Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 75 - 78)

Chương 3: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT TỐ CÁO HÀNH CHÍNH TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NGÃI

3.1. Các quan điểm nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

3.1.2. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính

Tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính phải luôn được các cơ quan tổ chức thực hiện đảm bảo là hoạt động có mục đích, có tổ chức và có kế hoạch. Từ đó thực hiện hoạt động này trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc cơ bản như: nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, nguyên tắc khách quan, nguyên tắc công khai, minh bạch, nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc kịp thời...

Thứ nhất, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình hoạt động xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật, đặc biệt hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đó là hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật. Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một chế độ

đặc biệt của đời sống chính trị-xã hội, trong đó tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và công dân đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác. Trong tổ chức thực hiện pháp luật, nguyên tắc pháp chế đòi hỏi tất cả các cơ quan có thẩm quyền và mọi cá nhân có liên quan phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật.

Kết luận nội dung tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có tính bắt buộc đối với mọi chủ thể bị áp dụng pháp luật và các chủ thể khác có liên quan. Điều này thể hiện ở chỗ dù việc áp dụng pháp luật được thể hiện dưới hình thức nào thì kết luận cũng chỉ do chủ thể có thẩm quyền ban hành, nên về nguyên tắc là buộc các chủ thể phải nghiêm chỉnh thực hiện khi kết luận đó phát sinh hiệu lực pháp luật. Trong những trường hợp cần thiết nó được đảm bảo thực hiện thông qua việc cưỡng chế bằng quyền lực nhà nước. Trong hoạt động quản lý nhà nước, áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hết sức đa dạng và phức tạp nhằm điều chỉnh rất nhiều quan hệ xã hội với những phạm vi, lĩnh vực và với nhiều chủ thể khác nhau. Vì vậy, pháp luật đòi hỏi là trong quá trình áp dụng pháp luật, cơ quan, tổ chức, người có chức năng, thẩm quyền phải hết sức cẩn trọng trước khi ban hành kết luận, quyết định (nếu có). Nếu vi phạm tuỳ theo mức độ có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong giải quyết tố cáo hành chính, nguyên tắc pháp chế không những nhằm để phù hợp với pháp luật hiện hành mà còn nhằm phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước trong từng giai đoạn cách mạng khác nhau với những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội khác nhau.

Giải quyết tố cáo hành chính của các chủ thể có thẩm quyền là hoạt động phải tuân theo những hình thức và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định. Bởi vì, xuất phát từ tầm quan trọng của những hậu quả nghiêm trọng do

hành vi áp dụng pháp luật gây ra hoặc yêu cầu của công tác quản lý nhà nước.

Mặt khác việc quy định một cách chặt chẽ hình thức, trình tự, thủ tục và thẩm quyền sẽ tạo ra cơ sở pháp lý, công cụ quan trọng để chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý của mình. Những quy định này sẽ góp phần tạo sự minh bạch trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước; đồng thời, nó cũng là căn cứ để các cơ quan dân cử và toàn xã hội thực hiện sự giám sát giải quyết tố cáo của chính quyền các cấp.

Thứ hai, nguyên tắc khách quan trong giải quyết tố cáo sẽ góp phần đảm bảo hợp lý, hợp tình, qua đó để người dân tin vào sự công bằng trong giải quyết tố cáo; đồng thời góp phần giúp người giải quyết tố cáo giảm được thời gian, công sức vào việc giải quyết, nâng cao hiệu quả giải quyết. Nguyên tắc khách quan được cụ thể trong thủ tục giải quyết tố cáo như trong quá trình xác minh, người xác minh nội dung tố cáo phải tạo điều kiện để người bị tố cáo giải trình, đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo cần xác minh…

Minh bạch trước hết là thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về tố cáo; giải quyết tố cáo phải có quyết định giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành quyết định đang có hiệu lực thi hành. Nguyên tắc công khai, minh bạch trong giải quyết tố cáo hành chính nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong giải quyết tố cáo hiện nay là một trong những lý do người tố cáo tiếp tục tố cáo, hoặc phát sinh đơn liên tục đến các cấp chính quyền; mặt khác nếu không làm tốt công tác công khai, minh bạch trong giải quyết tố cáo sẽ là cơ sở để kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi

kéo quần chúng, tập hợp đông người để tố cáo. Do vậy, xem xét, kết luận, giải quyết tố cáo phải thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch.

Thứ ba, nguyên tắc dân chủ trong giải quyết tố cáo được thể hiện ngay từ tổ chức việc tiếp công dân, đối thoại với công dân và chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền. Điều 5 của Luật Tố cáo nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm bố trí trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân để tiếp nhận tố cáo.

Thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ trong giải quyết tố cáo sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết tố cáo, góp phần ổn định chính trị-xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ tư, nguyên tắc kịp thời: Giải quyết tố cáo là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cơ quan và đơn vị. Kịp thời giải quyết tố cáo nhằm xử lý hành vi vi phạm và người có hành vi vi phạm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể được cho là bị gây thiệt hại, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, giữ gìn kỷ cương trật tự xã hội. Đồng thời, cũng là cơ hội để cơ quan nhà nước nhìn nhận những lỗ hổng pháp luật, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa các hành vi đe dọa đến đời sống xã hội, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)