Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 80 - 84)

Chương 3: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT TỐ CÁO HÀNH CHÍNH TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NGÃI

3.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

3.2.1. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính

Một là, triển khai quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Luật Tố cáo, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm của đời sống như đất đai, môi trường, chính sách người có công..., xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và là giải pháp quan trọng để hạn chế phát sinh đơn tố cáo và khắc phục tình trạng tố cáo không đúng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công vụ và sẵn sàng thụ lý, giải quyết tố cáo khi công dân phát sinh quyền.

Đối với cấp tỉnh:

(1) Về phía Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trước mắt cần phải nêu gương thực hiện trách nhiệm người đứng đầu trong việc chủ trì tiếp công dân, luôn đặt mục tiêu đạt hiệu quả tốt công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính.

Chỉ đạo Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân, chỉ đạo giải quyết tố cáo hành chính; quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tham mưu giải quyết tố cáo thực hiện đúng trách nhiệm,

đảm bảo quyền tố cáo của công dân và thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết tố cáo. Việc giải quyết tố cáo phải đảm bảo đúng theo quy trình giải quyết tố cáo do Thanh tra Chính phủ hướng dẫn tại Thông tư số 06/2014/TT-TTCP và Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 23/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.

(2) Giám đốc các sở, ngành tương đương quan tâm đúng mức, thấy được đúng trách nhiệm của người đứng đầu trong giải quyết tố cáo. Chánh Thanh tra tỉnh chỉ đạo Thanh tra các sở, ngành, Thanh tra cấp huyện giúp Thủ trưởng cùng cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết tố cáo theo các nội dung đã được hướng dẫn. Đồng thời, nâng cao chất lượng theo dõi địa bàn của các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Thanh tra tỉnh, sẵn sàng hướng dẫn, tham vấn vướng mắc cho địa phương, đơn vị trong quá trình giải quyết tố cáo. Thường xuyên trao đổi, nắm tình hình tố cáo phát sinh, tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, rút ngắn thời gian tham mưu, giải quyết tố cáo, đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước và kịp thời đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật.

(3) Chánh Thanh tra các sở, ban, ngành giúp Thủ trưởng cùng cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về tố cáo, cụ thể: Theo dõi chặt chẽ trách nhiệm tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Thủ trưởng cơ quan cùng cấp theo đúng Quyết định số 52/2015/QĐ-UBND ngày 13/11/2015 của UBND tỉnh quy định về tiếp công dân của cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh; làm đầu mối kiểm soát việc tiếp nhận, xử lý đơn gửi đến Lãnh đạo sở, ban, ngành. Kịp thời tham mưu giải quyết các tố cáo thuộc thẩm quyền của Giám đốc các sở, ban, ngành và hướng

dẫn các đơn vị trực thuộc Sở, ban, ngành chấp hành tốt công tác giải quyết tố cáo cho công dân.

Đối với cấp huyện

(1) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải quan tâm và có trách nhiệm đúng mức trong công tác tiếp công dân, giải quyết tố cáo; chỉ đạo Thủ tưởng các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện, thành phố thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục, hoạt động công vụ, kịp thời hướng dẫn công dân, tổ chức khi có yêu cầu thuộc lĩnh vực, ngành phụ trách; đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết tố cáo, kịp thời hướng dẫn, giải thích cho công dân khi có yêu cầu và công khai, minh bạch đến mức có thể trong hoạt động công vụ (trừ phạm vi bí mật nhà nước quy định).

(2) Chánh Thanh tra các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về tố cáo, cụ thể: Theo chặt chẽ việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND huyện, thành phố và Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành lịch tiếp công dân định kỳ và giải quyết các vụ việc của Chủ tịch UBND cấp xã để chấn chỉnh, kiến nghị xem xét trách nhiệm những trường hợp vi phạm; kịp thời hướng dẫn các đơn vị trực thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền; khi có phát sinh vướng mắc thì kịp thời tham vấn các cơ quan chuyên môn của tỉnh có thẩm quyền để kịp thời giải quyết tố cáo công dân, không để dây dưa, kéo dài dễ phát sinh phức tạp. Đồng thời, thường xuyên hướng dẫn áp dụng pháp luật, tập huấn nghiệp vụ tiếp dân, xử lý đơn, thẩm tra, xác minh cho đội ngũ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn và tham mưu giải quyết tố cáo ở cấp huyện, cấp xã nhằm nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết tố cáo trên địa bàn. Có biện pháp cụ thể

để tạo mối liên hệ thường xuyên, mật thiết với Trưởng ban Thanh tra nhân dân cấp xã để kịp thời nắm bắt tình hình phát sinh tố cáo và các vụ việc tiềm ẩn phức tạp trên địa bàn; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tập huấn nghiệp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh tố cáo cho Ban Thanh tra nhân dân cấp xã trên địa bàn; phối hợp với Phòng Tư pháp và Hội Nông dân cùng cấp tuyên truyền pháp luật về tố cáo cho thành viên các câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở cơ sở.

(3) UBND cấp huyện cần quan tâm lựa chọn, bố trí công chức có đủ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức để làm công tác tiếp công dân thường xuyên, xử lý đơn tại Ban Tiếp công dân, tại cơ quan Thanh tra, phòng Tài nguyên và Môi trường và công chức cấp xã liên quan trực tiếp đến giải quyết tố cáo.

Đối với cấp xã

Cấp xã là cấp quản lý gần sát với nhân dân nhất, chính vì thế đây là cấp phải luôn quản lý chặt chẽ, nắm bắt được tình hình của địa phương, kịp thời giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các phát sinh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Chủ tịch UBND cấp xã cần nhận thức được trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết tố cáo; chỉ đạo công chức tham mưu tốt công tác tiếp công dân, giải quyết tố cáo cho công dân. Khi có vướng mắc phải kịp thời tham vấn ngay các cơ quan chuyên môn của cấp huyện, Thanh tra cấp huyện để được hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ vướng mắc để kịp thời giải quyết.

Thường xuyên cử công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn, tham mưu giải quyết tố cáo tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết tố cáo một cách nghiêm túc.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy và công tác thanh tra trách nhiệm thủ trưởng chấp hành pháp luật về tiếp

công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu có sai phạm. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh và hướng dẫn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo cho các địa phương.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 80 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)