Phương thức kinh doanh bằng hình thức hợp tác xã so với các

Một phần của tài liệu HỢP TÁC XÃ MỘT SỐ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 31 - 35)

I. Ba nguyên tắc cơ bản của mô hình HTX kiểu mới

2. Phương thức kinh doanh bằng hình thức hợp tác xã so với các

Lợi thế của việc mua, bán quy mô lớn và lợi thế của việc độc quyền ở một mức độ nhất định là hai cơ sở kinh tế của mô hình tổ chức hợp tác xã. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là các yếu tố quyết định đến sự thành công trong kinh tế hợp tác xã. Trong nhiều trường hợp, cả hai yếu tố trên đều tồn tại nhưng lại không hề phát huy được hiệu quả.

Chúng ta hãy cùng xem xét trên ví dụ cụ thể ở Hợp tác xã Evergrowth. Rõ ràng là việc mua chung các nguyên liệu đầu vào của hợp tác xã như cám, thuốc thú y và cùng bán ra sản phẩm sữa bò cho các công ty sữa đã giảm đi nhiều chi phí, tăng lợi nhuận cho các xã viên khi họ nuôi bò lấy sữa. Tuy nhiên, giả sử rằng quy mô của hợp tác xã này là tương đối nhỏ với lượng xã viên không lớn (điển hình cho đa số các hợp tác xã đang tồn tại ở Việt Nam), trong khi đó số lượng các tổ chức, cá nhân nuôi và cung ứng sữa bò cho các công ty sữa là rất nhiều. Trong hoàn cảnh này, số lượng nguyên liệu đầu vào mà các xã viên tiêu thụ và thị phần cung cấp sữa của hợp tác xã cho công ty sữa chẳng đáng là bao. Như vậy thì lợi thế của việc mua chung, bán chung của các xã viên trong các hợp tác xã quy mô nhỏ không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Nếu như hợp tác xã này có quy mô lớn hơn, với số lượng đông đảo xã viên và nhu cầu mua chung, bán chung, tiêu dùng cũng lớn hơn thì sao? Nếu chỉ dựa vào nguyên lý thị phần-thị trường thì hợp tác xã rõ ràng có tiềm năng để phát triển.

Tuy nhiên, thực tế thì mô hình tổ chức hợp tác xã lại rất khó tận dụng được lợi thế này để thành công. Lý do nằm ở chỗ phương thức quản trị đặc trưng của hợp tác xã xuất phát từ nguyên tắc mọi xã viên đều có quyền ngang nhau trong việc quyết định các hoạt động của hợp tác xã (dân chủ trực tiếp). Trong khi đó, kinh doanh lại là một nghề chuyên nghiệp đòi hỏi tài năng, kinh nghiệm, sự quyết đoán và chấp nhận rủi ro. Những yếu tố này sẽ rất khó được đáp ứng trong một tổ chức được quản lý, điều hành theo phương thức dân chủ trực tiếp. Để một tập thể đông đảo các xã viên cùng bàn bạc, thống nhất ý kiến và đưa ra quyết định kinh doanh một cách đúng đắn, kịp thời không phải là điều dễ dàng. Các xã viên có trình độ, kinh nghiệm quản lý kinh doanh rất khác nhau, trong đó đa số là không am hiểu hoạt động kinh doanh nên tất yếu các ý kiến biểu quyết thường dựa trên cảm tính, khó đạt được những quyết định kinh doanh có chất lượng. Thời gian để các ý tưởng kinh doanh từ lúc được đưa ra đến khi triển khai trong thực tế cũng mất nhiều hơn, tốn kém hơn khi vấn đề đó được bàn tập thể, quyết định theo đa số trong hợp tác xã. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động theo phương thức đối vốn lại có ưu thế hơn hẳn trong lĩnh vực quản trị. Nguyên tắc chọn lọc của thị trường làm cho vốn được tích tụ và nằm trong sự quản lý của những người thực sự có khả năng phát huy cao nhất giá trị của đồng tiền. Và như vậy, nếu như một tổ chức kinh tế hoạt động trên quy mô lớn thì mô hình tổ chức hợp tác xã lại tỏ ra không hiệu quả, yếu thế hơn so với mô hình tổ chức doanh nghiệp đối vốn và lợi ích mang lại cho các xã viên cũng chưa thật sự thuyết phục được họ tham gia vào hợp tác xã quy mô lớn.

