Chương 3: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT TỐ CÁO HÀNH CHÍNH TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NGÃI
3.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi
3.2.5. Nâng cao vai trò của người dân trong tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính
Để tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo đạt được kết quả như mong muốn, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về tố cáo nói chung và đặc biệt liên quan đến giải quyết tố cáo hành chính, hướng đến mục tiêu hình thành cho mọi người ý thứ pháp luật xã hội chủ nghĩa. Ý thức pháp luật là tiền đề tư tưởng trực tiếp nhất cho việc xây dựng và thực hiện pháp luật. Đưa việc dạy pháp luật vào hệ thống các trường của Đảng, Nhà nước, kể các các trường phổ thông, trung học, đại học, các trường của các đoàn thể. Cán bộ quản lý các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã phải có kiến thức quản lý hành chính và hiểu biết về pháp luật, pháp chế. Cần sử dụng nhiều hình thức và biện pháp để giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật và làm tư vấn pháp luật cho nhân dân. Các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở phải thường xuyên lo củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế để tạo điều kiện cho việc nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh những chế độ quy định của nhà nước ban hành.
Phải đảm bảo tuân thủ, sử dụng, thi hành và áp dụng đúng đắn pháp luật nói chung và pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính nói riêng. Tuân
thủ là tự kiềm chế, không vi phạm điều cấm thực hiện của pháp luật. Sử dụng là thực hiện các quyền mà pháp luật cho phép. Thi hành là thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Còn áp dụng pháp luật là đặc quyền của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Áp dụng pháp luật là hành vi của các cơ quan nhà nước, mà chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước và tài phán nhà nước, để ban hành các quyết định cá biệt dưới hình thức văn bản cá biệt hoặc văn nói-ra lệnh, đưa ra một tình trạng pháp lý cho công dân hoặc tổ chức..., là sự cho phép, cấm đoán, bắt buộc hành động, chế tài...
Để góp phần nâng cao vai trò của người dân, cần thiết lập mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân thông qua việc đảm bảo tính công khai và minh bạch trong việc tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính, cụ thể:
Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật phải được công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng, dân chủ. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải công khai hoạt động của mình trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước và những nội dung khác theo quy định của pháp luật. Hoạt động giải quyết tố cáo phải được tiến hành công khai theo quy định, trên cơ sở đó, kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải được công khai. Ngoài ra, một trong số những nội dung bị công dân tố cáo nhiều đó là công tác tổ chức cán bộ, Luật Phòng chống tham nhũng cũng đã quy định công khai, minh bạch các nội dung liên quan đến tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, nâng lương, thưởng...
Để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, làm cho mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng gắn bó bền chặt thiết nghĩ cần phải đảm bảo công khai, minh bạch cho quá trình tố cáo, giải quyết tố cáo và tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính (công
khai, minh bạch đúng theo quy định, chú ý không để lộ lọt thông tin, bí mật của người tố cáo).
Ngoài ra, Luật Tố cáo hiện nay cũng đã quy định rõ hơn về trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo, nếu sau khi Quốc hội thông qua và ban hành, trách nhiệm cụ thể của người giải quyết tố cáo, người bị tố cáo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ được chú trọng từ đó, thúc đẩy tính công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả.
Để đảm bảo công khai, minh bạch trong việc tổ chức thực hiện pháp luật sẽ tạo cơ hội cho các chủ thể trong xã hội được tham gia phản biện về nội dung của các quy định pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính cũng như cách thức tổ chức thực hiện các quy định pháp luật đó. Tạo cơ hội để thu nhận các phản biện sẽ giúp cho những cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật phát hiện được những điểm bất cập trong quá trình thực hiện công việc. Từ đó tạo nên những cơ sở quan trọng để điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của việc tổ chức thực hiện pháp luật về các lĩnh vực của đời sống nói chung cũng như công tác giải quyết tố cáo hành chính của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.
Tóm lại, tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính là làm sao đảm bảo cho công dân được thực hiện trọn vẹn quyền hiến định của mình, được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm để từ đó bảo vệ được bản thân, gia đình, tổ chức, cá nhân khác, và nói rộng hơn là trật tự an toàn xã hội, còn nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, để từ đó đảm bảo không lạm quyền, không vi phạm các quy định làm ảnh hưởng đến danh dự của Nhà nước đối với công dân. Ngoài ra, để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quyền tố cáo của công dân, của công tác giải quyết tố cáo hành chính, huy động sức mạnh đồng bộ của các cơ quan, tổ chức trong việc
tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính cần phải gắn trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của cơ quan, đơn vị, trên cơ sở đó đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Thủ trưởng các cơ quan đơn vị phải tổ chức giao ban, trực báo để nắm được tiến độ, tình hình tổ chức thực hiện, chỉ đạo xử lý kịp thời nhằm kết thúc các vụ việc cũng như hoàn thiện công tác quản lý nhà nước của cấp mình, ngành mình.
Tiểu kết chương 3
Trên cơ sở xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm và phương hướng liên quan, chương 3 đề xuất giải pháp cơ bản góp phần phát huy những ưu điểm đã đạt được trong thời gian qua, khắc phục những điểm chưa làm được hoặc làm nhưng chưa tốt và qua đó tìm kiếm những giải pháp hoàn thiện công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.
