Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT TỐ CÁO HÀNH CHÍNH
1.2. Lý luận về tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính
1.2.3. Các yếu tố tác động đến tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính của các cơ quan hành chính
Một là, chính sách, pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính: Mỗi vấn đề chính sách, pháp luật có tác động trực tiếp đến cách giải quyết vấn đề và tổ chức thực hiện trên thực tế. Nếu chính sách, pháp luật đơn giản, liên quan đến ít đối tượng thì công tác tổ chức thực hiện sẽ thuận lợi hơn nhiều so với các vấn đề phức tạp có quan hệ lợi ích với nhiều đối tượng trong xã hội. Tính chất cấp bách của chính sách, pháp luật tác động rất lớn đến kết quả tổ chức thực hiện. Nếu là vấn đề bức xúc cần được giải quyết ngay mới giúp cho đối tượng phát triển theo mục tiêu định hướng, thì sẽ được nhà nước và xã hội ưu tiên các nguồn lực thực hiện. Tính chất của vấn đề của chính sách, quy định về pháp luật giải quyết tố cáo hành chính là yếu tố khách quan có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện pháp luật tố cáo hành chính trên thực tế nhanh hay chậm, thuận lợi hay khó khăn...
Ngoài ra, đối với công tác tổ chức thực hiện pháp luật về tố cáo hành chính thì quy trình thực hiện phải được chú trọng, việc tuân thủ quy trình cũng là một nguyên tắc hành động của hoạt động quản lý nhà nước. Mỗi bước trong quy trình đều có vị trí, ý nghĩa to lớn đối với quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, ví dụ như tuyên truyền, vận động về chính sách pháp luật và việc thực thi, trước hết chính sách và pháp luật phải được phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng để họ nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của mục tiêu chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời cũng thấy được lợi ích mang lại từ chính
sách, pháp luật. Qua đó củng cố thêm lòng tin của mọi người vào chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau khi làm rõ lợi ích của chính sách, pháp luật đối với đời sống xã hội, các cơ quan nhà nước tiếp tục vận động các đối tượng tích cực thực hiện chính sách. Kết hợp các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách với vận động thực thi sẽ giúp cho các đối tượng nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác trong việc thực hiện pháp luật. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế.
Hai là, ý thức pháp luật và khả năng tiếp nhận pháp luật của người dân:
Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, quan niệm thịnh hành trong xã hội, thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luật hiện hành, pháp luật đã qua và pháp luật cần phải có, thể hiện sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp trong hành vi xử sự của con người, cũng như trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội. Ý thức pháp luật gồm: sự hiểu biết về pháp luật; thái độ đối với pháp luật; khả năng thực hiện và áp dụng pháp luật. Thông qua ý thức pháp luật, các chủ thể tham gia tổ chức thực hiện pháp luật sẽ thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình và qua đó đạt được hiệu quả như yêu cầu đặt ra.
Cần tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của người dân vì đây là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại của pháp luật, chính sách. Mục tiêu của chính sách, pháp luật là làm thay đổi trạng thái kinh tế, xã hội hiện tại theo nhu cầu của đời sống xã hội. Đây là vấn đề lớn, cần có sự đóng góp sức người, sức của trong một thời gian đủ để các yếu tố cấu thành trạng thái kinh tế-xã hội vận động phát triển lên một trình độ cao hơn, làm thay đổi được về chất của xã hội. Vì thế việc thực hiện các mục tiêu chính sách không thể chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước, mà phải có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Trên thực tế, các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành công tác tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, còn các
tầng lớp nhân dân là những đối tượng thực hiện. Như vậy, nhân dân vừa là người trực tiếp tham gia hiện thực hóa mục tiêu chính sách, vừa trực tiếp thụ hưởng những lợi ích mang lại từ chính sách, pháp luật. Đối với công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính, việc công dân nắm vững được các chính sách, pháp luật và theo dõi được tình hình hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền của mình một cách trọn vẹn, đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ba là, yếu tố nguồn lực của chủ thể tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính. Cần quan tâm đến năng lực thực thi pháp luật, chính sách, vì đây là yếu tố có vai trò quyết định đến kết quả tổ chức thực hiện.
Năng lực thực thi của cán bộ, công chức là thước đo bao gồm nhiều tiêu chí phản ánh về đạo đức công vụ, về năng lực thiết kế tổ chức, năng lực thực tế, năng lực phân tích, dự báo để có thể chủ động ứng phó được với những tình huống phát sinh trong tương lai... Các cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính khi được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và chấp hành tốt kỷ luật công vụ thì mới đạt hiệu quả trong công tác. Tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật được thể hiện trong thực tế thành năng lực. Đây là một yêu cầu rất quan trọng đối với mỗi cán bộ, công chức để thực hiện việc đưa pháp luật giải quyết tố cáo hành chính của Nhà nước vào cuộc sống. Nếu thiếu năng lực thực tế, các cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện pháp luật sẽ đưa ra những kế hoạch dự kiến không sát thực tế, làm lãng phí nguồn lực huy động, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách, thậm chí còn làm biến dạng chính sách, pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện... Năng lực thực tế và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức còn thể hiện ở thủ tục giải quyết những vấn đề trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với cá nhân và tổ chức trong xã hội. Nhìn chung cán bộ, công chức có năng lực thực hiện tốt, không những chủ động điều phối được các yếu tố
chủ quan tác động theo định hướng, mà còn khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của các yếu tố khách quan để công tác tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả thật sự. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện vật chất để tổ chức thực hiện pháp luật, bởi ngày càng có ý nghĩa quan trọng để cùng nhân sự và các yếu tố khác thực hiện thắng lợi pháp luật của Nhà nước. Để quản lý mọi mặt hoạt động trong điều kiện phát triển hiện nay, Nhà nước phải luôn tăng cường các nguồn lực vật chất và nhân sự, trong đó nguồn lực vật chất tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và phương tiện hiện đại để hỗ trợ các quá trình quản lý của nhà nước hiện đã trở thành một nguyên lý phát triển. Nếu các điều kiện vật chất kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu sẽ giúp cho tính khả thi của công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính luôn được tăng cường. Trong thực tế, nếu thiếu các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì các cơ quan nhà nước khó có thể chuyển tải những nội dung chính sách pháp luật đến với đối tượng một cách thường xuyên.