CHƯƠNG 2. CÁC KỸ THUẬT ĐIỀU DƯỠNG CƠ SỞ I
A. KỸ THUẬT DÙNG THUỐC BẰNG ĐƯỜNG TIÊM
14.6. K Ỹ THUẬT ĐƯA THUỐC VÀO CƠ THỂ BẰNG ĐƯỜNG MIỆNG
Đưa thuốc vào cơ thể người bệnh bằng đường miệng một cách an toàn và hiệu quả.
Đây là đường thông dụng, dễ thực hiện, người bệnh thông thường có thể tự uống, ít có tác động tâm lý sợ hãi.
Thuốc cho vào đường miệng có nhiều dạng, tùy mỗi loại có đặc tính và cách dùng khác nhau. Người điều dưỡng cần phải biết và hướng dẫn cho người bệnh.
14.6.2. Các trường hợp áp dụng:
- Uống thuốc áp dụng cho mọi người bệnh có thể uống được mà không bị dịch dạ dày phá hủy.
14.6.3. Các trường hợp không áp dụng:
- Người bệnh mất phản xạ nuốt.
- Người bệnh bị nôn liên tục.
- Người bệnh mất trí.
- Người bệnh cố ý không uống thuốc.
14.6.4. Những điều người điều dưỡng cần chú ý khi cho người bệnh uống thuốc:
- Phải thực hiện 5 đúng.
- Nên cho uống lúc người bệnh đang thức, tỉnh táo thoải mái.
- Chỉ uống thuốc với nước đun sôi để nguội hoặc nước tinh khiết. Không uống thuốc với nước khoáng vì độ pH của nước khoáng khác nước tinh khiết sẽ ảnh hưởng tới sự hấp thu thuốc. Cũng không nên uống thuốc cùng nước trái cây (chất axit ảnh hưởng tới hấp thu) sữa hay trà (canxi trong sữa hoặc tanin trong trà có thể gây kết tủa một số thuốc)
- Thuốc trợ tim phải đếm mạch trước khi cho người bệnh uống.
- Thuốc Aspirin có thể gây chảy máu dạ dày phải cho người bệnh uống vào lúc no (sau khi ăn), không uống chung với các loại thuốc có tính chất kiềm.
- Thuốc hạ huyết áp khi dùng phải cho người bệnh nằm tại giường.
- Thuốc chống viêm không steroid và steroid sẽ gây loét dạ dày nên cho người bệnh uống sau khi đã ăn no. (Thuốc corticoit uống vào 6-7 giờ sáng sau khi ăn no. Vì chu kỳ tiết glucocorticoid của tuyến thượng thận là tiết ra cao điểm vào lúc sáng, khoảng 8h sáng và giảm dần trong ngày nên khi dùng corticoid cũng nên tôn trọng chu kỳ này dù là dùng lâu ngày hay ngắn ngày thì cũng nên dùng liều 1 lần vào buổi sáng).
- Thuốc có tính chất axít làm hại men răng trước khi cho uống cần pha loãng và cho uống qua ống hút: thuốc có tính axít như axít ascorbic, acetylsalicylic, các thuốc bổ chứa sắt…
- Thuốc dầu sau khi uống xong nên cho người bệnh uống nước cam hay nước chanh để giảm cảm giác buồn nôn.
- Mùi vị một số thuốc làm cho người bệnh buồn nôn nên cho người bệnh ngậm đá sau khi uống vài phút.
- Trường hợp phát nhầm thuốc cho người bệnh phải thành thật báo cáo cho thầy thuốc biết để xử lý kịp thời.
- Trường hợp trẻ nhỏ không tự uống được thuốc thì phải hòa tan thuốc thành dạng nước.
- Theo dõi tác dụng của thuốc, phản ứng của thuốc (nếu có).
- Ghi vào hồ sơ người bệnh những thuốc do chính tay mình cho người bệnh uống.
14.6.5. Quy trình kỹ thuật:
14.6.5.1. Chuẩn bị người bệnh:
- Đối chiếu đúng người bệnh
- Giải thích cho người bệnh hiểu để hợp tác.
- Tư thế người bệnh thích hợp.
14.6.5.2. Chuẩn bị điều dưỡng.
- Điều dưỡng đội mũ, đeo khẩu trang, rửa tay thường quy.
14.6.5.3. Chuẩn bị dụng cụ
- Thuốc theo chỉ định: Thuốc viên, thuốc nước hay thuốc nhỏ giọt.
- Cốc đựng thuốc.
- Cốc đựng nước uống.
- Bình đựng nước uống.
- Các dụng cụ đo lường: Cốc chia độ, thìa canh, thìa cà phê, ống đếm giọt.
- Phiếu cho thuốc.
- Vài miếng gạc sạch.
- Dụng cụ để tán thuốc viên.
- Khay khay quả đậu.
- Dụng cụ đựng đồ bẩn.
14.6.5.4. Tiến hành:
- Ðiều dưỡng xem lại chỉ định điều trị và phiếu cho thuốc để tránh nhầm lẫn (áp dụng 3 kiểm tra, 5 đối chiếu trong suốt thời gian người bệnh dùng thuốc).
