HTX ra đời và tồn tại trước hết không phải là vì Nhà nước hay mục đích của Nhà nước đề ra. HTX ra đời và tồn tại trước hết là do mong muốn của người dân, do xã viên muốn có HTX để họ có lợi ích cao hơn, để họ sản xuất kinh doanh hiệu quả, để họ cải thiện cuộc sống của mình. HTX như thế có vai trò kinh tế và xã hội rất quan trọng, đặc biệt với các tầng lớp yếu thế hơn, khó khăn hơn. Vì thế, Nhà nước ủng hộ, khuyến khích và hỗ trợ người dân thành lập HTX và phát triển HTX.
Khi cuộc sống người dân được cải thiện, kinh tế hộ phát triển cũng là đóng góp cho phát triển chung của kinh tế-xã hội của địa phương và của cả nước.
1. Nhà nước tạo dựng khuôn khổ pháp lí cho HTX
Nhà nước hỗ trợ thông qua việc tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng và ổn định. Việc ủng hộ, khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước trước hết thể hiện ở việc có một khuôn khổ pháp lý ổn định và tốt cho HTX. Tức là khuôn khổ pháp lý phải thông thoáng, thuận lợi cho HTX và xã viên trong việc thành lập, phát triển HTX.
Việc ban hành hay sửa đổi Luật HTX không được gây cản trở, hạn chế sự phát triển của HTX và người dân tham gia HTX.
Với tinh thần đó, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) phải được hiểu không chỉ là công cụ quản lý nhà nước theo nghĩa bó hẹp nhằm thắt chặt quản lý HTX, không cho HTX tự do phát triển mà phải được quản lý chặt chẽ HTX theo đúng một con đường nào đó đã được vạch sẵn. Xã hội và nền kinh tế quốc dân nói chung cần một Luật Hợp tác xã phù hợp với thực tiễn rất phong phú và sinh động của nền kinh tế thị trường với xu hướng ngày càng cởi mở, hội nhập hóa và toàn cầu hóa cao.
Vì thế, Luật HTX trước hết là giúp cho người dân tự có công cụ, tổ chức kinh tế của riêng mình, nhằm cải thiện kinh tế của mình, đồng thời còn phải là công cụ để khơi dậy tiềm năng của cả xã hội, kích thích, tận dụng các nguồn lực
con người và vật chất để tham gia HTX, giúp HTX ngày càng phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng.
2. Nhà nước có nên hỗ trợ tài chính cho HTX?
Theo kinh nghiệm quốc tế và theo chính thực tiễn phát triển HTX hiện nay, ở Việt Nam, việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho HTX là điều rất cần cân nhắc. Có nhiều lý do và nguyên nhân để phân tích rõ điều này:
- Thực ra HTX được thành lập trước tiên là do người dân muốn và tự nguyện tham gia. Nhà nước chỉ ủng hộ và khuyến khích..;
- Việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho HTX dễ dẫn đến ngộ nhận là Nhà nước đang rất muốn có HTX bằng mọi giá và đề nghị, tuyên truyền người dân tham gia HTX. Tiếp theo là nguy cơ lạm dụng cao, vào HTX để nhận được sự hỗ trợ tài chính của Nhà nước;
- Việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho HTX có thể dẫn đến hậu quả xấu nếu HTX có hàng hóa xuất khẩu, ví dụ như có thể bị nguy cơ kiện phá giá,….;
- Hỗ trợ tài chính trực tiếp cho HTX sẽ làm giảm động cơ, nỗ lực cạnh tranh, nỗ lực cải thiện kinh doanh của HTX và ban lãnh đạo HTX;
- Việc hỗ trợ tài chính mang tính bao cấp sẽ làm môi trường cạnh tranh kém lành mạnh, làm gia tăng bất bình đẳng và không tạo ra sự bền vững cho HTX;
- Thực tế hiện nay, chủ yếu chỉ có các HTX nông nghiệp được hỗ trợ tài chính. Ví dụ, tùy từng tỉnh khi thành lập HTX có thể được hỗ trợ từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, HTX nông nghiệp vẫn khó khăn và yếu kém nhất. Trong khi đó, HTX các lĩnh vực khác như tín dụng-ngân hàng, vận tải, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp,..thì hoạt động khá tốt, hiệu quả mà gần như không được nhận bất cứ hỗ trợ tài chính trực tiếp nào. Đa phần các HTX này mong muốn hỗ trợ ở khuôn khổ pháp lý như thông thoáng hơn điều kiện kinh doanh, dễ tiếp cận vay vốn hơn, được tham gia các chương trình đào tạo, tư vấn,…;
- Cuối cùng, việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho HTX tất yếu dẫn đến và duy trì cơ chế “xin – cho”, dù không mong muốn, trong khi nguồn lực, tiền bạc của Nhà nước thì luôn có hạn. Chỉ với số lượng HTX hiện nay là 19.000 HTX, chưa kể đến gần 400.000 tổ hợp tác thì khó có thể có nguồn lực tài chính nào có thể đáp ứng nổi nhu cầu cần trợ giúp tài chính của HTX và tổ hợp tác.
