Đánh giá những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 61 - 69)

2.2. Tình hình tố cáo hành chính và giải quyết tố cáo hành chính ở tỉnh Quảng Ngãi

2.3.2. Đánh giá những kết quả đạt được

- Triển khai quán triệt nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, có chất lượng các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về giải quyết tố cáo hành chính.

- Công tác thực hiện đã xử lý kịp thời nhiều vụ việc; chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo thuộc phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Kết quả giải quyết trong thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn được củng cố, tăng cường, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

- Ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế công tác tiếp công dân, giải quyết tố cáo hành chính trên địa bàn để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính ở Quảng Ngãi diễn ra đồng bộ, thuận lợi, đảm bảo chặt chẽ, thấu tình, đạt lý.

- Trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị trong quản lý cơ quan, đơn vị được tăng cường, trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ, công

vụ của cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng cao, chuyển biến tích cực hơn; tỷ lệ giải quyết tố cáo ngày càng được tăng lên với chất lượng càng cao; công tác đôn đốc tổ chức thực hiện các kết luận và quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực đã được quan tâm thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực.

- Tập trung giải quyết dứt điểm các tố cáo kéo dài, phức tạp, trên cơ sở Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 847/KH-UBND ngày 17/3/2014 để tổ chức thực hiện. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính, UBND tỉnh tiếp tục triển khai và tìm kiếm nhiều biện pháp, cách thức phù hợp với thực tiễn địa phương, để từ đó kết thúc được nhiều vụ việc trên thực tế, đối với những vụ việc mặc dù đã có kết luận xử lý của cấp có thẩm quyền đã nhiều năm nhưng chưa tổ chức thực hiện xong trên thực tế thì đẩy mạnh việc xem xét xử lý, giải quyết.

Đối với các vụ việc đông người, phức tạp, gay gắt: Toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh tập trung nỗ lực giải quyết cụ thể: Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Tổ công tác giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết các vụ việc tố cáo và những bức xúc, nổi cộm của nhân dân trên địa bàn tỉnh, theo dõi, nắm tình hình và tham mưu đề xuất biện pháp chỉ đạo giải quyết cụ thể, triệt để, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác phối hợp, xử lý các trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, có tính chất phức tạp, gay gắt xảy ra trên địa bàn tỉnh thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình và nguy cơ phát sinh các vụ đông người trên địa bàn; định kỳ tổ chức các cuộc họp giữa các thành viên để rà soát, nắm tình hình và bàn biện pháp tham mưu

cho Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc đông người, phức tạp trên địa bàn nhằm giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Các huyện, thành phố ban hành quy chế và thành lập tổ công tác phối hợp, xử lý các trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, có tính chất phức tạp, gay gắt tại địa phương; tổ chức chỉ đạo xử lý, giải quyết cơ bản kịp thời các vụ việc đông người phát sinh trên địa bàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị và an ninh trật tự.

Đối với thực trạng về các vụ việc tồn đọng, kéo dài đã có kết luận xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật nhưng chưa tổ chức thực hiện xong trên thực tế thì Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện phải rà soát, xác định danh mục các vụ việc từ đó lập kế hoạch chi tiết xử lý, giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền. Kế hoạch này phải phân công rõ trách nhiệm tham mưu, có biện pháp cụ thể, lộ trình thực hiện, mốc thời gian hoàn thành. Giao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ việc này cho Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Từ việc tập trung giải quyết dứt điểm các tố cáo kéo dài, phức tạp rút ra được kinh nghiệm cho toàn hệ thống chính trị nói chung và cơ quan hành chính nói riêng trong việc giải quyết tố cáo hành chính, tìm ra được những biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, chú trọng hơn nữa công tác tổ chức thực hiện pháp luật để cả đội ngũ giải quyết và người dân nắm rõ, từ đó giảm thiểu tình hình tố cáo và đặc biệt là các vụ việc phức tạp, kéo dài.

