II. Những hạn chế của dự thảo Luật HTX sửa đối đối với quyền tự chủ của HTX
2. Dự thảo Luật HTX quá chi tiết sẽ làm cho khung pháp lý không có tính ổn định
Mặt khác, việc dự thảo Luật HTX (sửa đổi) quá chi tiết, cụ thể sẽ dẫn tới tình trạng, khi Luật được ban hành sẽ mau chóng lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn kinh tế thị trường rất sinh động, phong phú và đang phát triển rất nhanh. Hơn nữa, đây là Luật khung, quy định chung cho tất cả các HTX thuộc các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác nhau, chứ không phải áp dụng riêng cho các HTX nông nghiệp chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường. Có những qui định có thể phù hợp với HTX nông nghiệp chuyển đổi nhưng hoàn toàn không phù hợp với các HTX mới thành lập, hay các Quỹ tín dụng nhân dân, các HTX vận tải, tiểu thủ công nghiệp,…
Việc sửa đổi luật là một dự án quan trọng và tốn kém, không chỉ tiền bạc và thời gian mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh chung của HTX, của những người đã tham gia và sẽ tham gia HTX. Vì vậy, các cơ quan soạn thảo và thẩm tra đều cần quan tâm nghiên cứu sâu rộng và cẩn trọng để khi Luật được Quốc hội thông qua, sẽ có một khuôn khổ pháp lý tương đối lâu dài, tránh việc sửa Luật ngay sau khi mới ban hành.
Làm luật cần như một vụ đầu tư
Tác giả: PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Bài đã được xuất bản.: 14/11/2010 04:00 GMT+7
Làm luật, được hiểu là công việc biên soạn các điều khoản cụ thể của một dự thảo luật, không chỉ đơn giản là ngồi giữa bốn bức tường của phòng làm việc ngẫm nghĩ, rồi viết.
Đằng sau mỗi dự thảo luật được đệ trình cho Quốc hội nhân một kỳ họp, là các công tác chuẩn bị đa dạng và đồ sộ diễn ra trong thời gian dài, có khi đến vài năm, trong khuôn khổ một dự án lập pháp: phân tích chính sách, thu thập thông tin, dữ liệu, khởi thảo, thu thập ý kiến đóng góp của các tầng lớp xã hội, hoàn chỉnh dự thảo…
Các công tác ấy đều được trả thù lao. Bởi vậy, dự án làm luật có quy mô càng lớn, thì ngân sách cho dự án càng cao.
Ở Việt Nam, chi phí cho sự ra đời của một đạo luật còn có thể gia tăng do luật thường chỉ có những quy định rất tổng quát và chỉ được áp dụng một khi được cụ thể hoá bằng các nghị định, thông tư.
Vấn đề là không phải dự án làm luật nào cũng vận hành suôn sẻ, nghĩa là cho ra được các dự thảo tốt, được thông qua thành luật, được ban hành và phát huy tác dụng tích cực đối với đời sống xã hội. Có những luật người ta cứ loay hoay chẳng biết tổ chức thi hành như thế nào; điển hình là trường hợp của một luật liên quan đến thanh niên được thông qua cách nay vài năm.
Đáng chú ý là có rất nhiều luật đều phải được xem lại và sửa đổi chỉ sau một thời gian ngắn được áp dụng. Tình trạng này được ghi nhận không chỉ đối với các luật có phạm vi điều chỉnh tương đối chuyên biệt mà còn cả với những luật đồ sộ, có tầm chi phối sâu rộng, như Bộ luật dân sự, Luật đất đai,…
Luật làm ra mà không phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống thì phải sửa. Ở nhiều nước, người ta sửa luật rất thường xuyên, nhất là trong điều kiện có một cơ quan lập pháp làm việc toàn thời gian.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, luật được sửa phải là một luật đã từng được đánh giá là tốt, nghĩa là đã từng đóng tròn vai công cụ điều chỉnh ứng
xử xã hội. Đến một lúc nào đó, do hoàn cảnh, điều kiện sống trong không gian chung đã khác trước, luật không còn đáp ứng được các yêu cầu mới, thì phải được ra soát lại để hoàn thiện hoặc thay thế.
Vả lại, một hệ thống pháp lý được gọi là lành mạnh, bền vững, điều kiện cần thiết cho sự phát triển xã hội trong bình ổn, phải bao gồm các yếu tố cấu thành, tức là các luật, có cùng phẩm chất đó. Rõ hơn, mỗi đạo luật phải được xây dựng trên một nền các nguyên tắc cơ bản ổn định và nhất quán. Theo thời gian, nội dung của luật có thể được sửa trong khuôn khổ cải cách luật pháp, để hoàn thiện các giải pháp cụ thể cho phù hợp với khung cảnh; còn tinh thần của luật, dựa vào các nguyên tắc cơ bản được thiết lập lúc ban đầu, phải được giữ nguyên.
Ở Việt Nam, không ít luật sau một thời gian rất ngắn phải bị bãi bỏ toàn bộ và được thay thế bằng một luật có cùng tên nhưng nội dung cốt lõi hoàn toàn khác biệt, không hề có tính kế thừa. Luật thương mại năm 2005, thay thế Luật năm 1997, là một ví dụ tiêu biểu.
Nếu luật không đáp ứng được kỳ vọng của Nhà nước và xã hội khi được đưa ra áp dụng, thì dự án làm luật coi như thất bại. Ở góc độ kinh tế, đó thực sự một vụ làm ăn thua lỗ; còn đối với người đóng thuế, đây là một vụ đầu tư công không hiệu quả, gây lãng phí các nguồn lực xã hội.
Hẳn đến lúc nên cân nhắc, suy nghĩ về việc đặt hoạt động xây dựng pháp luật dưới một cơ chế kiểm định chất lượng nghiêm ngặt. Cần xây dựng bộ tiêu chí khách quan đặt cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả của các dự án làm luật, theo cách người ta đánh giá một dự án đầu tư.
Mặt khác, cần quy trách nhiệm của những người có liên quan, trong trường hợp luật làm mà không áp dụng được, thậm chí gây phản tác dụng, kiềm hãm sự phát triển.
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-12-lam-luat-can-nhu- mot-vu-dau-tu