Như vậy, doanh nghiệp, giống như hợp tác xã, về bản chất cũng là một phương thức liên minh của những cá nhân nhằm mục đích thực hiện những mục tiêu kinh doanh cụ thể. Tuy nhiên, những loại hình doanh nghiệp điển hình được tổ chức và hoạt động trên nguyên tắc đối vốn.1 Ngược lại, nguyên tắc hoạt động cơ bản của hợp tác xã là đối nhân, quyền lực và lợi ích của các thành viên không phụ thuộc vào mức độ góp vốn mà vào mức độ tham gia sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.
Nguyên tắc biểu quyết công bằng, mỗi xã viên một phiếu biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vào mức độ góp vốn của xã viên là một nguyên tắc đặc thù riêng có trong mô hình tổ chức kinh tế hợp tác xã. Nguyên tắc này đảm bảo quyền điều hành hợp tác xã được phân chia đều cho mọi xã viên, kể cả các xã viên yếu thế về kinh tế cũng có tiếng nói ngang bằng với những xã viên khác có điều kiện kinh tế tốt hơn. Và như vậy, quyền điều hành hợp tác xã sẽ không bị rơi vào tay một hoặc một nhóm xã viên có khả năng tài chính có thể hướng hoạt động của hợp tác xã đi ngược lại lợi ích của các xã viên yếu thế khác.
Có quan điểm cho rằng, HTX là nơi thực hiện chính sách xã hội, ví dụ như khi nói HTX của người lao động, khi có đóng góp một chút vốn, có nhu cầu việc làm là HTX bắt buộc phải nhận, cho dù người đó không có đủ điều kiện sức khỏe hay khả năng lao động tốt. Chúng tôi cho rằng, quan niệm như vậy về HTX kiểu mới là chưa chính xác. Mô hình hợp tác xã thực chất là một công cụ để xã viên phát triển kinh tế của bản thân xã viên mà thôi, thông qua hoạt động mua chung, bán chung để tận dụng lợi thế của người bán hàng/người mua hàng với số lượng lớn. Trong quan hệ giữa xã viên và hợp tác xã, lợi ích của hoạt động sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng của xã viên mới là lợi ích được đặt lên hàng đầu, trên cơ sở đó, xã viên thông qua hoạt động mang tính kinh doanh dịch vụ của hợp tác xã để tối đa hóa lợi nhuận của hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng của mình.
Khác với các loại hình doanh nghiệp đang tồn tại theo quy định của Luật doanh nghiệp, tuy đều được coi là pháp nhân có địa vị pháp lý độc lập so với các thành viên đã tạo ra nó, nhưng giữa doanh nghiệp và hợp tác xã lại có điểm rất khác biệt về lợi ích. Doanh nghiệp có lợi ích độc lập của nó so với lợi ích của các
1 Luật Doanh nghiệp có quy định về công ty hợp danh, là loại hình doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc đối nhân. Tuy nhiên, trên thực tế mô hình liên minh này không thực sự phát triển ở Việt Nam.
thành viên góp vốn. Mọi hoạt động của doanh nghiệp đều có một mục tiêu đầu tiên và tiên quyết là tạo ra lợi ích cho bản thân doanh nghiệp chứ không phải là lợi ích của các thành viên. Lợi ích của các thành viên góp vốn chỉ được thể hiện gián tiếp thông qua việc phân chia lợi nhuận do kết quả sản xuất kinh doanh tốt của doanh nghiệp hoặc do tăng giá trị của phần vốn góp trên thị trường chuyển nhượng.
Trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, các cá nhân tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp không được phép đặt lợi ích của các thành viên góp vốn lên trên lợi ích của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp được lập nên nhằm mục đích giao dịch với các đối tác không phải là các thành viên đã góp vốn lập ra doanh nghiệp để có thể đạt được mục đích tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trong trường hợp có giao dịch giữa doanh nghiệp và các thành viên góp vốn vào doanh nghiệp thì vẫn phải bảo đảm nguyên tắc của thị trường, có nghĩa là thành viên góp vốn vào doanh nghiệp không được phép có sự ưu tiên hơn, lợi ích nhiều hơn so với các đối tác bình thường khác của công ty. Thậm chí, mọi giao dịch giữa doanh nghiệp với thành viên góp vốn của doanh nghiệp và những người có liên quan của thành viên góp vốn đều được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều so với các giao dịch tương tự của doanh nghiệp với đối tác thông thường theo nguyên tắc kiểm soát giao dịch tư lợi được quy định trong Luật doanh nghiệp.
