II. Những hạn chế của dự thảo Luật HTX sửa đối đối với quyền tự chủ của HTX
5. Không phải ai muốn vào HTX cũng được
Theo Luật HTX hiện hành, các thành viên sáng lập HTX, thành viên tham gia HTX thành viên không chỉ là người tâm huyết, có ý tưởng cao đẹp, đóng góp công sức mà họ còn trực tiếp góp vốn vào HTX, cũng giống như các nhà đầu tư.
Họ đầu tư vào HTX với mong muốn không chỉ nhận cổ tức mà quan trọng hơn là còn nhận được những sản phẩm, những dịch vụ mang cho họ lợi thế hơn trong đời sống, trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cả tinh thần và nhất là vật chất vào HTX, với mong muốn nhận được nhiều lợi ích nhất từ HTX. Điều này hoàn toàn phù hợp với đường lối khuyến khích phát triển HTX kiểu mới của Đảng và Nhà nước, theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW 5 (khóa IX) về kinh tế tập thể, mà HTX là nòng cốt.
Tuy nhiên, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) bắt buộc HTX phải kết nạp thành viên khi đủ điều kiện là không thực tế và không khả thi. HTX là một tổ chức kinh doanh, có vốn, có điều lệ, có pháp nhân…của những thành viên lập ra nó. Việc gia nhập HTX là sự tự nguyện, tự nguyện từ phía người mới xin gia nhập và tự nguyện cả từ những thành viên HTX hiện hữu. Nếu việc kết nạp thành viên mới là có lợi cho các thành viên hiện hữu thì đương nhiên họ sẽ đồng ý kết nạp thành viên mới. Nếu HTX không đủ năng lực (cung cấp dịch vụ, sản phẩm) thì việc kết nạp thành viên mới có thể có hại cho thành viên hiện hữu thì HTX tạm thời từ chối kết nạp thành viên mới.
HTX kiểu mới ngày nay như là một ngôi nhà có chủ. Chủ của ngôi nhà đó là tập thể các thành viên HTX. Điều này được pháp luật công nhận. Ai muốn vào nhà đó, muốn cùng ở trong ngôi nhà đó thì phải hỏi tập thể những người chủ của ngôi nhà đó. HTX kiểu mới ngày nay không phải là HTX “cả làng”, HTX “cả xã” như ngày xưa, theo kiểu đánh trống ghi tên. Không thể ai thích vào thì vào, cứ tự nhận có nhu cầu và chỉ đóng chút tiền tối thiểu như là một loại phí là có thể thành xã viên. Nếu qui định về kết nạp xã viên một cách cứng nhắc như vậy thì rõ ràng HTX lại trở thành HTX kiểu cũ thời bao cấp; gọi là có chủ, mà không có chủ thực sự, “cha chung không ai khóc” và HTX không có cơ hội phát triển được.
Trong nền kinh tế thị trường, các thành viên của HTX vì vậy phải được lựa chọn những ai mà họ muốn cùng hợp tác kinh doanh để có lợi ích cho chính họ.
Quyết định của họ sẽ được thực hiện thông qua Điều lệ HTX hay nghị quyết đại hội xã viên. Như vậy, HTX sẽ tránh được những những cá nhân vào HTX vì động cơ xấu như tìm cách chia chác tài sản tích lũy lâu năm của HTX, hay tồi tệ hơn là họ vào HTX là để lợi dụng tính đối nhân, mỗi người một phiếu biểu quyết như nhau, nhằm gây mất đoàn kết, gây bất ổn trong HTX, còn nếu chỉ vì để sử dụng dịch vụ của HTX thì không nhất thiết phải là thành viên. HTX hoạt động như doanh nghiệp, tự do tiếp cận thị trường và sẽ phục vụ cả xã hội nếu họ còn năng lực và vẫn đảm bảo đem lại lợi ích cho thành viên của mình. Do vậy, rất cần phải tôn trọng quyền tự chủ, quyền tự quyết của các xã viên hiện hữu, xem họ có muốn thêm thành viên mới không. Chính vì thế mới có qui định thẩm quyền kết nạp thành viên của Đại hội xã viên.