Về lợi ích mang lại từ vị thế độc quyền trong hoạt động mua chung, bán chung của hợp tác xã, giả sử rằng các xã viên của hợp tác xã Evergrowth lập ra hợp tác xã của họ với mục đích làm giảm đầu mối cung ứng nguyên liệu sữa trên thị trường nhằm tạo ra một vị trí độc quyền nhất định ở một mức độ nào đó. Theo phân tích ở phần trên, nếu như hợp tác xã này hoạt động với quy mô vừa và nhỏ thì tầm ảnh hưởng của hoạt động mua, bán của hợp tác xã này chưa đủ lớn để tác động đến thị trường theo ý muốn của các xã viên. Đối với các hợp tác xã quy mô lớn, cung ứng và tiêu thụ lượng hàng hóa, sản phẩm đủ lớn để có thể áp đặt được điều kiện cho thị trường thì yếu tố độc quyền mới phát huy được hiệu quả trong thực tế. Tuy nhiên, để giữ được vị thế độc quyền thì các hợp tác xã này phải sử dụng chính sách giá cả hợp lý để hạn chế sự gia nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh mới. Nói cách khác, giá bán sữa của hợp tác xã này phải thấp hơn giá

bán sữa của các tổ chức kinh tế nhỏ và vừa khác hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Để đạt được mục tiêu này, hệ thống quản trị trong hợp tác xã phải rất tốt và đây lại là khó khăn rất khó vượt qua đối với các hợp tác xã muốn phát triển trên quy mô lớn. Có thể thấy rằng, cho dù hợp tác xã bò sữa này có thể đạt được vị thế như thế nào đi chăng nữa trên thị trường, thì các tổ chức kinh tế hoạt động trên phương thức quản trị khác với hợp tác xã cũng có thể đạt được thành công tương tự thông qua hoạt động mua sỉ, bán sỉ của họ. Và như vậy, yếu tố độc quyền cũng không phải là cơ sở kinh tế cho sự phát triển của hợp tác xã.

Một câu hỏi đặt ra là, nếu không phải vì lợi ích từ việc mua chung, bán chung hay độc quyền ở một mức độ nhất định thì sự thành công trong hoạt động của hợp tác xã được đảm bảo từ yếu tố nào? Xuất phát từ bản chất “lưỡng tính”

của mô hình hợp tác xã, vừa mang tính chất của một hiệp hội xã hội, vừa mang tính chất của một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, các nhà nghiên cứu đã chứng minh hợp tác xã có một loại tài sản rất đặc thù không có được ở các mô hình kinh doanh khác, đó là sự tin cậy lẫn nhau giữa các xã viên.

Để quan hệ kinh doanh phụ thuộc lẫn nhau mang tính nội bộ giữa hợp tác xã và các xã viên phát triển bền vững thì tài sản “sự tin cậy” của hợp tác xã là một yếu tố kết nối không thể thiếu. Mỗi xã viên phải cảm thấy được anh ta có thể tin tưởng vào tổ chức nơi mà hiệu quả hoạt động kinh tế của anh ta phụ thuộc phần lớn vào việc cung cấp dịch vụ của hợp tác xã. Để làm được điều đó, tổ chức và hoạt động của hợp tác xã phải đảm bảo nguyên tắc hợp tác xã không được lợi dụng vị thế của mình để làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của các xã viên. Bên cạnh đó, giữa các xã viên phải có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, hiểu biết về điều kiện hoàn cảnh sống của nhau. Qua đó, các xã viên mới biết được nhu cầu của nhau trong hoạt động kinh tế để từ đó thống nhất được nhu cầu chung cùng thực hiện thông qua hợp tác xã. Nguyên lý này có thể được nhìn nhận rất rõ trong tổ chức và hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân. Sự thành công của mô hình này nằm ở chỗ hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện trong nội bộ các xã viên có quan hệ khăng khít với nhau về cả kinh tế và đời sống hàng ngày. Xã viên vừa là người đi vay, lại vừa là người cho vay. Do đã có sẵn hiểu biết về nhau nên việc quyết định cho vay sẽ có thủ tục đơn giản và đạt hiệu quả tín dụng cao hơn nhiều so với việc vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Vì vậy, có thể nhận định rằng, tài