Trong khi đó, chúng ta có thể thấy một điều trái ngược hẳn trong quan hệ giao dịch giữa hợp tác xã với các xã viên. Có thể nói rằng, hợp tác xã được các xã viên tạo ra để thực hiện hoạt động kinh doanh như một cánh tay nối dài của hoạt động sản xuất, kinh doanh hay tiêu dùng của các xã viên, là công cụ của xã viên trong việc hạn chế chi phí bỏ ra hoặc gia tăng giá trị nhận được. Xuất phát từ nguyên lý đó, các giao dịch giữa hợp tác xã và những người góp vốn thành lập ra nó chiếm tỷ trọng chủ yếu trong các hoạt động của hợp tác xã, bởi vì đây chính là lý do để hợp tác xã được thành lập.
Một điểm khác biệt căn bản nữa giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, đó là hợp tác xã không có lợi ích riêng, độc lập với lợi ích của các xã viên. Trong mọi hoạt động, hợp tác xã đều có một mục tiêu đầu tiên và tiên quyết là tạo ra lợi ích cho các xã viên chứ không phải là lợi ích của chính hợp tác xã. Do đó, lợi ích của các xã viên được thể hiện trực tiếp thông qua việc giao dịch với hợp tác xã, hưởng các ưu đãi về chi phí, giá mua, giá bán hay các lợi ích khác tốt hơn những đối tác
không phải là xã viên khi thực hiện các giao dịch tương tự với hợp tác xã. Chính vì trách nhiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã viên với chi phí phi thị trường nên lợi nhuận tích lũy được của hợp tác xã thường là không đáng kể. Do đó, pháp luật của nhiều nước trên thế giới không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hợp tác xã mà chỉ đánh thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập của các xã viên.
HTX cũng là một loại hình doanh nghiệp
Theo thông lệ quốc tế, các nước đều coi và thừa nhận HTX là Doanh nghiệp. Định nghĩa của ICA cũng coi HTX là doanh nghiệp chung của các cá nhân có cùng nhu cầu, mục đích tự nguyện thành lập.
Luật HTX hiện hành của Việt Nam xác định HTX hoạt động như doanh nghiệp, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác. Thực tế hiện nay các HTX hoạt động kinh doanh tốt, hiệu quả cũng đều đang hoạt động như các loại hình doanh nghiệp khác. Những người lãnh đạo HTX giỏi đều là những người tâm huyết, có đầu óc kinh doanh giỏi được tôn vinh, khen thưởng là các doanh nhân tiêu biểu, doanh nhân thành đạt. Xã viên là các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân kinh doanh, tự nguyện thành lập HTX để kinh doanh thì HTX cũng phải là doanh nghiệp đặc thù và bình đẳng với các doanh nghiệp khác.
Ngoài các điểm đặc trưng nêu trên của HTX giữa HTX và các doanh nghiệp nói chung có rất nhiều điểm tương đồng, giống nhau. Chúng ta có thể nhận thấy ở Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2005:
“1. Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh.
2. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật và cả trên thực tế, HTX có đủ mọi tiêu chí khác mà một doanh nghiệp bất kỳ (cổ phần, TNHH,...) cần có:
Có vốn điều lệ, có đăng ký kinh doanh,
Phải đóng thuế môn bài,
Có phương án kinh doanh hiệu quả,
Có bộ máy kinh doanh, tổ chức kinh doanh,
Phải cạnh tranh trên thị trường, nghiên cứu thị trường, marketing, xúc tiến thương mại, bán hàng,…
Có hệ thống hạch toán, kế toán kinh doanh,
Phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp,
Được phân phối lợi nhuận, được chia lãi/ chia cổ tức,
Chịu trách nhiệm khi thua lỗ trong phạm vi vốn góp, phá sản theo cùng một Luật Phá sản Việt Nam,
Được góp vốn, thành lập công ty/doanh nghiệp trực thuộc để kinh doanh trên thị trường
……..
Tại sao HTX cũng là doanh nghiệp?
Wed,28/03/2012 - 10:29:30 PM
Ngày 26/3, tại buổi tọa đàm “Đóng góp ý kiến cho Luật HTX sửa đổi”
do Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa 13 và Viện Friedrich Ebert tổ chức, các đại biểu đã nghe và trao đổi với những quan điểm, ý kiến và kinh nghiệm do các chuyên gia HTX của CHLB Đức trình bày. Thời báo Kinh Doanh giới thiệu ý kiến trao đổi của ông Christian Albrecht, chuyên gia Liên đoàn HTX CHLB Đức tại Việt Nam.
Doanh nghiệp (DN) được hiểu là một hình thức pháp lý của đơn vị kinh doanh (hình thức tổ chức, đơn vị kinh tế, hoạt động kinh doanh). Các tính chất của một DN là: hướng tới lợi nhuận; hoạt động trên thị trường; thực hiện các quy trình chuyển đổi (đầu vào/đầu ra - Input/Output); thuộc vào một ngành nào đó; mang tính rủi ro (rủi ro kinh doanh); là một hệ thống khép kín gồm xác định mục tiêu - phân tích - quyết định.