2.3.2.2. Những hạn chế và nguyên nhân Hạn chế

Việc bảo đảm tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính thuộc về trách nhiệm của các cơ quan hành

chính nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế nhất định, làm giảm chất lượng, hiệu quả của công tác này. Một số hạn chế được kể đến như:

- Về hệ thống văn bản pháp luật: Trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các quy định của pháp luật. Chưa có pháp luật điều chỉnh riêng về việc tổ chức thực hiện giải quyết tố cáo hành chính. Trong thời gian qua, công tác này vẫn nằm trong kế hoạch hàng năm của cơ quan trung ương triển khai đến các địa phương. Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hành chính trong công tác tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính. Điều đó dẫn đến sự lúng túng trong áp dụng. Nhiều cán bộ, công chức không nắm được còn lơ là đối với hoạt động giải quyết tố cáo hành chính, vô hình chung đã tạo nên sự mất cân bằng trong chức năng hành pháp của các cơ quan hành chính nhà nước. Đơn cử đối với quy định về xử lý vi phạm: hiện nay theo Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ quy định nguyên tắc mà không có chế tài cụ thể, vẫn chưa thể nào khắc phục được triệt để tình trạng không chấp hành nghiêm túc của người có thẩm quyền và cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết tố cáo cũng như tổ chức thực hiện trên thực tế, chưa đảm bảo tính răn đe, cũng không có căn cứ cụ thể để xử lý trách nhiệm khi có vi phạm, dẫn đến rất nhiều bất cập trong thực tiễn thi hành.

- Về bộ máy tổ chức thực hiện: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức còn nhiều bất cập, các địa phương chưa chú trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính đến cán bộ, công chức trực tiếp làm công việc dẫn đến năng lực, trình độ của một bộ phân cán bộ, công chức còn hạn chế, việc giám sát hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm thực hiện một

số hoạt động chưa nghiêm chỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm do lỗi của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền. Việc thay đổi công tác từ bộ phận này sang bộ phận khác chưa có sự đầu tư, nghiên cứu và kinh nghiệm trong thực tiễn dẫn đến chất lượng chưa cao, cụ thể từ bộ phận không liên quan đến giải quyết tố cáo sang việc tiếp nhận đơn thư, nghiên cứu xử lý, giải quyết vụ việc tố cáo đối với cán bộ, công chức mới chưa qua bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ dẫn đến việc chưa nắm bắt kịp với công việc.

- Việc tổ chức, triển khai ở một số địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh chưa đánh giá chính xác, sâu sắc tình hình tố cáo trên địa bàn, lĩnh vực;

chưa nhận định đúng những tồn tại, hạn chế, vướng mắc để đưa ra biện pháp khắc phục cụ thể trong kế hoạch tổ chức thực hiện, tạo những chuyển biến mới tích cực cho công tác giải quyết trong toàn tỉnh.

- Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện các chỉ đạo có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, sâu sát nên có một số nội dung chậm đi vào thực tiễn.

- Một số địa phương chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước về tố cáo;

người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ đã công bố...

- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, tình trạng giải quyết trễ hạn luật định diễn ra ở cả 03 cấp; việc giải quyết của một số địa phương chưa đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến việc Chủ tịch UBND tỉnh cải sửa kết quả giải quyết của chủ tịch UBND huyện hoặc đình chỉ thụ lý yêu cầu xem xét giải quyết lại; hồ sơ giải quyết tố cáo nhiều vụ việc ở cấp huyện, cấp xã được thiết lập, thu thập còn chưa đảm bảo đúng quy định, không đáp ứng yêu cầu trong điều hiện nay.

- Trên thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính, vẫn còn tồn tại một số trường hợp phong cách của cán bộ giải quyết còn quan liêu, thái độ chưa thật sự đúng đắn, thượng tôn pháp luật.

- Công tác tuyên truyền pháp luật tố cáo nói riêng và pháp luật nói chung cho người dân hiệu quả chưa cao, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp, thiết thực đến đời sống phần lớn người dân. Chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính hiện nay còn nhiều hạn chế. Nội dung tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng. Một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, do vậy việc triển khai một số nơi còn sơ sài, hình thức. Nhận thức về pháp luật tố cáo của một bộ phận cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế, ý thức tuân thủ pháp luật trong tố cáo chưa tốt.

- Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trách nhiệm trong giải quyết tố cáo đã được quan tâm thực hiện thường xuyên nhưng chỉ dừng lại ở mức hướng dẫn, chấn chỉnh và đôn đốc, nhắc nhở trách nhiệm, chưa có người đứng đầu nào bị xử lý kỷ luật do vi phạm.

