Phương pháp kiểm tra phát hiện KST

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ký sinh trùng ký sinh trên cá diếc (carassius auratus auratus (linnaeus, 1758)) tại tỉnh phú yên (Trang 32 - 35)

Theo viện sỹ Dogiel có 2 phương pháp kiểm tra KST trên cá:

Kiểm tra toàn diện: giải phẫu và kiểm tra toàn bộ các cơ quan bên ngoài và bên trong của cá.

Kiểm tra từng phần: chỉ giải phẫu và kiểm tra một số cơ quan tập trung nhiều KST như: da, mang, ruột, thận, mật, …. Ở đây chúng tôi áp dụng phương pháp kiểm tra từng phần (chỉ giải phẫu và kiểm tra một số cơ quan tập trung nhiều KST).

Khi kiểm tra KST trên cá phải tuân theo một số nguyên tắc như sau:

Cá đưa vào kiểm tra KST phải còn sống hay vừa chết.

Kiểm tra bằng mắt thường trước, dụng cụ quang học sau.

Kiểm tra các cơ quan bên ngoài trước, các cơ quan bên trong sau.

Trước khi kiểm tra và thu thập KST, tiến hành phân loại cá diếc đến loài dựa vào khóa phân loại của Nguyễn Văn Hảo & Ngô Sỹ Vân (2001) [5].

Kiểm tra ngoại ký sinh

• Trước khi kiểm tra đem cá cân và đo nhanh

- Dùng cân điện tử để xác định khối lượng cá với độ chính xác 0,1 g - Dùng thước để đo chiều dài cá với độ chính xác 1 mm.

• Kiểm tra da:

- Bắt cá, đặt lên khay men, quan sát bằng mắt thường: màu sắc, vây, vẩy,…Có thể thấy các hiện tượng bệnh lý như: da nhợt nhạt, vây cụt, vẩy mất, lở loét, trên da có những điểm tụ máu, dịch nhờn tiết ra nhiều,…Ngoài ra, có thể phát hiện thấy những KST có kích thước lớn ký sinh trên da, vẩy hay gốc vây của cá như: Lernaea,

Corallana, bào nang của Myxobolus,…

- Sau đó tiến hành cạo nhớt da, nên cạo đặc trưng trên toàn cơ thể, chú ý những nơi tập trung nhiều KST như: gốc vây, bụng cá. Lấy nhớt phết mỏng lên 2-4 lam kính, nhỏ thêm vài giọt nước muối sinh lý rồi quan sát dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 4x10 hoặc 10x10. Khi phát hiện KST, đậy lamen lên rồi quan sát ở độ phóng đại lớn hơn để thấy rõ các bộ phận bên trong KST. Thu mẫu, làm tiêu bản, phân loại và xác định mức độ cảm nhiễm.

- Dưới kính hiển vi, trong nhớt da có thể gặp những KST có kích thước bé như: nguyên sinh động vật (Protozoa): Trichodina, Ichthyophthyrius,…và một số giống trong lớp sán lá đơn chủ (Monogenea): Dactylogyrus, Gyrodactylushoặc bọn giáp xác ký sinh Crustacea.

• Kiểm tra các vây, xương nắp mang: Dùng kéo cắt các vây, xương nắp mang cho

vào hộp lồng đựng nước ngọt lọc sạch rồi đem quan sát dưới kính soi nổi. Khi phát hiện KST dùng pipet hút trùng ra rửa sạch, cho lên lam kính đậy lamen xem tươi dưới

kính hiển vi, tiến hành vẽ, chụp hình, thu mẫu KST. Trên xương nắp mang, vây có thể gặp sán lá đơn chủ Gyrodactylus, trùng loa kèn Epistylis,…

• Kiểm tra mang:

- Cắt bỏ xương nắp mang rồi quan sát bằng mắt thường xem mang có màu sắc thế nào: đỏ tươi, đỏ sẫm hay nhợt nhạt, dịch nhờn trên mang tiết ra nhiều hay ít, tơ mang có bị rách nát hay không. Ngoài ra có thể thấy một số KST: Monogenea, Trùng bánh xe, Trùng quả dưa (Ichthyophthyrius), bào nang của Myxobolus, sán song thân,…

- Sau khi quan sát bằng mắt thường, ta cắt rời từng lá mang (chú ý cắt sát xương cung mang để chảy ít máu, dễ quan sát) rồi cho vào hộp lồng có đựng nước ngọt và quan sát dưới kính soi nổi. Khi phát hiện KST dùng kim giải phẫu tách trùng cho lên lam kính, đậy lamen lên quan sát dưới kính hiển vi với độ phóng đại từ nhỏ đến lớn. Sau đó lấy nhớt mang cho lên 2-4 lam với cá lớn, còn cá nhỏ thì cạo hết nhớt cho lên 1 lam, nhỏ thêm nước ngọt lọc sạch, đậy lamen rồi quan sát dưới kính hiển vi với các độ phóng đại từ nhỏ đến lớn có thể phát hiện trùng bánh xe, sán lá đơn chủ,….

Kiểm tra nội ký sinh

Sau khi kiểm tra xong da và mang ta bắt đầu giải phẫu cá để kiểm tra cơ quan bên trong của cá. Đặt cá nằm trên khay men, dùng kéo nhọn rạch một đường cong từ hậu môn lên phía trước, cắt bỏ một bên vách bụng. Để nguyên như vậy quan sát bằng mắt thường, xem xét các dấu hiệu bất thường và các KST có kích thước lớn.

Sau đó, dùng kéo cắt ruột sau ở sát hậu môn, ruột trước ở sát hầu để lấy toàn bộ nội tạng ra ngoài. Dùng panh tách riêng từng bộ phận: tim, gan, thận, mật, ruột,.. các cơ quan nội tạng được cho vào nước muối sinh lý rồi tiến hành kiểm tra KST ở từng cơ quan.

Tim: Cắt thành các mẫu nhỏ cho lên lam kính, dùng lam khác để ép mỏng tim sau đó quan sát dưới kính hiển vi.

Gan: Quan sát màu sắc, hình dạng của gan, cắt gan thành các mẫu nhỏ cho lên lam kính, dùng lam khác để ép mỏng gan cho thêm một giọt nước muối sinh lý, sau đó quan sát dưới kính hiển vi. Ở gan có thể gặp bào nang của Myxobolus.

Thận: Cắt thành các mẫu nhỏ và ép mỏng trên 2 tấm lam, nhỏ thêm một giọt nước muối sinh lý, đậy lamel và quan sát.

Mật: Tách túi mật, dùng kéo cắt và nhỏ dịch mật lên lam kính, đậy lamen và quan sát trên kính hiển vi với độ phóng đại 40x10 để phát hiện KST.

Ruột: Chia làm 3 phần: ruột trước, ruột giữa và ruột sau, tùy thuộc vào mỗi loài cá mà chiều dài ruột thay đổi do tập tính ăn của chúng. Dùng kéo cắt dọc ống ruột, gạt nhẹ phần thức ăn, quan sát bằng mắt thường sau đó dùng dao cạo nhớt đưa lên lam, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý, đậy lamen lại và đưa lên kính hiển vi quan sát. Nếu phát hiện KST thì chuyển sang kính giải phẫu để tách trùng.

: Dùng dao cắt phần thịt trên cơ thể cá, dùng 2 tấm lam ép mạnh vào nhau, kiểm tra dưới kính soi nổi, kính hiển vi. Có thể bắt gặp ấu trùng metacercaria của sán lá song chủ. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ký sinh trùng ký sinh trên cá diếc (carassius auratus auratus (linnaeus, 1758)) tại tỉnh phú yên (Trang 32 - 35)