Tất cả những tiêu chí nêu trên đều có ở HTX. Tuy nhiên, HTX còn có đặc thù được bổ sung là nhiệm vụ hỗ trợ thành viên, không tối đa hóa lợi nhuận
và nguyên tắc “một thành viên, một lá phiếu, không phụ thuộc vào vốn góp”.
Quyền bỏ phiếu đặc biệt theo hình thức đối nhân này nhằm bảo đảm nhiệm vụ hỗ trợ thành viên được thực hiện. Thành viên được quan tâm và đồng thời tự hỗ trợ nhau và do đó họ chọn hình thức DN của HTX để có thể cạnh tranh với những người tham gia thị trường khác trong hệ thống kinh tế thị trường.
Theo quy định hiện hành cũng như thực tế cho thấy, có rất nhiều điểm chung giống nhau giữa HTX và các DN khác như: phải đăng ký kinh doanh (giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh); phải đóng thuế theo quy định bao gồm thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và cả thuế thu nhập DN; HTX cũng như các DN khác phải thực hiện đủ tất cả những luật và quy định của các cơ quan chuyên ngành và bộ chuyên ngành; phải có vốn điều lệ do người sở hữu góp vốn (là thành viên); HTX phải đáp ứng các yêu cầu về vốn điều lệ và trích quỹ dự phòng cho tương lai. Cả HTX và DN khác đều cần đến lợi nhuận để có thể bảo đảm về mặt tài chính cho sự tồn tại.
Mặt khác, nhìn từ góc độ quản lý, điều hành cho thấy: quản lý HTX cũng như mọi DN khác cần những người có đầu óc kinh doanh và công cụ kinh doanh cần thiết như chiến lược và mục tiêu kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường tốt, Marketing, định hướng thị trường và định hướng khách hàng. Về mặt tổ chức HTX cũng như các DN khác, cần điều lệ và các cơ quan, bộ máy giống nhau theo luật định (ban quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc, đại hội xã viên), cả hai đều cần một bộ máy tổ chức kinh doanh cần thiết như nhau (mua hàng, bán hàng, sản xuất, sự phân chia, thẩm quyền).
HTX cũng như DN khác chịu sự giám sát của Nhà nước. Họ cần một hệ thống quản lý nội bộ và điều hành kinh doanh đúng quy định, phải đáp ứng những yêu cầu về kế toán, báo cáo tài chính và hạch toán kế toán. Cán bộ quản lý điều hành và cán bộ kế toán của HTX cũng như DN khác cần có những kiến thức theo yêu cầu và kiến thức chuyên môn.
Cũng như DN khác, HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự đưa ra những quyết định cho việc kinh doanh của mình. Họ có thể tự xác định đối tác, hoạt động kinh doanh của mình và có thể tham gia góp vốn vào công ty khác cũng như tự thành lập DN. HTX cũng như DN phân chia lợi nhuận theo
nguyên tắc nhất định. Cơ sở để phân chia lợi nhuận là theo vốn điều lệ.
Cuối cùng, các chủ sở hữu của HTX cũng như chủ sở hữu của các DN khác phải chịu rủi ro về tài chính trên cơ sở cổ phần họ đóng góp. Và HTX cũng như các DN khác đều hoạt động theo cùng chung một luật phá sản (Điều 1, Luật Phá sản Việt Nam 2004).
Tóm lại, giữa HTX và DN khác có nhiều điểm giống nhau hơn là điểm khác nhau. HTX phải được thừa nhận một cách đầy đủ là DN có đặc thù riêng, vì HTX cũng phải đối mặt với những điều kiện kinh tế thị trường như một DN chung định hướng kinh doanh để có thể đáp ứng nhu cầu kinh tế của thành viên.
Về cơ bản, mô hình HTX và Luật HTX phải có sự hấp dẫn và khuyến khích thành viên sẵn sàng đầu tư vào HTX. Hình thức pháp lý của HTX cũng phải hấp dẫn thế hệ trẻ của một đất nước (thế hệ mai sau). Nhà bác học Albert Einstein đã nói: “Tôi phải đặt mình vào tương lai, bởi vì tôi muốn sống ở đó”. HTX kết nối thành viên với thị trường, tạo ra khả năng tiếp cận thị trường. HTX là đối tác thương mại của thành viên - HTX có triển vọng tương lai tốt đẹp.
Nguồn: Tham luận của Ông Christian Albrecht, chuyên gia Liên đoàn HTX CHLB Đức