- Nhiều địa phương chỉ dừng ở mức triển khai bước đầu các biện pháp phòng ngừa tố cáo; một số địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hóa cho phù hợp ở cấp mình, hiệu quả trên thực tế còn thấp; các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh nhiều tố cáo còn nhiều bất cập trong quản lý chậm được khắc phục, chấn chỉnh.

- Trên thực tế, việc còn nhiều hạn chế trong cải cách bộ máy nhà nước, bộ máy hệ thống chính trị, hiệu quả việc tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính là do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chậm tổng kết thực tiễn. Trong tổng kết thực hiện việc tổ chức thực hiện pháp luật hiện nay về giải quyết tố cáo hành chính còn nhiều hạn chế như: chậm và không thường xuyên, không thành chế độ; chỉ tổng kết theo ngành, địa phương và

chủ yếu theo chức năng, thẩm quyền quản lý, không theo lĩnh vực hoặc nếu có thì sơ sài, coi nhẹ, khép kín việc tổng kết; không chia sẻ kinh nghiệm, né tránh, ngại va chạm trong tổng kết việc tổ chức thực hiện pháp luật; việc hướng dẫn tổng kết của cơ quan nhà nước cấp trên không được coi trọng, ít chú ý nghiên cứu những cơ sở lý luận của công tác tổng kết thực tiễn; bản thân công tác tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính cũng chưa có cơ sở pháp lý điều chỉnh.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:

- Cơ chế, chính sách pháp luật từng bước đã được hoàn thiện nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, nhiều quy định vừa khó nhận thức vừa thường xuyên thay đổi nên nhiều vụ việc rất khó khăn để tìm phương án giải quyết vừa đúng pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu của người dân, nhiều vụ việc thẩm tra, xác minh kéo dài, phức tạp, khó giải quyết do không đủ thông tin, tài liệu làm chứng cứ. Mặt khác, hệ thống pháp luật nói chung và những quy định liên quan đến việc giải quyết tố cáo hành chính còn nhiều kẽ hở nên ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện, dẫn đến vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức.

Các quy định về xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn chưa đầy đủ, chưa cụ thể để có thế áp dụng nghiêm khắc trên thực tế.

- Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống và tác động của cơ chế thị trường đã làm cho các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai trong gia đình, họ tộc phát sinh ngày càng nhiều và thêm gay gắt, các cơ quan hành chính nhà nước khó có thể giải quyết dứt điểm vụ việc. Nhiều trường hợp từ tranh chấp có tính chất dân sự dẫn đến phát sinh tố cáo cán bộ tham gia giải quyết vụ việc.

- Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra, kỷ luật, kỷ cương hành chính tăng cường nhưng chưa thực sự nghiêm khắc; nhận thức về pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết tố cáo

của một số cán bộ còn yếu; tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị còn thấp, còn đùn đẩy cho cấp phó, cấp dưới; một số địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng của công tác giải quyết tố cáo.

- Năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật của các cấp, các ngành còn yếu kém, bất cập; còn tình trạng người có thẩm quyền giải quyết tố cáo nể nang, lòng vòng khi giải quyết, thậm chí, Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị còn có biểu hiện xử lý chưa nghiêm khắc đối với cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật.

- Nhân lực làm công tác tổ chức thực hiện giải quyết tố cáo ở các cấp, các ngành chưa có nhiều chuyển biến, còn thiếu những hành động cụ thể, thiết thực của cơ quan có thẩm quyền. Còn nhiều sai phạm, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục, gây thiệt hại cho Nhà nước và công dân. Do năng lực, trình độ của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ, công vụ chưa đồng đều dẫn đến hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi dụng trong việc giải quyết tố cáo, tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính dẫn đến bức xúc của công dân.

- Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tổ chức thực hiện pháp luật nói chung và pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính trong bối cảnh hiện nay đã được cải thiện và chú trọng hơn trước, nhưng vẫn chưa kịp thời đáp ứng đảm bảo hiệu quả nhất cho công tác.

- Công tác tuyên truyền pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính chưa được các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện thật sự chú trọng. Một số địa phương chưa nhận thức đúng tầm quan trọng nên chưa quan tâm kiện toàn, củng cố bộ phận trực tiếp làm công tác; không bố trí cán bộ, công chức có năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn làm công tác này.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Luật Hiến Pháp và Luật Hành Chính Tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi (Trang 61 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)