sản “sự tin cậy” là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của mô hình hợp tác xã.

Từ những nhận định ở trên, chúng tôi cho rằng mô hình hợp tác xã chỉ phù hợp với một số ngành, lĩnh vực nhất định, như đã phân tích, đồng thời cũng chỉ phù hợp với phạm vi quy mô hoạt động nhỏ, trên một địa bàn nhất định và giữa những cá nhân có mối quan hệ tương đối chặt chẽ với nhau như đã phân tích ở phần 2 bài viết này. Với hợp tác xã, bản chất trợ giúp lẫn nhau của các đối tượng yếu thế trên thương trường thì chỉ có thể trong quy mô nhỏ, phạm vi hẹp ở một số lĩnh vực mà kinh tế hộ gia đình, kinh tế nông nghiệp tập trung mà thôi. Bởi vì, đối tượng yếu thế thì hoạt động kinh tế của họ cũng chỉ diễn ra ở trong phạm vi nhỏ và hẹp, do đó các dịch vụ mà hợp tác xã mang lại cho họ cũng chỉ diễn ra trong phạm vi đó.

Thực tế đối với các hợp tác xã quy mô lớn, ví dụ như Sài Gòn Co-op, các xã viên là các hợp tác xã lớn, có vị thế và tài sản chứ không còn là đối tượng yếu thế cần quan tâm nữa. Đặc biệt là, một trong những đặc điểm của hợp tác xã như đã nói ở trên là tính độc quyền. Trong phạm vi nhỏ, hẹp của kinh tế hộ gia đình thì tính độc quyền của hoạt động dịch vụ của hợp tác xã có ý nghĩa tránh sự chèn ép của đối tác, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho xã viên. Tuy nhiên, nếu hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã phát triển ở quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng và đã có khả năng áp đặt điều kiện lên các đối tác thì đặc tính độc quyền trong hoạt động của các HTX này lại không còn mang tính hợp lý nữa mà lúc này lại đặt ra vấn đề hành vi độc quyền đó, ngược lại mang đến những tác động tiêu cực cho thị trường, hạn chế cạnh tranh và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, như đã lập luận ở trên, mô hình hợp tác xã sẽ rất khó thành công khi mở rộng phạm vi kinh doanh và hoạt động cũng như mở rộng đối tượng tham gia làm xã viên. Một khi hợp tác xã đã mở rộng đến một mức độ nào đó, muốn phát triển thêm nữa buộc nó phải tự thay đổi, không còn giữ được đúng bản chất và phương thức hợp tác, quản trị theo mô hình hợp tác xã đúng nghĩa nữa.

Do đó, chính sách phát triển hợp tác xã của Nhà nước cần phải có những điều chỉnh thích hợp để đảm bảo việc động viên, phát triển những tổ chức kinh tế thực sự mang bản chất của hợp tác xã, bảo vệ và giúp đỡ đối tượng yếu thế trong xã hội, tránh việc các tổ chức kinh tế thuần túy hoạt động kinh doanh vì mục đích

lợi nhuận nhưng lại hoạt động dưới hình thức hợp tác xã và hưởng những ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước.

Một phần của tài liệu HỢP TÁC XÃ MỘT SỐ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(76 trang)
w