank thì Agribank Thái Bình xác định đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả và bền vững song song với mở rộng quy mô hoạt động, Agribank Thái Bình quan tâm đặc biệt đến công tác quản trị rủi ro của mình.
Với định hướng chung Agribank Thái Bình tăng cường quản trị rủi ro tín dụng ở mức an toàn. Agribank Thái Bình đưa ra định hướng quản trị tín dụng với mục tiêu chấp nhận tỷ lệ rủi ro và tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 1% trên tổng dư nợ tín dụng, để tăng trưởng và phát triển tín dụng tìm kiếm lợi nhuận. Ưu tiên phát triển tín dụng theo hướng lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực có khả năng phát triển tốt và hiệu quả (hàng tiêu dùng, thời trang, điện máy, nguyên vật liệu cho sản xuất, dây chuyền sản xuất, mở rộng đối tượng cho vay tín dụng. Xây dựng, củng cố hoạt động các phòng có liên quan trực tiếp đến hoạt động tín dụng, củng cố hoạt động của phòng quản lý rủi ro tín dụng, Củng cố hoạt động của phòng kiểm soát nội bộ.