- Kiểm tra nhãn thuốc và lấy thuốc: Phải đối chiếu kỹ nhãn thuốc trên chai thuốc, lọ thuốc cùng với lệnh điều trị.
+ Lấy thuốc viên: Tay phải cầm lọ đựng thuốc viên, tay trái mở nắp lọ thuốc hoặc cốc đựng thuốc đổ thuốc vào cốc đếm đủ số lượng cần lấy (không được dùng tay để bốc thuốc).
Hình 14.20: Lấy thuốc viên
+ Lấy thuốc dung dịch trong chai: Tay phải cầm chai thuốc lắc nhẹ cho thuốc trộn đều, tay trái mở nắp chai và ngửa nắp chai thuốc lên trên mặt bàn, cầm cốc đựng thuốc đưa ngang với tầm mắt, đầu ngón cái ngang mức thuốc cần lấy. Ðể nhãn của chai thuốc lên trên và rót thuốc không để miệng chai thuốc chạm vào miệng cốc. Lấy đủ số lượng thuốc, lau sạch miệng chai thuốc bằng miếng gạc sạch và đậy nắp chai lại, để chai thuốc về chỗ cũ.
+ Lấy thuốc dung dịch dạng ống: Sát khuẩn ống thuốc, dùng gạc bẻ ống thuốc, cho thuốc vào ly, không cần hòa thêm nước vào thuốc.
+ Lấy thuốc nhũ tương dạng gói: cắt hay xé đầu vỏ bao thuốc, cho thuốc đủ liều vào ly, không hòa thêm nước.
+ Thuốc dạng bột: cho thuốc vào cốc có sẵn một ít nước ấm, khuấy đều.
+ Thuốc viên dạng sủi bọt: Cho thuốc vào ly nước, chờ thuốc tan hoàn toàn.
+ Lấy thuốc giọt: Cho một ít nước đun sôi để nguội vào cốc để làm loãng thuốc.
Tay phải cầm thẳng ống hút đưa đầu ống hút vào lọ thuốc và hút thuốc, nhỏ từng giọt cẩn thận vào cốc đếm giọt theo chỉ định.
- Trước khi bỏ vỏ lọ thuốc phải kiểm tra nhãn thuốc lại lần nữa. Rồi đặt thuốc đã lấy vào khay kèm theo phiếu điều trị, mang khay thuốc và nước đến giường người bệnh.
Hỏi đúng họ tên người bệnh, số giường, số buồng.
- Ðộng viên và giải thích để người bệnh an tâm và chịu uống thuốc.
- Giúp người bệnh ngồi dậy hoặc nằm tư thế đầu cao để người bệnh dễ uống và dễ nuốt.
- Ðưa nước và thuốc cho người bệnh uống, khi uống xong lau miệng cho người bệnh và để người bệnh nằm lại theo tư thế thuận lợi.
+ Thuốc viên: đưa từng viên, uống với nước thích hợp.
+ Thuốc dạng nước hay dung dịch: đưa cốc để người bệnh tự uống, uống thêm một ít nước chín sau khi nuốt xong.
+ Thuốc dạng bột: khuấy đều trước khi uống.
+ Thuốc trong miệng: đặt thuốc vào miệng đến khi thuốc tan hoàn toàn.
+ Thuốc dạng nhai: Đặt thuốc giữa 2 răng, hướng dẫn người bệnh nhai nhuyễn viên thuốc. Uống thêm một ít nước chín sau khi nuốt xong thuốc.
- Trường hợp nếu là trẻ em phải động viên, thuyết phục làm cho trẻ tự giác uống thuốc là tốt nhất. Nếu trẻ thích người nhà cho uống như bố mẹ thì phải hướng dẫn, giúp đỡ họ thực hiện.
- Nếu trẻ quá nhỏ không tự uống được thì điều dưỡng viên phải hoà tan thuốc thành dạng nước (có thể thêm một ít đường để trẻ dễ uống). Rồi điều dưỡng bế trẻ nằm ngửa, đầu trẻ hơi cao và áp sát vào người. Sau đó dùng thìa cà phê lấy thuốc đặt sát miệng trẻ ở giữa hoặc phía cạnh má đổ từ từ thuốc vào cho trẻ uống, và tráng lại bằng ít nước sôi để nguội, lau miệng cho khô.
- Thu dọn dụng cụ rửa sạch và lau khô, chuẩn bị những dụng cụ cần thiết để đem tiệt khuẩn như cốc thuốc, cốc nước và thìa, v.v..
- Trả phiếu thuốc vào chỗ cũ hay để vào ô giỏ cho thuốc lần sau.
- Ghi vào hồ sơ: ngày giờ cho người bệnh uống thuốc, tên thuốc, số lượng và cách cho uống, phản ứng của thuốc (nếu có) với những trường hợp không thực hiện được như:
người bệnh vắng mặt, nôn, từ chối không uống.
- Ghi rõ họ tên người thực hiện cho thuốc người bệnh.