3. Một số hạn chế của dự thảo Luật HTX (sửa đổi) liên quan đến quản lý nhà nước và hỗ trợ HTX
Dự thảo mới nhất của Luật HTX (sửa đổi) đã được trình để lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII ngày 19/06/2012. Bản dự thảo đã gây chú ý vì nhiều vấn đề cốt lõi chưa rõ ràng, thậm chí còn bất hợp lí, trong đó có cả những nội dung liên quan đến vấn đề cách nhìn của Nhà nước với HTX và cách quản lý của Nhà nước cũng như hỗ trợ HTX
- Dự thảo Luật không theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn cho HTX.
Ngược lại, dự thảo Luật có nhiều qui định thắt chặt hơn, hạn chế quyền tự chủ, tự quyết của HTX, dẫn đến điều lệ của mỗi HTX nếu có cũng thành thừa, thành điều lệ hình thức vì điều lệ HTX không thể hạn chế chặt hơn nữa.
- Dự thảo Luật đã có chủ ý qui định cứng theo hướng hạn chế quyền tự do tiếp cận thị trường của HTX, vô hình chung làm kém tính cạnh tranh của HTX, gây thiệt hại cho chính xã viên, biến HTX thành kiểu tổ chức tự cung tự cấp như thời bao cấp trước kia.
- Dự thảo Luật chủ ý ép các HTX chia lãi theo mức độ dịch vụ là chủ yếu, theo vốn góp là phụ, dẫn đến HTX không mang tính xã hội hóa cao, không khuyến khích xã viên góp vốn, cá nhân vào HTX cũng chỉ góp càng ít càng tốt. Như vậy, HTX đã thiếu vốn lại càng thiếu vốn hơn.
- Dự thảo Luật đưa ra khái niệm “tài sản chung không chia” không rõ ràng, gây bất an cho tâm lí xã viên là những người góp vốn, là những người chủ sở hữu của HTX. Theo đó, kể cả khi giải thể, tất cả “tài sản chung không chia” phải chuyển giao cho Nhà nước hay chính quyền. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, nếu đã thừa nhận tài sản HTX thuộc sở hữu các xã viên (có thể là 7 người, có thể là vài chục người hoặc kể cả là hơn 1000 người), thì chỉ xã viên mới được định đoạt tài sản HTX. Nhà nước không thể coi tài sản HTX là tài sản của toàn dân hay cả cộng đồng một cách chung chung để quyết định thay HTX. Những tài sản mà Nhà nước giao cho HTX (ví dụ đất đai, kênh, mương, sân kho,..) trên thực tế là cho HTX mượn vô thời hạn, thì khi giải thể, HTX phải giao trả lại các tài sản đó cho Nhà nước, chính quyền. Còn các tài sản khác, do HTX có được từ vốn góp, hay tích lũy từ hiệu quả kinh doanh, thì quyền định đoạt phải về HTX (tức tập thể các xã viên thông qua Điều lệ HTX hay Đại hội xã viên).
- Dự thảo có chủ ý ép xã viên phải sử dụng dịch vụ, sản phẩm của HTX là trái với nguyên tắc tự nguyện, trái với cơ chế kinh tế thị trường. Đây là vấn đề cung-cầu của thị trường. Sự can thiệp về quản lý nhà nước thông qua quy định của Luật trong trường hợp này dẫn đến HTX có vị thế độc quyền về lí thuyết, nhưng thực tế xã viên vẫn sẽ bỏ HTX nếu dịch vụ kém, chất lượng tồi, giá không hợp lý.
- Dự thảo quy định bắt buộc HTX phải kết nạp xã viên khi đủ điều kiện là sự can thiệp không đúng của quản lý nhà nước thông qua Luật. Như thế, Luật không tôn trọng sự tự chủ, tự quyết của HTX. HTX có chủ sở hữu của mình (là tập thể các xã viên hiện hữu). Nếu kết nạp thêm xã viên có lợi hơn cho xã viên hiện hữu đương nhiên xã viên hiện hữu đồng ý. Nếu có hại, họ phải có quyền tạm từ chối, vì HTX là của họ, của tập thể một nhóm người xác định. Đây là HTX kiểu mới, chứ không phải HTX “cả làng” kiểu cũ ngày xưa theo kiểu “đánh trống ghi tên”, ai muốn vào đăng ký có nhu cầu và nộp tiền là được. Vì thế mới rất cần quyết định kết nạp xã viên là do Đại hội xã viên thông qua;
- Tóm lại là, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến đã tỏ ra thụt lùi về tư duy quản lý nhà nước, chỉ muốn “quản” cho chặt một cách duy ý chí chứ không “khuyến khích” hay “kích thích” xã hội tham gia HTX. Không thể lấy những hỗ trợ mang tính bao cấp cho HTX để bù đắp lại những hạn chế, ràng buộc quyền tự chủ, tự quyết của HTX. HTX không còn được thừa nhận là doanh nghiệp đặc thù hay hoạt động như doanh nghiệp dẫn đến thiệt hại về quyền lợi cho HTX.