Khái niệm tài sản chung không rõ ràng gây bất lợi cho HTX
Hiện nay, các HTX đang quản lý và sử dụng nhiều tài sản khác nhau, từ nhiều nguồn khác nhau. Phải phân biệt rất rõ ràng, rành mạch các loại tài sản này.
Đó chẳng hạn là: tài sản do HTX đi vay; tài sản do HTX đi mượn; tài sản do HTX được chính quyền giao sử dụng; tài sản HTX được cho, tặng hay tài sản HTX do thành viên góp vốn; tài sản HTX do tích lũy từ hoạt động kinh doanh,...
Nếu trong trường hợp HTX phải giải thể thì trước hết HTX phải thực hiện các nghĩa vụ sau: Tài sản đi vay thì HTX phải trả người cho vay; tài sản đi mượn HTX phải trả người cho mượn; tài sản được Chính quyền giao sử dụng HTX phải trả lại cho Chính quyền. Các tài sản trên không thể là tài sản thuộc sở hữu của HTX. Các tài sản khác đã gọi là tài sản thuộc sở hữu HTX, trong đó bao gồm tài sản do thành viên góp vốn, giá trị tăng thêm của tài sản, tài sản tích lũy từ hoạt động kinh doanh và kể cả tài sản được cho tặng, nếu có chứng minh theo qui đinh, thì phải do chính HTX được quyền định đoạt, quyết định. Nếu không cho HTX có quyền định đoạt thì không thể gọi đó tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Đặc biệt rất nhiều HTX và xã viên bức xúc và bất bình với khái niệm “tài sản chung, không được chia” tại Điều 53 trong dự thảo Luật. Theo đó, HTX phải chuyển giao cho Nhà nước toàn bộ cái gọi là “tài sản chung, không được chia”
này khi giải thể, không còn hoạt động. Nếu Nhà nước là chủ sở hữu của HTX thì điều này mới được thực hiện như vậy. Nhưng nếu xã viên là chủ sở hữu của HTX
thì điều này thật vô lý và bất công. Nhà xưởng, trụ sở của HTX là do công sức làm ăn hiệu quả trong nhiều năm từ đồng vốn góp của chính họ. Các thành viên HTX thậm chí nhiều năm đã “phải hi sinh” không nhận, hay nhận rất ít cổ tức để tích lũy đầu tư cho HTX của mình, đầu tư cho trụ sở, nhà xưởng khang trang như ngày nay.
Một hệ lụy nữa mà các HTX sẽ gặp phải với khái niệm “Tài sản chung không chia” này theo cách áp luật của dự thảo Luật HTX. Phần lớn HTX không có hoặc chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho trụ sở, đất đai của mình.
Thậm chí có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn không được ngân hàng chấp nhận làm tài sản đảm bảo với lí do: tài sản chung không chia thì ngân hàng không thể xiết nợ, phát mại được. Như thế, HTX đã thiếu vốn lại càng khó vay vốn ngân hàng hơn, vì khái niệm tài sản chung không chia này không cho phép phát mại, thanh lý, bán tài sản, mặc dù đó là tài sản thuộc sở hữu HTX. Cách đặt vấn đề như thế của dự thảo đã khiến không ít người lo lắng, thậm chí còn so sánh chẳng khác gì quốc hữu hóa tài sản của các thành viên HTX. Điều này hoàn toàn không đúng với quan điểm, chủ trương và đường lối của Đẳng, Nhà nước về kinh tế HTX.
Sẽ có nhiều hậu quả tai hại khó lường nếu như cái khái niệm “tài sản chung, không được chia” này được áp dụng. Cả hệ thống HTX, trong đó có không ít HTX mạnh, tốt, hoạt động hiệu quả từ nhiều năm sẽ bị xáo trộn và suy yếu. Bởi vì khi đó, các HTX sẽ không còn động cơ tự nguyện tích lũy để đầu tư trụ sở, cơ sở vật chất nữa. Một nguy cơ lớn xảy ra là HTX làm được bao nhiêu sẽ tìm cách chia cổ tức nhiều nhất như có thể. Thậm chí còn có khả năng nhiều HTX tìm cách giải thể để chia tài sản chính đáng của mình trước khi Luật có hiệu lực, sau đó lại thành lập lại HTX. Tất cả những điều này là không mong muốn, rất tiêu cực và làm cản trở sự phát triển của HTX.