KẾT LUẬN
Tố cáo là một hiện tượng xảy ra khá phổ biến trong xã hội, đặc biệt từ khi nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đối với địa phương mà tình trạng tố cáo diễn ra phức tạp, gay gắt thì là vấn đề đáng suy ngẫm về công tác quán lỷ nhà nước và rất đáng quan tâm tìm hiểu nguyên nhân nảy sinh để đề ra các biện pháp giải quyết phù hợp, không để phát sinh trở thành “điểm nóng”, gây mất ổn định chính trị, tình hình trật tự an toàn xã hội. Tính phức tạp của tố cáo hành chính diễn ra bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân mà có thể kể đến đó là từ hệ quả của sự quản lý thiếu hiệu quả của các cơ quan nhà nước, sự bất hợp lý và thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật đất đai, môi trường, chính sách người có công, công tác cán bộ…. Việc nghiên cứu, tìm hiểu việc tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tố cáo hành chính là rất cần thiết, để từ đó giúp Nhà nước ta xây dựng và hoàn thiện pháp luật giải quyết tố cáo một cách có hiệu quả trong thời kỳ xây dựng nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, đồng thời góp phần vào việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật tố cáo hành chính có hiệu quả trên thực tế.
Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các quan hệ kinh tế vận động và phát triển không ngừng đòi hỏi pháp luật về tố cáo cũng phải thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, nhằm đáp ứng được các yêu cầu của quản lý. Do vậy, việc nghiên cứu nhằm chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế, bất cập của pháp luật về tố cáo, giải quyết tố cáo hành chính cũng như quy định về tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế, để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chế định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Thông qua việc phân tích thực tiễn tình hình tố cáo, giải quyết tố cáo hành
chính và quá trình tổ chức thực hiện pháp luật ở tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2014 đến nay, luận văn đã mạnh dạn nêu ra những ưu điểm và hạn chế trong việc tổ chức thực hiện của các cơ quan hành chính nhà nước.
Hiệu quả, chất lượng của công tác giải quyết tố cáo hành chính không chỉ phụ thuộc vào cơ cấu, tổ chức của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác như: năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ của các cán bộ làm công tác thẩm tra, xác minh, giải quyết tố cáo; sự quản lý có hiệu quả của các cơ quan công quyền; các giấy tờ, tài liệu chứng minh hợp pháp; cách thức tổ chức thực hiện trên thực tiễn... Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay các yếu tố này đều chưa hoàn thiện nên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của công dân, cũng như làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước.
Trong điều kiện nghiên cứu từ lý luận và thực tế ở tỉnh Quảng ngãi, luận văn chưa thể giải quyết đầy đủ, sâu sắc các yêu cầu của đề tài đặt ra. Qua luận văn này tác giả mong muốn đóng góp một phần kinh nghiệm từ thực tiễn vào quá trình hoàn thiện quy định cũng như một số giải pháp để công tác tổ chức thực hiện pháp luật giải quyết tố cáo hành chính ở nước ta được thực hiện tốt trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Thị Thu An (1999), Một số vấn đề về pháp luật tố cáo và giải quyết tố cáo, Tạp chí Thanh tra, số 01/1999.
2. Bộ Chính trị (2002), Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 06/3/2002 về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo hiện nay.
3. Chính phủ Việt Nam (2011), Nghị định số 30c/NQ-CP ngày 08/01/2011 về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
4. Chính phủ Việt Nam (2012), Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo.
5. Hà Hùng Cường (2009), Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, http://thongtinphapluatdansu.edu.vn.
6. Vũ Duy Duẩn (2012), Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tạp chí Cộng sản- www.tapchicongsan.org.vn.
7. Nguyễn Đăng Dung (2008), Chế ước quyền lực nhà nước, Nxb. Đà Nẵng.
8. Trần Ngân Hà (2013), Pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
9. Học viện Hành chính quốc gia (2009), Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
10. Học viện Hành chính (2009), Giáo trình quản lý học đại cương, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
11. Lê Thu Hằng (2006), Những điểm mới của Luật Khiếu nại, tố cáo, Tạp chí Luật học, số 5/2006.
12. Nguyễn Huy Hoàng (2011), Cơ sở khoa học của việc hoàn thiện hệ thống quy định nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học Thanh tra.
13. Nguyễn Tuấn Khanh (2011), Trách nhiệm pháp lý của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học Thanh tra.
14. Nguyễn Ngọc Linh (2014), Thực thi pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Luận văn thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
15. Văn Tiến Mai (2011), Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học Thanh tra.
16. Nhà xuất bản Từ điển bách khoa (2002), Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội.
17. Nhà xuất bản Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Hà Nội.
18. TS. Trần Thị Diệu Oanh (2015), Về minh bạch hóa hoạt động chính quyền địa phương, Nxb. Chính trị quốc gia.
19. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Hiến pháp năm 2013.
20. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (1993), Luật Đất đai năm 1993.
21. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (1998), Luật Khiếu nại, tố cáo 1998.
22. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2004), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004.
23. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005.
24. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2011), Luật Tố cáo năm 2011.
25. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2013), Luật Đất đai năm 2013
26. Lê Thị Sáu (2014), Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội-Thực trạng và giải pháp, Luận văn thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
27. GS.TS. Phạm Hồng Thái - PGS.TS. Vũ Công Giao - TS. Đặng Minh Tuấn (2016), Hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội.
28. Thanh tra Chính phủ (2012), Báo cáo về tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008 đến năm 2011 và giải pháp trong thời gian tới.
29. Nguyễn Hữu Tiến (2017), Tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng, Luận văn thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội.
30. Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2017), Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Chương trình số 52-CTr/TU ngày 16/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 35.
31. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Báo cáo tổng kết 04 năm thi hành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo
32. Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (2006), Từ điển luật học.
33. Viện khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ (2012), Khiếu nại, tố cáo hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam hiện nay, Sách chuyên khảo.
34. Viện Nghiên cứu lập pháp Uỷ ban thường vụ Quốc hội (2017), Giải quyết tố cáo ở một số quốc gia trên thế giới-kinh nghiệm cho Việt Nam.
35. Viện Ngôn ngữ học (2002), Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb.
thành phố Hồ Chí Minh.