Nguy cơ có thể xảy ra là, người lãnh đạo, điều hành HTX không năng động, nỗ lực với cách làm, cách nghĩ của một doanh nhân, của một doanh nghiệp trên thị trường. Trong khi đó, mô hình HTX đòi hỏi tinh thần tự lực cánh sinh rất lớn, và bất đầu từ những con người lãnh đạo, điều hành HTX. Hay rõ nhất là, nếu HTX không còn được thừa nhận là doanh nghiệp như Luật HTX 2003 thì lại càng khó hơn khi tiếp cận các ngân hàng thương mại để vay vốn. HTX mà không là doanh nghiệp thì rất khó vay vốn thương mại. Chưa kể đến việc, dù có sổ đỏ thì HTX cũng không thế chấp ngân hàng vì nếu coi đó là tài sản chung không chia thì ngân hàng sẽ không phát mại, xiết nợ được. HTX đã khó sẽ càng khó hơn vì tư duy quản lý nhà nước theo kiểu cố phân biệt rạch ròi bằng mọi giá doanh nghiệp và không phải doanh nghiệp.
4. Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước thông qua tính khả thi của Luật Luật HTX và hệ thống qui định kèm theo chính là những công cụ quan trọng nhất để quản lý nhà nước về HTX. Tuy nhiên với nhiều hạn chế, bất cập và cả mâu thuẫn nêu trên, dự thảo mới nhất của Luật HTX, nếu được thông qua, sẽ khó khả thi trên thực tế hoặc sẽ bị “lách’ bằng nhiều cách khác nhau. Và như thế quản lý nhà nước về HTX đã thất bại. Sau đây là một số tình huống có thể xảy ra:
- Nếu Luật không chịu thừa nhận HTX là doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình huống là: các HTX, để có đầy đủ quyền tự do kinh doanh trên thị trường, vì lợi ích thành viên của mình, sẽ thi nhau lập ra hàng loạt các công ty con, công ty trực thuộc theo Luật doanh nghiệp, ví dụ Công ty TNHH một thành viên trực thuộc HTX. Khi đó, HTX có nguy cơ chỉ là một cái vỏ pháp nhân, nếu toàn bộ hoạt động kinh doanh của HTX được ủy quyền, chuyển thác cho công TNHH trực thuộc;
- Luật ép xã viên phải sử dụng sản phẩm dịch vụ của HTX: Nếu xã viên từ chối vì chất lượng dịch vụ, giá cả hay đơn giản chưa có nhu cầu thì , để tránh bị khai trừ, xã viên sẽ chỉ mua tượng trưng 1 kg phân bón ở HTX nông nghiệp hay vay hình thức 50.000 đồng tại Qũy tín dụng nhân dân là được;
- Về quy định “Tài sản chung không chia” trong dự Luật: Các HTX có thể tìm cách chia tài sản do mình làm ra, tích lũy từ hiệu quả kinh doanh trước khi Luật có hiệu lực, thậm chí có thể giải thể, và sau đó thành lập lại;
- Dự Luật quy định chia lãi sau thuế theo mức độ sử dụng dịch vụ không theo vốn góp sẽ dẫn đến tình trạng không ai góp vốn nhiều, thậm chí những người đã lỡ góp vốn nhiều sẽ xin rút vốn. Khi đó người bị khó khăn trước tiến chính là HTX;
- Dự Luật quy định sẽ trợ cấp, ưu đãi cho HTX: Nếu có hỗ trợ bao cấp thật và không có tiêu chí cụ thể, đặc biệt là tiêu chí nghành nghề, địa bà thì dẫn đến thành lập HTX chỉ để được nhận hỗ trợ, bao cấp của Nhà nước;
- Dự Luật qui định có một số ưu đãi, chẳng hạn ưu đãi thuế cho HTX thì cũng chưa chắc khả thi, nếu Luật thuế không qui định điều đó. Về nguyên tắc của hệ thống pháp luật hiện hành, nếu qui định của Luật chung mà trái với luật chuyên ngành thì phải theo luật chuyên ngành (ví dụ không thể có chuyện Luật doanh nghiệp qui định miễn thuế riêng cho một loại hình doanh nghiệp nào đó).