Trong khi đó, theo thông lệ của hầu hết các nước có HTX phát triển, tài sản thuộc sở hữu HTX được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ. Một khi tài sản đã thuộc quyền sở hữu HTX thì HTX có toàn quyền định đoạt, thông qua điều lệ hay Đại hội xã viên. Và theo đó, tất nhiên HTX có quyền tự quyết không chia tài sản khi giải thể, HTX có quyền hiến cho Nhà nước, tặng lại cho Hiệp hội hay HTX khác, nếu đa số các xã viên mong muốn điều đó. Đây là quyền tự chủ của HTX, không phải sự can thiệp của Luật.
Đinh Thị Phương Khanh – Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An khóa XIII, tại phiên họp ngày 19/06/2012
Về tài sản không chia cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, quy định tại Điều 51: Tôi thống nhất quan điểm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cần phải có tài sản không chia nhằm tạo ra sự phát triển bền vững của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tăng cường sự liên kết giữa các thành viên. Tuy nhiên, dự thảo Luật qui định về tài sản chung không chia bao gồm tài sản được hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ Nhà nước, tài sản được cho, biếu, tặng, tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trong trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể thì phần tài sản chung không chia do Đại hội thành viên quyết định chuyển giao cho chính quyền địa phương hoặc tổ chức phi lợi nhuận quản lý, sử dụng để phục vụ mục đích chung của cộng đồng tại địa phương hoặc chuyển giao cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khai thác quản lý, sử dụng vì mục tiêu phát triển phong trào hợp tác xã.
Về nguyên tắc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải có tài sản chung không chia trong quá trình hoạt động nhưng cần phải qui định rõ gồm những loại tài sản nào, thuộc nguồn vốn nào? Thực tế cho thấy có những khối tài sản chung được hình thành do tích lũy mà không chia được. Ví dụ: công trình, dịch vụ sản xuất nông nghiệp, kênh mương, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ chung cho cộng đồng dân cư, nhưng cũng còn rất nhiều loại tài sản chung của hợp tác xã được hình thành từ vốn góp của xã viên và các nguồn vốn phát triển sản xuất do hợp tác xã tích lũy như nhà xưởng, trụ sở, máy móc, thiết bị những tài sản này thuộc sở hữu xã viên và được sử dụng phân chia sẽ do điều lệ hợp tác xã qui định. việc đánh đồng tất cả các tài sản chung không chia, trong đó có phần công sức đóng góp của các thành viên thì sẽ không khuyến khích các hợp tác xã trong quá trình hoạt động tiết kiệm để tích lũy tái đầu tư vào cơ sở vật chất.
Trong qui định tại khoản 2 Điều 51, chỉ làm rõ nguồn vốn của tài sản chung không chia mà chưa qui định tài sản chung không chia gồm những loại hình nào. Vì qui định như dự thảo Luật sẽ dẫn đến một số bất cập về mặt pháp lý sẽ có các hậu quả, gây tâm lý hoang mang không an tâm đối với hợp tác xã,
xã viên, đặc biệt đối với các hợp tác xã hoạt động hiệu quả có được trụ sở, cơ sở vật chất lớn tích lũy từ nhiều năm qua và cũng có thể các hợp tác xã sẽ tìm cách lách luật như giải thể tự nguyện trước khi Luật mới này được áp dụng. Hợp tác xã sẽ không có động lực để trích lập các quỹ tiền cấp, chia cổ tức càng nhiều, càng tốt, vì trích lập vào quỹ không chia là mất quyền sở hữu trên thực tế. Do đó tôi kiến nghị cần xem xét lại điểm c khoản 2 Điều 51.
Đồng thời nên tiếp thu khoản 3 Điều 35 cuả Luật hợp tác xã năm 2003 về tài sản của hợp tác xã để bổ sung thêm cho rõ hơn trong luật các loại tài sản chung không chia sau này không phải hướng dẫn các văn bản dưới luật.